Kết quả các cuộc thi

Kết quả cuộc thi ảnh báo chí Bạc Liêu – Cà Mau lần thứ II năm 2014

Được phát động từ tháng 11/2013, cuộc thi ảnh báo chí Bạc Liêu – Cà Mau lần thứ II năm 2014 với đề tài “Cà Mau – Bạc Liêu trên đường đổi mới và phát triển” dành cho tất cả những người cầm máy chuyên và không chuyên trong hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.

Sáng 06/06/2014 Ban Tổ chức đã bàn giao toàn bộ 266 tác phẩm dự thi hợp lệ cho Ban Giám khảo. Sau các vòng chấm giải nghiêm túc, khách quan, Ban Giám khảo đã chọn được 89 ảnh để triển lãm, trong đó có 10 tác phẩm được trao giải. Cụ thể như sau:

01 giải Nhất: tác phẩm Đờn ca tài tử, báu vật của nhận loại – tác giả Huỳnh Lâm.

02 giải Nhì: tác phẩm Vì sự bình yên trên biển – tác giả Lê Khoa; tác phẩm Đường về Đất Mũi – tác giả Lê Nguyễn.

03 giải Ba: tác phẩm Sử dụng máy cấy lúa – tác giả Thanh Minh; tác phẩm Tuyên truyền chủ quyền biển đảo – tác giả Nguyễn Hữu Danh và tác phẩm Nhìn xa – tác giả Tấn Đông.

04 giải Khuyến khích: Nuôi cá bóp ở Hòn Chuối – tác giả Phương Bằng; Thắp sáng đường quê – tác giả Trần Loan Phương; tác phẩm cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường – tác giả Thanh Minh và tác phẩm Bình Minh trên đầm tôm của Duy Nguyễn.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức: Những tác phẩm được triển lãm, đặc biệt là 10 tác phẩm đoạt giải đã thể hiện được thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng; những tấm gương điển hình tiên tiến trong công tác, lao động sản xuật, đặc biệt là trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cùng với những chuyển biến tích cực trong đời sống sinh hoạt trên quê hương Cà Mau – Bạc Liêu.

89 ảnh triển lãm tượng trưng cho 89 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Lễ trao giải và khai mạc triển lãm ảnh sẽ được tổ chức tại TP Cà Mau vào ngày 20/06/2014. Sau đó sẽ được triển lãm tại TP Bạc Liêu.

Dưới đây là bộ ảnh đoạt giải Nhất cuộc thi:

Sinh hoạt đờn ca tài tử ở nông thôn

(Trong ảnh là buổi sinh hoạt định kỳ 02 lần/tháng của CBL Đờn ca tài tử  thị trấn U Minh – Cà Mau)

 

Ngẫu hứng trên sông!

(Đối với người dân sông nước Nam Bộ, đờn ca tài tử là là món ăn tinh thần không thể thiếu và nó đã thẩm thấu vào máu thịt của mỗi con người. Chính vì vậy, dù bất cứ nơi đâu: ruộng đồng, sông nước, đám tiệc… họ đều chơi Đờn ca tài tử  một cách vô tư, đầy ngẫu hứng. Và đây là buổi đờn ca của gia đình anh Sáu Tới và ông Út Nhì ở Rạch Bà Thầy – Nguyễn Phích – U Minh)

 

Hình bóng đờn Kìm

(Chiếc đờn Kìm được ví như là báo vật, là linh hồn của Đờn ca tài tử và tự hào khi tỉnh Bạc Liêu đã chọn đờn kìm là biểu tượng văn hóa của tỉnh)

 

Bộ nhạc cụ tứ tuyệt không thể thiếu của đờn ca tài tử

(Trong ảnh là 4 loại nhạc cụ: đờn Cò, đàn Tranh, đờn Bầu và đờn Kìm, bộ tứ tuyệt này là hình ảnh trung tâm của sự kiện Festival Đờn ca tài tử lần thứ nhất tại Bạc Liêu vừa qua)

 

Vinh danh Đờn ca tài tử

(Festival Đờn ca tài tử  Nam Bộ lần thứ nhất tại Bạc Liêu – quê hương của nhạc sĩ Cao Văn Lầu – cha đẻ của bảng Dạ cổ hoài Lang. Đây là một sự kiện văn hóa lớn nhất, đầu tiên nhất nhằm vinh danh Đờn ca tài tử – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại)

Ảnh bộ: ĐỜN CA TÀI TỬ – BÁU VẬT CỦA NHÂN LOẠI – tác giả: Huỳnh Lâm

Đờn ca tài tử là dòng nhạc dân gian được hình thành từ cuối thế kỷ XIX, gắn liền với vùng đất Nam Bộ. Hiện Việt Nam có hơn 29.000 người đang thực hành nghệ thuật Đờn ca tài tử ở 21 tỉnh, thành miền Nam, gồm: An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận,  Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, TP. HCM, Kiên Giang, Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Trong đó, những tỉnh, thành có nhiều người thực hành là Bạc Liêu, Bình Dương, TP.HCM, Tiền Giang. Bạc Liêu và Cà Mau ngày 5-12/2013 nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Và Bạc Liêu là địa phương đầu tiên đăng cai tổ chức Festival Đờn ca tài tử Nam Bộ lần thứ nhất – năm 2014, qua đó nhằm tôn vinh cũng như khẳng định Đờn ca tài tử – Báu vật của nhân loại sẽ trường tồn mãi mãi theo thời gian.

 

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Back to top button