Nhiếp ảnh và công nghệ
Trong thế giới đương đại, những ứng dụng thực tế của nhiếp ảnh là vô kể: là công cụ quan trọng trong giáo dục, y tế, thương mại, quân sự và tội phạm học. Những ứng dụng khoa học bao gồm ánh xạ và khảo sát không trung, địa chất học, khí tượng học, khảo cổ học và nhân loại học. Những kĩ xảo mới như phép chụp ảnh giao thoa la de, các phương tiện để tạo ra hình ảnh không gian 3 chiều tiếp tục mở rộng chân trời về công nghệ và sáng tạo nhiếp ảnh. Trong thiên văn học, thiết bị nạp đôi (CCD) có thể dò tìm và ghi lại thậm chí một lượng tử ánh sáng.
Ảnh nghệ thuật và ảnh tư liệu
Cuộc chiến để chứng nhận nhiếp ảnh là một loại hình mĩ thuật là mối quan tâm mang tính triết học nổi trội nhất từ thủa ban đầu của nó. Để công nhận là một hình thái nghệ thuật chính thống, nhiếp ảnh đã trải qua không ít khó khăn trở ngại từ phía các nghệ sĩ và các nhà phê bình, những người nắm lấy những khía cạnh máy móc và hóa chất của quá trình làm ảnh như một minh chứng rằng nhiếp ảnh là một nghề thủ công. Có lẽ quá nhiều họa sĩ dựa phần lớn vào ảnh như một nguồn cung cấp hình ảnh, nên họ cương quyết cho rằng nhiếp ảnh chỉ có thể là vật phụ trợ cho các bộ môn nghệ thuật. Để khẳng định nhiếp ảnh thực sự là một thể loại nghệ thuật, các nhà nhiếp ảnh ban đầu đã mô phỏng những bức họa của thời kì đó. Một số nhiếp ảnh gia như O.J. Rejlander and Henry Peach Robinson đã trở nên rất nổi tiếng với việc tạo ra các cảnh theo thể loại bằng việc in từ vô số âm bản. Julia Margaret Cameron đã làm mờ những hình ảnh của mình để đạt được sự mềm mại của đường nét theo kiểu hội họa, tạo ra một loạt những bức chân dung thật mềm mại cho các người bạn nổi tiếng của mình.
Đi ngược lại với khuynh hướng mĩ thuật hội họa trong nhiếp ảnh là P. H. Emerson và một số người ủng hộ cho cái được gọi là nhiếp ảnh “chân thật, không sửa đổi”. Theo hướng tiếp cận này, hình ảnh được chụp không thể bị can thiệp bằng tay hay những biện pháp thiếu tự nhiên khác, nếu không sẽ mất tính trung thực. Emerson đã đưa ra triết lí này trong cuốn sách đầy tranh cãi và có ảnh hưởng của mình Naturalistic Photography (Nhiếp ảnh tự nhiên) vào năm1889. Và Emerson cũng chính là người đầu tiên công nhận tầm quan trọng của tác phẩm thuộc tác giả Alfred Stieglitz, người đã đấu tranh cho vị trí của nhiếp ảnh trong số các bộ môn nghệ thuật trong nửa đầu thế kỷ XX. Trong cuộc nổi loạn chống lại sự mô phỏng thể loại hội họa, được biết đến như nhiếp ảnh “thẩm mĩ viện”, Stieglitz đã sáng lập ra một phong trào Nhiếp ảnh ly khai, có liên quan đến các phong trào li khai cơ bản trong hội họa. Ông đã khởi xướng việc xuất bản tạp chí Camera Work (1903-17), một diễn đàn cho Nhiếp ảnh ly khai, những quan điểm đã được khai sáng và ý kiến phê bình trong các bộ môn nghệ thuật. Và cho đến ngày nay, Camera Work vẫn giữ nguyên vị trí là một tạp chí nhiếp ảnh đẹp và kĩ lưỡng trong lịch sử nhiếp ảnh. Tại New York, Stieglitz đã mở 3 gallery với các tên gọi: “291” (1908-17), Intimate Gallery (1925-30), và American Place (1930-46), nơi tác phẩm nhiếp ảnh được treo bên cạnh các tác phẩm thường gây tranh luận trong các bộ môn nghệ thuật khác. Những bức ảnh của chính Stieglitz và của các nhiếp ảnh gia thuộc phong trào Nhiếp ảnh ly khai như Edward Steichen, Frederick Evans, nhiếp ảnh gia kiến trúc và chân dung người Anh, Alvin L. Coburn, đã trung thành với tính nghiêm ngặt của mĩ học “trung thực”. Mối quan tâm của Stieglitz về khái niệm “nghệ thuật vì nghệ thuật” đã kìm hãm ông và lượng khán giả theo xu hướng này trong việc đánh giá, nhìn nhận tầm quan trọng của một nhánh khác của nhiếp ảnh: nhiếp ảnh tư liệu. Cả hai truyền thống: nhiếp ảnh nghệ thuật và tư liệu, dường như được hòa nhập vào trong tác phẩm của một người, Paul Strand. Các tác phẩm của Paul Strand luôn kết hợp mối quan tâm mang tính thời sự với tầm nhìn hiện đại về nghệ thuật tiên tiến của châu Âu.
Tính thẩm mĩ của nhiếp ảnh
Tìm cách để xác định tính thẩm mĩ cụ thể của nhiếp ảnh, các nhiếp ảnh gia Berenice Abbott, Mĩ và Eugune Atget, Andrey Kertor, and Henri Cartier-Bresson, Pháp đã sáng tạo ra những phong cách riêng cho mình. Những đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa Siêu thực tại Pháp và chủ nghĩa Vị lai tại Italia và các xu hướng nghệ thuật khác nhau tại Đức, những người theo chủ nghĩa Bauhaus, là những người tiên phong trong phong trào này. Cuộc triển lãm quốc tế “Phim và ảnh” diễn ra tại Stuttgart năm 1929 đã làm cho khán giả thực sự nhìn nhận những bức ảnh như những tác phẩm nghệ thuật. Những tác phẩm triển lãm đã kết hợp các yếu tố của thuyết Chức năng và trừu tượng. Vấn đề nghệ thuật nhiếp ảnh chuyển từ quá khứ sang hiện tại – hiện tại của những hình thái mới trong máy móc và thiết kế, sự quan tâm mới với kinh nghiệm của các giai cấp và lợi ích mới trong các hình thái vô tận của thiên nhiên. Tại California vào những năm 1920 và 1930, Edward Weston đã thành lập nên một nhóm mang tên F/64, lấy từ tên của loại ống kính nhỏ nhất có thể mang lại những đường nét và chi tiết chính xác nhất. Nhóm tương đối nhỏ và không chính thức này, bao gồm cả Imogen Cunningham, Ansel Adams, và Willard Van Dyke, đã chế ngự nghệ thuật nhiếp ảnh. Họ và những người phỏng theo đã tránh tất cả các công việc thủ công và dùng camera tạo ra những âm bản lớn nhất để từ đó có thể in thẳng. Họ hạn chế chủ thể của mình ở mức tĩnh lặng: cuộc sống, phong cảnh xa hay gần và chân dung tĩnh lặng, trang trọng. Minor White, người thầy có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực này, đã nổi tiếng với tác phẩm thơ mộng, huyền ảo với kĩ xảo và cách tiếp cận thẳng này.
Tác động của công nghệ mới
Loại camera 35-mm, hay camera “trung thực”, do Oskar Barnack phát minh ra, lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường vào năm 1925, đã giúp cho các nhiếp ảnh gia tư liệu có thể năng động hơn. Đồng thời việc sản xuất ra loại phim đen – trắng nhanh hơn đã giúp họ làm việc không cần đèn nháy trong điều kiện có nhiều ánh sáng nhất. Phim màu cho phim đèn chiếu được giới thiệu vào năm 1935 và phim âm bản màu ra đời vào năm 1942. Dụng cụ phát sáng xách tay dần dần được hoàn thiện và vào năm 1947, camera hiệu PolaroidLand có khả năng in trong vài giây, đã được đưa vào thị trường. Tất cả những tiến bộ về công nghệ đã đảm bảo cho phóng viên nhiếp ảnh khả năng đa dạng, linh hoạt chưa từng thấy. Trong chiến tranh Thế giới II, các nhiếp ảnh gia, bao gồm Margaret Bourke-White, Edward Steichen, W. Eugene Smith, Lee Miller, và Robert Capa, đã đưa tư liệu về cuộc xung đột thế giới. Chiến tranh cũng là động lực thúc đẩy nhiếp ảnh theo một cách khác. Từ việc nghiên cứu kim loại đến giám sát không trung, nhiếp ảnh là một công cụ cốt yếu trong nhiều lĩnh vực chiến tranh, và trong sự cấp bách của cuộc chiến, vô số khám phá và tiến bộ về công nghệ đã được phát minh, làm lợi rất nhiều cho tất cả các nhiếp ảnh gia. Vào những năm 1990, các nhà chuyên môn lần đầu tiên đã nỗ lực tạo ra một hệ thống nhiếp ảnh hợp nhất. Hướng tới các nhà nhiếp ảnh không chuyên, Hiệp hội quốc tế các nhà sản xuất camera và phim đã sáng tạo ra hệ thống nhiếp ảnh tiên tiến (APS). Vấn đề then chốt của hệ thống mới là lớp phủ ngoài từ tính giúp cho camera, phim và thiết bị quang dẫn liên kết với nhau. Camera tự nạp tải, có thể chuyển trong 3 khổ khác nhau, hoàn toàn tự động: phim mới, kích cỡ nhỏ (24 mm), là chất dẻo nhân tạo được cải tiến; 2 dải từ tính ghi lại thông số chụp, khung cho mỗi tấm ảnh và cho phép người dùng bổ sung lời chú thích ngắn gọn cho mỗi ảnh; thiết bị quang dẫn có thể đọc dữ kiện từ tính trên phim và điều chỉnh quá trình ra từng âm bản.
Vào cuối thế kỷ XX, việc tạo ra và xử lí hình ảnh bằng kĩ thuật số và các kĩ xảo dựa vào máy tính đã giúp cho việc thao tác các hình ảnh theo nhiều cách, tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng trong nhiếp ảnh. Kĩ thuật số cho phép chúng ta nhìn nhận lịch sử nhiếp ảnh theo một luồng ánh sáng khác. Công nghệ số cho phép thay đổi cơ bản bản chất của kĩ xảo nhiếp ảnh. Thay bằng ánh sáng đi qua ống kính và nhũ tương trên phim, nhiếp ảnh kĩ thuật số sử dụng bộ phận cảm biến và các bộ lọc màu. Trong một kĩ xảo, 3 bộ lọc được bố trí theo dạng khảm trên cùng của lớp cảm quang. Mỗi bộ lọc cho phép một màu (đỏ, xanh lá cây hay xanh nước biển) được đi qua tới ảnh điểm phía dưới nó. Trong một kĩ xảo khác, 3 lớp cảm quang riêng biệt được gắn silic (nguyên tố hóa chất á kim). Vì silic hấp thu các màu khác nhau với độ sâu khác nhau, mỗi một lớp cho phép một màu khác nhau đi qua. Khi chụm vào nhau sẽ ra một ảnh điểm đầy đủ màu sắc. Trong cả hai kĩ xảo, chất liệu cảm quang chuyển hình ảnh thành seri những con số và sau đó lại chuyển lại thành những giá trị về màu sắc và in ra. Với việc sử dụng máy tính, các con số khác nhau có thể thay đổi dễ dàng, theo cách đó có thể thay đổi màu sắc, bố trí lại các yếu tố hình ảnh hay kết hợp những bức ảnh với nhiều loại hình ảnh khác. Một số các camera kĩ thuật số có thể ghi trực tiếp vào đĩa máy tính hay vào máy tính, sau đó hình ảnh có thể chỉnh sửa tùy thích.
Nhiếp ảnh hiện đại và đương đại
Sau chiến tranh, các bảo tàng và trường nghệ thuật đã mở cửa đón sinh viên vào học bộ môn nhiếp ảnh, một xu hướng vẫn còn tiếp tục đến hiện tại. Các nhiếp ảnh gia bắt đầu phá bỏ các cấu trúc mang tính áp đặt của các cách thức thể hiện thẩm mĩ trung thực và tư liệu. Robert Frank, trong bài tiểu luận có ảnh hưởng lớn về nhiếp ảnh The Americans (1959), đã nói đến việc các nhiếp ảnh gia tư liệu bắt đầu phát hiện ra cái gọi là “phong cảnh xã hội”. Họ phản ánh trong những bức ảnh của mình sự lo lắng và sự xa lánh đời sống thành thị. Việc xem xét nội tâm này đương nhiên sẽ dẫn tới những bức ảnh tư liệu ngày càng mang tính chất cá nhân như trong tác phẩm của J. H. Lartigue và Diane Arbus. Rất nhiều các nhiếp ảnh gia trẻ cảm thấy ức chế đối với những hình ảnh thủ công, cắt dán, phức tạp, và những hình thái mà người thực thi nghệ thuật với thẩm mĩ “trung thực” ghét bỏ. Từ những năm 1960, nhiếp ảnh đã trở thành phương tiện truyền đạt ngày càng chiếm ưu thế trong các hình thái nghệ thuật thị giác. Rất nhiều họa sĩ và người in ảnh từ bản âm, trong đó có Andy Warhol, Robert Rauschenberg và David Hockney đã pha trộn nhiếp ảnh với các phương thức thể hiện khác, bao gồm mô tả bằng máy tính trong các bố cục hỗn hợp các phương tiện truyền đạt ở cả qui mô lớn và nhỏ. Các nhiếp ảnh gia đương đại, những người dùng các phương pháp truyền thống để khám phá các đề tài không truyền thống gồm có Cindy Sherman và Richard Prince.
Nhiếp ảnh thực sự đã trở thành một hình thái nghệ thuật đương đại. Những tiến bộ trong nghệ thuật và công nghệ máy tính, nghệ thuật số, sự cộng tác của cá nhân và máy tính trong việc sáng tạo nghệ thuật đã tạo ra những bức ảnh – những tác phẩm nghệ thuật đầy tính sáng tạo, hình ảnh dựa không chỉ vào máy ảnh đơn thuần mà còn vào nhiều kĩ xảo công nghệ hiện đại. Những hình ảnh được tạo mới lại theo một cách khác trong không gian, thời gian khác. Với thế giới nhiếp ảnh hiện đại, chúng ta có dịp được chiêm ngưỡng những bức ảnh ngoạn mục đến mức không tưởng như: những con sói đỏ chạy ngang qua một nhà hàng hay cô chó trong bộ váy đầm chấm đỏ dẫn đầu một đàn chó…và những bức ảnh như thế này đã được triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật phía bắc Carolina. Với tiêu đề “Có thể tin điều nhìn thấy không? Cái thật, cái không thực tế và cái không có thật trong nhiếp ảnh đương đại”, cuộc triển lãm đã khám phá vấn đề các nhiếp ảnh gia hàng đầu ngày nay không đơn thuần chỉ đưa tin về thế giới xung quanh họ mà thực sự tạo ra những tác phẩm nghệ thuật với việc “sử dụng trang phục và đồ dùng sân khấu”, những cảnh tỉ mỉ và giàu trí tưởng tượng. Hấp dẫn cho thị giác, đẹp về hình thức, 30 hình ảnh trong triển lãm không chỉ liên quan đến nghệ thuật trình diễn và sắp đặt mà còn tạo ra tiếng vang cho người xem, những người quen với hình ảnh in quảng cáo và quảng cáo thương mại trên truyền hình. Theo một cách khác để có được những bức ảnh – tác phẩm nghệ thuật, Laurie Tennent, nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp người Mĩ, thành viên của Hiệp hội Thế giới nhiếp ảnh từ những năm 1980, vừa rồi đã mang tới triển lãm tại Pari 15 bức ảnh được ra đời bởi công nghệ scan (quét), sử dụng phương pháp công nghệ kĩ thuật số thay camera với kĩ xảo rất phức tạp. Kết quả thật kinh ngạc và đẹp đến ngoạn mục.
Ngoài ra, để tăng độ biểu cảm và tính nghệ thuật, những bức ảnh còn được các nhiếp ảnh gia trang trí với nhiều chất liệu khác nhau. Các bức ảnh không đơn giản chỉ gợi lên sự kinh qua vô tình hay chỉ là phương tiện mang đến hàng loạt những minh họa của quá khứ nữa. Trung tâm nhiếp ảnh quốc tế tại New York gần đây đã tổ chức cuộc triển lãm với tiêu đề Forget Me Not (Xin đừng quên tôi), một cuộc triển lãm về mối quan hệ phức tạp giữa những bức ảnh và sự hồi tưởng, khám phá khả năng củng cố mối dây cảm xúc của bức ảnh bằng việc tô điểm thêm cho chúng với những dòng chữ, màu sơn, khung, thêu ren, vải, dây, tóc, hoa, vỏ bọc xì gà, cánh bướm và nhiều chất liệu khác. Kết quả rất lạ và những bức ảnh “lai” đẹp đẽ đã ra đời. Sự trang trí này cho phép những bức ảnh gợi lên cảm giác ấm cúng được động chạm, âm thanh, mùi vị cũng như cảnh đẹp, giúp hồi ức trong những bức ảnh sống động hơn nhiều so với những bức ảnh bình thường.
Ông Dennis P. Weller, người phụ trách về nghệ thuật châu Âu đã cho rằng: “Sự đóng góp của các nhiếp ảnh gia ngày nay đã tác động rất nhiều đến nhận thức về nhiếp ảnh như một bộ môn mĩ thuật, nâng nhiếp ảnh lên một vị trí ngang hàng với hội họa và điêu khắc”.
Hương Xuân