Lý luận phê bình

Cảm xúc trong nhiếp ảnh

Người nghệ sĩ cầm máy ảnh, để có được những tác phẩm ảnh đều phải bắt nguồn từ những cảm xúc. Từ cảm xúc thông thường đi đến có một cảm xúc nhiếp ảnh đủ khả năng sáng tạo nên tác phẩm nhiếp ảnh là cả một quá trình lao động bền bỉ và gian khổ. Cũng là điều dễ hiểu, một khi người nghệ sĩ không có cảm xúc nghệ thuật thì khó lòng tạo nên được tác phẩm nghệ thuật; bức ảnh anh ta chụp thuần túy là sự sao chép hiện thực một cách lạnh lùng và chỉ có giá trị tư liệu. Không có ngành nghệ thuật nào muốn sáng tạo mà không đòi hỏi sự có mặt của cảm xúc.

Cảm xúc của nghệ sĩ nhiếp ảnh không khu biệt so với cảm xúc của nhà thơ, nhưng nó mang đặc tính riêng của nghệ thuật nhiếp ảnh. Nhà thơ tâm hồn rung động, cảm xúc trào dâng, có thể ghi chép những đợt sóng tình cảm đang tuôn trào qua ngòi bút, hoặc ghi nhớ để sàng lọc, lắng đọng cho đến khi trở thành “tinh chất” mới viết ra trên mặt giấy. Trong nhiếp ảnh, cảm xúc luôn luôn đi song hành với sự tỉnh táo, bởi đặc tính của nghệ thuật nhiếp ảnh là thu nhận hiện thực đời sống thông qua ống kính quang học, và xử lý các yếu tố kỹ thuật tiên tiến khác.

Khi nghệ sĩ rung động và cảm xúc của anh ta trước một đối tượng nào đó trong cuộc sống, cùng một lúc anh ta phải làm rất nhiều công việc thuộc về trí óc và chân tay khác nhau: một mặt phải đẩy cho cảm xúc tiến triển nhanh chóng, cô đọng và luôn luôn theo dõi diễn biến sự phát triển của đối tượng đang bị “săn” trong ống kính; mặt khác phải xử lý và giải quyết một loạt các “thông số kỹ thuật” như góc độ, bố cục, ánh sáng, thời điểm bấm máy… Do vậy cảm xúc nhiếp ảnh không chấp nhận sự chậm chạp, tản mạn. Chậm chạp là bỏ lỡ cơ hội bấm máy: Cái giây phút mà sự kiện đang diễn ra, “cái thần” của cuộc sống và con người đang diễn ra. Tản mạn trong cảm xúc đưa người cầm máy đi chệch mất thời điểm cùng sự lỏng lẻo, vô lý trong bố cục tác phẩm ảnh. Như vậy, cảm xúc đã được lưu giữ bằng sự tỉnh táo trên phim nhựa, ngày nay lưu trong thẻ nhớ của máy kỹ thuật số; còn lại là quá trình kỹ thuật để cho ra đời một tác phẩm ảnh có giá trị nghệ thuật.

Rõ ràng cảm xúc là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên giá trị một tác phẩm ảnh.

Ngược dòng lịch sử, từ khi xuất hiện nhiếp ảnh đến nay đã gần 180 năm, mọi sự kiện quan trọng của nhân loại, hay những hình ảnh mang tính cách của từng dân tộc, từng con người… đều hiện diện trước đồng loại bằng những bức ảnh. Từ mùa xuân tuyết tan của nước Nga, đến mùa thu vàng rực rỡ, óng ả của nước Nhật hay các nước phương Tây, hoặc một mùa hè gay gắt ở châu Phi; rồi những hình ảnh chứng tích của các cuộc chiến tranh trên toàn thế giới… đều được các nhà nhiếp ảnh ghi lại bằng những cảm xúc chứa đựng tinh thần nhân văn.

Nhiếp ảnh thu nhận qua ống kính cuộc sống và xã hội đương đại một cách trung thực. Vì thế, cảm xúc của người nghệ sĩ nhiếp ảnh luôn luôn dựa trên cơ sở những đối tượng đang hiện diện trong cuộc sống. Tư duy nghệ thuật làm nền tảng cho cảm xúc nghiêng về sự vật cụ thể chứ không phải tư duy trừu tượng như văn học hay một số ngành nghệ thuật khác. Nghệ sĩ triển khai ý tưởng, suy nghĩ của mình bằng những hình ảnh của thời đại mình đang sống.

Một điều hiển nhiên, nhiếp ảnh không có khả năng trình bày được cảm xúc của mình về quá khứ hoặc tương lai. Đây là điểm mạnh đồng thời cũng là điểm yếu của nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh không thể làm sống dậy được bức tranh xã hội và con người của thời đại vua Lý Thái Tổ, của triều nhà Trần, Lê, Nguyễn… Nhưng biểu tượng của dân tộc Việt Nam chống Mỹ, thông qua bức ảnh: “O du kích nhỏ” của Phan Thoan; hay bức ảnh “Mẹ con ngày gặp mặt” của Lâm Hồng Long, thì không có cảm xúc của loại hình nghệ thuật nào đạt đến sự nhanh nhạy, khái quát và đầy tính thuyết phục được như vậy.

Nhiếp ảnh cũng không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng. Cảm xúc nhiếp ảnh bao giờ cũng được khởi đầu bằng một đối tượng có sẵn, cụ thể. Trên cơ sở đối tượng và sự ghi nhận cụ thể ấy, được thổi vào “luồng sinh khí” là cảm xúc của nhà nghệ sĩ, hình ảnh sự vật bỗng bừng sáng, khúc triết và trở nên có “hồn”, có tâm trạng, số phận riêng. Khi một tác phẩm ảnh tràn đầy cảm xúc và tư tưởng thì nó không tồn tại trên mặt giấy ảnh nữa, nó đã ngự trị trong tình cảm, con tim khối ốc mọi người. Cảm xúc nhiếp ảnh đã khơi gợi những suy ngẫm sâu xa về cuộc sống, giúp cho trí tưởng tượng bay bổng cùng sự liên tưởng đến những bến bờ, ngóc ngách thầm kín trong tâm hồn mỗi người. Đạt đến tầm này cảm xúc đã gọi cảm xúc: cảm xúc chắp cánh cho tâm hồn, tình cảm con người trở nên trong sáng, nhân hậu, có thái độ rành rẽ trong cuộc sống trước cái thiện cái ác, cái đúng cái sai… và mỹ cảm con người nhờ thế mà được nâng cao hơn…

Có thể nào lại không rung động khi ta đứng trước những tác phẩm ảnh của các nghệ sĩ Võ An Ninh, Hồng Nghi, Đỗ Huân, Trần Cừ, Nguyễn Nhưng, Mai Nam, Nguyễn Mạnh Đan, Lâm Tấn Tài, Hoàng Kim Đáng, Đào Hoa Nữ, Văn Phúc; và hiện nay, nhiều tác phẩm của những tác giả trẻ… Chúng ta có thể gặp ở đó hình ảnh của quê hương được ghi lại ở nhiều cung bậc, dáng nét khác nhau. Nhiều tác phẩm độc đáo của nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh như: Suối nắng, Rừng thông, Hải Âu, Núi Bà Đen, Lòng sông gương sáng bụi không mờ… đưa ta đến cái nhìn thấm đượm tình yêu con người và sự hài hòa của tình cảm con người với thiên nhiên. Tác phẩm của các nghệ sĩ khác, nổi trội ở cảm xúc dồi dào, giàu chất thơ, yêu quý và trân trọng cuộc sống…

Thực tế đời sống nhiếp ảnh đất nước ta mấy chục năm qua, âm hưởng chủ yếu của cảm xúc là chiến tranh, đó là đặc điểm một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Với nguồn cảm hứng về chiến tranh, các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm ảnh phản ánh cuộc kháng chiến của dân tộc, giành được nhiều giải thưởng lớn của thế giới và tình cảm của nhân loại. Cũng với cảm xúc về chiến tranh, nhà nhiếp ảnh người Nhật, Isicao Bundo đã hoàn thành quyển sách ảnh đồ sộ “Chiến tranh giải phóng” nói về cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Sau chiến tranh, trong thời đại hôm nay cảm xúc của các nghệ sĩ được hướng tới muôn mặt đời thường của cuộc sống. Không ít tác phẩm đã có tiếng vang lớn…

Điều dễ nhận thấy trong cảm xúc của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, đó là những cảm xúc về dân tộc được thể hiện bằng một lối cảm, lối nghĩ, phương pháp tư duy mang đặc điểm nổi bật của người Á Đông; thiên về những cảm xúc tinh tế, nhẹ nhàng, êm ả, giàu chất thơ, phảng phất một nỗi buồn đây đó trong ảnh… Ít có những cảm xúc dữ dội, mạnh mẽ, táo bạo hay một sự khám phá đột biến, hoặc những cảm xúc giàu chất trí tuệ và ấn tượng…

Nói đến cảm xúc là nói đến lĩnh vực sức mạnh tinh thần của con người. Không có cảm xúc nghệ thuật cũng đồng nghĩa không có sự sáng tạo nghệ thuật. Ở người nghệ sĩ, cảm xúc góp phần làm nên sự khác nhau giữa tài năng này với tài năng khác, cho dù họ có giống nhau về tư tưởng và quan điểm nghệ thuật…

Trong nhiếp ảnh, mọi cảm xúc của người cầm máy muốn được hiện diện một cách có giá trị thông qua hình ảnh trình bày trên giấy ảnh; không có cách nào khác hơn bản thân mỗi người nghệ sĩ phải tự vượt lên mình, tự trang bị vốn kiến thức cho mình. Mầm mống hay là sự manh nha của cảm xúc được nảy sinh, được tư duy bằng sự từng trải, vốn sống, vốn tri thức nhiều mặt…

Cảm xúc sâu sắc trong nhiếp ảnh bao giờ cũng gợi mở, liên tưởng, giúp người xem tìm đến những ý nghĩ lớn hơn, vượt ra ngoài khuôn khổ tấm ảnh, làm nên: “chất xúc tác” cho cảm xúc trừu tượng mới nảy sinh; “Thi tại ngôn ngoại” của ảnh là thế. Khởi nguồn từ cái “tâm” và một tầm văn hóa nhất định, khi cảm xúc nhiếp ảnh cụ thể vươn tới và hòa đồng với cảm xúc trừu tượng; lúc ấy một tác phẩm ảnh đầy cảm xúc và trí tuệ sẽ hình thành.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button