Tin trong nước

Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội tổ chức tọa đàm Nhiếp ảnh nghệ thuật

Mở đầu buổi tọa đàm, thay mặt BCH, ông Đặng Đình An – Chủ tịch Hội đã báo cáo một số hoạt động của Hội trong 2012, như tổ chức được 4 đợt đi thực tế sáng tác cho các hội viên; tổ chức thành công các cuộc thi và triển lãm ảnh (Triển lãm ảnh Hà Nội lần thứ 42; Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội; triển lãm ảnh 3 thành phố kết nghĩa: Hà Nội – Huế – TP. Hồ Chí Minh)… Đặc biệt là trong năm vừa qua, tác phẩm “Những ánh sao đêm” của tác giả Nguyễn Quang Ngọc; tác phẩm “Hà Nội mến yêu” của tác giả Nguyễn Đức Toàn; tác phẩm “Mẹ về thăm Lăng Bác” của tác giả Trần Thanh Vân đã được Hội liên hiệp VHNT xét và trao Giải thưởng Văn học Thủ đô 2012.

Với tiêu chí “nâng cao chất lượng sáng tác ảnh nghệ thuật”, BCH Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của đông đảo hội viên như: Một số vấn đề liên quan đến chất lượng sáng tác ảnh nghệ thuật; rút kinh nghiệm các đợt đi thực tế sáng tác năm 2012 và nội dung hoạt động thi và triển lãm ảnh năm 2013…

Ông Nguyễn Đức Chỉnh, Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội phát biểu: “Bốn chuyến đi sáng tác trong năm 2012 do Hội tổ chức đã giúp các hội viên xâm nhập thực tế, tiếp cận với thiên nhiên, với con người, tâm hồn nghệ sĩ đã thăng hoa và có nhiều tác phẩm để tham dự các cuộc thi ảnh. Trong năm 2013, Hội dự kiến sẽ phối hợp với Liên hiệp VHNT tổ chức 3 đợt đi sáng tác dành cho các hội viên, nhằm nâng cao chất lượng ảnh nghệ thuật hơn nữa…”…

Đưa ra ý kiến đóng góp làm thế nào để nâng cao chất lượng ảnh nghệ thuật, NSNA Hà Tường cho rằng: “Từ trước đến nay, sau mỗi cuộc thi, liên hoan ảnh đều bị rơi vào quên lãng. Vì vậy, sau mỗi cuộc thi, liên hoan ảnh, Hội phải tổ chức Hội thảo để đúc rút kinh nghiệm, đặc biệt là những lời nhận xét, đánh giá về bộ ảnh đoạt giải… Từ những ý kiến đóng góp đó, Ban Giám khảo sẽ rút ra được những kinh nghiệm để nâng cao chất lượng ảnh trong các cuộc thi, liên hoan sau”…

NSNA Mai Nam chia sẻ: “Trong những cuộc thi và triển lãm ảnh ảnh gần đây, chất lượng ảnh chưa cao vì tác phẩm gắn với cuộc sống còn quá ít… Ví dụ, trong cuộc thi ảnh Nghệ thuật Hà Nội lần thứ 42 vừa qua, bức ảnh đoạt giải Nhất chưa hẳn đã hoàn hảo, nhưng so với những tác phẩm khác, tác phẩm “Thủ khoa Hà Nội” của tác giả Nguyễn Văn Tán đã bám sát cuộc sống, nội dung ảnh phù hợp với đề tài của cuộc thi… Trong những năm gần đây, các nghệ sĩ  nhiếp ảnh đi lạc hướng sáng tác. Các nghệ sĩ đi vào đề tài phong cảnh quá nhiều mà những đề thời sự, nóng hổi của cuộc sống thì lại quá ít… Ví dụ trong cơn bão, con người phải vật lộn với thiên nhiên như thế nào, cứu dân trong bão lũ ra sao hay khu kinh tế mới của Hà Nội thế nào, Hà Tây sát nhập với Hà Nội thì các làng nghề truyền thống đi về đâu… thì các nghệ sĩ không sáng tác theo hướng đó. Ảnh nghệ thuật có giá trị cao phải là những bức ảnh chụp mà không thể chụp lại lần hai”.

NSNA Đinh Quang Thành đưa ra ý kiến đóng góp về vấn đề hướng hội viên đi vào sáng tác. NSNA Quang Thành cho rằng, tổ chức các chuyến đi thực tế cũng là một trong những hình thức nâng cao chất lượng ảnh nghệ thuật, tuy nhiên tổ chức đi theo nhóm hay đi riêng dưới hình thức đầu tư sáng tác đều có những ưu – nhược điểm… Về duy trì mô hình câu lạc bộ, NSNA Đinh Quang Thành cho rằng: “Đa số các nghệ sĩ nhiếp ảnh đều trưởng thành từ các Câu lạc bộ nhiếp ảnh; tuy nhiên, hiện nay Hội chưa thực sự quan tâm và đầu tư cho các Câu lạc bộ nhiếp ảnh tại Hà Nội. Đề nghị BCH Hội quan tâm, giúp đỡ các Câu lạc bộ về kinh phí, xu hướng nghệ thuật cũng như hướng dẫn họ về mặt kỹ thuật… Đồng thời Hội cũng nên mở ra các cuộc thi dành cho Hội viên các Câu lạc bộ đó để mở rộng phong trào nhiếp ảnh trên địa bàn thủ đô.

Trong buổi tọa đàm, vấn đề Giám khảo cũng được bàn luận sôi nổi. Có ý kiến cho rằng, có những cuộc thi, trình độ Giám khảo còn hạn chế, có cuộc thi, Giám khảo chưa thực sự công tâm, dẫn đến chất lượng cuộc thi, liên hoan ảnh bị ảnh hưởng. Để nâng cao chất lượng ảnh nghệ thuật, phải nâng cao chất lượng Giám khảo.

NSNA Hà Tường phát biểu: “Ban Giám khảo phải là những người có bề dày kinh nghiệm và đã có những thành công nhất định mới đủ tầm để thẩm định tác phẩm và đánh giá đúng công sức đóng góp của các nghệ sĩ khác. Giám khảo phải là người có chính kiến và phải chịu trách nhiệm về lá phiếu mình chấm cho mỗi tác phẩm…”…

Tuy nhiên cũng có ý kiến đưa ra, nên trẻ hóa đội ngũ giám khảo, bởi hội viên trẻ tiếp cận nhanh với khoa học kỹ thuật hiện đại, họ am tường về công nghệ thông tin và có cái nhìn mới về ảnh nghệ thuật…

NSNA Xuân Liễu cho rằng: “Để nâng cao chất lượng ảnh nghệ thuật, trước hết các Nhà NCLLPB Nhiếp ảnh, những nghệ sĩ nhiếp ảnh có tâm huyết phải đưa ra được khái niệm thế nào là ảnh nghệ thuật? Tiêu chí ảnh nghệ thuật là gì? Chưa trả lời được những câu hỏi này, chưa đưa ra được những tiêu chí cụ thể thì Ban giám khảo không thể chấm chính xác được, từ đó, không tránh khỏi sự thiếu công bằng trong mỗi cuộc thi và liên hoan ảnh…”.

Cuối buổi tọa đàm, thay mặt Ban chấp hành, ông Tất Bình – Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội ghi nhận những đóng góp chân thành, thẳng thắn của các nghệ sĩ và hứa sẽ bàn bạc với BCH đưa ra hướng giải quyết nhằm phát huy những mặt tích cực và khắc phục những mặt còn hạn chế trong công tác tổ chức đi sáng tác, công tác tổ chức các cuộc thi và triển lãm cũng như công tác Giám khảo và tổ chức các buổi tọa đàm sau mỗi cuộc thi nhằm đáp ứng sự mong đợi của đông đảo hội viên.

 

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button