Tin tức chung

Nguyễn Kim Bình – Người thầy bình dị

Thầy Bình cầm máy từ năm 1973, vốn yêu nghề và được tôi luyện qua những năm tháng kiếm sống, thầy tích luỹ được khối lượng kiến thức khá đồ sộ và luôn tâm huyết với nghề. Việc cầm máy chụp ra những bức ảnh quả thật không khó, nhưng để làm chủ được thiết bị kỹ thuật, làm chủ được điều kiện ánh sáng, bối cảnh… để đủ diễn tả được ý tưởng của mình thì đòi hỏi người cầm máy phải được trang bị những kiến thức cơ bản cần thiết. Nhiều năm cầm máy làm nghề đã thôi thúc thầy Bình muốn tham gia giảng dạy để truyền đạt cho những người có nhu cầu hiểu biết cơ bản về nhiếp ảnh, những người muốn coi nhiếp ảnh là nghề thực sự. Năm 2004, thầy Bình bắt đầu tham gia giảng dạy tại lò đào tạo nhiếp ảnh của Cung Văn hoá lao động Hữu nghị Việt – Xô. Học viên trong lớp của thầy Bình cũng rất đa dạng với đủ các thành phần khác nhau trong xã hội, họ học nhiếp ảnh với nhiều mục đích khác nhau và đang làm việc tại mọi miền của đất nước. Họ có thể là những chàng lãng tử chụp ảnh dạo tại các điểm du lịch, người có điều kiện hơn thì mở phòng chụp (studio), chụp sự kiện, đám cưới, chụp sản phẩm của nhà máy, người sử dụng kiến thức nhiếp ảnh của mình đưa vào những bài viết trên mặt báo hàng ngày. Rất nhiều phóng viên (không hẳn là phóng viên ảnh) đã nâng cao khả năng tác nghiệp khi qua lớp nhiếp ảnh cơ bản ở Cung Hữu nghị. Đến nay, số học viên qua lớp đào tạo của thầy Bình đã lên con số hàng ngàn, trong đó có những học viên trưởng thành là phóng viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh, như: NSNA Lê Công Quang, NSNA Nguyễn Quang Tuấn ở Hà Nội… Hiện thầy Bình vẫn đang đứng lớp với khoá thứ 257.

Những học cụ trực quan của thầy Nguyễn Kim Bình

Cùng các học trò đi thực tế sáng tác dã ngoại

Học nghề, truyền nghề là phải kết hợp giữa lý thuyết với thực hành. Ngoài việc soạn chương trình lý thuyết, thầy Bình còn dành tâm sức, tiền bạc sưu tầm các loại máy ảnh, ống kính, đèn, thiết bị phòng chụp… làm học cụ trực quan phục vụ cho công việc giảng dạy.

Thầy Bình là một đàn ông “bình dị” như chính tên của thầy vậy, cũng không phải là một nhà sáng tác nhiếp ảnh nổi tiếng. Sống ở phố Khâm Thiên (Hà Nội) và làm nghề liên quan tới nghệ thuật nhưng trông thầy giống một nhà khảo cổ ở hiện trường hơn là một nhà giáo. Hàng chục năm rồi, tuổi tác có già hơn, nhưng phong cách giản dị thì vẫn vậy. Học trò các khóa thường gọi thầy là BKT, người thì bảo BKT nghĩa là Bình Khâm Thiên, người thì nghĩ BKT là một chế độ định thời trong máy ảnh Nikon. Có lẽ chính phong cách giản dị của thầy Bình đã có sức lôi cuốn bao thế hệ học viên và họ đã nhận được từ người thầy những cảm hứng say mê trong nhiếp ảnh.

Tổ chức các lớp nhiếp ảnh cơ bản ở Cung Hữu nghị, một công việc so với nhiều người tưởng chừng như đơn giản, nhàm chán, nhưng với thầy đó lại là một đam mê, một sự hiến dâng không điều kiện. Ở đó, sự cho và nhận không chỉ là những kiến thức cơ bản nhất về nhiếp ảnh (thiết bị, ánh sáng, khẩu độ, tốc độ, nhiệt độ màu…), lượng kiến thức mà nhiều người cho rằng với sự trợ giúp của công nghệ thông tin người ta có thể kiếm tìm chúng bất kỳ lúc nào trên các diễn đàn về nhiếp ảnh. Mà còn là sự truyền cảm về tình yêu nhiếp ảnh, lòng say mê, thông qua phương pháp giảng dạy đầy tâm huyết.

Trong giảng dạy, thầy Bình là người khó tính, nhiều khi cực đoan (chuyên nghiệp là phải vậy), nhưng ông sống rất tình cảm. Những chuyến đi dã ngoại, mà học viên thường tham gia vào dịp cuối tuần, ngoài việc để có được những hình ảnh tươi đẹp của đất nước, thêm những kiến thức bổ ích về văn hóa, lịch sử, những giá trị nhân văn trong cuộc sống… thầy thường đưa những thông tin giới thiệu những gương vượt khó, những hoàn cảnh khó khăn mà học viên có thể tham gia giúp đỡ. Thông qua những buổi dã ngoại thực tập, học trò cởi mở, dễ hiểu nhau hơn và đã có nhiều đám cưới của học viên với nhau được tổ chức sau đó.

Khi nghĩ tới nghề giáo, người ta hay nghĩ tới người thầy mang dáng dấp đạo mạo với bảng đen và phấn trắng, nhưng ở thầy Bình, tính cách cởi mở, thân tình và lòng yêu nghề mãnh liệt cùng với những bộ máy ảnh đã tạo nên ở ông một hình ảnh người thầy đáng kính trọng, cũng là hình ảnh người thầy mà bao thế hệ học trò của ông luôn nhớ tới./.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button