Tin quốc tế

Nhiếp ảnh gia Mario Testino: “Tôi ngán sắc đẹp”

– Thưa ông Testino, Duesseldorf đang nhộn nhịp với cuộc trưng bày nghệ thuật Duesseldorf Contempo-rary nhưng triển lãm Out Of Fashion vẫn tạo ra sức hút mạnh đối với dư luận. Khắp nơi có quảng cáo về nó, trước khách sạn ông ở còn kéo cả cờ Peru…

Như để đón một nguyên thủ quốc gia.

– Mới mở có 5 ngày nhưng Out Of Fashion đã thu hút được 12.000 người đến xem, một con số đáng nể. Còn triển lãm Portraits trước đó của ông ở National Portrait Gallery (London) là cuộc trưng bày đông khách nhất trong lịch sử bảo tàng từ trước tới nay. Lý do nào để có thành công như vậy?

Người ta say mê thế giới của các ngôi sao và hào quang do tôi đem lại. Họ thích “gặp mặt” những thần tượng như Madonna hay Gwyneth Paltrow trên các tấm ảnh khổ lớn. Cũng có thể họ ưa vòng 3 tuyệt đỉnh của Gisele Bundchen… Tuy nhiên tôi sẽ hơi thất vọng nếu người ta đến triển lãm của tôi chỉ để ngắm những khuôn mặt hay cơ thể khả ái.

– Nhưng tôn vinh sắc đẹp chính là công việc của ông cơ mà. Từ nhiều năm nay, ông được coi là nhà nhiếp ảnh đắt giá nhất thế giới. Hàng ngày các người mẫu, diễn viên và ngôi sao ca nhạc vây quanh ông…

Thú thật là tôi ngán sắc đẹp lắm rồi. Họ bắt đầu chụp ảnh, khoảng đầu thập kỷ 1970, tôi chỉ quan tâm đến sắc đẹp và hoàn hảo của nó. Giờ đây tôi thích chụp những khuôn mặt làm tôi bực mình hay bối rối hơn.

– Vì ông đã thấy quá nhiều người đẹp?

Không, nhưng ý niệm của tôi về cái đẹp đã thay đổi. Những gì ngày xưa tôi thấy đẹp thì hôm nay chỉ là sự nhạt nhẽo mang tính bề nổi. Cái nhìn của tôi đi sâu và đòi hỏi nhiều hơn.

Tôi đã thấy vô số phụ nữ, đàn ông đẹp trong đời và từng nghĩ rằng công việc của mình là tôn những vẻ đẹp đó lên đỉnh cao. Giờ đây thì tôi nghĩ khác. Sắc đẹp bao giờ cũng nguy hiểm cho nghệ sĩ hay nhiếp ảnh gia, vì ranh giới giữa bản chất và lớp vỏ suông thật mỏng manh.

– Ông tự nhận mình là nghệ sĩ hay thợ chụp ảnh?

Là thợ chụp ảnh, một dạng người làm ảnh thời sự nhưng được tạo cảm hứng và chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật đương đại. Nếu là nghệ sĩ thì phương thức làm việc của tôi không hợp: Một tác phẩm nghệ thuật hiện đại cần có quá trình quy chiếu lâu dài. Thời gian của tôi dành cho một bức ảnh luôn bị hạn chế. Hôm nay tôi chụp ảnh cho một chương trình quảng cáo của Burberry, ngày mai là ảnh thời trang cho 8 trang trong Vogue, nghĩa là khoảnh khắc quy chiếu trong chụp ảnh rất hạn hẹp.

– Ông có phiền lòng vì điều đó?

Đôi khi tôi cũng muốn có thêm thời gian nhưng những năm tháng làm việc đã khiến tôi quen với tốc độ này. Ngoài ra thì linh tính sáng tạo của tôi cũng được rèn luyện qua đó. Thời trang hôm nay không có ý nghĩa gì với tôi nữa. Nhờ nó nên tôi có những việc làm tốt nhất nhưng cũng vì nó mà tôi từng khủng hoảng ghê gớm.

– Khủng hoảng trong sáng tạo?

Thường xuyên như vậy. Mỗi hợp đồng mới lại gây ra một cuộc khủng hoảng. Cứ mỗi lần như thế, tôi phải tỏ ra cho các người mẫu và ngôi sao Hollywood biết rằng họ không phải làm việc với một kẻ nghiệp dư.

– Ông lại khiêm tốn rồi! Các siêu sao như Demi Moore, Robbie Williams và Angelina Jolie đã hết lời ca ngợi ông. Trong lời phi lộ của cuốn Let Me In! mà ông sắp cho ra mắt, Nicole Kidman gọi ông là nhà nhiếp ảnh vĩ đại nhất.

Cô ấy là bạn của tôi mà!

– Đồng nghiệp xì xào là ông không theo một phong cách cố định?

– Đó là nhận xét của những người dốt nát. Phong cách không thể hiện qua sự lặp đi lặp lại, mà nó đến cùng với sự say mê riêng, muốn thể hiện mình qua công việc, dù đó là thời trang, kiến trúc hay nhiếp ảnh. Nếu hiểu sai, phong cách sẽ trói tay ta.

– Ít nhất trong ảnh của ông cũng có một điều luôn được lặp lại, đó là chúng luôn thể hiện sự riêng tư nào đấy.

– Chính tôi muốn thể hiện điều đó. Khi chụp ảnh bất cứ ai, tôi muốn ép người đó phải đem lại cho mình điều mà họ thường không đem lại cho người khác. Chỉ có thể đạt được điều ấy trong không khí thân mật. Và không phải lúc nào cũng thành công.

– Richard Avedon lại nổi tiếng vì luôn giữ sự cách biệt với đối tượng chụp ảnh và hay khai thác những điểm yếu của họ. Ông có bao giờ quan tâm đến điểm yếu nơi những người đứng trước ông kính của mình?

– Không nhất thiết. Tôi muốn tạo ra một quan hệ tốt và thâm nhập vào cuộc đời họ. Có thể vì trong thâm tâm, tôi mong muốn được chấp nhận và hòa hợp vào môi trường nào đó. Tôi rời Peru năm 1976 và từ đấy không biết nơi nào thực sự là nhà mình. Paris, New York hay London cũng như nhau. Vị trí kẻ ngoài cuộc đem lại tự do nhưng cũng làm tôi cô đơn và mất gốc kinh khủng.

VAPA

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button