Lý luận phê bình

Trò chơi nhiếp ảnh – đâu là luật chơi?

Nhiếp ảnh, cũng giống như những khía cạnh trong cuộc sống – chỉ là một trò chơi – nhưng chúng ta không phải lúc nào cũng biết luật chơi.

Tiểu luận của Mark Schacter với tựa đề Am I a Photographic Cheat? (tôi có phải là một kẻ gian lận trong nhiếp ảnh hay không?) đã gợi ý tôi tìm kiếm câu trả lời.

Khái niệm “gian lận” gợi ý rằng chắc hẳn phải có một số hệ quy tắc nào đó tồn tại thì mới có cái gọi là gian lận. Là một nhà vật lý, tôi cho rằng công nghệ nhiếp ảnh không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tuân theo các định luật vật lý. Cái gì được là được, cái gì không là không. Khó mà có thể gian lận được Vật lý! Vậy nhưng luôn có một khía cạnh con người trong nhiếp ảnh: đó là người chụp và người xem. Thực tế là những thảo luận về nhiếp ảnh ở trang Luminous Lanscape đã xác lập một giá trị khá cao về yếu tố con người, cho dù đó là thao tác sử dụng thiết bị hay đánh giá hình ảnh được chụp. Vật lý chẳng liên quan gì lắm tới yếu tố con người, ngoại trừ một thực tế là vật lý đóng vai trò giúp con người tồn tại. Vì vậy, tôi có thể sẽ nói rằng các quy luận liên quan tới nhiếp ảnh có lẽ chỉ phát xuất từ con người chứ không phải là tự trật tự của vũ trụ.

Tôi đã cố gắng trong nhiều năm để tìm ra quy luật tự nhiên chi phối nhiếp ảnh: các quy tắc xuất phát từ thiên nhiên, cho dù đó là vật lý, hóa học, hoặc lịch sử của trái đất và các sinh vật trên trái đất. Tôi cũng đã tìm thấy vài quy luật. Với một số khía cạnh của cuộc sống, thực sự là có các quy luật tự nhiên: và cho dù là loài nào đi nữa thì mỗi cá thể phải tồn tại. Nhưng lại không hẳn đúng với các nỗ lực nghệ thuật, có rất nhiều ví dụ khi mà các nghệ sĩ đã thành công – hiểu theo nghĩa là công việc của họ được những người khác đánh giá cao – chỉ sau khi họ đã chết. Nhưng tác phẩm của họ rõ ràng là tồn tại, vì vậy chúng ta vẫn có một quy luật tự nhiên: một bức ảnh phải tồn tại đủ lâu cho những người khác nhìn thấy nó và đánh giá cao nó. Nghệ sĩ phải tồn tại đủ lâu để sáng tạo ra sản phẩm nghệ thuật của mình và vậy là đủ. Và còn có một quy tắc ngầm: nghệ thuật hoặc ảnh chụp phải được nhìn thấy. Không có cái ảnh nào lại là bức ảnh không nhìn thấy cả.

Vậy thì các quy tắc về bố cục và phối cảnh thì sao? Xin lỗi, tôi chẳng thấy quy tắc nào có nguồn gốc tự nhiên cả. Người ta có thể giải thích cho một số các quy tắc có tính tương tự với các hệ thống tự nhiên, nhưng thực tế là không có quy định bắt buộc nào ở đây. Cái gì có thì cũng đã có. Tông màu / chuyển tông? Vâng, như chúng ta đã thảo luận, hình ảnh phải được nhìn thấy, vì vậy phải có chuyển tông chuyển sắc. Màu sắc? Sẽ luôn luôn có màu sắc nào đó, kể cả nhiếp ảnh đen trắng.

Để tìm ra thêm quy tắc cho nhiếp ảnh, chúng ta sẽ cần phả xem xét chính con người. Tôi có thể nói một cách mạo hiểm rằng mỗi người trong chúng ta có hệ quy tắc riêng để phán xét đâu là bức ảnh đẹp và thế nào là không đẹp. Các nhiếp ảnh gia nghiệp dư rất tự do trong việc thiết lập các quy tắc của riêng mình, và tự đánh giá công việc của mình theo cách riêng. Trong khi đó, nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lại thường phải chơi theo luật chơi của khách hàng. Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cần có khách hàng mua tác phẩm của mình. Người nghiệp dư không cần phải biết anh ta đang chơi trò gì hoặc luật chơi gì trong khi người chuyên nghiệp thì lại phải biết. Tất nhiên khi người nghiệp dư mang tác phẩm đi thi, thì anh ta cần khôn ngoan nắm được các quy tắc nếu muốn giành chiến thắng. Tôi cho rằng, ngay cả trong các cuộc thi với các quy tắc chi tiết rõ ràng, thì vẫn còn thêm nhiều quy tắc khác nằm lẩn trong thâm tâm của ban giám khảo.

Vậy thì chúng ta đang chơi trò chơi gì đây? Tôi không thể nói thay cho mọi người, nhưng sau đây là một vài nguyên tắc của tôi. Tôi có xu hướng không đánh giá cao các tấm ảnh có tác động mạnh ngay ban đầu – ai đó có thể thốt lên “Wow” ngay khi nhìn thấy –  Nhưng một khi bạn đã nhìn thấy rồi, thì coi như là đã xong. Dầu sao thì tôi cũng hiểu rằng quảng cáo thì cần ảnh kiểu như vậy. Tôi thích những bức ảnh phức tạp với hình ảnh ẩn trong hình ảnh. Sau khi ngắm nghía mãi mới xong một bức ảnh, bạn nói “Wow, hình ảnh đó có kể được rất nhiều câu chuyện!” Tôi thích những ảnh nào mang lại được xúc cảm mạnh, nhưng cảm xúc đó không nên quá lộ liễu mà cần chờ ai đó phát hiện ra nó. Tôi có xu hướng thích quan điểm “chuẩn” thông thường, dĩ nhiên không phải lúc nào cũng vậy. Mà đôi khi trông nó lại chẳng “hay ho” gì tuy mọi thứ có vẻ rất chuẩn. Tôi thích những hình ảnh làm cho tôi cứ phải ngắm đi ngắm lại hoài.

Hai hình chụp hồng ngoại bằng Leica M8 và ống 28/2.8 lens, ghép lại có chỉnh sửa phối cảnh cho phù hợp. Một đám mây đơn độc được ghép thêm tự động bởi Photoshop CS5. Một phiên bản khác là ảnh đã cắt bớt ngôi nhà ở bên phải. Tôi có gian lận không? Nếu theo luật riêng của tôi thì không, nhưng tôi cũng đã phá khá nhiều thực hành thông thường của mình. Theo quan điểm của tôi, mây giả chẳng thêm cái gì đáng kể hay làm phân tâm gì, nhưng mất một phần của tòa nhà chắc chắn sẽ gây phân tâm. Tôi đã thử nhiều cách xử lý để tránh phải thêm gì đó vào bầu trời, nhưng trông nó chẳng hay lắm.

Và rồi lại có những quy tắc / luật chơi  như “Chỉnh sửa” hậu kỳ đến chừng mực nào là OK? Tôi không cho rằng có quy tắc mang tính tự nhiên nào được áp dụng ở đây: làm được cái gì thì làm. Và sẽ có luật chơi khá khác nhau ở các hình thái nhiếp ảnh khác nhau. Với mục đích pháp lý, luật chơi rất là rắn. Ảnh cần mô tả sự thật một cách trung thực nhất. Tuy nhiên ảnh vẫn có thể được chỉnh sửa rất mạnh tay để làm rõ khu vực tương phản kém, nhằm hé lộ sự thật. Nếu là để kể về một câu truyện giả tưởng thì có rất nhiều đất để có thể hoán đổi nhiều thứ cho trí tưởng tượng bay bổng. Luật chơi cơ bản nhất của tôi khi nói về chỉnh sửa hình ảnh, đó là làm gì thì làm, nhưng không quá lộ liễu là đã bị chỉnh sửa. Tôi ưa chỉnh sửa tổng thể, áp dụng cho toàn vùng của khung hình hơn là chỉnh sửa chỉ 1 phần trên ảnh. Tuy nhiên chỉnh sửa khu vực cũng chẳng sao nếu nó không quá lộ. Nhưng đó chỉ là luật chơi của tôi, không phải là áp dụng cho mọi người. và có rất nhiều bức ảnh nổi tiếng mà trông rất rõ chỉnh sửa.

Nói về việc làm thay đổi / chỉnh sửa, cũng cần hiểu rằng không thể nào mà không tác động gì lên một bức ảnh. Ống kính làm lệch, cảm quang làm lệch, máy ảnh làm lệch. Quá trình phóng ảnh (hóa chất hoặc máy tính) làm lệch, quá trình in (máy hoặc người) làm lệch, giấy (hoặc màn hình) làm lệch, thậm chí ánh sáng để xem hình cũng làm lệch. Ngoài ra, mắt và não bộ của con người cũng làm lệch khá mạnh cách chúng ta “nhìn”. Và vì vậy anh Mark ơi, nếu áp dụng luật chơi của tôi thì anh cũng đâu có lừa dối ai.

Điều này lại đưa chúng ta về câu hỏi kinh điển “Hình ảnh là gì?” Họa sĩ người Pháp René Magritte vẽ hàng loạt tranh về cái tẩu thuốc và chú thích “Ceci n’est pas une pipe” (Đây không phải là cái tẩu). Ý của ông là bức tranh về cái tẩu đâu phải là cái tẩu thực: bạn đâu có thể dùng tranh cái tẩu để hút thuốc, và bạn cũng không thể dùng cái ảnh chuồng chó để nhốt chó. Cứ thử đi và chắc hẳn không thành công đâu. Cho dù là tranh hay ảnh, thì bức hình đó cũng chỉ là trừu tượng mà thôi. Nó có thể trông giống một vật thể thật, nhưng nó không hề có tất cả đặc tính của vật thể đó. Theo cách hiểu này thì một bức ảnh (hay một bức họa, bức tranh) là đồ giả / và ta phải chấp nhận như vậy. Và nó lại có thể là một tác phẩm hội họa hoặc không thể được gọi là 1 tác phẩm. Nó có thể là tác phẩm thành công hay không lại phụ thuộc vào các luật chơi được áp dụng.

Tôi sẽ lập luận rằng một hình ảnh, cho dù nó là bức tranh, một bản vẽ hay một ảnh chụp thì nó vẫn chỉ là một cách thể hiện một đối tượng, một cảnh vật, một câu chuyện hoặc ý niệm nào đó muốn chuyển tải tới người xem qua con đường thị giác. Và cho dù là bức tranh hay bản vẽ thì nó cũng hàm chứa một chừng mực nào đó về hỗ trợ mang tính kỹ thuật khi chuẩn bị, có thể là đo đạc bằng cán cây cọ hay bằng ngón tay, một bản phác thảo hay thậm chí là một ảnh chụp. Nó cũng có thể thuần túy là sự tưởng tượng của người nghệ sĩ. Một bức ảnh rõ ràng là phải dựa khá nhiều vào hỗ trợ kỹ thuật, nhưng cũng hàm chứa không ít yếu tố con người. Người chụp chắc chắn phải xác định xem cần chĩa máy ảnh vào chỗ nào và khi nào thì bấm chụp. Một bức ảnh rõ ràng phải có cảnh hoặc chủ thể để khởi đầu. Và kể từ đó thì bức ảnh sẽ chỉ còn phụ thuộc vào trò chơi của nhiếp ảnh gia. Cảnh chụp có nhận ra được hay không? Hoạt động hay tình huống nào được mô tả? Nó có phải là cuộc chơi của màu sắc và/hoặc ánh sáng? Thêm hay bớt chi tiết thế nào là phù hợp? Tôi có tự thoải mái với bản thân là đủ hay là cần phải quan tâm tới khán giả của mình? Người xem có hiểu hoặc cần hiểu dụng ý của tôi? Câu trả lời sẽ rất đa dạng.

Tôi sẽ thừa nhận là có gian lận ở đây: tôi đã tẩy hết mấy cái dây điện. Kết quả là hình ảnh bớt lộn xộn một chút, nhưng 50 hay 100 năm sau (nếu bức ảnh này còn tồn tại tới lúc đó) thì người ta sẽ nói rằng “Bức ảnh chụp từ thời đó sẽ phải có dây điện nổi chứ, rõ ràng là có chỉnh sửa rồi.” Và, nếu nhìn kỹ thì bạn vẫn còn thấy bóng mấy cái dây điện. Thế là tự tôi đã phá luật của chính mình! Sony Alpha 100, Minolta 35-105 lens tại 50 mm.

Nguồn: http://www.luminous-landscape.com/essays/rules_of_the_game.shtml

Theo Nhật Thanh (yeunhiepanh.net) 12/3/2012

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button