Tin tức chung

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo: ‘Thời gian tạo nên giá trị’

 

15 năm kể từ dạo anh được giải ảnh toàn quốc (tác phẩm ‘Quê hương’, giải nhì 1993), anh không đi thi nữa? Vì sao vậy? Giờ ngắm lại bức ảnh đoạt giải đó anh còn thích không?

Hồi đó tôi gửi 8 ảnh, Ban giám khảo chọn treo 1 ảnh và trao giải 1 ảnh. Cái ảnh tôi không thích nhưng nghĩ là được giải đúng là ăn giải. Vì thế, nghĩ lại tôi xấu hổ: mình đi thi với mục đích không lành mạnh. Sau này tôi không thi nữa nhưng quan niệm nhiếp ảnh vẫn là theo đuổi những khoảnh khắc. Những khoảnh khắc nói lên một câu chuyện, nếu chụp chân dung nếu không nói lên được lý lịch nhân vật thì cũng là tâm trạng của họ trong một văn cảnh. Không nữa thì mang nét phong tục, như hình ảnh bà già đi ăn cỗ về mang theo gói phần.

– Vậy thì theo anh giá trị của nhiếp ảnh là gì?

Nó như một thứ đồ cổ mà càng để lâu càng có giá. Có bức ảnh ngay thời điểm chụp không thấy giá trị nhưng 10 năm, 20 năm sau lại có giá. Nó là nhân chứng cụ thể. Tôi xem lại nhiều ảnh thời Pháp thuộc, ảnh tư liệu quý báu, rất giản dị. Có những bức ảnh thời gian làm nên giá trị. Có khi chỉ giá trị với 1, 2 người trong gia đình người chụp. Nó còn hơn là cái không có ý nghĩa gì, nhất là cái giả.

– Với anh cái giả trong ảnh là thế nào?

Hồi chưa có photoshop thì nhiều nhà nhiếp ảnh Việt Nam đã photoshop trong tư tưởng- tức là quen dàn dựng hiện thực để tạo nên những bức ảnh xơ cứng, giả tạo. Ý tôi muốn nói đến dòng ảnh hiện thực chính thống, không đề cập đến dòng ảnh sáng tạo, dòng ảnh ý niệm cố tình dùng photoshop, bày ra cho mọi người thấy họ dùng nó như một phương tiện để thể hiện ý tưởng. Tôi không thích những bức ảnh quá chau chuốt. Mà người chụp phải thể hiện được chất liệu trong ảnh (không nằm ở độ nét), ‘mùi’ con người trong ảnh.

– Anh chụp chân dung hay sinh hoạt đời thường thấy thú vị hơn?

Tôi cảm nhận cái gì thì chụp cái đó. Nếu nó hợp ngăn nào thì vứt vào ngăn đó. Tôi có những hộp đựng ảnh giống như hộp đựng thuốc vậy.

– Vậy anh có những chủ đề dài hơi trong nhiều năm?

Tôi có ảnh chả biết xếp vào chủ đề nào, như có ảnh tôi chụp cái giá treo mấy con dao của người dân tộc thiểu số nổi bật trên bầu trời. Nên tôi xếp ảnh theo vùng miền.

– Với anh cảm hứng bắt đầu và tồn tại từ đâu?

Cái ngẫu hứng của tôi theo bản năng, có thời kỳ ra đường không rời máy ảnh, ngày tốt nhất có thể có 4 ảnh đủ tự tin phóng 20x30cm. Có khi hàng tháng cứ trơ ra không chụp được.

Gần đây tôi tìm lại một số phim đã chụp từ những năm 1980 bỏ đi, nay thấy cần phóng lại và ngạc nhiên: sao thời kỳ đó mình lại chụp được như thế. Hay tại lòng mình không ổn định, thẩm mỹ mình nhấp nhổm.

– Điều gì làm anh băn khoăn nhất khi bấm máy?

Đó là có gì mâu thuẫn trong khuôn hình không. Có chất bi hài nào trong hình ảnh đó không. Có khi mình quen với sự mất mát mà phản xạ chậm, có khi mình nhìn mà không thấy.

– Anh đã làm biên tập, thiết kế cho ra ba cuốn sách ảnh ‘Hà Nội ngày tiếp quản’ do người dân HN chụp, ‘Những ký ức còn lại’ của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Duy Kiên và ‘Thủ đô huyết lệ’ của một số nhiếp ảnh gia tham gia 60 ngày đêm Hà Nội mùa đông 1946. Nhưng anh vẫn chưa cho xuất bản một sách ảnh cá nhân của anh?

– Có lần tôi đã soạn xong sách, lại thấy không được, phải đào thải chính mình.

– Anh đã chụp ảnh từ năm 1974- đến nay là 34 năm, anh tự nhận có bao nhiêu ảnh đẹp?

Một số phim ảnh tôi bị mất cả gốc, do ẩu tả. Còn lại khoảng 200 ảnh là xem được, không được cái nọ thì được cái kia. Mỗi bức ảnh trong số đó đều gắn với những kỷ niệm của tôi.

– Anh có cập nhật nhiếp ảnh thế giới?

Tôi có mở các trang web ảnh thế giới lúc rỗi việc xem (chủ động thì chưa) và luôn đi tìm đáp số tại sao họ chụp được như thế này. Và tôi nghi ngờ: nhiếp ảnh có thật sự là loại hình nghệ thuật không, khi mà tính phát hiện cao hơn tính sáng tạo.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button