Lý luận phê bình

Có hay không thể loại ‘Ảnh liên hoàn’?

Mấy năm gần đây, lần nào dự lễ tốt nghiệp của sinh viên khoa Nhiếp ảnh, trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội tôi đều thấy không ít sinh viên ghi: Phần I: Ảnh liên hoàn; Phần II: Ảnh đơn; Phần II: Sản phẩm ứng dụng…

Ảnh đơn và sản phẩm ứng dụng thì tôi hiểu, còn ảnh liên hoàn thì tôi cứ băn khoăn. Theo từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học), “liên hoàn” được định nghĩa như sau: “Có các phần, các bộ phận riêng rẽ nhưng kế tiếp nhau, tạo thành các chuỗi thống nhất”. Quan sát “ảnh liên hoàn” của sinh viên khoa Nhiếp ảnh tôi thấy có các ảnh riêng rẽ (khoảng từ 20 – 25 ảnh) nhưng không kế tiếp nhau (về hình thức), tạo thành các chuỗi thống nhất. Tuy nhiên tôi thấy có sự kết hợp về nội dung, bật lên tư tưởng chủ đề, vì vậy tôi thấy đây là bộ ảnh, nhóm ảnh, phóng sự ảnh trong nhiếp ảnh chứ không phải là… ảnh liên hoàn.

Trước đây, ngay tại lễ bảo vệ tốt nghiệp của sinh viên nhiếp ảnh đã xảy ra một cuộc tranh luận về “ảnh liên hoàn” giữa một bên là một số nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh và một bên là nhà quay phim, đạo diễn… Các nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh, các nghệ sĩ nhiếp ảnh thì nói không có thể loại ảnh liên hoàn. Và kêu gọi một cuộc hội thảo về các thể loại nhiếp ảnh. Tuy nhiên, từ đó đến nay bao thế hệ sinh viên đã ra trường, mà chưa có hội thảo nào được diễn ra. Và bài học về ảnh liên hoàn vẫn được các nhà quay phim, đạo diễn (lực lượng giảng dạy nòng cốt của khoa Nhiếp ảnh) giảng dạy cho sinh viên nhiếp ảnh.

Tìm hiểu bài tập thực hành của sinh viên khoa Nhiếp ảnh tôi thấy có bài tập “liên hoàn nội”, “liên hoàn ngoại”. Xin giới thiệu bài tập “liên hoàn nội” của một sinh viên:

Xem xét bài tập trên, người xem thấy rõ có sự liên kết chặt chẽ về nội dung và hình thức. Tuy nhiên, rõ ràng đây là một “câu chuyện ảnh” chứ không phải là… ảnh liên hoàn. Cách làm bài tập như thế này thực chất là bài học… vỡ lòng của sinh viên quay phim, đạo diễn. Hay nói một cách khác đi, đây là bài tập thực hành, là “bản nháp” trước khi bắt tay vào thực hiện một bộ phim của sinh viên điện ảnh, truyền hình. Tiếc thay, nó lại được áp dụng để dạy cho sinh viên nhiếp ảnh. Điều đáng nói, “ảnh liên hoàn” lại là môn học quan trọng, sinh viên nhiếp ảnh được học vào năm thứ ba để chuẩn bị bắt tay vào làm bài tập lớn trước khi ra trường…

Tìm hiểu về nhiếp ảnh tôi được biết: Trong nhiếp ảnh có cách chụp liên hoàn với motordrive, tức một chuỗi ảnh liên tiếp với thiết bị kéo phim tự động (motordrive). Đối với máy ảnh kỹ thuật số thì có chế độ Continue (chụp liên tiếp, liên thanh). Với cách chụp này sẽ cho người chụp một chuỗi ảnh liên hoàn với những hình ảnh hiển thị từng giai đoạn của một hành động. Vì vậy cách chụp nhanh này, nhiều khi mang lại hiệu quả đáng kể hơn bức ảnh duy nhất. Tuy nhiên, motordrive, hay continue  là công cụ hỗ trợ chứ không phải là yếu tố quyết định cho việc chụp ảnh động. Yếu tố quan trọng nằm trong đầu nhà nhiếp ảnh. Đó là khả năng đoán trước diễn tiến của hành động và đúng thời điểm. Đối với một số nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, motordrive, continue giúp họ bắn tỉa một cách nhanh nhất và chỉ nã liên thanh khi cần thiết. Chụp liên hoàn với motordrive, continue giúp người cầm máy lựa chọn bức ảnh ưng ý nhất trong chuỗi ảnh liên tiếp. Như vậy “liên hoàn” là một ứng dụng, là cách chụp chứ không phải là một thể loại của nhiếp ảnh.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button