Tin tức chung

Chỉ thị của Ban Bí thư về Đại hội các hội Văn học Nghệ thuật và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam

 CHỈ THỊ

CỦA BAN BÍ THƯ

về Đại hội các hội Văn học Nghệ thuật

và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam

 

Các Hội Văn học Nghệ thuật và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội nhiệm kỳ trong hai năm 2014 và năm 2015. Đại hội lần này được tiến hành trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng; chính trị – xã hội ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện; độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; thế và lực của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa và 5 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về văn học, nghệ thuật, lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã có nhiều đổi mới và tiến bộ. Các tác phẩm, ấn phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng, tăng đáng kể về số lượng. Quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng, không khí dân chủ được mở rộng. Các Hội Văn học Nghệ thuật đã tập hợp, đoàn kết, tạo điều kiện, động viên văn nghệ sĩ không ngừng lao động sáng tạo, gắn bó với đời sống nhân dân góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động sáng tác, nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có chuyển biến tích cực. Đấu tranh chống các quan điểm, luận điệu sai trái được coi trọng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, kiến thức cho văn nghệ sĩ, hội viên, nhất là các tài năng trẻ, văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số được quan tâm…

Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ nước ta còn một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Đó là: còn ít những tác phẩm có giá trị cao về mặt tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh sinh động, sâu sắc hiện thực đất nước trong các thời kỳ lịch sử trước đây và thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Nhìn chung, công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn thụ động thiếu tính chiến đấu, định hướng. Quản lý lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, hiệu quả chưa cao. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ ở Liên hiệp hội và các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương còn nhiều bất cập, hạn chế. Một bộ phận văn nghệ sĩ chưa nêu cao trách nhiệm công dân, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp.

Với tinh thần “Đoàn kết, Đổi mới, Dân chủ, Nhân văn”, việc chuẩn bị và tổ chức Đại hội các Hội Văn học Nghệ thuật và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ mới cần làm tốt những công tác chủ yếu sau đây:

1- Đại hội phải thực sự là đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa và nghề nghiệp quan trọng, sâu rộng, nghiêm túc của đội ngũ cán bộ, hội viên và đông đảo anh chị em văn nghệ sĩ. Đại hội cần đánh giá đúng tình hình hoạt động của các Hội, Liên hiệp Hội trong nhiệm kỳ qua về hoạt động chuyên môn, về tổ chức Hội, việc thực hiện nghị quyết Đại hội, đúc rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, quản lý và hoạt động hội… Đại hội cần tập trung trí tuệ, trách nhiệm, xây dựng phương hướng, nhiệm vụ giải pháp để Liên hiệp Hội và các Hội Văn học Nghệ thuật phát triển vững mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu lý luận, phê bình, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật; góp phần xây dựng và thực hiện chính sách, chế độ, tạo điều kiện chăm lo đời sống vật chất, đời sống tinh thần cho văn nghệ sĩ sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị cao cả về nghệ thuật và tư tưởng. Khắc phục hạn chế, yếu kém trong việc phát triển hội viên; ngăn chặn, đẩy lùi các tiêu cực, lệch lạc sai trái trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.

Đại hội cần kiểm điểm sâu việc thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; hưởng ứng Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng cao phản ánh các cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giai đoạn 1930 – 1975.

2- Đảng đoàn và Ban Chấp hành Liên hiệp Hội và các Hội cần phát huy trí tuệ, trách nhiệm của đông đảo cán bộ, hội viên, xây dựng, hoàn thiện các Văn kiện trình Đại hội gồm: Báo cáo của Ban Chấp hành đánh giá tình hình hoạt động của Liên hiệp Hội và các Hội nhiệm kỳ qua, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ mới; Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ; Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành nhiệm kỳ qua.

Cần quan tâm làm tốt công tác nhân sự Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra khóa mới theo hướng dân chủ, coi trọng tiêu chuẩn, kết hợp với cơ cấu hợp lý các vùng, miền, lứa tuổi, giới tính, dân tộc… Ban Chấp hành các Hội Văn học Nghệ thuật nhiệm kỳ mới cần chú trọng đảm bảo chất lượng chính trị, chuyên môn, có uy tín trong hội viên và có số lượng hợp lý, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong những năm tới.

Đại hội của các Hội Văn học Nghệ thuật cần bầu đủ số lượng Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra, bảo đảm chất lượng, có khả năng đoàn kết, tập hợp văn nghệ sĩ, đưa hoạt động các hội viên và Liên hiệp Hội có bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc trong những năm tới.

Đại hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương nhiệm kỳ này được tiến hành theo hai cấp: Đại hội cơ sở và Đại hội toàn quốc. Đại hội cơ sở là Đại hội toàn thể, Đại hội toàn quốc là đại hội đại biểu tổ chức tại Hà Nội.

3- Thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương để chỉ đạo Đại hội các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và Liên hiệp các Hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam. Đảng đoàn Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam, Đảng đoàn Hội Nhà văn và Ban Chấp hành các Hội Văn học Nghệ thuật cần chủ động phối hợp với các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và địa phương chỉ đạo chặt chẽ công tác chuẩn bị, việc triệu tập đại biểu, nội dung, chương trình Đại hội và phương án nhân sự lãnh đạo các Hội. Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Đại hội, khi có những vấn đề quan trọng nảy sinh, Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Chấp hành các Hội Văn học Nghệ thuật xin ý kiến Ban Chỉ đạo Trung ương; nếu cần thiết, xin ý kiến Ban Bí thư.

4- Các Tỉnh ủy, Thành ủy, các Ban đảng, Ban Cán sự đảng trực thuộc Trung ương có liên quan phối hợp chỉ đạo các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương, các Chi hội chuyên ngành Trung ương hoạt động tại địa phương bầu đại biểu dự Đại hội; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc của các Hội Văn học Nghệ thuật và Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

5- Về kinh phí Đại hội, các Hội Văn học Nghệ thuật và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và các tỉnh, thành phố lập dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; đảm bảo thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.

6- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện Chỉ thị.

T/M BAN BÍ THƯ

Lê Hồng Anh

(đã ký)

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button