Chuyện về những phóng viên ảnh nổi tiếng mọi thời đại
Dưới đây là những phóng viên như thế, tên tuổi và những tác phẩm ảnh họ để lại cho hậu thế vẫn sống mãi cùng thời gian.
Phóng viên ảnh Philip Jones Griffiths (1936 -2008)
Chân dung phóng viên ảnh nổi tiếng Philip Jones Griffiths
Nhiếp ảnh gia người Thụy Điển Philip Jones Griffiths được cả thế giới biết đến với những bức ảnh kinh điển về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Sau khi cuộc chiến này dần đi tới hồi kết, ông chuyển qua Campuchia và làm việc ở đó cho đến năm 1975. Cũng chính bởi những thành công vang dội mà ông đạt được, vào năm 1985, ông được bầu làm chủ tịch của tổ chức nhiếp ảnh quốc tế Magnum Photos.
Một số tác phẩm nằm trong 2 cuốn sách ảnh nổi tiếng của Philip
Mặc dù ông đã qua đời từ năm 2008, nhưng đến nay mọi người vẫn nhắc tới ông như một huyền thoại. Ông đã để lại cho đời 2 tác phẩm lớn là cuốn sách ảnh Vietnam Inc, Dark Odyssey và cuốn Agent Orange: Collateral Damage in Vietnam gồm nhiều bức ảnh đen trắng mô tả những góc nhìn chân thực nhất về cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
Phóng viên ảnh Henri Cartier-Bresson (1908-2004)
Chân dung phóng viên ảnh Henri Cartier-Bresson
Nhiếp ảnh gia Henri Cartier-Bresson được biết đến như là cha đẻ của nền báo ảnh hiện đại. Sinh năm 1908 tại Pháp, ông là một trong số những người đầu tiên sử dụng ống kính 35mm. Trong suốt sự nghiệp nhiếp ảnh, Cartier-Bresson đã ghi lại được một vài thước phim tài liệu với những khoảnh khắc và hình ảnh mang tính điển hình nhất của thế kỷ qua, từ cuộc nội chiến Tây Ban Nha đến cuộc giải phóng Paris trong suốt thế chiến thứ 2, sự ra đi của Thánh Mahatma Gandhi của Ấn Độ cho đến sự sụp đổ của bức tường Berlin.
Được xem là một trong những nhà tiên phong của nhiếp ảnh báo chí, những bức ảnh của ông đã có mặt trong các triển lãm nghệ thuật trên khắp thế giới. Henri Cartier-Bresson cũng là người sáng lập ra tổ chức nhiếp ảnh quốc tế Magnum Photos vào năm 1947 và được những người hâm mộ phong là “con mắt của thế kỷ”.
Một số tác phẩm của Henri Cartier-Bresson
Phóng viên ảnh Robert Doisneau (1912-1994)
Robert Doisneau
Robert Doisneau là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Pháp. Cùng với Henri Cartier-Bresson, ông là người tiên phong trong lĩnh vực nhiếp ảnh báo chí. Trong thập niên 1930, Robert Doisneau với một chiếc máy ảnh Leica đã chụp rất nhiều bức ảnh về đời sống thường nhật ở Paris. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Nụ hôn bên Tòa thị chính (Le baiser de l’hôtel de ville), chụp một cặp đôi đứng hôn nhau bên cạnh Tòa thị chính Paris, giữa đường phố đông đúc.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông “Nụ hôn bên Tòa thị chính” chụp năm 1950
Bị ảnh hưởng bởi các tác phẩm của André Kertész, Eugène Atget, và Henri Cartier-Bresson, trong hơn hai mươi cuốn sách, ông đã thể hiện những góc nhìn đầy quyến rũ về sự yếu lòng của con người và cuộc sống như trong những khoảnh khắc yên tĩnh, phi lý. Robert Doisneau được trao huân chương Bắc Đẩu Bội tinh với hạng Hiệp sỹ (Chevalier de la Légion d’honneur) vào năm 1984.
Phóng viên ảnh David Burnett (sinh năm 1946)
Chân dung nhiếp ảnh gia David Burnett
Nhiếp ảnh gia Burnett tốt nghiệp đại học Colorado năm 1968 và ngay lập tức dấn thân và nghiệp ảnh báo chí. Ông từng là phóng viên tự do cho tạp chí Life and Time công tác tại Mỹ và Việt Nam. Sau khi đến Việt Nam một lần duy nhất và sống tại đó trong 2 năm, ông quyết đinh gia nhập vào Gamma, một hãng thông tấn ảnh của Pháp, cho phép ông đi du lịch khắp Châu Âu với tư cách là phóng viên ảnh tin tức. Vào năm 1975, ông quyết định tách ra và thành lập nên hãng thông tấn ảnh của riêng mình ở thành phố New York có tên là Contact Press Images. Trong suốt 30 năm sau đó, ông đã đi khắp nơi trên thế giới chụp lại nhiều sự kiện trọng đại bao gồm cả các kỳ thế vận hội Olympics, các chiến dịch tranh cử, cuộc nổi dậy ở Iran… Các tác phẩm của ông đã nhận được nhiều sự ca ngợi cũng như dành được nhiều giải thưởng lớn như Huy chương vàng giải thưởng Robert Capa, World Press Photo và nhiều giải thưởng khác.
Một trong số những tác phẩm nổi tiếng của David Burnett
Phóng viên ảnh Robert Capa (1913-1954)
Chân dung Robert Capa
Robert Capa (tên khai sinh là Endre Friedman), phóng viên ảnh huyền thoại gốc Hungari, là người định hình nên chuẩn mực cho các phóng viên ảnh chiến trường, ông có mặt trong 5 cuộc chiến lớn. Trong quá nửa quãng đời ngắn ngủi của mình, Capa đã để chiếc máy ảnh kể lại câu chuyện hơn 20 năm tàn khốc nhất của thế kỷ XX. Friedmann bắt đầu chụp ảnh phóng sự vào khoảng năm 18 tuổi, khi chuyển đến Berlin. Ông ghi dấu ấn của mình lần đầu tiên bằng những bức ảnh chụp chân dung sinh động Leon Trotsky – người lãnh đạo của Hồng Quân trong cuộc diễn thuyết kêu gọi cho cuộc cách mạng Nga tại sân vận động Copenhagen (1932) và trở nên nổi tiếng từ đó.
Bức ảnh chụp lãnh đạo Leon Trotsky ghi dấu ấn đầu tiên cho sự nghiệp nhiếp ảnh của Capa
Năm 1938, khi mới 25 tuổi, tạp chí Picture Post của Anh vinh danh Capa là “Phóng viên ảnh chiến trường vĩ đại nhất thế giới”. Trong những năm 1940 và những năm 1950, Capa đã đi khắp thế giới với tư cách là phóng viên của Magnum Photos, một tổ chức về nhiếp ảnh do ông đồng sáng lập cùng với Henri Cartier-Bresson, David Seymour,William Vandivert, và George Rodger. Đây là tổ chức đầu tiên trên toàn thế giới dành cho phóng viên ảnh tự do.
Tháng 5 năm 1954, Capa đã qua đời tại Việt Nam bởi một tai nạn bom mìn.