Tin trong nước

Đồng bào dân tộc thiểu số tự chụp ảnh

Cuộc triển lãm trên đang được bày trang trọng ở Công viên Lam Sơn TP Hồ Chí Minh, tháng 11/2012. Được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE) cùng Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam và Tổ chức Oxfam, tiến hành trong những tộc người thiểu số các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Trị, Sóc Trăng.

Các tổ chức này về từng làng nói với nhân dân: hãy kể chuyện bằng ảnh về nền văn hóa của dân tộc mình (công việc, lễ nghi, phong tục, tập quán cùng những ước mơ) nhằm lưu giữ và giao lưu với các dân tộc anh em. Lấy sự đối thoại cởi mở và bình đẳng giữa các nền văn hóa khác biệt và đa dạng để làm giàu cho tất cả các nền văn hóa, cũng như làm giàu cho nền văn hóa Việt Nam nói chung. Mỗi thôn làng cử 6 người tự  nguyện.

Truyền bá kỹ năng ban đầu, cấp máy ảnh để họ tự chụp những gì thích thú từ gia đình mình, người thân, bạn bè và trong cộng đồng. Sau mỗi đợt chụp ảnh, làm ra ảnh cùng cả làng xem, cùng rút kinh nghiệm và học thêm kiến thức chụp ảnh. Cuối cùng,cả làng chọn được những bức ảnh đẹp nhất, những người tổ chức gợi ý mọi người kể câu chuyện và ghi chép lại cho mỗi tấm ảnh; đấy là “thể loại” Photovoice = Ảnh + câu chuyện kể.

3 tháng sau, từ mấy nghìn tấm, chọn được 143 ảnh, cùng nhau xem ưng ý nhất rồi đem đi trưng bày cho mọi người xem.

Các em bé người Khmer đang chơi trò chơi “chéo giò nhảy vòng” hay còn gọi là trò “Bắc kim thang”. Trò này cần 3 người chơi. Ai lớn nhất để giò dưới cùng, đỡ giò cho 2 đứa nhỏ hơn. Sau khi ngoắc giò thì 3 đứa  nhảy vòng vòng xung quanh, vừa nhảy vừa vỗ tay đến khi nào té thì nghỉ. Khi người chơi nhảy, những người đứng ngoài hát bài “Bắc kim thang cả làng bí rợ …” để cổ vũ – Tác giả:  Trần Thị Huỳnh Mai dân tộc Khmer, Sóc Trăng.

Bức ảnh này chụp cảnh đưa dâu về nhà chồng. Trước đây người Vân Kiều thường lấy vợ lấy chồng trong thôn hoặc trong vùng cho nên khi đi đón dâu chủ yếu là đi bộ. Hơn nữa nếu có đi lấy chồng xa thì phương tiện đi lại và đường xá cũng chưa thuận tiện. Ngày nay, có nhiều biến đổi. Hôn nhân không chỉ giữa người Vân Kiều với nhau mà còn với các tộc người khác sống khá xa nhau, nên khi đi đón dâu xa thường thuê xe khách để chở – Tác giả: Hồ Thị Nguyệt , dân tộc Vân Kiều, Quảng Trị.

Tôi chụp ảnh bà đang dạy cháu đếm sợi, vì đếm sợi rất quan trọng. Ví dụ như hoa văn thêu 2 sợi mà sử dụng 3 sợi thì hỏng. Người ta dạy trẻ con bất cứ khi nào, nếu mùa hè thì dạy ở ngoài sân, ngoài hiên, mùa đông dạy ở cạnh bếp nhưng có đống sưởi và phải ở nơi sáng. Bà hay mẹ người Dao thì phải biết thêu, nếu mặc như người Kinh thì người ta chê không biết thêu, thậm chí ế chồng. Cái bọn thanh niên này nếu không biết thêu, đố ai lấy – Tác giả: Lý Mẩy Chạn, dân tộc Dao, Lào Cai.

Từ trước đến nay, người H’Mông chưa rèn dao để mang ra chợ bán bao giờ, chỉ khi người nào có nhu cầu đặt rèn thì thợ rèn mới làm cho thôi.

Người H’Mông thường rèn dao vào ngày mưa, không đi làm nương được thì người ta tranh thủ rèn.  Rèn được một con dao tốt thì họ cũng cần phải tập trung, nếu mà làm vào những ngày bận bịu thì người ta không tập trung vào việc nên rèn con dao sẽ không đẹp. Dao của người H’Mông làm ra nhìn ngoài tuy không đẹp nhưng rất sắc bén và bền, vì vậy mà người ta thường gọi là Dao H’Mông vì được làm rất tốt, dùng được lâu mà lại sắc nữa. Để rèn một con dao cho người H’Mông phải rèn trong khoảng 2 tiếng liên tục, đấy là người khỏe, còn người yếu phải mất nhiều thời giờ hơn – Tác giả Mùa Thi Cha, dân tộc Dao, Yên Bái.

Cánh ruộng bậc thang đã được dẫn nước vào để ngâm đất cho mềm. Thường thì người ta ngâm từ tháng 10 cho đến tháng 4 sang năm mới bắt đầu làm đất – Tác giả: Giàng A Của, dân tộc H’Mông, Lào Cai.

Đỉnh Phansipang được chụp từ đỉnh núi gần đó. Đây là đỉnh núi cao nhất trong dãy Hoàng Liên Sơn. Ở đây lúc nào cũng có mây bao phủ, trên đó không có cây to mà chủ yếu là bông lau. Đây là điểm du lịch nhiều người ưa thích mạo hiểm chọn tham quan. Từ chân núi leo lên đến đỉnh phải mất cả ngày đó là với người H’Mông, còn đối với khách du lịch phải nghỉ qua đêm ở cột mốc 2.500m để sáng hôm sau leo tiếp – Tác giả: Giàng A Của, dân tộc H’Mông, Lào Cai.

Đây là cái bề truyền thống của người H’Mông dùng để đựng thức ăn khi đi làm, để củi, để rau, … Là một người phụ nữ H’Mông già trẻ khi đi làm đều phải đeo các bề này. Khi đến nơi làm, vừa để tránh con vật lạ bâu vào thức ăn và đồ dùng cần thiết của họ. Phụ nữ H’Mông khi đi làm mặc quần áo bình thường không có chỗ cất điện thoại nên người ta phải treo lên chỗ cao nhất. Qua tấm ảnh này em muốn nói lên một điều là giờ người H’Mông đã biết dùng điện thoại, khi đi làm ở trên núi cao, họ bao giờ cũng treo cái điện thoại ngay sát cái bề gần nơi làm việc để khi người nhà hoặc anh em có việc gì đó gọi đến họ còn nghe được – Tác giả: Sùng A Của, dân tộc H’Mông, Yên Bái.

1. Chúng tôi dự đoán cách nay mấy năm, nhiếp ảnh được xã hội hóa cao sẽ bùng nổ hình ảnh, thì nay đã thấy là hiện thực.

2. Chúng tôi cũng nêu lên một quan điểm hiện đại: Mọi con đường nhiếp ảnh đều dẫn đến nghệ thuật. Thì đây cũng là một minh chứng, dẫu những “tài tử miệt vườn” này mới đặt chân lên con đường dài nghệ thuật đích thực.

3. Các nhà Tổ chức dự kiến huy động tài chính để mua thêm 500 máy ảnh cấp cho các tộc người thiểu số thuộc các vùng miền khác nhau. Thật là ý tưởng tốt đẹp!

 

 

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button