Tin tức chung

“Phía sau những bức ảnh” của Tim Mantoani

Tim Mantoani bắt đầu thực hiện cuốn sách này từ năm 2006. Khi đó Tim Mantoani đã bỏ tiền ra thuê chiếc máy ảnh Polaroid nặng 106 kg và thực hiện những bức ảnh chân dung này bằng chiếc máy ảnh đặc biệt đó.

Tim Mantoani tâm sự: “Kể từ khi thuê chiếc máy ảnh đắt tiền, tôi muốn chụp cái gì đó quan trọng với bản thân mình, tôi đã tìm đến một vài nhiếp ảnh gia nổi tiếng mà tôi biết, và trong khoảng thời gian 5 năm, tôi đã ghi được chân dung của 150 nhiếp ảnh gia”.

Những bức ảnh này có ý nghĩa hết sức đặc biệt bởi tất cả 150 nhiếp ảnh gia đều xuất hiện bên cạnh bức hình nổi tiếng của họ. Tim Mantoani còn đề nghị các nhiếp ảnh gia viết lời đề từ phía dưới chân dung của chính họ. Bằng cách thể hiện đó, người xem có thể đánh giá toàn diện cả hai bức ảnh và nhiếp ảnh gia trong một hình ảnh duy nhất.

Dưới đây là một số hình ảnh trong cuốn sách “Phía sau những bức ảnh” của Tim Mantoani.

Nick Út và bức ảnh “Em bé bỏng bom napalm” chụp ngày 8/7/1972 ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Khi đó, cô bé Kim Phúc 9 tuổi đã bị bỏng bom napalm do quân đội Mỹ ném xuống ngôi làng nơi em sinh sống
 

Steve McCurry và bức ảnh “Cô gái Pakistan” chụp năm 1984. Sau khi nổi tiếng với bức chân dung này, Steve McCurry đã vất vả đi tìm cô gái trong ảnh suốt 17 năm. Cuối cùng năm 2002 Steve McCurry đã tìm thấy cô. Tên của cô là Sharbat Gula

 

Lyle Owerko và bức “11/9”. Không ai có thể ngờ rằng một ngày đẹp trời và ấm áp như vậy lại trở thành một trong những ngày đau thương nhất trong trái tim nhân loại. Hy vọng thời gian sẽ chữa lành vết thương và đau đớn

 

Marry Ellen Mark và bức “Người quản tượng và chú voi”. Bức ảnh này đã được thực hiện ở Ahmedabad, Ấn Độ năm 1990. Marry Ellen Mark đã đến các rạp xiếc và chụp ảnh 18 gánh xiếc trên khắp Ấn Độ. Trong ảnh là anh Ram Prakash Singh, người quản tượng. Thật không may chú voi qua đời vài tháng sau khi bức ảnh này được chụp. Sau khi chú voi qua đời, anh Singh rất buồn bã

 

Thomas Mangelsen và bức “Gấu nâu”. Bức ảnh “Gấu nâu” được thực hiện vào tháng 7/1988 ở công viên quốc gia Katmai (Alaska). Nhiếp ảnh gia Thomas Mangelsen đã có ý tưởng chụp bức ảnh này từ khi xem bộ phim tài liệu về những con gấu tại Katmai và nhìn thấy bức ảnh trong tạp chí Alaska Air chụp một vài chú gấu ở đây. Để thực hiện bức ảnh này, Thomas Mangelsen đã mạo hiểm cắm trại bên đường mòn mà những chú gấu hay đi kiếm ăn trong suốt một tuần liền. Thomas Mangelsen đã ở đó từ sáng sớm cho đến chiều tà. Ông đã chụp hết 35 cuộn phim. Có những bức ảnh ông chỉ chụp được đầu và vai gấu. Sáu tuần sau, ông mới phát hiện ra mình chụp được bức ảnh này. Thomas Mangelsen rất ngạc nhiên và không hiểu mình đã thực hiện nó bằng cách nào

 

 

Elliott Erwitt và bức “Hai chú chó bên cạnh chủ”. Bức ảnh được chụp năm 1974, khi Elliott Erwitt đứng bên trong căn hộ của mình chụp sang công viên Central Park ở thành phố New York, Mỹ

 

Herman Leonard và bức “Các nghệ sĩ nhạc Jazz”. Vào một buổi chiều, năm 1948 các nghệ sĩ nhạc Jazz nổi tiếng ở New York, Mỹ đang tập, Herman Leonard đã có mặt và ghi lại được khoảnh khắc này. Đối với Herman Leonard, nhiếp ảnh là một nghề tuyệt vời bởi đó là nghề mà ông yêu thích và giúp ông giải trí trong lúc làm việc

 

 

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button