Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội: 45 năm xây dựng và phát triển
Từ một Chi hội Văn nghệ Hà Nội được thành lập vào ngày 10/10/1966. Đại hội I tập hợp được hơn 200 đại biểu của năm phân hội là: Văn – Thơ, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh – Điện ảnh, Sân khấu, Âm nhạc. Đã bầu được một Ban chấp hành gồm 27 người: Chủ tịch – Tô Hoài; các phó chủ tịch: Lương Ngọc Trác, Lương Xuân Nhị; Tổng thư ký – Nguyên Xuân Sanh; các Phó tổng thư ký: Nguyễn Bắc, Bùi Hạnh Cẩn; các Uỷ viên thường vụ: Trần Huyền Trân, Việt Dung, Anh Thơ; 18 uỷ viên Ban chấp hành phụ trách các chuyên ngành, Xuân Liễu phụ trách ngành nhiếp ảnh.
Sau hai năm hoạt động, do không ngừng gia tăng số lượng hội viên, đại hội II vào ngày 10/10/1968, đã quyết định đổi tên Chi hội Văn nghệ Hà Nội thành Hội Văn nghệ Hà Nội.
Sau 24 năm hoạt động và phát triển (1966 – 1990), Hội Văn Nghệ Hà Nội đã tổ chức được các cuộc đi thực tế sáng tác như: làng gốm sứ Bát Tràng, nông trường Tam Thiên Mẫu. Hằng năm Hội tổ chức các cuộc triển lãm, biểu diễn, xuất bản và bình xét các giải thưởng, 5 năm Hội tổ chức xét tặng giải thưởng Văn học Nghệ thuật thủ đô (sau 1986 đổi thành giải thưởng Thăng Long).
Những năm đầu thành lập, các hội viên Phân hội nhiếp ảnh lớp trước hoạt động tích cực, có nhiều tác phẩm triển lãm và giành giải thưởng như: Võ An Ninh, Đỗ Huân, Bàng Thúc Long, Minh Trường, Vũ Ba, Xuân Liễu, Trần An, Hoàng Đăng, Mai Nam, Mai Anh, Đinh Quang Thành, Thanh Lạng …
Năm 1980, qua giao lưu, thăm viếng với giới nhiếp ảnh Sài Gòn, Huế, Phân hội Nhiếp ảnh đã có sáng kiến kết hợp ba thành phố tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật: “Hà Nội – Huế – Sài Gòn”, để đáp ứng phần nào niềm khát khao của công chúng phía Nam đã nhiều năm không được chiêm ngưỡng Tháp Rùa, Hồ Gươm, Sông Hồng… cũng như công chúng Thủ đô không được chiêm ngưỡng sông Hương, núi Ngự, lăng tẩm Cố đô và bến cảng Nhà Rồng nơi Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước…
Ngày 20-21/6/1986 Phân hội Nhiếp ảnh Hà Nội tổ chức cuộc hội thảo “Nhiếp ảnh Hà Nội với truyền thống văn hoá và con người thanh lịch” nhằm khơi gợi và động viên mọi người cùng nhau gìn giữ nét đẹp, nét thanh lịch của Thủ đô. Ngoài các tham luận của các nghệ sĩ nhiếp ảnh như Đỗ Huân, Lê Phức, Hoàng Kinh Đáng, Nguyễn Long, Đinh Quang Thành, Lê Cường… còn mời các hội viên phân hội bạn cùng tham gia hội thảo như nhà văn Nguyễn Tuân, Tô Hoài, nhà sử học Trần Quốc Vượng, Giáo sư Vũ Khiêu; Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện với tham luận: “Vì Hà Nội thân yêu”- cảnh tỉnh một Hà Nội sẽ xấu đi khi con người không tự nâng niu bảo vệ, gìn giữ nó…
Năm 1986 Phân hội Hà Nội tổ chức 3 năm liền triển lãm ảnh “Hà Nội đẹp và chưa đẹp”, ngoài mảng ảnh ca ngợi những nét đẹp của nhân dân thủ đô trong lao động, sản xuất, học tập, sinh hoạt… nay có thêm mảng ảnh “chưa đẹp” đã gây tiếng vang lớn trong công chúng, tiêu biểu là bức ảnh: “Một kiểu kính lão” của Vũ Nhật, thể hiện mấy thanh niên ngồi trên trạc cây thõng hai chân đung đưa trước mấy mái đầu bạc; “Đi xe đạp trong công viên Thống Nhất” của Xuân Liễu, phê phán 4 anh công an bất chấp nội quy, đi xe đạp trong công viên.
Năm 1987 Phân hội Nhiếp ảnh Hà Nội đã liên hệ đưa 12 đoàn nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Nội về các hợp tác xã nông nghiệp, đơn vị sản xuất các huyện ngoại thành như: Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thanh Trì…trong nhiều ngày để thâm nhập thực tế sáng tác.
Năm 1989 Phân hội Nhiếp ảnh lần đầu tiên tổ chức liên tiếp 2 khoá học, lớp “Bước đầu học ảnh” và lớp nâng cao “Sáng tác ảnh nghệ thuật”. Giảng viên là các nhà nhiếp ảnh nổi tiếng như: Đỗ Huân, Đỗ Quốc Ân, Nguyễn Long, Trần Cừ, Đinh Quang Thành, Phạm Thái Tri, Phạm Thành…Chính những học viên các lớp này, sau thành lập Câu Lạc Bộ Hà Nội, nhiều thành viên CLB đã trở thành Hội viên Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội và hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. CLB Nhiếp ảnh Hà Nội vẫn tồn tại và vẫn sinh hoạt đều đặn cho tới nay.
Đại hội VII họp vào ngày 6/12/1990 Hội Văn nghệ Hà Nội chuyển thành Hội Liên hiệp Văn học Nghê thuật Hà Nội, trước đó ngày 14/11/1990 Phân hội Nhiếp ảnh Hà Nội chuyển thành Hội nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội. 75 hội viên trong đại hội đã bầu được một Ban chấp hành khoá I gồm: Chủ tịch – Mai Nam; Phó Chủ tịch: Lê Cường; Các uỷ viên: Lê Viết Tình, Vũ Quang Huy.
Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội lấy ngày 10/10 hằng năm (ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954) làm ngày triển lãm ảnh nghệ thuật truyền thống của Hội.
Đến nay đã được 20 năm trải qua 4 kỳ đại hội (1990 – 2010). Từ 75 hội viên khoá I nay đã là 269 hội viên, từ một CLB Nhiếp ảnh cuối khoá I, đến nay đã phát triển thành 11 CLB.
Khoá IV (2005-2010) là một khoá đầy biến động, cuối năm 2008 Hà Tây sáp nhập với Hà Nội nên Chi hội Nhiếp ảnh Hà Tây cùng Ban chấp hành hợp nhất với Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội khiến Hội nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội không những mạnh về số lượng mà phạm vi hoạt động cũng rộng lớn hơn, đề tài sáng tác phong phú hơn.
Năm 2010 cả nước hưởng ứng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Triển lãm ảnh “Hà Nội thành phố 1000 năm” của Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội được Ban tổ chức đưa vào 1 trong 54 hạng mục chính thức trong chương trình đại lễ, là niềm vinh dự nhưng cũng là trọng trách của Ban chấp hành Hội. Lễ khai mạc triển lãm diễn ra cùng ngày khai mạc Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội ngày 01/10/2010. Đây là cuộc ra quân khá đầy đủ và rầm rộ nhất của giới nhiếp ảnh nghệ thuật thủ đô, với niềm tự hào, ngàn năm mới có một lần, 1000 bức ảnh được trưng bày tại 2 địa điểm là nhà triển lãm 45 Tràng Tiền và vườn hoa Quốc tử giám (trưng bày ngoài trời).
Ngoài cuốn sách ảnh triển lãm “Hà Nội thành phố 1000 năm” ra, trong dịp này Hội còn in một cuốn sách ảnh “Thăng Long – Hà Nội 1000 năm” và 5 tập bưu ảnh. 1000 bức ảnh dẫu rằng chưa nói được nhiều điều, song đó là tấm lòng của giới nhiếp ảnh Thủ đô dâng hiến cho Thăng Long – Hà Nội. Thành công của triển lãm “Hà Nội, thành phố 1000 năm”, là dấu son của khoá IV Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội.
Đại hội V (2011 – 2015) Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội tổ chức ngày 15/1/2011 đã bầu ra một Ban Chấp Hành gồm 7 người, phần lớn là những gương mặt mới, giới nhiếp ảnh thủ đô hy vọng rằng: Bằng sự đoàn kết, tinh thần trách nhiệm trong Ban Chấp Hành, hãy vì sự nghiệp chung, xây dựng Hội thành một tập thể đoàn kết vững mạnh, không ngừng trao đổi nghiệp vụ, từng bước nâng cao hơn nữa mặt bằng nghệ thuật chung, với tính tư tưởng, hình thức nghệ thuật mang đậm phong cách Hà Nội, bởi nét hào hoa, phóng khoáng pha chút trữ tình bay bổng có chiều sâu của đất ngàn năm văn hiến.