Tin tức chung

Nhiếp ảnh phong cảnh thiên văn

Bạn có muốn ghi lại những khoảnh khắc quý giá và diệu kỳ bằng chính máy ảnh của bạn? Nếu vậy, trong bài viết ngắn này tôi sẽ cố gắng giải thích Nhiếp ảnh phong cảnh thiên văn (Landscape Astrophotography) là gì, tại sao nó lại khả thi về mặt kỹ thuật chỉ mới trong thời gian gần đây thôi và làm sao mà bạn có thể phối hợp trong một khung hình buổi đêm đầy sao với một đối tượng khác nữa, trong cuộc chơi nhiếp ảnh của mình.

Nhiếp ảnh thiên văn là ghi lại hình ảnh của các thiên thể thông qua kính thiên văn, bắt đầu được ghi nhận vào khoảng năm 1900. Phim độ nhạy sáng kém thời đó đòi hỏi thời gian phơi sáng rất lâu. Khi đó  – và thậm chí cho tới ngày nay – để giữ cho các ngôi sao khỏi bị mờ nhòe thì kính thiên văn cần phải xoay rất chính xác để cân đối lại với vòng quay của trái đất, để sao cho các ngôi sao ở một vị trí cố định trên phiến kính (plate) của máy ảnh (phiến kính ở đây là tấm âm bản rất lớn chụp bằng máy ảnh Plate camera). Kỹ thuật này, đã nhanh chóng được cải thiện đáng kể, và tới  những năm 1920, nhiếp ảnh thiên văn đã trở thành một công cụ rất quan trọng đối với các nhà thiên văn học.

Trong số các ảnh thiên văn ngoạn mục từ những ngày đó, có thể kể tới Edward Emerson Barnard hình ảnh tinh vân tối hoặc cặp phiến kính cho phép Clyde Tombaugh phát hiện ra sao Pluto vào năm 1930.

Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng thoải mái tiếp cận với những bức ảnh thiên thể tuyệt vời ví dụ hình ảnh Thiên văn học của NASA. Tuy nhiên, ảnh chụp qua kính thiên văn thường thiếu một cảm giác về nơi chốn, nói cách khác, thiếu một chỉ điểm nào đó để người xem có thể nhận ra nơi nào và cũng cho phép họ cảm giác được sự nhỏ bé, xa mờ thực sự của chủ thể.

Vì lý do đó, ngày nay người ta ngày càng quan tâm tới nhiếp ảnh phong cảnh thiên văn, một thuật ngữ mô tả hình ảnh chứa đựng trong đó cả các cảnh quan dưới mặt đất và các thiên thể trên trời, đúng như là ta đang ở đó và có thể nhìn thấy chúng bằng chính mắt mình … hoặc thậm chí còn hay hơn nữa, bởi tầm nhìn đêm của chúng ta tương đối bị giới hạn và không thể phân biệt các màu sắc một cách trọn vẹn.

Trong ảnh phong cảnh thiên văn, dải Ngân hà, thiên hà Andromeda hay ánh sáng Hoàng đạo được phối hợp với các cấu trúc núi đá, cây cối hoặc các tòa nhà cổ. Không giống như nhiếp ảnh thiên văn truyền thống nằm ngoài tầm với của các tay máy nghiệp dư, ví dụ như cái ta hay thấy chụp bằng kính thiên văn vũ trụ Hubble, ảnh phong cảnh thiên văn sẽ không bị giới hạn nhiều bởi thiết bị mà có chăng là bởi trí tưởng tượng của bạn cũng như khả năng tìm ra những địa điểm thú vị mà thôi.

Tuy nhiên, cũng có một số khó khăn. Mọi thứ hiển nhiên là phức tạp hơn vào ban đêm. Bạn sẽ cần phải thực hành để lấy nét cho đúng, và thậm chí là bố cục sao cho đúng. Mấy thứ đó từ từ cũng giải quyết được, nhưng sau đó bạn sẽ phải đối mặt với những vấn đề sau: đối tượng bạn chụp không chỉ rất mờ nhạt, mà chúng còn di chuyển liên tục. Để phơi sáng đúng cho phần sáng nhất của dải Ngân Hà, bạn sẽ cần ít nhất một Q (tôi gọi vậy) đương với 30 giây phơi sáng ở khẩu độ F2.8 và ISO 3200. Nếu máy ảnh của bạn quá nhiễu ở ISO 3200, hoặc ống kính của bạn không có khẩu độ lớn, thì bạn lại phải cần thời gian phơi sáng lâu hơn. Nhưng bạn không thể tăng mãi thời gian phơi sáng được bởi các ngôi sao đều xoay xung sao Bắc Đẩu (thực sự là trái đất quay, nhưng cũng như nhau cả thôi).

Nếu máy ảnh của bạn gắn cố định trên chân ba, và thời gian phơi sáng được tăng lên, thì kết quả sẽ là vệt sao trên ảnh, chứ không phải là một ngôi sao mà mắt bạn nhìn thấy. Vậy, thời gian phơi sáng tối đa là bao nhiêu? Trên Internet, bạn sẽ tìm thấy công thức chi tiết để tính toán nó, nhưng hãy thử trước thế này, một lần phơi sáng 30 với ống kính 14mm sẽ là chấp nhận được để sao không thành vệt. Nếu tăng tiêu cự lên gấp đôi, thì phải giảm thời gian phơi sáng đi một nửa.

Thử gắn máy ảnh lên mâm xoay xích đạo (equatorial mount) kiểu kính thiên văn thì sao? Nó sẽ cân đối lại vòng xoay của trái đất và do đó có thể tăng thời gian phơi sáng mà không tạo vệt sao, nhưng lại đến lượt cảnh ở mặt đất bị mờ đi. Dĩ nhiên, đôi khi vệt sao thật là dài cũng là kết quả hay. Và một tùy chọn khác là cố tình phơi sáng rất lâu bởi các đường vệt sao có thể cũng rất thú vị.

Như bạn thấy đó, Phong cảnh thiên văn không phải là không có khó khăn về kỹ thuật. Nhưng nếu bạn nghiêm túc về nó, bạn chắc chắn sẽ trải nghiệm những khoảnh khắc không thể nào quên, cũng như niềm vui khám phá một lĩnh vực tương đối mới của nhiếp ảnh, mở tung những ý tưởng sáng tạo của bạn.

Tôi có vài gợi ý sau đây để các bạn có thể bắt đầu thực hành:

1 – Ánh sáng nhân tạo là kẻ thù của bạn. Khó khăn chính của nhiếp ảnh phong cảnh thiên văn không quá nhiều bởi các yếu tố kỹ thuật là là bởi ô nhiễm sáng. Mức phơi sáng cần thiết để chụp được dải Ngân Hà có thể tóm được ánh sáng của thành phố cách nơi chụp lên đến 1-200 dặm (hoặc hơn). Ô nhiễm ánh sáng nói trên có thể dễ dàng thấy được trong ảnh của bạn như các dải sáng màu vàng hoặc màu da cam bên cạnh đường chân trời. Vì lý do đó, bạn nên nỗ lực đi đến những vùng sâu vùng xa nhất mà có thể. Các bức ảnh minh họa cho bài viết này đã được thực hiện ở những nơi như sa mạc Atacama, Đảo Phục sinh, dãy núi Atlas (cạnh sa mạc Sahara), và dãy núi Pyrenees giữa Pháp và Tây Ban Nha.

2 – Thông hiểu chủ đề của bạn. Không nhất thiết phải có kiến thức sâu sắc về thiên văn học nhưng sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu bạn đã quen thuộc với các chòm sao chính. Tuy nhiên cứ từ từ, chẳng cần phải lao vào nghiên cứu tất cả cùng lúc, hãy thưởng thức bằng cách khám phá ra một chòm sao mới mỗi đêm.

3 – Sử dụng phần mềm để dự đoán bầu trời sẽ như thế nào. Nếu bạn có kế hoạch chụp từ trước, thì hình sẽ ổn hơn. Bạn không cần phải là một chuyên gia để biết ngôi sao Cygnus lung linh hay chòm sao Scorpio có thấy được vào lúc 3:00 sáng trong tháng tới hay không? chỉ cần tải về và cài đặt chương trình Stellarium tuyệt vời (tại Stellarium.org); nó sẽ hiển thị một mô phỏng bầu trời, ở bất kỳ vị trí và thời gian trong tương lai hoặc quá khứ, với chất lượng rất cao.

4 – Xác định vị trí những nơi tốt nhất vào ban ngày. Đến đêm, bạn sẽ không thể tìm thấy được những cấu trúc núi hoặc cây có đường nét thú vị. Ban ngày lái xe đi vòng vòng thì dễ hơn, dùng GPS để đánh dấu các địa điểm thú vị nhất, sau đó trở lại vào ban đêm.

5 – Thiết bị. Tuy bạn không cần phải quá lo lắng tới các thiết bị của bạn, nhưng nó vẫn khá là quan trọng. Bạn cần ống kính góc rộng khẩu lớn. Và lưu ý rằng, ở khẩu lớn nhất thì nó cũng không bị quang sai sắc sai này nọ ở các góc vì có thể nhìn thấy khá rõ trong ảnh chụp sao. Máy Full Frame thường sẽ tốt hơn ở ISO cao, nhưng các DSLRs gần đây với cảm quang nhỏ hơn cũng khá tốt.

6- Hãy bắt đầu từ cơ bản trước. Chụp vệt sao có lẽ là cách học tốt nhất. Bạn không cần thiết bị đặc biệt như ống góc rộng khẩu lớn, chỉ cần 1 chiếc DSLR, dây bấm chụp để cho phép phơi sáng lâu ở chế độ B, và một chân máy tốt. Với lần chụp đầu, bạn có thể thử 10 phút ở F5.6, ISO 200. Với thời gian phơi sáng lâu hơn, bạn sẽ cần phải xếp chồng nhiều hình ảnh, chẳng hạn như 15 khung hình mỗi khung phơi 4 phút.

7 – An toàn là hàng đầu. Ban đêm ở vùng sâu vùng xa có khả năng nguy hiểm. Nhớ mang thiết bị định vị GPS (và biết các sử dụng), một đèn rọi mạnh với pin dự phòng và quần áo thích hợp. Ban đêm sẽ lạnh không ngờ, ngay cả trong mùa hè. Trừ khi bạn biết mình đang làm cái gì, không nên đi bộ một mình vào ban đêm tại nơi hoang dã, luôn luôn đi với một nhóm.

Và để kế luận, tôi cũng hi vọng các bạn cũng sẽ hứng thú với chủ đề Phong cảnh Thiên Văn như tôi vậy. Chủ đề này đã đưa tôi tới những nơi thực sự tuyệt vời vào những giờ giấc cực kỳ bất thường. Tôi đã trải nghiệm những cảnh tuyệt đẹp với dải Ngân Hà tại Nhân Thạch Moai đảo Phục Sinh, hay ánh sáng hoàng đạo ở đảo La Palma.

Tiến sĩ Manel Soria sống ở Barcelona (Tây Ban Nha) là một nhà khoa học. Ông lập trình kết nối các siêu máy tính để tính toán giải quyết lốc xoáy và cũng là giáo sư ở trường Politècnica de Catalunya, trong lĩnh vực Nhiệt động học và Động học Dung dịch Điện toán (Computational Fluid Dynamics – CFD). Một niềm đam mê của ông là nhiếp ảnh thiên nhiên.

Chủ đề ưa thích của ông là các động vật không xương sống như chuồn chuồn, và ảnh phong cảnh. Từ 2008, ông tập trung vào nhiếp ảnh Thiên văn Phong cảnh, ông đã viết các tài liệu, bán ảnh nghệ thuật và tổ chức nhiều lớp hội thảo về chủ đề này.

Tiến sĩ Manel Soria

Nguồn: http://www.luminous-landscape.com/techniques/landscape_astrophotography.shtml

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Back to top button