Ứng dụng

Chụp ảnh sáng tạo với kỹ thuật Low-key

Ảnh Low-key là gì?

Kỹ thuật Low-key (sắc nặng) là phong cách nhiếp ảnh sử dụng tông màu đen làm chủ đạo, phần sáng chỉ chiếm một diện tích nhỏ nhưng lại tạo nên “nét vẽ” cho chủ thể. Trong Low-key, độ tương phản là ngôn ngữ tạo hình và cũng là cái “chất” thể hiện sự khác biết của kỹ thuật này, độ tương phản cao mang lại cho bức ảnh không khí đầy mạnh mẽ và bí ẩn. Ngoài ra, độ tương phản cao khi ánh sáng yếu bị sắc đen đè nặng, giúp chủ thể rõ nét và nổi bật gây ấn tượng đến người xem.

Bằng việc mang lại cảm xúc mạnh mẽ cho hình ảnh, kỹ thuật Low-key thường sử dụng trong việc chụp ảnh chân dung, ảnh quảng cáo và tĩnh vật… Nhưng không phải cứ là ảnh mang sắc đen nặng là trở thành ảnh Low-key, việc chọn lọc ánh sáng và phần chiếu sáng trên chủ thể quyết định sắc thái và ý tưởng của hình ảnh.

Để tạo ra một bức ảnh Low-key, tất cả những gì bạn cần là máy ảnh và một nguồn sáng. Bạn có thể sử dụng ánh sáng tự nhiên hay ánh sáng nhân tạo để chụp kỹ thuật này. Chụp với Studio là điều kiện lý tưởng nhất để thực hiện ảnh Low-key.

Cách chụp ảnh Low-key

Cài đặt máy ảnh: Thiết lập đầu tiên bạn cần chú ý là việc sử dụng ISO, lợi thế của kỹ thuật này cho phép ta sử dụng ISO thấp vì không lấy quá nhiều ánh sáng, khoảng ISO 100 – 200 (hoặc thấp hơn nữa nếu máy ảnh của bạn hỗ trợ). Mức ISO thấp sẽ giúp hình ảnh có chất lượng tốt hơn, độ mịn hình và không xuất hiện hạt nhiễu.

Vấn đề còn lại là việc điều chỉnh tốc độ và khẩu độ. Nên để khẩu độ khép nhỏ từ f/8-f/11 nhằm đảm bảo độ nét sâu cho hình ảnh và lượng ánh sáng ít trên chi tiết của ảnh. Tốc độ màn trập có thể thay đổi để đạt được hiệu quả với ánh sáng bạn sử dụng.

Ánh sáng: Việc chọn ánh sáng là yếu tố quan trọng khi chụp Low-key. Bạn chỉ có một nguồn ánh sáng chính vì vậy cần đảm bảo ánh sáng này dùng hiệu quả. Quy tắc bạn nên áp đặt cho chính mình khi chụp Low-key là “không bao giờ cho ánh sáng chiếu đến phông nền”. Đôi khi việc phá cách và sáng tạo có thể mang lại nét mới cho ảnh Low-key.

Chụp Low-key trong studio: Giúp chủ động ánh sáng và cường độ ánh sáng, do đó việc chiếu sáng lúc này cũng đơn giản hơn để làm nổi bật chi tiết cần thể hiện. Nên chọn phông nền tối màu, đặc biệt là màu đen, một chiếc đèn chiếu sáng có thể di chuyển các góc. Khoảng cách lý tưởng từ nhân vật nến phông nền là khoảng 1.2m và nên đặt máy ảnh trên chân máy.

Nếu không có phòng chụp: Bạn vẫn có nhiều lựa chọn bối cảnh để chụp ảnh Low-key, một trong những cách phổ biến là sử dụng hai căn phòng riêng biệt. Bằng cách chặn tất cả nguồn ánh sáng trong một căn phòng lại, mở cánh cửa của phòng liền kề làm nguồn ánh sáng. Lúc này chiếc cửa như một vòng khẩu độ thứ 2 giúp kiểm soát ánh sáng đến chủ thế. Cố gắng giữ cho ánh sáng tránh đến phông nền.

Bối cảnh chụp Low-key còn vô cùng phong phú, ngoài phòng chụp, trong nhà bạn có thể chụp ngay với ánh sáng ban ngày, trong bóng râm và buổi đêm… bạn cũng có thể tạo ra hình ảnh Low-key ở phần hậu kỳ với Photoshop nhưng đừng quá lạm dụng phầm mền này vì khi chụp trực tiếp từng ảnh với các thiết lập khác nhau, bạn sẽ khám phá được nhiều kinh nghiệm thú vị hơn.

Chụp Low-key với ánh sáng ban ngày: Ánh sáng ban ngày có thể lợi thế hơn việc chiếu sáng khi chụp buổi đêm. Vì lúc này chiếc đèn chiếu sáng sẽ là nguồn sáng chính và mạnh nhất, ánh sáng tự nhiên sẽ trở thành nguồn sáng phụ giúp ta có thể khép khẩu độ nhỏ và sử dụng tộc độ màn trập cao đảm bảo cho việc cầm tay chụp và lựa chọn những góc máy phong phú hơn.

Chụp Low-key vào buổi đêm: Bạn có thể lợi dụng khá nhiều nguồn sáng khác nhau khi chụp ảnh Low-key về đêm như ánh trăng, đèn đường, đèn pin, đen pha xe… cần lưu ý đến tốc độ màn trập khi chụp trong điều kiện này.

Ảnh màu và đen trắng: Có thể nhận thấy ảnh đen trắng mang lại cảm giác hòa đồng và hợp với tông màu đen nặng trĩu của ảnh Low-key. Nhưng ảnh màu cũng có lợi thế riêng, bởi tất cả các chất liệu được thể hiện trong ảnh Low-key khi có màu sắc cho cảm giác “đậm” và cá tính hơn.

Thực nghiệm: Hãy thiết lập nhiều thông số khác nhau và nhớ rằng kỹ thuật chụp Low-key quan trọng nhất là tông màu đen, hình ảnh có thể hoàn toàn thiếu sáng trầm trọng với mức ISO cực thấp, nhưng lại cho hiểu quả cao vì lên được nét vẽ chi tiết để thể hiện chủ thể.

Chúc các bạn thành công và có những bức ảnh đẹp!

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Check Also
Close
Back to top button