Kỹ thuật

Sử dụng thước đo sáng trên máy ảnh DSLR

Thước cũng thường được chia thành các mốc chênh nhau 0.3 khẩu và có dải sáng từ -2 (hoặc -3) tới +2 (hoặc +3). Khi thước báo ở số không [0] là ảnh vừa đủ sáng (theo đánh giá của hệ thống đo sáng tự động của máy ảnh). Nếu chỉ số báo nghiêng về số âm (bên trái) là ảnh bị thiếu sáng, và chỉ số báo nghiêng về số dương (bên phải) là ảnh bị thừa sáng.

Ở các chế độ lập trình P, chế độ ưu tiên khẩu độ A/Av, và ưu tiên tốc độ S/Tv (phụ thuộc khẩu độ mở tối đa của ống kính và ISO cài đặt), khi đo sáng tự động, thước đo sáng thường báo ở số không [0] do máy chủ động điều chỉnh tốc độ cửa chập (shutter speed) hoặc khẩu độ mở (aperture) căn cứ vào cài đặt của người chụp ở yếu tố còn lại. Nếu sử dụng chế độ ISO tự động, máy còn tự động điều chỉnh ISO để sao cho bức ảnh đúng sáng (theo đánh giá của hệ thống đo sáng tự động).

Khi chuyển sang chế độ chụp thủ công M, người chụp sẽ cần điều chỉnh mọi yếu tố phơi sáng (khẩu độ, tốc độ, ISO) nhưng thước đo sáng vẫn thông báo ảnh đúng, thừa hay thiếu sáng (theo hệ thống đo sáng tự động). Từ thông báo này, người chụp cần điều chỉnh các yếu tố phơi sáng để ảnh đúng sáng. Nếu thước báo ảnh thiếu sáng, cần điều chỉnh tăng ánh sáng (bằng cánh mở khẩu, giảm tốc độ hay tăng ISO – hoặc cả 3 yếu tố) và nếu thước báo ảnh thừa sáng, cần điều chỉnh giảm ánh sáng (bằng cách khép khẩu, tăng tốc độ, hay giảm ISO – hoặc cả 3 yếu tố). Vậy có phải lúc nào cũng chụp được bức ảnh đẹp đúng sáng khi thước báo đúng sáng với chỉ số báo ở số không [0]?

Vấn đề không hoàn toàn đơn giản như vậy. Câu hỏi đặt ra là hệ thống đo sáng thông báo chính xác tới đâu? Và người chụp đã áp dụng kỹ thuật đo sáng tự động đúng cách chưa?

Trong điều kiện ánh sáng trung bình (midtone) và người chụp nhằm vào các điểm có ánh sáng trung bình – hoặc tương đương với tấm xám 18% (gray card 18%), chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào hệ thống đo sáng của máy và điều chỉnh 3 yếu tố phơi sáng sao cho thước báo ở chỉ số không [0].

Nhưng không phải điều kiện ánh sáng lúc nào cũng điều hòa trong điều kiện ánh sáng trung bình. Nếu trong khuôn hình của một bức ảnh có các khu vực sáng tối lẫn lộn, hoặc khuôn hình phần lớn bị quá tối trong môi trường ánh sáng yếu, hoặc quá sáng trong môi trường ánh sáng rất mạnh, hệ thống đo sáng có thể mắc sai lầm.

Nếu môi trường quá tối, máy DSLR có thể “tưởng” ảnh bị thiếu sáng và thông báo đánh giá thiếu sáng này trên thước đo sáng, hoặc nếu ở các chế độ P, S/Tv và A/Av sẽ tự điều chỉnh giảm tốc độ, mở khẩu độ, hay tăng ISO sao cho “đúng” sáng (để thước báo về chỉ số không [0]) theo đo sáng tự động; ngược lại trong môi trường ánh sáng quá mạnh, máy sẽ báo thứa sáng hoặc tự điều chỉnh giảm sáng do “tưởng” ảnh bị thừa sáng. Hệ quả là, toàn bộ ảnh (hoặc chủ thể muốn chụp) bị thừa hoặc thiếu sáng quá mức.

Ngoài việc cần biết phải nhằm vào đâu trong khuôn hình khi sử dụng hệ thống đo sáng của máy ảnh DSLR, người chụp còn cần biết đánh giá ánh sáng khuôn hình, ánh sáng hậu cảnh và ánh sáng chủ thể để chủ động đặt phơi sáng thiếu hoặc thừa sáng so với báo sáng tự động của thước đo sáng. Không phải bất kỳ lúc nào cũng cần điều chỉnh sao cho thước đo sáng báo ở số không [0] là sẽ được ảnh đẹp.

Ví dụ, trong điều kiện ánh sáng rất yếu hoặc có một khu vực lớn trong ảnh có mầu đen hay sẫm màu, hệ thống đo sáng tự động thường bị đánh lừa và báo thiếu sáng trầm trọng; nhưng nếu điều chỉnh để đưa chỉ số về không (zero out) thì ảnh sẽ bị thừa sáng. Với những trường hợp như vậy, người chụp cần tự đánh giá và chủ động chụp thiếu sáng khoảng 1 hoặc 2 khẩu so với báo sáng của thước đo sáng.

Ngược lại, trong điều kiện ánh sáng mạnh, như ngược sáng hoặc có một khu vực lớn trong ảnh có màu trắng hoặc sáng màu, hệ thống đo sáng tự động có thể bị đánh lừa và đưa ra gợi ý cần giảm sáng hơn nữa mà nếu “nghe theo”, ảnh rất có thể sẽ bị tối do thiếu sáng. Trong các trường hợp này, người chụp cũng cần đánh giá lại và chủ động chụp thừa sáng so với thông báo của thước đo sáng.

Ở chế độ M, điều này có nghĩa là sau khi tham khảo “ý kiến” của thước đo sáng tự động, người chụp sẽ chủ động điều chỉnh tăng giảm tốc độ, khép hoặc mở khẩu và đôi khi cả tăng giảm ISO để chụp với giá trị phơi sáng “khác” với chỉ số trên thước đo sáng do hệ thống đo sáng tự động thông báo.

Ở các chế độ bán thủ công (P, A/Av và S/Tv) máy ảnh DSLR có một công cụ rất hữu dụng để tăng giảm sáng “cưỡng bức” so với đo sáng tự động là chức năng bù trừ sáng (exposure compensation) – thường được biểu diễn và có thể điều chỉnh bằng nút cộng/trừ [+/-]. Sau khi đo sáng tự động, tùy vào từng chế độ, người chụp có thể chủ động bù thêm sáng hoặc trừ sáng để có được bức ảnh đúng sáng (và nhiều khi là đúng với ý đồ chụp của mình).

Khi bù trừ sáng…

– Ở chế độ lập trình P: máy sẽ tự điều chỉnh các yếu tố khẩu độ, tốc độ, và ISO (nếu ISO tự động) để chụp bức ảnh thiếu hoặc thừa sáng so với đo sáng tự động. Lưu ý ở chế độ này, nếu đặt ISO tự động, máy có thể tăng ISO quá cao dẫn tới ảnh bị nhiễu. Để hạn chế điều này, có thể cài đặt giới hạn ISO cho ISO tự động, hoặc chủ động đặt ISO thủ công.

– Ở chế độ ưu tiên khẩu độ A/Av: máy sẽ giảm hoặc tăng tốc độ để chụp với giá trị phơi sáng thừa (nếu bù) hoặc thiếu (nếu trừ) so với đo sáng tự động. Lưu ý ở chế độ này, người chụp cần lưu tâm tới tốc độ chụp vì nếu máy giảm tốc độ xuống quá chậm, ảnh có thể bị nhòe khi chụp cầm tay;

– Ở chế độ ưu tiên tốc độ S/Tv: máy sẽ mở thêm khẩu (nếu bù) hoặc khép thêm khẩu (nếu trừ) để chụp ở giá trị phơi sáng thừa hoặc thiếu so với giá trị đo sáng. Lưu ý ở chế độ này, khả năng mở và khép khẩu phụ thuộc vào ống kính đang sử dụng.

 

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Back to top button