Tin tức chung

Có một người yêu Hà Nội đến thế

Đam mê Văn học Thế giới, được cấp học bổng một năm sang nghiên cứu Văn học Đương đại Pháp tại Trường Đại học Sorbonne Paris, Trịnh Xuân Hoành dịch được hơn 60 đầu sách các loại. Trong đó, anh dịch thành công 5 cuốn tiểu thuyết được giải Congcua của Pháp là “Người tình” (của Marguerite Duras), “Những cuộc hôn thú man dại”, “Chú bé cát bụi”, “Đêm thiêng”, “Triển lãm thuộc địa”. Cái đà tiếp theo những cuốn sách có tiếng, được tái bản nhiều lần trên giá sách như “Mahagôni”, cuốn “Cô gái thành Rome” (của Alberto Moravia), “Đời K… thứ tư” (của Mario Fuzo), “Nỗi sợ”, “Ván bài kỳ lạ” (của Stefan Zweig), “Duyên chị tình em” (của Elizabeth Gougge), “Ngôi sao” (Danielle Steel), “Liz Taylor tự thuật”… Như V.Hugo khi về già, ở cái tuổi lên chức cụ anh lại trở về… tuổi thơ. Ít người biết rằng, bộ truyện tranh nổi tiếng “Thủy thủ mặt trăng” chính anh là người chuyển ngữ… Anh thực sự thấy mình hạnh phúc đến… rơi nước mắt, nghề sư phạm giúp anh hóa thân thành một Thỏ Ngọc, chị Thỏ Ngọc như được làm bạn với tuổi thơ của chính mình. Đời người “yêu trẻ trẻ cho hoa” ai cũng muốn thế mà dễ gì có được.

Tình yêu là “thứ có sẵn” trong mỗi người là bản năng thiên phú, tình cảm đẹp đẽ đó được bồi đắp trí tuệ thì sẽ sâu sắc rộng lớn hơn và trở nên có giá trị. Tình yêu nào dù có lớn lao đến mấy cũng xuất phát từ tình yêu quê hương nơi mình sinh ra, với Trịnh Xuân Hoành đó là Hà Nội. Anh tự phát hiện trong mình có thêm một tài năng nữa, đó là cầm máy ảnh. Nghệ thuật thị giác của “ánh sáng” đã mê hoặc anh cho anh cơ hội sáng tạo tác phẩm hoàn toàn do mình làm ra và thể hiện trọn vẹn tình cảm của mình khi anh trình làng tập sách ảnh “Hồn xưa trong phố nay Hà Nội”.

Chùa Trấn Quốc – tác giả: Trịnh Xuân Hoành

Trang đầu là bức ảnh bầu trời Hà Nội đầy mây dáng rồng bay cùng với lời đề dẫn ngắn nhưng đầy đủ. Chẳng phải Trịnh Xuân Hoành “đem chuyện nghìn năm trở lại bàn” từ Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội… bởi lẽ trên cánh đồng nào mà đã có bao thế hệ trước canh tác thì người đi sau sẽ dễ dàng hơn, nhưng với sáng tạo văn học nghệ thuật thì ngược lại. Trước anh đã có biết bao bao nghệ sĩ mà tình yêu Thăng Long – Hà Nội tha thiết không kém anh và “tay nghề” cầm máy trước anh… nên thật khó vô cùng.

Suy ngẫm đau đáu về những cái đã qua còn – mất… thoáng chút lo âu mà vẫn cho ta thấy lòng đầy tự hào chứ không “bi lụy hoài cổ”… vẫn con đường xưa ấy nay rực rỡ sắc màu ánh sáng lung linh: “Đường Nguyễn Chí Thanh” – “Phố Điện Biên Phủ” về đêm lung linh rực rỡ hay Hà Nội ngày nay với  những công trình mới như “Một góc hồ Thành Công”.

Trịnh Xuân Hoành không hề có ý định sẽ trình bày đầy đủ về Hà Nội mà mỗi tác phẩm của anh muốn nói: “Hà Nội của tôi – Hà Nội trong tôi” là như thế một cách chân thành như lòng anh nghĩ về nơi sinh ra lớn lên… Cho nên ảnh của anh rất chân thật, chân thật như đặc trưng của nhiếp ảnh. Anh đã dẫn người xem làm cuộc hành hương trở về cái tuổi ấu thơ của mình dẫu lòng có chút se lạnh man mác buồn nhưng vẫn ấm áp: “Nướng ngô”, “Nặn tò he”…

Nướng ngô – tác giả: Trịnh Xuân Hoành

Không đâu bốn mùa rõ rệt lại đẹp như ở Hà Nội. Bộ ảnh tứ bình của anh không “đi theo nếp nghĩ lối mòn” … mùa thu lá vàng úa. Không… “Mùa thu lá không vàng lá không rụng lá lại thêm xanh…” (Xuân Diệu) chỉ một cây trong công viên soi bóng hồ nước như là nhân chứng qua thời gian của đất trời đều có nét đặc trưng riêng, phải nói là cặp mắt anh quan sát rất tinh tế chính xác cẩn trọng. Trịnh Xuân Hoành như nghe được lời thì thầm của từng mảng rêu xanh bám vào bức tường thành làn hơi thở nhẹ trong từng phiến đá “nền cũ lâu đài” còn in dấu …“hồn thu thảo” xa xưa, đắm mình vào từng trang sách ảnh ta tự ngộ ra một điều: Ai muốn bước chân vào ngôi đền thiêng Nghệ thuật thì trước hết lòng mình phải hóa nhi bởi trong đó mọi thứ đều thánh thiện tinh khiết trong sáng vô ngần. Đời người dù dài hay ngắn thì tuổi thơ là dòng suối trong lành vỗ về an ủi xoa dịu những nỗi đau khi trên trường đời ta gặp phải những điều trắc trở… là “miền thẩm mỹ” của mỗi nghệ sĩ.

Rất nhiều người yêu Hà Nội (lẽ đương nhiên) yêu đắm đuối, yêu mà đến khi không kìm lòng mình được để thành tác phẩm thì rất hiếm. Vũ Bằng nhớ Hà Nội trong tâm trạng khắc khoải day dứt dằn vặt… của kẻ xa xứ, còn Trịnh Xuân Hoành yêu Hà Nội theo cách của riêng mình dù anh hàng ngày vẫn gõ gót giày trên vỉa hè lát đá xanh đã mòn trơn nhẵn Hà Nội nơi ấy như còn in đậm bao kỷ niệm với tình yêu nỗi nhớ khôn nguôi… Hoàng hôn nào mà không buồn nhưng vẫn có những hoàng hôn đẹp dẫu buồn “Chiều hè Hồ Tây” mặt trời sắp lặn vẫn còn hắt ánh vàng long lanh trên mặt hồ, lại thấy ấm lòng hẳn lên. Đi qua ngôi trường cũ “Ngày ấy” nay đã đổi tên chỉ có mấy cậu học trò cũng đủ bao kỷ niệm dội về thức tỉnh ký ức như thấy hình bóng ngày nào của mình “Nhiếp ảnh mở những cánh cửa vào quá khứ, nhưng chúng cũng mở ra cách nhìn về tương lai”…

Cà phê vỉa hè – tác giả: Trịnh Xuân Hoành

Nhiều bức người xem thấy Trịnh Xuân Hoành nhớ Hà Nội của “riêng mình” đến quay quắt thắt lòng: “Múa rối nước”, “Café vỉa hè” rồi “Phố Hàng Mắm”, “Phố Hàng Thiếc”, “Tam quan Đình làng So”, “Phố Hàng Vải”… thảng thốt đâu đây như nghe tiếng rao của gánh hàng quà rong thuở nào. Bức “Tháp Rùa qua làn mưa cuối đông” đẹp đượm buồn tĩnh lặng đến nao lòng, mỏng manh mơ màng như bức tranh lụa. Người xem thở nhẹ vì sợ… làn mưa sẽ bay mất. Chân dung người mẹ nay đã là người thiên cổ nhưng trong anh vẫn cô gái Tràng An nền nã đoan trang thanh lịch ở tuổi 17 và với anh Hà Nội như người Mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn mình.

Số lượng ảnh không nhiều và cỡ vừa (có bức lại nhỏ) tông màu như hơi chìm, chứ không “lòe loẹt sắc màu”… đó là thủ pháp của người lịch lãm tao nhã đất Kinh kỳ, trên mỗi bức ảnh như thấy lớp sương bụi mỏng mờ của thời gian phủ lên đó. Nội dung cảm xúc của một bức ảnh là yếu tố quan trọng nhất chứ không phải là kỹ thuật nhiếp ảnh, cùng vốn Văn hóa Phương Đông và Văn hiến truyền thống mà anh tiếp nhận đã thấm sâu vào người đã thành máu thịt. Đây chính là cuốn tiểu thuyết viết bằng ánh sáng nhiếp ảnh, mỗi bức ảnh đều có “lời giới thiệu” lịch sử, cho nên xem sách ảnh của Trịnh Xuân Hoành trong không gian tĩnh lặng, một mình với cuốn sách mới cảm nhận được hết những gì anh muốn chia sẻ, gửi gắm.

Sông Hồng mùa cạn – tác giả: Trịnh Xuân Hoành

Là cuốn sách ảnh thứ tư Trịnh Xuân Hoành giới thiệu, những cuốn trước: Đất trời Quê Hương, Lượm cánh hoa mai (dày 70 trang và cuốn sách này đã được chọn để tham gia Triển lãm ảnh Quốc tế ở Đức, Pháp, Bỉ, Mỹ và được nhiều người đón nhận), Quê Hương. Anh hướng ống kính vào phong cảnh quê hương đất nước về những sinh hoạt bình dị của con người Việt Nam ghi lại những khoảnh khắc đắt giá, càng thấy anh yêu say đắm giang sơn gấm vóc như con chim ca yêu trời như con thú yêu rừng, nhưng với cuốn Hồn xưa trong phố nay Hà Nội lại thêm nỗi đau đáu, khắc khoải, thổn thức, hoài niệm… bởi anh là người có khát vọng dâng trả và có khả năng dâng trả lại Tổ quốc Việt Nam và Thăng Long – Hà Nội nơi đã sinh ra mình với lòng biết ơn thành kính bằng nghệ thuật Nhiếp ảnh.

Gấp cuốn sách lại bất giác bâng khuâng rưng rưng lòng như thấy người muôn năm cũ…  vẫn còn đây.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Back to top button