Tin tức chung

Hình ảnh người Hà Nội trong nghệ thuật nhiếp ảnh

-Nguyễn Đình Khánh mở hiệu ảnh “Khánh Ký” ở Hà Nội vào năm 1892, ông có công lớn trong việc đào tạo và phát triển đội ngũ người làm nghề ảnh ở Hà Nội và Việt Nam.

Từ Đặng Huy Trứ đến Nguyễn Đình Khánh, các nhà nhiếp ảnh chủ yếu làm dịch vụ, phát triển theo nhu cầu khách hàng, chưa hình thành ngành nghệ thuật đi vào cuộc sống để phản ánh con người Hà Nội – Việt Nam.

Người Việt Nam đầu tiên sáng tác ảnh nghệ thuật là cụNguyễn Văn Khải (1888 – 1971) ở tại số 117, phố Hàng Gai. Cụ là người Việt Nam đầu tiên chụp chân dung ảnh mầu. Người theo học cụ Khải khi còn nhỏ, nay đã ở tuổi 97, là nhà nhiếp ảnh phong cảnh và tư liệu nghệ thuật nổi tiếng Võ An Ninh (sinh năm 1906). Tác phẩm của cụ được giải ngoại hạng năm 1936, do Hội Chấn Hưng mỹ thuật Việt Nam – Pháp tặng. Gần đây cụ được Đảng và Nhà nước tặng thưởng “Huân chương Độc lập hạng Ba”, “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và nhiều giải thưởng ảnh trong nước và quốc tế.

Người Việt Nam đi vào thể loại ảnh chân dung nghệ thuật có nhiều tìm tòi là cụ Trương Cam Khuyến (sinh năm 1903) tại Hà Nội, và tác phẩm chụp thể loại chân dung đầu tiên được tặng Bàng danh dự trong cuộc thi ảnh tại Pháp năm 1928. Sau đó là những nhà nhiếp ảnh chụp chân dung trong cửa hiệu và chân dung văn nghệ sĩ như Hồng Tranh, Vũ Năng An, Hồng Nghi, Trần Văn Lưu…

Năm 1936 người đầu tiên đoạt giải thưởng lớn – giải nhất trong cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế năm 1936 do nhà sản xuất máy ảnh Rolleyflex tổ chức, là cụ Phạm Ngọc Chất, Hà Nội.

Ở thời điểm này nhiếp ảnh Việt Nam đã phát triển rộng rãi cả trong Nam ngoài Bắc, các nhiếp ảnh gia đã đi chụp ở nhiều nơi và đã giới thiệu trên mặt báo hình ảnh phong tục, tập quán, nét đẹp của người Hà Nội, cảnh phố, làng ven đô, cuộc hành hương, du xuân, sinh hoạt hàng ngày các chợ: Đồng Xuân, Chợ Hôm, Chợ Mơ, Chợ Bưởi, bán hoa ngày Tết, bán đồ chơi trong dịp Tết trung thu… Viện Viễn Đông Bác Cổ có nhiều nhà nhiếp ảnh đã chụp và lưu giữ hàng vạn bức ảnh về phong tục lễ hội, di tích, thắng cảnh… và các ngành nghề của Việt Nam.

Nền nhiếp ảnh phương Tây, như một luồng gió mới, đã tác động đến nhiếp ảnh Việt Nanm qua những thiên phóng sự chiến tranh của các nhà nhiếp ảnh nổi tiếng thế giới được đăng trên các báo “Trung Bắc chủ nhật”, “Trung Bắc Tân Văn”, “Hà Nội báo”, “Ngày nay” và sau này là báo “Tia Sáng” – tiền thân của báo “Hà Nội Mới” hôm nay. Nguyễn Bá Khoản phóng viên báo Tin Tức là người đi đầu trong thể loại ảnh báo chí với bức ảnh chụp cuộc biểu tình của công nhân, nghiệp đoàn lao động, phụ nữ, báo giới, trí thức, văn nghệ sĩ, trong ngày 1-5-1938, ở khu Đấu Xảo Hà Nội.

2. Nhiếp ảnh Hà Nội từ 1945 – 1954

Từ năm 1945 đến 1954 là giai đoạn đặc biệt chuyển hóa trong lịch sử dân tộc. Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật đảo chính Pháp, nắm chính quyền trên toàn cõi Đông Dương. Phát xít Nhật thi hành chính sách tàn bạo vơ vét nguyên vật liệu, hàng hóa, lương thực thóc gạo… Làng quê đồng bằng Bắc Bộ vốn đã nghèo lại càng xác xơ, tiêu điều. Vài tháng đầu năm 1945, dân thiếu gạo, gần hai triệu đồng bào ở các tỉnh chết đói thê thảm. Nhân dân kéo về Hà Nội mong xin được miếng ăn. Nạn đói năm 1945 là thảm họa chưa từng có, các nhà nhiếp ảnh Hà Nội kịp ghi nhận hình ảnh đau xót thảm thương đó, người tiêu biểu là nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh chụp và lưu giữ hàng trăm bức ảnh. Với bộ ảnh về nạn đói năm 1945 và nhiều bộ ảnh quý giá khác, Võ An Ninh được đánh giá là “Người viết sử bằng hình”. Tình cảnh hàng nghìn người lắt lay, vật vã trong cơn đói, gục ngã trên đường phố Hà Nội, được phản ánh chân thật, đúng như sự kiện xẩy ra. Bức ảnh xe bò đi nhặt xác người xếp chồng lên nhau, cánh tay cẳng chân lủng lẳng, thi thể không mảnh áo che thân, không bó chiếu, thật khủng khiếp. Bức ảnh khác: hai xác người, hầu như không quần áo, người mẹ vô cảm bế con thơ đói lả, bất động, khó văn bút nào tả xiết thảm cảnh một thời trên đường phố thủ đô.

Nhân cuộc mít tinh do “Tổng hội viên chức” (một tổ chức ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim), tổ chức vào chiều 17-8-1945 tại quảng trường Nhà hát Lớn để ủng hộ chính phủ bù nhìn, Ủy ban quân sự kịp thời giành diễn đàn biến cuộc mít tinh trở thành thời cơ cho cách mạng. Nhiều nhà nhiếp ảnh tức thời ghi nhận hình ảnh hiếm hoi đó, tiền cảnh là hàng vạn quần chúng nhân dân Hà Nội sôi động trên quảng trường, hô vang các khẩu hiệu “ủng hộ Việt Minh”, “Việt Nam độc lập”, “Đả đảo bù nhìn”… Phía trung tâm bức ảnh Nhà hát lớn được lá cờ đỏ sao vàng to nhất từ trước tới nay, phủ kín hai tầng nhà hát. Trên quảng trường rộng lớn, rừng cờ đỏ sao vàng tung bay. Cách nhìn của nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An thật độc đáo, tiền cảnh là cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió. Tự hào và ấn tượng, trên nền bức ảnh có hàng vạn quần chúng nhân dân Hà Nội sục sôi nhiệt huyết, sẵn sàng hy sinh tất cả để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, rửa mối nhục nô lệ ngót thế kỷ qua. Bức ảnh chắt lọc ngôn ngữ tạo hình thật ấn tượng.

Ngày 19-8-1945, Tổng khởi nghĩa, cuộc mít tinh đã biến thành cuộc tuần hành thị uy của hàng vạn quần chúng và các đội vũ trang, tiến công phủ Khâm sai, Tòa Thị chính… Chính quyền nhanh chóng về tay nhân dân, khởi nghĩa giành thằng lợi. Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản chụp hàng trăm bức ảnh ghi nhận không khí sục sôi biến đọng của dân Hà Nội trong mấy ngày lịch sử. Trong bộ ảnh của mình, Nguyễn Bá Khoản kịp ghi lại cảnh đoàn biểu tình tiến về trại lính Bảo An (40 phố Hàng Bài), quần chúng nhân dân phá cửa sắt, vượt rào, xông vào trại lính ở trung tâm Thủ đô.

Theo hướng khác, nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An nhập vào dòng người biểu tình tiến về phủ Khâm Sai, không quản hy sinh tính mạng, đoàn người bừng khí thế, dũng cảm đỡ nhau trèo qua hàng rào sắt, ào ạt xông ào phủ chiếm cơ quan đầu não của Hà Nội. Vũ Năng An nhanh chóng, bất thần treo lên cột điện chụp vài kiểu ghi nhận giây phút sôi động. Bức ảnh làm đọng lại dòng chảy thời gian, ghi nhận thời khắc lịch sử, hào hùng của nhân dân Hà Nội. Tác phẩm của Vũ Năng An là minh chứng sự kiện lịch sử được tuyên truyền sâu rộng, trưng bày trong bảo tàng, in trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, tạp chí, sách ảnh và chiếu rộng rãi trên truyền hình trong nước, quốc tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội tiếp tục lãnh đạo toàn quốc kháng chiến giành chính quyền. Ngày 2-9-1945, nhân dân Hà Nội háo hức, mong đợi ngày trọng đại của dân tộc, vị lãnh tụ trọng thể tuyên bố với nhân loại: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”. Các nhà nhiếp ảnh, phóng viên báo chí Việt Nam và nước ngoài không bỏ lỡ sự kiện trọng đại đã ghi tạc vào lịch sử của nhân dân các dân tộc Việt Nam.

Ngay sau khi quân đồng minh Anh vào Đông Dương, chúng cho phép quân đội Pháp núp bóng trở lại gây chiến, nổ súng ở các tỉnh Nam Bộ. Nhân dân miền Nam dũng cảm chiến đấu chống lại. Thực hiện lời kêu gọi của Chính phủ, từng đoàn quân “Nam tiến” được thành lập, theo đường sắt và các tỉnh nam Bộ sát cách với đồng bào, chiến sỹ Nam Bộ chiến đấu chống thực dân Pháp. Báo Cứu Quốc cử Nguyễn Bá Khoản và một số phóng viên đi theo các đơn vị “Nam tiến”. Tác phẩm của Nguyễn Bá Khoản như một thiên sử ký, cùng năm tháng trải dài khắp mọi miền Tổ quốc. Nguyễn Bá Khoản trở thành phóng viên chiến tranh đầu tiên, theo sát tin tức, sự kiện nóng hổi và kịp thời công bố hình ảnh tại nhiều trận đánh phía Nam.

Hàng nghìn tấm phim và ảnh hiện đang được bảo quản tại cục lưu trữ quốc gia, các thư viện, trung tâm ảnh và trưng bày ở nhiều bảo tàng, phòng truyền thống minh chứng các sự kiện cách mạng, trận chiến đấu của nhân dân, quân đội chống giặc ngoại xâm. Nhiều hi nhf ảnh gợi cảm, chân thực ghi nhận một thời hào hùng của dân tộc. Trong lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta… Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta…”. Người đề nghị sau nhiệm vụ trước mắt của nhà nước và nhân dân là diệt giặc đói, giặc dốt, tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội, định ra Hiến pháp. Trước tình hình này, các nhà nhiếp ảnh đã ghi nhận những hình ảnh nhân dân thực hiện các nhiệm vụ nói trên.

Phản ánh phong trào diệt giặc dốt, bộ ảnh của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hồng Nghi có cách nhìn lý thú. Chữ quốc ngữ viết trên lưng trâu, theo vần chữ cái, ghi “Bình dân học vụ”, khẩu hiệu treo trên cây đa đầu làng “Xóm tôi quyết thanh toán nạn mù chữ trước ngày 2-9” “Thi đua đi học”,… được viết trên nong, mẹt, thúng, động viên toàn dân học chữ. Nguyễn Hồng Nghi dùng chân máy và loại phim độ nhạt cao, chụp lớp học ban đêm, mỗi người một đèn dầu chăm chú nghe thầy giáo giảng bài, làm theo khẩu hiệu thi đua “Ngày làm việc, đêm học tập”.

Ngày 6-1-1946, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhân dân cả nước đi bầu quốc hội, bầu những người đại diện đấu tranh và biểu thị cho quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân, các nhà nhiếp ảnh chụp mọi công dân Hà Nội đi bầu Quốc hội và buổi họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, trên đoàn Chủ tịch các thành viên Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các vị Bộ trưởng.

Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Cùng với cả dân tộc, nhân dân Hà Nội quyết chiến đấu “Thà hy sinh tất cả, không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Hàng loạt tác phẩm ảnh ra đời. Hình ảnh Hà Nội ngổn ngang chiến lũy, mỗi đường phố là một pháo đài. Chiến sĩ dân quân tự vệ thành và nhân dân đào hào đăp lũy ở Bắc Bộ Phủ, phố Hàng Đào, Hàng Bạc, chợ Đồng Xuân… Hình ảnh nhân dân phố cổ vận chuyển bàn ghế, tủ, giường, cùng nhiều bao cát, đất đá hình thành ụ chiến đấu. Một bức ảnh chụp đậm nét hàng loạt nồi đất úp trên phố Huế, bên trong dấu mìn tự tạo sắn sàng nổ tung tiêu diệt xe tăng địch khi chúng tiến vào. Hình ảnh chiến đấu ở chợ Đồng Xuân, hai chiến sĩ tự vệ thành với khẩu đại liên cướp được của giặc. Hình ảnh chiến sĩ đánh bom ba càng… đều là những tư liệu lịch sử quý, trong bộ sưu tập vô giá về một thời hào hùng của con người Hà Nội.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến nhiếp ảnh Hà Nội phân thành hai lực lượng, nhiều nhà nhiếp ảnh trẻ theo kháng chiến, được tổ chức phân công tham gia bám sát các đơn vị bộ đội, dân quân, đời sống của nhân dân trong chiến khu kháng chiến chụp ảnh nhằm tuyên truyền động viên tòan dan, tòan quân hăng hái, sãn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng trường kỳ kháng chiến. Chiến khu 3 có các nhà nhiếp ảnh: Cao Khánh, Phạm Tuệ, Nguyễn Lung, Vũ Tín, Ngọc Khanh, Xuân Bảo. Ở tỉnh Thái Nguyên (chiến khu 1) có Vũ Năng An, Nguyễn Hồng Nghi, Trần Văn Lưu, Hồng Tranh. Ở tỉnh Phú Thọ (khu 10) có Đinh Đăng Định. Ở tỉnh Thanh Hóa có Lê Vượng. Phóng viên báo Cứu Quốc có ông Nguyễn Thức. Ông Hoàng Linh chụp ảnh ở Hội Nông dân Cứu Quốc. Một số hoạt động của Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc có ông Tô Úy đảm nhận chụp. Các nhà nhiếp ảnh Hà Nội luôn bám sát đời sống của nhân dân, hoạt động của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức, họ xung phongnơi lửa đạn, kịp ghi hình ảnh chiến đấu dũng cảm của quân dân cả nước.

(Tiếp theo kỳ sau)

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button