Tin tức chung

“ Người đàn bà gào khóc” của Robert Capa

Với một người xem ảnh ở xứ lạ, thì bức ảnh toát nên được nỗi buồn mất mát của những người thân với người đã khuất núi. Và khoảnh khắc bấm máy của Robert Capa lột tả được cao trào tình cảm bi lụy của những người sống và người nằm dưới nấm mồ.

Nhưng với người Việt Nam, đặc biệt những người dân từng sống trong giai đoạn của những thập niên 40 – 50 ở thế kỷ trước thì thấy đây là một hình ảnh mang giá trị lịch sử hiếm hoi còn lưu giữ được, ghi nhận một khoảnh khắc trong bộn bề những xáo động giằng xé tâm can của hàng triệu người Việt một thời…

Người chết nằm trong nghĩa trang quân sự do người Pháp qui hoạch, nên đương nhiên những người nằm dưới đó là binh lính Pháp, những người lính lê dương đánh thuê cho chính quyền Pháp. Và trong số hàng vạn những người Việt đi lính cho pháp thì sẽ có không ít những người “ lính dõng” xấu số bị thiệt mạng bởi phải làm lá chắn cho kẻ đô hộ, rồi kết cục đã phải hứng chính những mũi tên, hòn đạn do đồng bào mình bắn ra. Và người nằm dưới mộ được hiểu là chồng, là cha và là con của những người đang chăm sóc ngôi mộ.

Robert Capa chụp bức ảnh vào dịp tháng 5/1954 những ngày mà hiệp định Geneve đang được các bên đàm phán và sắp được ký kết. Những người Việt Minh và đồng bào cả nước đang hồ hởi với chiến thắng Điện Biên Phủ và nô nức chờ đợi đoàn quân chiến thắng về tiếp quản thủ đô… Thì một bộ phận những người Việt có người thân phục vụ trong chính quyền đô hộ Pháp hoặc đi lính cho Pháp lại đang hoảng loạn và chìm đắm trong nỗi buồn của người thất bại. Những người phụ nữ ngồi bên nấm mồ anh lính kia không tách rời với số phận của cả triệu người Việt cùng hoàn cảnh ở vùng đồng bằng bắc bộ khi đó… Xin người xem ảnh hãy tạm gạt sang bên những định kiến bất đồng và đặt mình vào tâm trạng của những người đàn bà ấy! Họ là những người hưởng trọn mọi cay đắng và bi kịch của chiến tranh: Họ mất con. Họ mất chồng. Họ mất cha. Không chỉ có vậy, họ sắp mất cả quê hương sứ sở! Những người đàn bà cả đời quanh quẩn với ruộng đồng, lịch trình kín ngày tháng của họ giới hạn bởi nhà thờ, gia đình và công việc. Đa phần, họ chưa từng bước ra khỏi làng quê và vài ba cái chợ quanh vùng. Nay nhận được tin Chúa đã vào Nam và họ hoảng loạn bởi mỗi ngày thấy làng xóm đã hao hụt cả một gia đình thậm chí cả một dòng tộc. Vừa công khai, vừa bí mật… Tin đồn gieo vào lòng họ sự nghi ngờ và khiếp đảm. Nay họ phải ra đi, linh cảm tốt, xấu nổi trôi bập bềnh như cọng rơm nhào theo dòng chảy. Trao thân cho số phận mịt mờ và còn mịt mờ hơn ngày trở lại. Trước ngày rời sứ sở họ đến tạ tội với chồng, với con họ và cho đứa trẻ lần cuối cùng nhìn nấm mồ chôn người mà nó gọi là cha…

Hình ảnh những người sống gào khóc, kể lể bên một nấm mồ là một sự lạ với người Âu như Robert Capa. Nhưng vô tình ông đã ghi lại một thời khắc đắt giá ảo mờ về bi kịch của cả dân tộc Việt Nam mà hơn nửa thế kỷ qua đi vẫn chưa thống kê hết những thiệt hại về vật chất và tinh thần cho Nước Việt. Và tôi hiểu vì sao người Việt Nam hôm nay đang cảm thấy thúc bách hơn để đẩy nhanh quá trình hòa hợp dân tộc. Phải chăng tại bởi nước mắt của người Việt bao đời luôn vẫn đắng mặn như nhau(?)

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button