Lý luận phê bình

Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam: còn đó những trăn trở

Lĩnh vực của đam mê

Sáng tạo nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh nghệ thuật nói riêng luôn đòi hỏi người nghệ sĩ phải có niềm đam mê, một tình yêu thực sự đối với bộ môn nghệ thuật mà mình theo đuổi. Đó là động lực thôi thúc người cầm máy vượt qua những khó khăn của nghề để dấn thân và trải nghiệm. Bàn về vấn đề này, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng An, Hội viên chi hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại Quảng Bình bày tỏ: “Người ta có thể học hỏi nhau tất cả các vấn đề về kỹ thuật, chứ không bao giờ học hết cách nghĩ và những rung động tinh tế của mỗi tâm hồn. Như vậy, trước tiên người cầm máy cần có tâm hồn phong phú, niềm đam mê thật sự, phải đi nhiều, chụp nhiều, trải nghiệm nhiều thể loại…”. Khi đã thổi hồn vào tác phẩm, thông qua màu sắc, đường nét và những khoảnh khắc tuyệt vời, giúp đứa con tinh thần của mình sống mãi với thời gian.

Với nghệ sĩ nhiếp ảnh, mỗi một chuyến đi thực tế rong ruổi trên những nẻo đường đất nước là một lần được trải nghiệm và thỏa mãn đam mê. Và mỗi tác phẩm chính là một công trình được kết tinh từ tất cả những yếu tố: sự sáng tạo, lòng đam mê, công sức và cả tiền bạc. Để có được một khuôn hình đẹp nhất, người nghệ sĩ đôi khi phải dấn thân, liều mình với nguy hiểm. NSNA Thành Vương (Quảng Bình) không quên kỷ niệm lần anh chụp những bức ảnh toàn cảnh khu Mỹ Cảnh (Đồng Hới). Để được một bức ảnh toàn cảnh ưng ý, anh phải bay dù ở độ cao hơn 90 m. “Hôm đó, trời có gió Nam, nên dù rung lắc rất mạnh, mình lại là người say sóng nhưng dù mệt lắm cũng phải cố gắng chụp được toàn cảnh Mỹ Cảnh ở những góc độ đẹp nhất. Đến lúc xong việc, nhưng gió mạnh quá nên không thể cho dù bay vào bờ được. Vậy là phải nhảy xuống nước, chỗ gần bờ, rồi bất tỉnh. Phải 5 phút sau khi được đưa lên bờ, mình mới tỉnh lại. Đến giờ, đó có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ và cũng là lần tác nghiệp nguy hiểm nhất”, NSNA Thành Vương nhớ lại.

Hầu hết những lần đi sáng tác phải đầu tư rất nhiều tiền. Từ chi phí đi lại đến việc đầu tư máy móc hay cả những khoản không tên khác. Nhuận ảnh và tiền thưởng từ các cuộc thi đôi khi không đủ bù đắp cho những khoản chi phí ấy. Thế nhưng, một khi đã đam mê thì họ vẫn chấp nhận dấn thân. Không hiếm nghệ sĩ phải bán tài sản chỉ để đeo đuổi cái đam mê ấy.

Đến giờ, nhiếp ảnh nghệ thuật  Việt Nam vẫn có thể tự hào bởi những giải thưởng Quốc tế.

Đau đầu chuyện tác quyền ảnh

Trong sáng tạo nghệ thuật, vấn đề tác quyền không còn là chuyện mới. Thế nhưng, câu chuyện tác quyền ở thời điểm nào, lĩnh vực nghệ thuật nào cũng luôn luôn là vấn đề nóng hổi. Việc vi phạm tác quyền vẫn âm thầm diễn ra và làm đau đầu các nhà quản lý và nghệ sĩ nhiếp ảnh. Nỗi trăn trở ấy càng đau đáu hơn khi đầu tháng 9 vừa qua, vụ một khách sạn in lậu hơn 100 bức ảnh của Hội viên CLB Nhiếp ảnh Hội An (Quảng Nam) bị bắt quả tang. Vụ việc ấy đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh rằng nếu các cơ quan quản lý văn hóa và bản thân người nghệ sĩ không có nỗ lực để nhanh chóng chấn chỉnh những hoạt động trái phép đó thì việc vi phạm bản quyền vô tội vạ sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Một thực tế đáng buồn là ở Việt Nam ta, dường như tác quyền trong nhiếp ảnh vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức vẫn vô tư sao chép, sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh mà không biết rằng họ đang sử dụng công trình sáng tạo của người khác trái pháp luật. Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh tỏ ra khá bức xúc khi trong một số sự kiện cấp thành phố, cấp tỉnh, khi dùng ảnh của tác giả thường không ghi tên và cũng chưa xin phép tác giả. Đã có không ít cuộc trao đổi thẳng thắn giữa hai bên, người sáng tác và nhà xuất bản thế nhưng vô vọng. NSNA Đậu Bình (Hà Tĩnh) chia sẻ: “Mọi nỗ lực vẫn chỉ như muối bỏ bể mà thôi. Hình như họ cho rằng việc tác phẩm được đưa lên sách, báo là vinh dự lắm rồi. Chúng tôi không đòi hỏi gì, chỉ mong công sức của mình được trả công xứng đáng và thực hiện theo đúng luật”.

Dạo một vòng quanh các nhà hàng, khách sạn ở thành phố Hồ Chí Minh nói riêng các thành phố lớn khác nói chung có không ít những tác phẩm về danh thắng cảnh của các nghệ sĩ nhiếp ảnh được trưng bày khá trang trọng trên các bức tường nhà hàng khách sạn…. Nhiều tác phẩm chẳng đề tên tác giả. Nhiều quản lý nhà hàng, quán ăn cho biết, họ không rõ nguồn gốc của những tấm ảnh này và tỏ ra thờ ơ với bản quyền của tác giả. Nhiều chủ khách sạn thì trả lời đơn giản: “Thấy đẹp thì mang về treo”. Thực tế vẫn diễn ra nhiều vụ việc liên quan đến vi phạm tác quyền ảnh, vấn đề kiện tụng, tranh chấp vẫn chưa được giải quyết triệt để bởi “trước đây chưa có tiền lệ” hoặc vì nhiều mối quan hệ, không muốn làm rùm beng…

Phải thẳng thắn nhìn nhận, một phần lý do dẫn đến việc sao chép vô tư của nhiều cá nhân, đơn vị là bởi tự bản thân nhiều NSNA chưa có cách để bảo vệ, giữ lấy sản phẩm sáng tạo của mình. Trao đổi về vấn đề này, NSNA Ngọc Thành, một tay máy trẻ của nhiếp ảnh Khánh Hòa cho biết: “Thời buổi mà công nghệ sao chép quá đơn giản như hiện nay, cách tốt nhất là nghệ sĩ phải biết tự quản lý tác phẩm của mình. Với những tác phẩm bản thân cảm thấy đạt đến một trình độ nhất định thì tác giả nên đăng ký bản quyền. Hiện nay, việc đăng ký này khá đơn giản và không mất nhiều thời gian”. Thế nhưng, thực tế cho thấy, không nhiều NSNA chủ động đăng ký bản quyền cho đứa con tinh thần của mình. Mà cửa nhà mở thì khách tự nhiên bước vào. Một khi nghệ sĩ không tự giữ lấy những sản phẩm sáng tạo của mình thì càng tạo một thói quen xấu cho những người “lách” luật, “lơ” luật ngang nhiên sử dụng đứa con tinh thần của người khác.

Để nhiếp ảnh nghệ thuật cất cánh

Với người nghệ sĩ nhiếp ảnh, không phải họ vô cảm trước tình hình và sự kiện của đất nước mà họ chưa thực sự được tạo điều kiện thuận lợi để tác nghiệp trong những sự kiện lớn như sự kiện biển đông và các lễ hội cấp quốc gia khác. NSNA Hoàng An Quảng Bình mong muốn: “Chúng tôi chỉ mong sao, những sự kiện lớn xảy ra, chúng tôi cũng được tạo điều kiện như các anh em phóng viên báo chí. Chỉ cần có cơ hội, tin chắc sẽ có những tác phẩm có giá trị”. Bàn về điều này, NSNA Trương Vững (Thừa Thiên – Huế) cho ý kiến: “Nên chăng cũng cần tạo điều kiện cho anh em nhiếp ảnh bằng cách cũng cung cấp thẻ tương tự như thẻ phóng viên khi tham gia các sự kiện. Đó như “giấy thông hành” để anh em tham gia tác nghiệp dễ dàng hơn. Tất nhiên phải chọn lọc, cấp thẻ cho một số nghệ sĩ chứ không phải là cấp thẻ tràn lan…”.

Việt Nam có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa… Và nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ nhiếp ảnh về Đất nước – Con người Việt Nam đã được bạn bè quốc tế biết đến. Nhưng để nhiếp ảnh Việt Nam thực sự “cất cánh”, xứng tầm với tiềm năng sẵn có, cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa về kinh phí, về điều kiện tác nghiệp để động viên, khích lệ những người cầm máy.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button