Tin tức chung

Người ‘vẽ ánh sáng’

Từ ‘bước chân’ muộn màng…

Đà Lạt và sắc màu ánh sáng

Sinh ra, lớn lên tại thành phố Đà Lạt, Lý Hoàng Long (sinh năm 1965) đến với nhiếp ảnh muộn hơn so với anh em cùng giới – 29 tuổi mới cầm máy, còn trước đó anh đã chọn cho mình công việc làm thiết kế đồ họa, quảng cáo. Nhưng chính nhờ vốn kiến thức về đồ họa đã giúp anh đạt được thành công khi cầm máy ảnh và nhất là nghệ thuật ảnh số. Chỉ tính từ năm 2002 trở lại đây, bình quân mỗi năm anh mang về 15 giải thưởng quốc tế và hàng chục bằng khen của các châu lục.

Anh kể, năm 1997, nhờ bạn bè khích lệ nên anh đã gởi ảnh dự thi lần đầu tiên – ảnh được thể hiện bởi kỹ thuật buồng tối – và may mắn tác phẩm ‘Về cội’ đã được chọn triển lãm tại cuộc thi ảnh nghệ thuật toàn quốc. Cùng năm, tác phẩm ảnh phim ‘Đồi cát’ của anh lại được chọn triển lãm tại cuộc thi ảnh quốc tế tại Phần Lan. Thế là anh ‘bén duyên’ cùng máy ảnh.

Tuy nhiên, phải đợi đến năm 2001, khi nhận được email của Trưởng ban Tổ chức cuộc thi ảnh kỹ thuật số ‘3 Salon Internacional de Imagen Virtual Argentina’ (FCBA) – Nicolas Berlingieri – mời tham dự, anh mới bắt đầu chú trọng đầu tư ý tưởng để tạo ra những tác phẩm ảnh số mang tính sáng tạo độc đáo. Từ đây, anh liên tục gặt hái thành công tại nhiều cuộc thi ảnh quốc tế về ảnh số.

Năm 2003, tác phẩm ‘Ánh sáng thiên đường’ đã mang về cho anh Huy chương bạc FIAP (Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế), ảnh kỹ thuật số Fotofoum Online lần 2 và giải đặc biệt ảnh quốc tế Daejeon Times lần 13 (Hàn Quốc); tác phẩm ‘Ảo ảnh’ và ‘Thiền’ đoạt Huy chương bạc FIAP tại Áo, Huy chương vàng tại Đức và giải B ảnh xuất sắc quốc gia năm 2004.

…đến càng đi càng mê mải

Tác phẩm ảnh số ‘Ảo ảnh’của Lý Hoàng Long

‘Để có được những tác phẩm ưng ý – kể cả ảnh số và phim, điều cần nhất vẫn là ý tưởng’, anh thổ lộ. Anh đi nhiều nơi – từ Mũi Né đến Hội An, Huế… – và bấm máy liên tục, nhờ vậy đã ‘chộp’ được ‘những khoảnh khắc vàng’. Nhiều người thường bấm máy theo chủ đề, chủ điểm nhưng với anh – trừ những phóng sự ảnh để cộng tác cho các báo, tạp chí – bao giờ anh cũng bấm máy theo ngẫu hứng. ‘Đấy là sự ngẫu hứng có nghề để tạo nên những tác phẩm độc đáo, ấn tượng, mang dấu ấn Lý Hoàng Long! Anh Long chưa bao giờ dễ dãi với khuôn hình trước khi bấm máy’,  một nhiếp ảnh gia ở phố núi nhận xét.

Ngoài thành công trên lĩnh vực ảnh số, Lý Hoàng Long cũng rất thành công ở thể loại ảnh truyền thống. Anh cho biết, mới đầu cầm máy ảnh chỉ vì muốn đi tìm thú vui riêng cho mình, nhưng rồi càng đi càng mê mải và dấn sâu vào nghệ thuật.

Nhẩm sơ đến bây giờ, Lý Hoàng Long đã đưa vào bộ sưu tập ‘nghiệp cầm máy’ của mình 41 Huy chương vàng, bạc, đồng; 29 Bằng danh dự của FIAP và các Hiệp hội nhiếp ảnh tại các châu lục. Sắp tới, ngoài việc nâng cấp website cá nhân www.lylongfoto.com, anh sẽ tập trung nhiều hơn cho thể loại ảnh truyền thống. Trước đây, vì mải đi tìm cái mới cho ý tưởng ảnh thể nghiệm, đến khi muốn ghi lại từng góc phố nơi chôn nhau cắt rốn của mình thì dường như đã trễ vì phố đã đổi thay, rừng xưa cũng đã khép nhiều… Nhưng dẫu sao, đối với nghệ thuật thì mỗi  tác phẩm đều là một sự bắt đầu…

* Sau gần 4 năm cầm máy, năm 1998, Lý Hoàng Long trở thành thành viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam; năm 2004 được phong tặng tước hiệu E.FIAP (Nghệ sĩ xuất sắc Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế); đầu năm 2007 nhận danh hiệu E.VAPA (Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam).

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button