Tin tức chung

Người vẽ cuộc đời bằng ánh sáng

NSNA Đào Tiến Đạt bảo cuộc sống xung quanh ta vô cùng phong phú, sinh động và tràn đầy cảm xúc, nếu chịu khó lăn lộn, hóa thân… sẽ “chớp” được nhiều khoảnh khắc rung động lòng người. Cái dễ nhận ra trong tác phẩm của anh là con người với bao khát khao, lo toan, tình bạn, nỗi cô đơn, cái thiện và ác, sự sống và cái chết (Bước ngoặt, Giấc mơ đời người, Khát, Ngóng mẹ, Cô liêu, Trong sương lạnh, Bạn, Trở về cát bụi…).  

Nhiều lần anh tâm tình sở dĩ đạt nhiều giải thưởng quốc tế từ Âu sang Á, từ Châu Mỹ đến Châu Phi, Châu Úc là do tác phẩm đã làm lay động được trái tim nhiều vị khó tính trong hội đồng giám khảo nhiều quốc gia tuy khác biệt về văn hóa và gu thẩm mỹ nhưng có điểm đồng nhất là tinh thần nhân văn và phản biện xã hội…  

Tác phẩm Mưa – Huy chương Đồng PSS

Tuổi thơ Đào Tiến Đạt luôn quay quắt trong cái nghèo đói của làng quê Mỹ Chánh thuộc huyện Phù Mỹ (Bình Định), mảnh đất khắc nghiệt, hoang tàn sau chiến tranh. Có lẽ vì vậy, trong tác phẩm của anh luôn hằn sâu nỗi ám ảnh về phận người, về những trải nghiệm trên hành trình mưu sinh vượt qua đói nghèo. Như anh nói, nhiếp ảnh đâu chỉ là “vẽ bằng ánh sáng” mà còn là ngôn ngữ để đối thoại với đời và với người.

Thế nên, ngay cả khi sa cơ lỡ vận không một xu dính túi, anh vẫn coi đó là chất liệu quý giá để “gột” vào tác phẩm của mình những mảng miếng đầy góc cạnh. Từng làm nghề gom phế liệu, hằng ngày gần gũi với những người đào bới ve chai, anh cứ ám ảnh mãi về cuộc đời của họ mà không sao diễn tả được. Và thật may, khi cái duyên nhiếp ảnh tới lúc anh đã ở tuổi ngoài tứ tuần, cái tuổi đủ độ “chín” để diễn tả hết cảm xúc của mình trước những phận người. Tình cờ đọc trên báo viết về những bức ảnh của Lewis W.Hine làm thay đổi cuộc đời nhiều trẻ em Mỹ, tôi thấy nhiếp ảnh sao mà hay thế và tôi đến với nghệ thuật nhiếp ảnh từ đó như cái duyên tiền định”.  

Tác phẩm Trở về cát bụi – Cúp xuất sắc nhất và Cúp bạc YMCA Hồng Kông, giải đặc biệt xuất sắc nhất châu Á tại Ý

14 năm cầm máy đã để lại trong anh nhiều trải nghiệm khó phai với nghề. Còn nhớ lần đầu trên “con ngựa sắt” cà tàng từ Quy Nhơn đi dọc QL19 lên Kon Tum chụp hết 2 cuốn phim nhưng kết quả chẳng tấm nào coi được. Khởi đầu “hẩm hiu” thế, song từ chuyến đi ấy anh cảm nhận được nhiếp ảnh như một thứ ma lực, để đến giờ với anh nó như một thứ tín ngưỡng hướng tâm hồn con người đến với Chân – Thiện – Mỹ.

NSNA Đào Tiến Đạt kể, năm 2002 khi săn ảnh ở đồi cát Hòa Thắng – Bắc Bình (Bình Thuận), đứng trước đồi cát kỳ vỹ trùng điệp nối tiếp nhau đẹp kỳ ảo lung linh trong nắng mai, anh bấm máy không tiếc phim nhưng khi xem lại không có cái nào ưng ý. Trên đường về, chốc chốc anh quay nhìn lại phía sau, tiếc nuối. Tình cờ anh phát hiện trên triền cát đẹp với hai mảng sáng tối có người đi lên, thế là vội vàng đưa máy bấm lia lịa. Và tác phẩm Bước ngoặt có được nhờ sự may mắn ấy.

Tác phẩm Bước ngoặt

Tác phẩm đạt gần 30 giải thưởng quốc tế trong đó nhiều HCV PSA xuất sắc nhất salon, HCV FIAP. Còn tác phẩm Trở về cát bụi được anh thực hiện trong vòng 2 năm, từ lúc thai nghén ý tưởng, chụp đi chụp lại nhiều lần nhưng không thành. Trong lần đi săn ảnh dịp cuối năm ở quê, tình cờ anh chụp được bức ảnh một đám tang gặp trên đường. Đó là tác phẩm Trở về cát bụi đoạt giải C Ảnh xuất sắc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cùng 12 giải thưởng quốc tế khác, trong đó đoạt HCV xuất sắc nhất Châu Á tại cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế Venice International Photo Contest năm 2006 tại Italia (cùng chung với tác phẩm Đồ nho).   

Gặp NSNA Đào Tiến Đạt, ít ai nghĩ rằng ông chủ của một Gallery nổi tiếng Quy Nhơn, một nhiếp ảnh gia được thế giới biết đến lại có cuộc sống đạm bạc đến vậy. Anh kể vài năm gần đây, mỗi năm nhận được cả trăm giải thưởng quốc tế, nhưng chẳng thể đi nhận chỉ vì… không có tiền. Những giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế chỉ có giá trị tinh thần. Và điều vượt lên trên những giải thưởng ấy mà người nghệ sĩ này mang về quê hương đó là giới thiệu đến thế giới những hình ảnh đẹp về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam hôm nay. 

NSNA Đào Tiến Đạt đã nhận được 648 giải thưởng trong đó có 35 giải trong nước và 613 giải quốc tế. Riêng năm 2012 anh đạt 119 giải quốc tế. Đào Tiến Đạt được Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh Quốc tế phong tặng tước hiệu Nghệ sĩ xuất sắc (EFIAP), được Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ xếp số 1 ảnh đen trắng và ảnh màu khổ nhỏ năm 2010, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phong tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc (EVAPA), nhiều tác phẩm nằm trong bộ sưu tập và trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế Tây Ban Nha, từng làm giám khảo nhiều cuộc thi nhiếp ảnh trong nước và quốc tế…

 

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button