Tin tức chung

NSNA Thu An và “Thông điệp trái tim”

PV: Được biết bộ ảnh Da cam/Dioxin – Thông điệp trái tim của anh đang được trưng bày triển lãm tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, TP. Hồ Chí Minh. Anh có thể cho biết anh đã bắt tay vào thực hiện bộ ảnh này từ khi nào?

NSNA Thu An: Từ Năm 2001, với chiếc máy ảnh chụp phim đen trắng trên tay, tôi tìm đến Làng Hòa Bình, Từ Dũ với ước muốn ghi vào ống kính những hình ảnh sinh hoạt đời thường của các em bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Buổi tối khi đưa phim lên máy rọi, hình ảnh các em bắt đầu hiện lên trên giấy mỗi lúc một rõ dần như lớp sóng sau tràn lên lớp sóng trước làm choáng ngợp cả người và thôi thúc tôi không ngừng suy nghĩ về các em, về những hình ảnh mà mình đã chụp. Những ngày tháng sau đó tôi bị cuốn hút trở lại Làng Hòa Bình rất nhiều lần.

PV: Để thực hiện bộ ảnh Da cam/Dioxin

– Thông điệp trái tim anh có phải đi đến nhiều cơ sở nuôi dạy trẻ em khuyết tật không?

NSNA Thu An: Tôi đã đến cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật An Phúc, tôi càng nhận ra sự phấn đấu kiên cường của các em để cuộc sống được tồn tại. Các em tự học nghề để mưu sinh: kết cườm, viết thư pháp, học đàn dù bị khuyết tật hay khiếm thị. Nơi nào tôi cũng nhận ra tiếng cười hồn nhiên và các em đều có những ước mơ riêng của chính mình. Tôi đã xúc động đến rơi nước mắt khi chứng kiến các em lên bục nhận phần thưởng cho thành tích học tập, thể thao của mình. Tôi đã ngập chìm trong hạnh phúc khi bấm máy hình ảnh hai em đưa nhau vào đời dù cô dâu bị bại liệt và chú rể sắp lên bàn mổ. Ngày đó Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là nơi tiến hành lễ cưới tràn đầy niềm vui, nụ cười và những ước vọng cho ngày mai.

PV: Anh có dịp được tiếp xúc với các em bị nhiễm chất độc da cam ở nhiều địa phương cảm xúc bấm máy của anh khi đó như thế nào?

NSNA Thu An: Tôi đã có dịp theo các em từ Nam ra Bắc, chụp hình các em chạm tay vào ngôi nhà sàn nơi Bác đã ở. Tôi đã chứng kiến những buổi biểu diễn văn nghệ dã chiến của các em tại các vùng sâu vùng xa khi mà sân trường, hiên chùa trở thành những sân khấu nhỏ đầy ắp niềm vui và lòng yêu thương. Tôi chợt nhận ra ống kính của mình đến gần các em hơn lúc nào hết, tay bấm máy của tôi cũng gần hơn, mềm hơn vì xuất phát từ trái tim.

PV: Anh đi nhiều và chụp được nhiều cảnh sinh hoạt của các em bị nhiễm chất độc Da cam với những hình hài tàn tật, anh có nhận thấy điều gì nơi các em?

NSNA Thu An: Hình ảnh những đứa trẻ Việt Nam bị nhiễm chất độc Da cam/Dioxin vẫn luôn cố gắng chiến thắng bản thân để giúp nhau vượt qua những khó khăn, cùng vui đùa và yêu thương lẫn nhau dưới một mái ấm gia đình. Các em đang hướng tới một thế giới tương lai và bỏ lại phía sau nỗi đau do chiến tranh gây ra để đạt tới ước mơ hòa bình, như một thông điệp từ trái tim mang mọi người đến gần nhau hơn để được cảm thông và chia sẻ. Tôi đã gửi ảnh tham dự những cuộc thi quốc tế để bạn bè trên thế giới biết rằng các em đang đi tới dù trên chiếc nạng hay chiếc xe lăn.

Xin cám ơn NSNA Thu An.

NSNA Thu An sinh ngày 07/05/1944. Anh đến với nhiếp ảnh từ năm 1963 và năm 1970 nhận giải thưởng đầu tiên là Huy chương Đồng của VAA Photo Club với tác phẩm “Lãng tử”.

Sau năm 1975, NSNA Thu An là phóng viên ảnh của Báo Tuổi trẻ, Báo Công nhân giải phóng; Nguyên Ủy viên BCH Hội Nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh, nguyên Uỷ viên HĐNT Hội Nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh, Nguyên Uỷ viên Hội đồng Nghệ thuật Hội NSNA VN.

NSNA Thu An đã đoạt 52 giải thưởng trong nước và 33 giải thưởng quốc tế. Những tác phẩm được nhiều người biết là “Thiên nga vỗ cánh” (HCV TP.HCM, 1984), “Người chị nội trợ thành phố” (giải Nhất hội NSNAVN, 1985), “Theo anh vào đời” (Giải thưởng lớn ACCU, Nhật Bản, 1989), “Ngày đầu xuất gia” (HCV FIAP, 1995), “Rực lửa thanh niên” (giải Nhất báo Tuổi trẻ nhân Kỷ niệm Sài Gòn 300 năm)…

Năm 1996, NSNA Thu An được phong tước hiệu A.FIAP (Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế). Năm 2000 được phong tước hiệu E.FIAP (Nghệ sĩ Ưu tú Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế). Năm 2013, ông vinh dự được tặng tước hiệu M.FIAP (Nghệ sĩ Nhiếp ảnh bậc thầy Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế).

 

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Back to top button