Tin tức chung

Mãi thắp sáng niềm đam mê

Trịnh Hải vốn là nhà báo, phóng viên ảnh báo Nhân dân, tu nghiệp ở CHDC Đức. Sang đó học tập là chính, như vậy phải tranh thủ lắm, ông mới có được những tác phẩm để tham gia triển lãm bên nước bạn. Trịnh Hải đi vào nhiếp ảnh từ rất sớm với một nguyên cớ độc đáo. Đó là vào năm 1949, lúc đó mới 17 tuổi, còn đang học Đệ Tam Trung học trong kháng chiến chống pháp tại Thái Nguyên. Vào giờ Vật lý, được nghe thầy giảng về quang học và ứng dụng vào thấu kính máy anhre, Trịnh Hải rất thích thú và muốn tìm hiểu từ thấu kính đến cách làm ra một tấm ảnh. Ông nảy ra ý định và xin vào làm cho một hiệu ảnh rồi vừa phụ việc, vừa học theo kiểu truyền nghề. Đến năm 1955, về thủ đô, được tiếp cận những cuốn sách lý thuyết nhiếp ảnh in bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, ông mới thấy kiến thức nhiếp ảnh của mình còn ở mức sơ đẳng. Vậy là Trịnh Hải tranh thủ ngày đêm đọc và học. May mắn là Trịnh Hải được nhận vào làm việc ở báo Nhân dân. Rồi ông được theo học lớp đào tạo phóng viên ảnh do Bộ Văn hóa phối hợp với Sở Nhiếp ảnh Trung ương tổ chức. Năm 1960, ông chính thức được giao nhiệm vụ cầm máy làm phóng viên ảnh, có dịp được đi hầu hết các tỉnh phía Bắc. Ông đã thể hiện là một người có tay nghề vững. Năm 1962, Trịnh Hải có tác phẩm “Thay trời làm mưa” được trưng bày triển lãm toàn quốc. Một tác phẩm hiện thực, thể hiện đúng hoàn cảnh thực tế lúc bấy giờ, canh tác nông nghiệp lạc hậu, máy móc không có, chống hạn chỉ là lấy lao động cơ bắp của con người tát nước vào ruộng bằng phương tiện thô sơ là cái gầu dai. Nhìn ảnh thấy một tập thể đông vui, cận cảnh, trung cảnh, viễn cảnh là những con người đang hối hả tát nước vào đồng lúa. Một không khí lao động hồ hởi những ngày đầu hợp tác hóa nông nghiệp.

Thay trời làm mưa – Tác giả: Trịnh Hải

Những năm sau đó, liên tục các tác phẩm được dự triển lãm: Trong nước có “Hàn điện”, “Lửa truyền thống” thể loại ảnh chân dung, giải A triển lãm ảnh toàn quốc năm 1967. Quốc tế có tác phẩm “Giải lao” được trưng bày tại La Haye (Hà Lan) do tổ chức Ảnh báo chí thế giới (World Press Photo) tổ chức. “Bà mẹ Việt Nam” giải Nhì Pentacon-Orwo (CHDC Đức) năm 1968. Cũng tác phẩm này lại giành được giải thưởng Huy bài FIAP năm 1973 ở Ru-ma-ni. “Trả lại các em tiếng nói” giải Tư cuộc triển lãm Pentacon – Orwo 1982. Đặc biệt “Đường nét công trường” được CHDC Đức tuyển chọn in trong cuốn tuyển tập ảnh thế giới hai năm 1981 – 1982. Suốt ba năm liền 2004 – 2006, Trịnh Hải có ba tác phẩm đoạt Huy chương Bạc toàn quốc: “Giờ học ngoại ngữ”, “sáng một chữ TÂM”, “Chào đời”. Cũng phải kể thêm ở đây tác phẩm “Lý do vào lớp muộn” từng đoạt giải thưởng của ACCU (Tổ chức Văn hóa Châu Á – Thái Bình Dương) năm 1990. Bức ảnh này được Ban tổ chức đánh giá là một trong những bức ảnh xuất sắc nhất tuyển trong các cuộc thi từ lần thứ 11 đến lần thứ 19. Bức ảnh này cũng được chọn in trong cuốn sách ảnh Việt Nam thế kỷ XX do Bộ Văn hóa – Thông tin và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam biên soạn.

Lửa truyền thống – Tác giả: Trịnh Hải

Học về ảnh báo chí, nhiệm vụ là làm ảnh báo, và thực tế Trịnh Hải có hàng ngàn tấm ảnh in báo nhà (Nhân dân), báo bạn trong nước và quốc tế. Nhưng ông cũng là người thành công trong lĩnh vực nghệ thuật. Có thể thấy rõ mỗi tác phẩm của ông dù ở lĩnh vực báo chí hay lĩnh vực nghệ thuật, dù là các sự kiện hay những nét sinh hoạt bình dị, lao động xây dựng đều gắn với một giai đoạn lịch sử của đất nước, đồng thời cũng thể hiện sự trưởng thành chắc tay nghề của một phóng viên ảnh. Tác phẩm của ông sải dài theo những bước đi trên khắp nẻo đường công tác. Suốt một thời gian vắt qua hai thế kỷ, từ 1960 đến hôm nay, Trịnh Hải hầu như không rời máy ảnh trên vai.

Ngoài niềm đam mê cầm máy, ở nghệ sĩ Trịnh Hải còn là sự gắn bó thiết tha với phong trào, với đồng nghiệp. Cuộc đời hoạt động nhiếp ảnh và tấm lòng của ông với đời như đã được thể hiện và gửi gắm ở tác phẩm “Sáng một chữ TÂM”. Năm 1993, rời báo nhân dân về hưu, ông trăn trở, chẳng lẽ từ nay “gác kiếm”! Không chỉ riêng mình mà còn nhiều nhiếp ảnh gia cao niên và cả cao tay nghề, không lẽ sẽ chịu lùi bước trước tuổi tác. Phải tập hợp nhau lại, tạo cho họ một môi trường thích hợp, sân chơi mới để hòa nhập với đồng nghiệp khắp mọi miền… Từ đó Trịnh Hải có ý tưởng thành lập câu lạc bộ nhiếp ảnh người cao tuổi (NCT) Hà Nội. Ông trao đổi bàn bạc với các nghệ sĩ lão thành như các cụ Nguyễn Nhưng, Lê Vượng, Đinh Đăng Định, Lê Thanh Đức, Nguyễn Đình Ưu… và được tán thành nhiệt liệt. Trịnh Hải lại trực tiếp đi vận động từng NSNA có tuổi đời từ 60 tuổi trở lên mời họ thạm gia. Vậy là CLB Nhiếp ảnh NCT Hà Nội được thành lập từ năm 2000. Ông lại đứng ra vận động báo Kinh tế & Đô thị đỡ đầu CLB, được bố trí địa điểm sinh hoạt hàng tháng ngay tại trụ sở của báo, hàng năm còn tài trợ kinh phí cho CLB tổ chức triển lãm.

Sáng một chữ TÂM – Tác giả: Trịnh Hải

Thực tế ngay từ năm 2002, CLB đã tổ chức thành công triển lãm lần thứ Nhất và được báo Kinh tế & Đô thị giúp đỡ đến nay, CLB đã 5 lần triển lãm ảnh ở Hà Nội, sau đó đã gửi đi giao lưu với hai CLB kết nghĩa tại Thành phố Hồ Chí Minh và Vĩnh Long. Cho đến nay, dù đã ở tuổi 79, Trịnh Hải vẫn là người chủ nhiệm giàu nhiệt huyết và năng nổ.

Năm 1963, Trịnh Hải là thành viên sáng lập Hội NSNA Việt Nam và ngày nay ông cũng là người sáng lập CLB Nhiếp ảnh NCT Hà Nội. Hồi còn là Chi hội trưởng Chi Hội NSNA Báo chí Trung ương và Hà Nội, thấy anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh các tỉnh phía Nam dùng photoshop thay cho chấm sửa thủ công vừa nhanh vừa đẹp hẳn lên. Thế là Trịnh Hải chủ động rủ các nghệ sĩ trong Chi hội như Mai Nam, Hoàng Như Thính, Đào Quang Minh… thành lập lớp học rồi mời giáo viên đến dạy về xử lý phần mềm photoshop để mỗi khi đi sáng tác trở về, các nghệ sĩ có thể tự chỉnh sửa ảnh cho mình.

Lý do vào lớp muộn – Tác giả: Trịnh Hải

Trong tập hồ sơ cá nhân Trịnh Hải lưu giữ được vẫn còn nguyên giấy chứng nhận về các giải thưởng ảnh, những tấm bằng khen và tước hiệu mà Hội NSNA Việt Nam phong tặng cho ông: NSNA xuất sắc (E.VAPA), NSNA có công (ES VAPA), NSNA Danh dự (Hon. VAPA). Trong căn phòng nhỏ tại tư gia, treo trang trọng tấm bằng chứng nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Nhà nước tặng ông năm 1999 với dòng chữ: “Đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc”. Ngoài lao động nghề nghiệp, Trịnh Hải còn tận tụy với phong trào, từng tham gia Ủy viên Ban Chấp hành khóa II, III; Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật khóa II. Suốt 15 năm làm Chi hội Trưởng Chi Hội NSNA các báo chí Trung ương và Hà Nội, ngày nay Trịnh Hải đã bước vào ngưỡng bát tuần, với cương vị chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh NCT Thủ đô, Trịnh Hải vẫn vận động hội viên đi sáng tác thường xuyên. Ở ông luôn toát lên niềm phấn khởi lạc quan, tin tưởng chặng đường nhiếp ảnh nghệ thuật của mình và các thành viên trong CLB vẫn mãi mãi được thắp sáng niềm đam mê.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button