Trại sáng tác tại Điện Biên: Trao đổi thảo luận sau đợt sáng tác
Qua ba ngày đi thực tế sáng tác, mỗi hội viên chọn 3 ảnh tốt nhất của mình để đưa ra giới thiệu và cùng trao đổi trong tổ. Với kinh nghiệm sống cũng như kinh nghiệm sáng tác của mình, hội viên đã phân tích những điểm hợp lý và không hợp lý trong nội dung, nét đẹp và chưa đẹp về góc chụp, bố cục, ánh sáng, màu sắc, khẩu độ, tốc độ…
Các báo cáo viên nhận xét ảnh của từng hội viên, chia sẻ kinh nghiệm chụp ảnh và xử lý hậu kỳ. Các báo cáo viên cũng lưu ý hội viên nên tránh việc trùng lặp đề tài, nếu ảnh chụp trùng với những tác phẩm đã thành công, nhưng không xuất sắc bằng thì không nên công bố. NSNA Lê Hồng Linh đặc biệt nhấn mạnh đến nội dung tác phẩm, một tác phẩm ảnh nghệ thuật ngoài việc đáp ứng nhu cầu giải trí, thể hiện cái đẹp, còn đóng vai trò giáo dục, tuyên truyền. Tác phẩm đẹp nhưng nội dung không tốt cũng không được đánh giá cao.
NSNA Ngọc Thái trao đổi với các hội viên
NSNA Khắc Hường trao đổi với các hội viên
NSNA Lê Hồng Linh trao đổi với các hội viên
Các nhóm trao đổi, thảo luận
Ban Giám khảo chấm ảnh
NSNA Lê Hồng Linh trao đổi, đánh giá kết quả sáng tác
Chiều cùng ngày, ban giám khảo gồm ba NSNA: Lê Hồng Linh, Đặng Ngọc Thái và Khắc Hường tiến hành chấm ảnh dưới sự chứng kiến của toàn thể học viên. Trong tổng số 145 ảnh, Ban giám khảo đã chọn được 65 ảnh triển lãm, từ đó, bỏ phiếu điểm, chọn được 6 ảnh xuất sắc nhất trao giải đồng hạng. Bộ ảnh đoạt giải có nội dung tốt và đa dạng, ánh sáng, bố cục tốt.
“Khám bệnh vùng cao” của Tô Hợp (Điện Biên) là bức ảnh tả thực, không dàn dựng với bố cục tốt, tác giả đã chụp các bác sỹ đang khám bệnh cho đồng bào dân tộc ở Điện Biên.
Tác phẩm “Dìu dắt” – tác giả: Đồng Đăng (Thái Nguyên) đã khai thác được ánh sáng ngược, sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng, diễn tả thành công tình yêu thương mẹ con.
Tác phẩm “Thân thiện” của Dương Thị Vân Anh (Hòa Bình) – nữ hội viên duy nhất của trại sáng tác – đã bắt được khoảnh khắc cao trào, sự giao lưu giữa du khách và một thiếu nữ dân tộc ở Điện Biên với ánh sáng tốt, tạo được sự tương phản giữa độ nét và mờ. Tác phẩm có sức biểu cảm cao.
“Duyên Thái Điện Biên” của tác giả Xuân Trường (Sơn La) là bức ảnh chân dung đẹp, tác giả đã phối hợp tốt giữa ánh mắt, nụ cười và trang phục, tuy ánh sáng chưa thật hoàn hảo nhưng vẫn đạt được nội dung nghệ thuật.
Lê Anh Tuấn – một tác giả trẻ ở Điện Biên đã bắt được khoảnh khắc đẹp, cho người xem cảm giác tươi vui trong tác phẩm “Chung một nụ cười”. Ánh sáng, bố cục tác phẩm tốt.
Tác phẩm “Niềm vui tuổi già” của Đinh Mạnh Tài (Vĩnh Phúc) – học viên trẻ nhất trại sáng tác – có ánh sáng tốt, độ phối, độ chi tiết tốt, diễn tả không khí đầm ấm, mối quan hệ gắn bó trong gia đình. Đây là tác phẩm nhận được sự đồng thuận cao nhất của giám khảo.
Chiều ngày 14/7/2012, Trại sáng tác ảnh nghệ thuật dành cho các tỉnh miền Núi phía Bắc sẽ bế mạc với cuộc triển lãm 65 tác phẩm báo cáo kết quả hoạt động của trại.
Các tác phẩm đoạt giải:
“Khám bệnh vùng cao” – Ảnh: Tô Hợp (Điện Biên)
“Dìu dắt” – Ảnh: Đồng Đăng (Thái Nguyên)
“Thân thiện” – Ảnh: Dương Thị Vân Anh (Hòa Bình)
“Duyên Thái Điện Biên” – Ảnh: Xuân Trường (Sơn La)
“Chung một nụ cười” – Ảnh: Lê Anh Tuấn (Điện Biên)
“Niềm vui tuổi già” – Ảnh: Đinh Mạnh Tài (Vĩnh Phúc)