Lý luận phê bình

Ảnh báo chí và ảnh sáng tác khi nào hai trong một?

Theo hình vẽ, ảnh Báo chí (A) và ảnh Sáng tác (B) là hai thể loại rất gần nhau trong mặt bằng hoạt động nhiếp ảnh. C là vùng chồng lấn bao gồm những ảnh phẩm “hai trong một” vừa dùng cho phía bên A hoặc phía bên B.

 

Chúng ta nghiên cứu từng phần một. Trước hết, phân biệt tính đặc thù từng thể loại.

A- Ảnh Báo chí mục đích thông tin/tin tức (News), đưa lên hàng đầu mạng thông tin đại chúng.

Tin tức ở đâu ra? Từ:

a. Sự kiện thời sự,

b. Những việc, nơi chốn (mọi người) chưa được biết đến

c. Những việc, những nơi chốn đã cũ nhưng nay đổi mới hoặc được hiểu biết mới.

Ảnh báo chí được chụp trực diện – chân thật – không có yếu tố sáng tác (tuy nhiên vẫn được công nhận có sáng tạo).

Ảnh báo chí đi kèm một đoạn chữ viết gọi là chú thích mang lượng thông tin (Ở đâu? Bao giờ? Ai? Làm gì? Kết quả?).

Ảnh báo chí cần nhanh chóng xuất bản sớm trên báo chí/mạng thông tin.

Thời chiến, phóng viên TTXVN có phương châm “Đến những nơi tiên tiến, sống và chụp những người tiên tiến”. Và “Muốn có phóng sự hay, anh hãy rỏ vào đấy vài giọt máu của chính mình”. PV thông tấn – báo chí nói chung đã tâm niệm và hành động như thế.

Ở Việt Nam, thời 30 năm kháng chiến chống hai đế quốc vừa ít báo ngày vừa nghèo kỹ thuật in ảnh nên không đăng tải được bao nhiêu ảnh đã chụp được (riêng VNTTX có quy chế mỗi ngày phát lên sóng giao lưu với các hãng thông tấn anh em 2 ảnh thời sự). Bù lại VNTTX và một số đơn vị triển lãm/quốc doanh nhiếp ảnh tỉnh thành định kỳ biên tập, xuất bản các bộ ảnh triển lãm giàu tính thời sự/thời đại, trình bày để quảng đại nhân dân xem.

Chúng ta xem lại một số ảnh phẩm báo chí thời chiến.

Ngày 17/10/1967, quân dân Hà Bắc bắn rơi 5 máy bay Mỹ.  Tiểu đoàn pháo phòng không X. hiên ngang trong tư thế tiến công (sau khi đăng báo, ảnh phẩm này được dùng nhiều lần với tên ảnh 7 chữ này). Ảnh: Vũ Tạo
 

Tháng 3/1972, bộ đội Việt – Lào tiêu diệt cứ điểm Pu Tha Leng trên Đường 9. Lính Thái Lan trong liên quân Thái – Mỹ đầu hàng – Ảnh: Lương Nghĩa Dũng (liệt sĩ)

Trong 30 năm Chiến tranh Việt Nam (1945 – 1975) có 574 phóng viên Việt Nam cùng 154 phóng viên quốc tế chụp chiến trường được ghi danh; trong số đó có 132 liệt sĩ – tử sĩ nhiếp ảnh(*). Thử hỏi: Nếu không có họ sẵn sàng đánh đổi sinh mệnh của mình để chụp được những ảnh chiến trận (nói chung là sự kiến lớn, mang tính lịch sử), thì giới nhiếp ảnh Việt Nam hôm nay sẽ hổ thẹn như thế nào trước vận mệnh dân tộc ???

Đặc biệt: Ảnh báo chí một khi việc thời sự đã qua đi (hoặc đã được đăng báo) thì có một giá trị khác rất đáng quan tâm: lưu giữ lại ký ức hào hùng của dân tộc, làm nên bộ-sử-thi- nhìn-thấy-được cho đời sau. Làm nên giá trị đỉnh cao của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam. Người viết hôm nay phủ nhận giá trị này là vô ơn đối với tiền nhân.

B- Ảnh sáng tác: Là một thú chơi của người làm nghệ thuật. Chiếc máy ảnh bắt buộc nhà nhiếp ảnh phải đối diện với hiện thực. “Sáng tác” là làm đẹp, tạo nên cảm xúc từ hiện thực ấy. Nhà nhiếp ảnh có 4 cách sáng tác từ hiện thực:

1. Chụp chân thực nguyên hình.

2. Cũng là chụp chân thực nhưng chọn tình tiết và tạo hình biểu hiện sự xúc động của mình.

3. Làm “lạ hóa” cảnh vật bằng góc độ, bằng thủ pháp ống kính hoặc bằng kỹ xảo lúc bấm máy.

4. Can thiệp, làm thay đổi hiệu quả ảnh thực bằng kỹ xảo buồng tối hoặc bằng photoshop.

Đối tượng ảnh sáng tác: đời sống thường nhật (đề tài sinh hoạt), chân dung, tĩnh vật, phong cảnh. Đi chụp ảnh ảnh sinh hoạt là phong phú, đa dạng và đam mê nhất; đồng thời sử dụng nhiều kỹ năng chụp ảnh khác nhau.

Ảnh sáng tác là giai đoạn đi chụp và ảnh phẩm còn nằm trong túi nhà nhiếp ảnh (một khi được tuyển chọn đem sử dụng/triển lãm và nếu được thẩm định, thì mới được gọi là ảnh nghệ thuật).

Ai là nhà nhiếp ảnh ảnh sáng tác? Là người chụp ảnh chuyên nghiệp (phóng viên, nghệ sĩ), người nghiệp dư/tài tử và nói chung, tất cả những người có sử dụng máy ảnh. Điều khác biệt giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư ở nước ta hiện nay là thái độ trách nhiệm, là tư duy nghệ thuật vị nhân sinh. Số còn lại đa phần là chụp chơi, lưu niệm.

Một số ảnh sáng tác:

Được mùa, Thái Bình, 1960. Thái Bình, tỉnh đầu tiên đạt sản lượng lúa 5 tấn/Ha. Hình tượng người nữ nông mới làm chủ ruộng đồng, khỏe mạnh, tươi tắn; từ bấy đến nay, chưa tác giả nào vượt qua. Giải A Hội NSNAVN – Ảnh: Đức Như (PV VNTTX)
 

Ngày sản xuất, đêm học tập. HCV Hungarie, 1968. – Ảnh: Đức Vân (tài tử/nghệ sĩ)

 

Thay trời làm mưa, Hưng Yên, 1962 – Ảnh: Văn Bảo (PV VNTTX)

Chủ quyền, 2011 – Chính Nhân (nghiệp dư)

Trò chơi “Bắc kim thang”, 2012 – Trần Thị Huỳnh Mai (dân tộc Khơme, mới học chụp ảnh)

Xóm dân cư bị sóng biển tấn công, tháng 12/2013. Xóm Tây Hải (Nha Trang-Khánh Hòa) 71 hộ dân vốn cách xa sóng biển 20M, nay thì biển đã tấn công uy hiếp. Vài chục năm sau, chắc ảnh phẩm này trở thành “cổ tích” về sự biến đổi khí hậu toàn cầu – Tiến Thành (Nhà báo)

C- Ảnh “hai trong một” trong vùng chồng lấn.

Phần lớn số ảnh chụp sinh hoạt – đời thường của PV thông tấn – báo chí (trên nguyên tắc chụp chân thực tại chỗ) có yếu tố sáng tác: hoặc cường điệu nhằm nhấn mạnh một chi tiết trung tâm, hoặc có thể dàn dựng chút ít để hình tượng “cô đặc”. Khi đăng báo, vẫn có đủ lượng thông tin. Vì đề tài, nội dung được tuyển chọn từ “hiện thực xã hội” lại được tạo hình cho đẹp lên, nên những ảnh phẩm này thường có chỗ đứng cao khi cần bình giá để công nhận là tác phẩm nghệ thuật.

Phần lớn số ảnh chụp sinh hoạt – đời thường của tài tử/nghệ sĩ vốn có kỹ xảo tạo hình sinh động, đẹp lại được tuyển chọn đề tài có yếu tố mới mang tính thời sự thì… khi in lên báo sẽ hấp dẫn bạn đọc, được bình chọn là tác phẩm ảnh báo chí. Khi đi chụp như thế, tài tử/nghệ sĩ đã tự mình rèn luyện tinh thần trách nhiệm xã hội trong vai trò công dân làm nghệ thuật. Trong một xã hội phát huy quyền làm chủ của công dân thì đây là điều được khuyến khích.

Ảnh báo chí Việt Nam được phát triển mạnh mẽ trong thời kháng chiến trước đây vì tinh thần cả nước “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”, nhờ tôn vinh chất tài liệu của một thời oanh liệt nhất. Sau khi kết thúc chiến tranh, đất nước vào thời kỳ hòa bình xây dựng. Dường như, giới nhiếp ảnh nước nhà chựng bước trước cuộc sống mới, ảnh báo chí không kịp chuyển hướng. Người ta viết công khai: “Ảnh báo chí bị coi thường, phóng viên ảnh rẻ rúng thành phóng viên bậc hai của các tòa soạn”. Luận điệu này ăn sâu vào tư duy một số cây viết lý luận, lâu nay dè bỉu ảnh phẩm chụp “hiện thực xã hội” là… “ảnh báo chí” ?!.

Chúng tôi kịp viết bài trên tạp chí chuyên ngành và tuần báo Văn Nghệ “Thời ảnh sáng tác lên ngôi”. Hãy đưa nghệ thuật ảnh đang thịnh hành – trời trăng mây nước, núi non sông biển – làm nổi lên giá trị tài liệu: con người đang làm chủ nhận thức và cải tạo môi trường nhằm nâng cao đời sống xã hội. Dẫu là phóng viên hoặc nghệ sĩ/tài tử cũng cần có tinh thần chính luận thời đại vì “Nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Và hiển nhiên, “hiện thực xã hội” ngày nay có quá nhiều nội dung chờ chụp.

Hi vọng, vùng chồng lấn “ảnh hai trong một” sẽ ngày càng mở rộng chất lượng tài liệu và chất lượng nghệ thuật.

(*) Tư liệu: Nguyễn Đức Chính

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button