Lý luận phê bình

Làm tốt công tác kiểm tra góp phần nâng cao chất lượng Hội viên Hội NSNA Việt Nam

Liên quan đến chất lượng hội viên, đây là khái niệm định tính, bao hàm nhiều lĩnh vực nhưng trong đó có hai mảng chính, đó là đạo đức con người và khả năng sáng tạo nghệ thuật. Trong công tác kiểm tra (CTKT), bộ máy bán chuyên trách của Hội chịu trách nhiệm về công tác này là Ban kiểm tra (BKT). Ban có chức năng nhiệm vụ và quy chế hoạt động được quy định cụ thể trong Điều lệ Hội từng nhiệm kỳ.Đi sâu về mối quan hệ giữa công tác kiểm tra và chất lượng hội viên chúng ta có thể thấy ngoài hai yếu tố cơ bản nêu trên còn có thêm hai yếu tố không kém phần quan trọng khác, đó là chi hội và tác động khách quan.Tất cả bao gồm 4 yếu tố đó là Hội viên, Chi hội, Tác động khách quan và Công tác kiểm tra

● Hội viên. Có một điều ngay từ đầu cần quan niệm rõ, đó là “công tác kiểm tra không phải của riêng ai”; không phải của BCH, BKT, chi hội nơi hội viên sinh hoạt mà trước hết đó là của chính từng hội viên.

Nói đến công tác kiểm tra có thể ai đó nghĩ ngay đến việc tiến hành kiểm tra xử lý cá nhân hay tập thể khi xảy ra vụ việc. Vậy nhưng làm sao để Hội ít xảy ra những vụ việc sai phạm, tính chất và mức độ sai phạm càng nhẹ càng tốt, đó mới là điều quan trọng. Để không xảy ra sai phạm phần lớn & trước hết phụ thuộc vào “nội lực” trong nhận thức & ý thức chấp hành luật pháp, tuân thủ điều lệ Hội & đạo đức nghề nghiệp cũng như nghị lực trong cuộc sống của từng hội viên.

Trong thời gian qua một số ít hội viên đã làm tất cả để có danh hay đoạt giải thưởng trong các cuộc thi. Có người đã ngang nhiên làm ảnh giả, gửi ảnh dự thi mạo danh người khác, lấy ảnh cũ dự thi lại nhiều lần, sử dụng công cụ phần mềm xử lý ảnh trái với quy chế cuộc thi, biên dịch sách nhưng không ghi tên tác giả, không nêu trích dẫn … Tất cả những sai phạm nêu trên tất cần phải được loại bỏ thông qua công tác kiểm tra.

Trong quá trình hội nhập & phát triển, bên cạnh việc tiếp nhận những tác động tích cực từ bên ngoài, bản thân người hội viên có chống lại được những tác động tiêu cực hay không, tất cả phụ thuộc vào “kháng thể”, vào khả năng “miễn dịch” cũng như nội lực của từng người. Do vậy, muốn tránh khỏi những sai phạm, bản thân từng hội viên cần nâng cao nhận thức, mạnh dạn đấu tranh với những cám dỗ cả về danh vọng và vật chất. Thực tế cho thấy một số ít hội viên do quá tập trung vào sáng tác mà “quên” cả điều lệ và các quy chế, ít tham gia sinh hoạt chi hội và không tìm hiểu kỹ về quy định hay điều lệ của các cuộc thi ảnh … nên đã vô tình hoặc có trường hợp cố tình sai phạm.

Trong năm đầu của nhiệm kỳ nhiệm kỳ VIII, nổi lên hơn cả là số vụ việc liên quan đến xâm phạm bản quyền tác giả. Đặc biệt, việc hội viên sử dụng mạng xã hội để phát ngôn thiếu ý thức xây dựng, công kích các ban chức năng, tạo dư luận hiểu sai về Hội  làm giảm uy tín Hội nói chung. Đây cũng là hiện tượng xuất hiện gần đây khá phổ biến trong xã hội đang được các cơ quan chức năng Nhà nước khắc phục và đó cũng là một trong những nguyên nhân để Hội tăng cường các hoạt động nhằm “Nâng cao chất lượng hội viên của Hội”. Trong quá trình xử lý sai phạm, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu của công tác kiểm tra dù ở cấp nào đều là giúp hội viên nhận ra sai sót của mình, tự nguyện khắc phục để tiếp tục sinh hoạt & sáng tác tốt. Ở đây vai trò của nhận thức và tính phục thiện của hội viên luôn là yếu tố quyết định

● Tác động khách quan.

Trong bối cảnh phát triển & hội nhập ngày càng sâu rộng, NANT được hưởng lợi rất nhiều bởi những tác động tích cực từ bên ngoài như vai trò của nhiếp ảnh trong xã hội & đời sống ngày càng cao, yêu cầu về ảnh nói chung ngày càng lớn, nhu cầu thưởng ngoạn nghệ thuật nhiếp ảnh của quần chúng ngày càng phát triển … Những tiến bộ mạnh mẽ về KHKT đặc biệt quan trọng trong đời sống nhiếp ảnh là máy ảnh KTS và phần mềm xử lý ảnh đã “chắp cánh” cho một số mảng ảnh ý tưởng, ảnh quảng cáo & dịch vụ … “vươn cao, bay xa”. Nhiều NSNA, nhất là những nghệ sỹ trẻ đã trưởng thành nhanh chóng nhờ có kiến thức, tận dụng thời cơ, đầu tư đúng vào công nghệ – kỹ thuật cao và áp dụng khéo léo giữa công nghệ kỹ thuật – nghệ thuật – thương mại để sáng tạo nghệ thuật cũng nhưng nâng cao đời sống kinh tế gia đình.

Tuy nhiên ngoài những tác động tích cực nêu trên, quá trình hội nhập & phát triển đã tác động không nhỏ đến con người trong xã hội, trong đó có các NSNA khiến một số người có phần thiên lệch hơn về kinh tế, không chú ý đúng mức đến việc tuân thủ pháp luật & đạo đức xã hội và làm méo mó đạo đức nghề nghiệp. Dù rất ít nhưng không phải không có những hội viên ở mức độ khác nhau có biểu hiện chỉ tập trung vào hoạt động nghệ thuật đơn thuần mà “lãng quên” tính chất chính trị xã hội trong hoạt động của Hội cũng như trong sáng tạo nghệ thuật. Lạm dụng mạng xã hội, một số hội viên còn sử dụng để thể hiện suy nghĩ cá nhân thiếu chín chắn, đề cao quá mức “cái tôi” của cá nhân mình … Thực ra những chuyện như vậy không phải bây giờ mới có nhưng ngày nay dưới tác dụng của công nghệ truyền thông hiện đại, những việc làm trên đã lan tỏa hết sức nhanh chóng gây mất đoàn kết, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Hội nói chung

Trong công tác kiểm tra, nhận biết những yếu tố chủ quan và tác động khách quan tới hội viên có sai phạm là yêu cầu cần thiết trong quá trình xử lý vụ việc nhằm khuyến khích tích cực và khắc phục tiêu cực.

● Công tác chi hội. Công tác kiểm tra của Hội về nguyên tắc và trong thực tế phải dựa nhiều vào cơ sở mà cụ thể là các chi hội, đặc biệt là BCH chi hội. Chi hội là tập thể cơ sở quản lý sinh hoạt của hội viên, chất lượng hội viên làm nên chất lượng chi hội nhưng chính chi hội là cơ sở quan trọng góp phần cùng công tác kiểm tra góp phần nâng cao chất lượng hội viên.

Khi xảy ra vụ việc trong chi hội, hơn ai hết BCH chi hội là những người nắm được nguyên nhân và diễn biến xảy ra sai phạm. Nếu tính chất vụ việc phức tạp hoặc sai phạm đến mức BKT phải tham gia giải quyết, ủy viên BCH & BKT phụ trách khu vực trao đổi với BCH chi hội để thống nhất đánh giá và xác định phương thức làm việc. Trong quá trình giải quyết vụ việc, với sự tham gia của các bên, BCH chi hội tổ chức họp chi hội để tập thể hội viên trong chi hội phân tích, tiến tới hòa giải nếu sai phạm liên quan quan hệ cá nhân hay mâu thuẫn nội bộ hoặc kiểm điểm và đề xuất xử lý kỷ luật nếu cần thiết. Hoạt động của chi hội trong những trường hợp này mang đầy đủ tính tổ chức, dân chủ và cần chặt chẽ theo đúng quy trình. Ý kiến của hội viên liên quan đến vụ việc luôn được tập thể chi hội lắng nghe và tôn trọng như những cơ sở cần được xem xét cho quá trình xử lý sau này. Biên bản cuộc họp chi hội và kết luận đề xuất với BCH & BKT về biện pháp xử lý hoặc kỷ luật hội viên (nếu phải dùng đến biện pháp này) kèm theo tự kiểm điểm của hội viên liên quan là những văn bản có tính pháp lý, không thể thiếu trong quá trình xử lý sai phạm.

 ● Công tác kiểm tra của Hội.

Trong khuôn khổ bài viết, tác giả xin không đề cập đến tổ chức, quy chế hoạt động của Ban Kiểm tra do đã được nêu rõ trong điều lệ Hội. Theo quy trình, mỗi khi xảy ra vụ việc ủy viên BKT phụ trách khu vực phối hợp với BCH chi hội trực tiếp gặp hội viên hay tập thể khiếu nại và bị khiếu nại để tìm hiểu sự việc về cả 2 phía. Do nguyên nhân hay lý do dẫn đến khiếu nại trong từng vụ việc thông thường không giống nhau, cả về tính chất, mức độ phức tạp nên ủy viên BKT khu vực sẽ lựa chọn cách tiếp cận phù hợp để thi hành nhiệm vụ. Có những vụ việc đơn giản và lý do sai phạm rõ ràng nhưng nhiều trường hợp phức tạp, đòi hỏi sự thận trọng, kiên trì, phân tích có lý có tình trong việc vận dụng kiến thức pháp luật cũng như điều lệ Hội … một cách đúng đắn & khéo léo cho từng trường hợp cụ thể. Để tìm ra nguyên nhân sâu xa của vấn đề, ủy viên khu vực cần tìm  hiểu hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng kể cả những “ngóc ngách” liên quan trong cuộc sống của hội viên liên quan đến vụ việc. Trong thực tế để đạt được điều này không dễ dàng khi mỗi ủy viên BKT phụ trách một khu vực lớn hoặc  thành phố lớn cùng nhiều tỉnh lân cận với cả trăm hội viên; nhiều khu vực bao gồm cả  chục tỉnh, kéo dài hàng trăm cây số … Việc đi sâu đi sát hội viên để tìm hiểu vụ việc ở nhiều góc cạnh, đa chiều mất rất nhiều thời gian và khá tốn kém cho việc đi lại, giao tiếp, trao đổi thông tin … trong khi hầu hết những chi phí này do các ủy viên BKT tự trang trải. Thấu tình đạt lý lắng nghe tất cả những ý kiến liên quan đến vụ việc và xử lý vấn đề, kể cả những chi tiết tưởng như nhỏ nhặt nhất trong đời sống con người cũng không thể bỏ qua chính lại là yêu cầu đối với người thực hiện công tác này. Trong quá trình tìm hiểu sự việc và khi đã xác định được nguyên nhân & bản chất vấn đề, việc trao đổi tham khảo ý kiến về phương thức xử lý sự việc được thực hiện thường xuyên & liên tục trong nội bộ BKT, giữa BKT với ủy viên BCH khu vực cũng như với BCH chi hội.

Nói đến công tác kiểm tra, không ít người nghĩ ngay đến … kỷ luật nhưng trong thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Mặc dù trong quy chế hoạt động của BKT có điều khoản về các hình thức kỷ luật nhưng mục tiêu chính của công tác kiểm tra vẫn luôn là chấn chỉnh sai phạm, củng cố xây dựng tình đoàn kết trong Hội. Xử lý kỷ luật dù ở hình thức nào cũng chỉ là bước đường cùng và là biện pháp cuối cùng một khi hội viên vi phạm nghiêm trọng pháp luật Nhà nước, điều lệ Hội và đạo đức nghề nghiệp

Để xử lý thi hành kỷ luật một hội viên cần thực hiện theo quy trình mang đầy đủ tính pháp lý trên cơ sở được tập thể đa số đồng thuận, dân chủ và sự tự nguyện chấp hành của hội viên liên quan. Điều khó trong xử lý vụ việc, đó là khâu “hậu xử lý” như  vụ việc đã được giải quyết dứt điểm chưa hay vẫn còn âm ỉ dai dẳng chờ dịp bùng phát trở lại ? Đoàn kết nội bộ trong tập thể hay quan hệ cá nhân giữa người “thưa” và người “bị thưa” đã “lành” hay chỉ bằng mặt mà chưa bằng lòng …? Tất cả những việc đó nói lên một điều rằng công tác kiểm tra không thể tính bằng số vụ việc đã giải quyết mà phải bằng việc khắc phục triệt để những sai phạm của hội viên, góp phần trực tiếp xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Hội.

Tuy đã làm được nhiều việc nhưng qua nhiều nhiệm kỳ, cho đến nay công tác kiểm tra hầu như vẫn hầu như chỉ dừng lại ở khâu “chữa cháy” chứ chưa làm được những việc có tính “phòng cháy”. Công tác “phòng cháy” ở đây có thể được hiểu là Hội cùng các chi hội thường xuyên trao đổi thông tin, vận động hội viên nâng cao hiểu biết, tuân thủ pháp luật, chấp hành điều lệ Hội và giữ vững đạo đức nghề nghiệp. Những thông báo của BCH Hội về xử lý sai phạm hội viên cần được phổ biến rộng rãi và kịp thời trong các kỳ họp chi hội. Thông qua đó hội viên có thể trao đổi mạn đàm phân tích, “mổ xẻ” rút kinh nghiệm cho chính bản thân mình.

Gắn kết công tác kiểm tra với chất lượng hội viên thông qua chi hội thoạt đầu vấn đề nghe có vẻ khiên cưỡng nhưng thực tế, đó là những công việc hòa quyện gắn kết với nhau, thường xuyên và liên tục, bổ sung và hỗ trợ cho nhau, tất cả nhằm xây dựng Hội ngày càng đoàn kết và vững mạnh từ mỗi hội viên

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button