Tin tức chung

NSNA Trần Quốc Dũng: “Tuổi thơ – nguồn cảm hứng sáng tác ảnh không bao giờ cạn”

PV: Trong những bộn bề của cuộc sống hôm nay, tại sao anh lại chọn đề tài về tuổi thơ để triển lãm?

NSNA Trần Quốc Dũng: Triển lãm ảnh “Sắc mầu tuổi thơ” gồm 60 ảnh, là quá trình dài hướng ống kính vào tuổi thơ. Triển lãm không phải là cái nhìn phiến diện một chiều mà là cảm nhận của tôi trước cuộc sống của tuổi thơ của chúng ta trong một số năm gần đây.

Tôi nghiệm ra rằng, chỉ sau một số năm cầm máy, người ta mới nhận ra  mình thích điều gì, ống kính của mình thường hướng tới đâu … và tôi cũng vậy. Chụp ảnh về tuổi thơ đến với tôi như một lẽ tự nhiên, lặng lẽ đến bất ngờ. Có thể do tuổi thơ và những năm liền kề sau đó của tôi trải qua trong thời gian đất nước có nhiều biến cố lịch sử, khá phong phú & đa dạng nên tôi có cách nhìn về tuổi thơ đồng cảm và thân thiện. Cuộc sống của trẻ em của chúng ta hôm nay tuy đã được cải thiện rất nhiều nhưng vẫn có nhiều nét khác biệt như những gam mầu khác nhau. Do vậy tôi lấy tên của cuộc triển lãm là “Sắc mầu tuổi thơ”.

Bắt những giọt mưa – Bình Phước

Vẻ hồn nhiên không kém phần tinh nghịch, cô bé giơ tay “bắt” những giọt mưa. Từng giọt, từng giọt rơi dài từ mái hiên và “nằm gọn” trong bàn tay bé nhỏ của em. Và như thế những khoảnh khắc tự nhiên nhất của tuổi thơ cũng “nằm gọn” trong ống kính tôi

PV: Những tấm ảnh của anh được chụp ở rất nhiều vùng miền trong cả nước, thành phố đến nông thôn, nhất là vùng sâu vùng xa. Điều gì đã khiến anh đi nhiều như vậy?

NSNA Trần Quốc Dũng: Có lẽ do sở thích của tôi luôn muốn được “đến với những nơi chưa từng được đến…” đã cho ống kính của tôi có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người và tuổi thơ ở nhiều vùng miền của đất nước. Hơn thế nữa, cuộc sống và con người ở những nơi đó luôn mộc mạc, hồn nhiên đầy tính nhân văn, gắn bó gần gũi với thiên nhiên. Ở đó người ta không “diễn” trước ống kính, nhất là trẻ em. Chính những điều đó đã lôi kéo tôi đến những nơi xa xôi nhất của đất nước.

Ở những nơi như vậy, dù khó khăn gian khổ nhưng trẻ em vẫn sống “như cây tùng cây bách đứng trước gió hiên ngang”. Tôi đã đi qua miền đất cực Bắc Chung Mung, Lũng Cú, Hà Giang hay cực Tây Apachải ở Điện Biên hoặc trên các đảo Trường Sa, Sinh Tồn … là miền đất cực Đông của đất nước và cả ở cực Nam là xóm Đất Mũi Cà Mau.

Theo bà, theo mẹ lên nương – Hoàng Su Phì, Hà Giang

Trèo lên qua vách dựng đứng, tôi thật ngỡ ngàng nhìn thấy một nhóm phụ nữ cùng đám trẻ nhỏ nhổ mạ chuẩn bị cho vụ tiếp theo. Tất cả những người phụ nữ đều mặc rất đẹp, váy áo mới tinh cười nói vui vẻ như thể vào hội nhưng ở đây có lẽ không có trường mẫu giáo nên thay vì đến lớp, các em lên nương cùng mẹ, cùng bà

PV: Những kỷ niệm nào sâu sắc nhất của anh khi đi chụp về tuổi thơ?

NSNA Trần Quốc Dũng: Điểm lại, không còn nhiều tỉnh tôi chưa đến. Những chuyến đi của tôi không ồn ào, thường chỉ hai người. Thuận lợi cũng có nhưng đôi khi phải vận dụng đến ý chí để vượt qua. Ví dụ như có lần đi xe khách nhưng xe đông quá, phải ngồi bó chặt gối, không thể xê dịch nổi bàn chân suốt 8 tiếng liền. Một lần khác đi xe máy đến Phố Cáo, Đồng Văn, Hà Giang chúng tôi phải quay xe lại, đầu hàng không đi nổi nữa vì buốt giá, trong khi đó mấy cháu bé 2-3 tuổi người dân tộc đứng ven đường, người tím tái vì mặc phong phanh. Còn nữa, các bé gái mặt đen nhẻm bới xỉ quặng ăng-ti-moan trên dốc cao… cười vang khi tôi trượt chân, ôm máy ngã lăn xuống dốc. Cũng có cả những tấm ảnh khi chụp xong mới biết cháu gái chúng tôi vừa chụp mẹ cháu đã bị kẻ xấu lừa bắt đi Trung Quốc đã 2-3 năm nay… Những kỷ niệm như vậy kể không hết.

Thơ ngây – Đồng Văn, Hà Giang

Hai bé gái người H’Mông ngồi nói chuyện với nhau rồi cười như nắc nẻ làm tôi bối rối vì không hiểu các bé nói gì nhưng vẻ thơ ngây ngộ nghĩnh của các bé thì tôi hiểu. Bé nào cũng tròn trĩnh, má các bé đỏ hây hây như trái mận chín trên cành

PV: Anh cảm nhận điều gì khi chụp tuổi thơ?

NSNA Trần Quốc Dũng: Nghiệm thấy chụp ảnh trẻ em và đặc biệt là tuổi thơ, tôi nhận nhấy cần tránh tối đa chuyện dàn dựng. Hãy “gác cái tôi” sang một bên để tôn trọng suy nghĩ, cử chỉ, việc làm của các bé. Trẻ em ở tuổi thơ hầu như không biết diễn và nếu diễn theo ý người khác cũng sẽ rất gượng. Khi chụp ảnh trẻ thơ, hãy quan sát kỹ rồi âm thầm chọn vị trí và góc độ phù hợp, đoán nhận tâm lý và diễn biến hành động của bé, kiên trì chờ đợi khoảnh khắc “đắt giá” để bấm máy.

Nếu ai đó muốn có ảnh theo ý mình hãy tạo ra tình huống hợp với tâm lý, sở thích của các bé và để các em tự thể hiện hơn là chỉ bảo cặn kẽ từng động tác cụ thể. Ví dụ các bé thường thích sự thách đố vui vẻ như “ai chạy nhanh nhất, ai nhẩy cao nhất, ai cười xinh nhất…”. Để trẻ em vui chơi hay thể hiện tình cảm với súc vật cũng là ý tưởng hay dễ cho chúng ta những bức ảnh sinh động.

Với đề tài tuổi thơ, người cầm máy hãy dồn tất cả cho khoảnh khắc, tránh lạm dụng kỹ thuật hậu kỳ bằng các phần mềm ứng dụng cũng như tránh dùng các loại ống kính để làm sai lệch con người hay môi trường xung quanh các em.

Sức sống tuổi thơ Tây Nguyên – Yaunpa, Gia Lai

Ban ngày, người lớn lên rẫy hết, chỉ còn đám trẻ ở nhà. Thấy chúng tôi đến, các em chạy ào ra đón. Trẻ em Tây Nguyên với vẻ hồn nhiên vốn có, luôn hấp dẫn tất cả những ai đặt chân đến mảnh đất này

PV: Qua triển lãm này anh muốn gửi gắm tới độc giả điều gì?

NSNA Trần Quốc Dũng: Trong cuộc sống hiện nay, hoàn cảnh và điều kiện sống của tuổi thơ còn nhiều khác biệt. Ở thành phố, các cháu đa số được sống đầy đủ, được học hành đàng hoàng còn các cháu ở vùng sâu vùng xa đặc biệt là miền núi tuổi thơ ở những nơi đó còn quá thiệt thòi, vất vả.

Với tuổi thơ, chúng ta cần những khoảnh khắc chân thực mang đậm nét nghệ thuật, tránh tô hồng hay làm méo mó cuộc sống vốn đã khó khăn của các em. Thông qua những tấm ảnh này, tôi hy vọng rằng chúng ta, những người lớn và cả xã hội hãy cùng cảm nhận, sẻ chia và bằng cách của mình chung tay cải thiện cuộc sống của những em bị tật nguyền hay đang gặp khó khăn trong cuộc sống và vun đắp cho hạnh phúc của các em nói chung.

Và cuối cùng với tôi, tuổi thơ dù trong hoàn cảnh nào cũng là nguồn cảm hứng vô tận cho mọi sáng tác, đẹp nhất, tự nhiên nhất nhưng cũng bất ngờ nhất.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button