Lý luận phê bình

Ảnh báo chí – nhìn lại để tiến bước

Đổi mới đất nước đã có những bước chuyển mình vĩ đại, có thể ví như những kỳ tích. Nhưng thực trạng ảnh báo chí lại không xứng tầm thời đại. Trên diễn đàn thế giới, ảnh báo chí của chúng ta lại càng mờ nhạt. Có thể thấy được rẳng nhiếp ảnh của chúng ta tuột dốc so với những năm tháng đất nước còn chiến tranh. Chúng ta thiếu đi những bức ảnh có tính độc lập, có tính thuyết phục và truyền cảm cao trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Với cái nhìn khách quan chúng ta tìm hiểu nguyên nhân để có cách khắc phục.

Tôi xin trình bày 2 nội dung:

I.Thứ nhất xin nói về ảnh phóng sự

Nói đến ảnh báo chí là nói đến sự kiện. Sự kiện là máu thịt, là sức sống của ảnh báo chím, mà tiêu chí hàng đầu của nó là tính chân thật. Thành thực mà nói, hầu hết phóng viên nhiếp ảnh của ta vẫn chụp và chụp thật, thế nhưng cái đích của ảnh báo chí mà chúng ta mong muốn vẫn chưa sờ thấy được. Vì vậy một vấn đề đặt ra là tính chân thật được hiểu như thế nào dưới cái nhìn báo chí. Có người hiểu chân thật một cách máy móc, cứng nhắc theo chủ nghĩa tự nhiên. Có người hiểu chân thật phải được đào bới gọt dũa để cho linh hồn chân thật được tôn vinh. Có người hiểu chân thật mà không phân biệt được giữa hiện tượng và bản chất. Do vậy mà nhiều tấm ảnh của chúng ta trên báo chí mang tính minh họa, tự nhiên chủ nghĩa hoặc trau chuốt đến nỗi chụp thật mà nhìn như giả.

Hiểu một cách đơn giản về ảnh báo chí nên nhiều phóng viên đến hiện trường chỉ chờ sự kiện diễn ra rồi bấm máy coi là đã hoàn thành nhiệm vụ. Tôi không phải là người lãnh đạo để phán xét điều này. Nhưng ảnh nó có tiếng nói riêng của nó và bản thân nó đã tự thú nhận. Cũng vì vậy mà những bức ảnh trên báo của ta phần nhiều chỉ có tính minh họa (đôi lúc còn minh họa sai cho ý tưởng của bài viết), minh chứng cho sự kiện diễn ra nhưng diễn ra như thế nào, hiệu quả tâm lý đối với độc giả hầu như không được quan tâm. Do vậy mà “vô hình chung” người ta đã biến bức ảnh trở nên chỉ có ý nghĩa minh họa cho bài chứ không thể đứng độc lập hoặc tạo ra những ấn tượng mạnh mẽ.

Đối tượng của nhiếp ảnh là cuộc sô ngs con người, những gì mà phóng viên ghi nhận và phản ánh là những cái tác động sâu sắc đến tâm hồn, tình cảm con người, những cái mang tính thẩm mỹ. Nhưng nhiếp ảnh báo chí của ta hiện nay lại ít quan tâm đến vấn đề thẩm mỹ. Trong cái quan hệ giữa người và hiện thực, cái đẹp bao giờ cũng là đối tượng để phản ánh. Có nhiều người lạm dụng tính ghi chép hiện thực của máy ảnh coi đó là hiện thực. Không phải vậy – hiện thực, đối tượng của nhiếp ảnh không phải là sự chống chất của những hiện tượng ngẫu nhiên, hỗn độn, mà hiện thực phải nêu lên, phản ánh được bản chất, những nét tiêu biểu nhất trong cuộc sống đang diễn ra trước ống kính của mình. Hiện thực không phải trần trụi, ngưng động và khô cứng. Người ta phải tìm trong hiện thực sự vận động với những chuyển biến lớn lao của nó. Heghen đã nói “Hiện thực cao hơn tồn tại”. Theo đó tồn tại mới chỉ là bề ngoài trong của sự việc.

Nói đến ảnh phóng sự chúng ta cần phân tích để hiểu thật đúng khái niệm này. Thường khi xem ảnh nhiều người hay nhận xét ảnh này có tính phóng sự, ảnh kia chất phóng sự yếu… Nói như vậy đồng nghĩa với việc nhận xét rằng bức ảnh này chụp thật, còn bức ảnh kia bày vẽ chụp không thật, hoặc cách chụp không diễn tả sự thật. Nhưng tính phóng sự chỉ là một phần, một tiêu chí của ảnh báo chí mà thôi. Nó chỉ có nghĩa là người chụp không thêm thắt hư cấu, nhưng những bức ảnh như vậy không mang một ý nghĩa gì, mà chỉ có tính so chép thực tế mà thôi. Chúng ta thừa hiểu rằng không phải tất cả những gì diễn ra trước ống kính phóng viên cũng đều có tính báo chí cả. Còn trên mặt báo, ảnh (pressphoto) trước hết là những bức ảnh phải có tính thông tin. Mà đã mang tính thông tin thì nó phải mang trong mình sự kiện mới… Như vậy đương nhiên ảnh báo chí là những bức ảnh phải có tính phóng sự rồi, chứ không thể nói trên báo ảnh này là ảnh phóng sự, ảnh kia là ảnh không phóng sự (trừ những chuyên mục như giải trí và quảng cáo)! Không ít phóng viên, biên tập viên báo chí nhầm lẫn khái niệm này. Vì vậy mà việc dùng ảnh trên báo có phần cầu thả, coi nhẹ hoặc quan tâm chưa đúng mức. Còn phóng sự ảnh lại là một thể loại khác của ảnh báo chí tôi tin trình bày sau.

Tuy ra đời muộn, nhưng nhiếp ảnh đã tạo cho mình một chỗ đứng hết sức vững chắc. Từ thưở ban đầu, nhiếp ảnh chỉ có tính sao chép hiện thực về cuộc sống con người, sự vật và các hiện tượng xung quanh. Nhưng dường như chính cái tính chất đó, chính cái lý do đó đã mang lại cho nhiếp ảnh một sức mạnh để chiếm giữ lòng tin. Sự vội vàng bởi sức nóng của thông tin, cộng với sự cẩu thả của người cầm máy và sự dễ dãi trong khâu biên tập ảnh ở một số tờ báo đã làm cho chất lượng ảnh báo chí giảm đi sức mạnh. Đành rằng thời gian là một vấn đề trong thông tin, nhưng nếu thông tin đó thiếu đi sự rung cảm và một phương pháp thể hiện ấn tượng thì sức nóng sẽ nguội dần làm cho sức mạnh của thông tin giảm đi đáng kể. Vấn đề này nói lên một điều là những tay máy của chúng ta tính chuyên nghiệp còn rất thấp.

Đã đến lúc chúng ta pahir đề cao tính chuyên nghiệp của ảnh báo chí. Nói đến tính chuyên nghiệp đương nhiên phải đòi hỏi một đội ngũ những người cầm máy được đào tạo cơ bản. Từ trước tới nay phần đông phóng viên nhiếp ảnh chỉ là những người không chuyên, đào tạo sơ sài, hành nghề tay trái. Biên tập viên nhiếp ảnh lại càng thiếu cả về số lượng, cả về chuyên môn, nhiều tờ báo còn không có biên tập viên ảnh. Như vậy chất lượng ảnh báo chí của chúng ta chưa cao là dễ hiểu. Nói về vấn đề này cũng có người so sánh rằng: Lớp người cầm máy trước kia đã thành công, thực tế đã thành công nhưng họ cũng có được đào tạo nhiều đâu?

Vâng, lớp người cầm máy đi trước đã thành công. Sự thành công của những lớp người đi trước bởi họ đã dùng nhiếp ảnh làm vũ khí chiến đấu, những bức ảnh báo chí, ảnh phóng sự… ra đời từ sự cọ sát quyết liệt này. Chỉ với những phương tiện thô sơ, lượng phim không lớn, nhưng họ đã để lại cho chúng ta những tác phẩm vĩ đại, có giá trị bền vững như: “Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê” của Vũ Năng An, “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ” của Triệu Đại. Còn Nguyễn Đình Ưu với chùm ảnh “Quân Pháp rút khỏi Hà Nội”, Trần Phượng với “Gậy tầm vông”, và “Xung kích” của Nguyễn Tiến Lợi… Có thể nói họ từ bỏ vật chất dấn thân vào nhiếp ảnh để trở thành một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Ảnh của họ đã ngợi ca vẻ đẹp cuộc sống, vẻ đẹp của con người Việt Nam trên mọi mặt trận với những nét đặc thù dân tộc. Họ đã thành công bởi tình yêu đất nước cháy bỏng trong mình, họ đã thành công hởi họ hòa mình vào cuộc sống chiến đấu của cả dân tộc, họ ghi lại hình ảnh cuộc chiến không chỉ là người chứng kiến mà còn như một người trong cuộc.

Mặt khác, bản chất cuộc sống thời đó thể hiện rõ nét, ít phải bới tìm, cái thời mà người ta nói “ra ngõ là gặp ảnh hùng”. Sự đối mặt làm ai cũng lộ diện trước cuộc chiến khiến cho những nhà nhiếp ảnh cũng dễ dàng thể hiện hơn. Ngày nay trong bước đường hội nhập và phát triển, cuộc sống đa dạng và phức tạp hơn. Nhiều khi “địch” ở trong ta, bản chất và hiện tượng rất khó phân biệt. Những điển hình của cuộc sống không phải lúc nào cũng lộ diện, đi tìm bản chất của mỗi vấn đề, mỗi hành động đều không đơn giản. Vì vậy mà đòi hỏi những người cầm máy phải có trình độ hiểu biết nhiều hơn, lập trường quan điểm sâu sắc hơn và phải có nghiệp vụ chuyên môn cao hơn, thủ pháp nghề nghiệp tinh xảo hơn. Nếu không khó có thể đáp ứng được nhu càu của cuộc sống mới. Thế nhưng đội ngũ những người cầm máy hiện nay, một số phóng viên trẻ ít ỏi được đào tạo thì thiếu sự am hiểu những vấn đề xã hội, số khác có trình độ xã hội thì thiếu sự tinh xảo của nghề nghiệp để diễn tả cuộc sống bằng ngôn ngữ hình ảnh. Một số ảnh chấp nhận được thì bước vào lối mòn và lập lại những ý tưởng cũ. Do vậy mà ảnh phóng sự của chúng ta:

-Nhiều ảnh còn chung chung, chỉ ghi hình sự kiện là chính.

-Ảnh thiếu sức sống, vì thế mà tính tư tưởng nhạt nhòa, thiếu sức lôi cuốn và lan tỏa.

-Nhiều bức ảnh nói một đằng, nội dung thể hiện một nẻo…

-Số lượng ảnh dùng phần mềm photoshop ghép ảnh không nhiều nhưng lác đác vẫn còn (nhất là trên các tạp chí), làm xói mòn lòng tin vào độ chân thật của ảnh báo chí.

Đội ngũ những người cầm máy ảnh Việt Nam đã có nhiều đổi thay lớn lao. Nhìn lại dòng ảnh Việt Nam của chúng ta lại dường như tĩnh lặng hơn so với cái vẻ ồn ào của cái số đông đó. Đúng như những nhà nhiếp ảnh nước ngoài nhận xét: “Nhiếp ảnh Việt Nam ồn ào mà kiệm lời”. Nhiếp ảnh của chúng ta không có nhiều những bức ảnh có chiều sâu của nội dung và sự sáng tạo của hình ảnh. Không có những Văn Bảo với những nét lãng mạn trong ảnh chiến tranh như hình ảnh phi công Mỹ trên xe bò, như cô gái Ngọc Hà kéo xác máy bay. Chỉ là nét lãng mạn, nhưng là nét lãng mạn nói lên cá tính, sự tự tin, tính quật cường của một dân tộc. Một dân tộc có lòng tự tin như vậy cuối cùng thế nào họ cũng chiến thắng, chúng ta ít thấy những Vũ Ba với những bức ảnh như những lưỡi dao cứa vào lòng bạn đọc bởi phản ánh sự hủy diệt, chết chóc, sự tàn khốc của chiến tranh. Những hình ảnh đó nó hiện hữu trên ánh mắt căm hờn của người lớn và sự sợ hãi của trẻ nhỏ, như “Phúc Tân kêu gọi trả thù”. Và “Điểm sang làng hầm” lại là một nét lặng trong chiến trang. Khoảng sáng dường như hiện hữu cho khát vọng hòa bình của những người cầm súng. Không có nhiều những Lâm Hồng Long với cái nhìn tích tụ 30 năm để có hình ảnh “Mẹ con ngày gặp mặt”…

-Ảnh của chúng ta còn quá dễ dãi và thiếu chuyên nghiệp. Nhìn nhận trên thực tế ảnh của chúng ta thiếu tiêu điểm. Trong khi đó tiêu điểm lại là cái tạo ra sức hút, là cái trụ của mỗi bức ảnh. Nhiều tay máy của chúng ta đi chụp về, làm ra ảnh, nhìn mà không biết cái đích của ảnh là gì, chỉ thấy ống kính hướng ra với một cái nhìn vu vơ bế tắc. Làm thế nào để dễ dàng nhận ra tiêu điểm của mỗi diễn biến trong từng sự kiện là vấn đề cần được đào tạo bài bản. Tôi lấy một ví dụ khi một cảnh tắc đường, nói lên vấn đề giao thông ở các đô thị lớn của Việt nam là một vấn đề nan giải. Một phóng viên nước ngoài đã chọn ngã tư Cửa Nam để chụp. Tiêu điểm của bức ảnh là anh công an đứng trên bực, tay cầm gậy chỉ đường buông xuôi, bất lực trước dòng xe cộ đi lại lộn xộn chen chúc không thể nào lấy lại trật tự được. Bức ảnh không những hấp dẫn mà còn toát lên toàn bộ ý tưởng của người thể hiện. Trong nghề nghiệp người ta gọi đó là thủ pháp “tìm cái trật tự trong cái mất trật tự” làm tiêu điểm là vậy.

-Từ duy giản đơn trong nhiếp ảnh và phương pháp tiếp cận đơn tuyến làm cho những bức ảnh tẻ nhạt, khó đứng độc lập. Năm 1939, một phóng viên người Pháp đã chụp được một bức ảnh ba người lính Phát xít Đức trên bãi tập. Đó là ba người lính trẻ hiền lành, khỏe mạnh, mặc trang phục mới, được trang bị đầy đủ. Ảnh chụp trong lúc giải lao đứng hút thuốc, súng chống vào thắt lưng da to bản phía sau lưng ở thế kiềng ba chân. Những băng đạn vắt ngang vai vàng chóe. Bức ảnh đẹp trong một khung cảnh thanh bình. Thế nhưng dưới bức ảnh chỉ một dòng chú thích đã lột tả tất cả “Chủ nghĩa Phát xít”. Đó là thứ chủ nghĩa chỉ dựa vào bạo lực. Nếu nó đi những cây súng sau lưng những người lính kia thì họ sẽ đổ ngay, càng to khỏe bao nhiêu càng đổ nhanh bấy nhiêu. Có thể nói một bức ảnh đã lột tả cả bản chất của một thứ chủ nghĩa.

-Ảnh của chúng ta còn thiếu sức căng. Điều này làm cho ảnh gây được ấn tượng, sức lan tỏa yếu. Tôi xin lấy một ví dụ nữa là bức ảnh “Thằng bé và con chim kền kền” của Kevin Carter chụp về nạn đói ở Sudan. Chỉ có thằng bé sắp chết đói đang nằm phủ phục ở phía trước và ocn chim kền kền, là loài chim ăn xác thối, đang đứng chờ ở phía sau. Bức ảnh đã làm cả thế giới phải bàng hoàng trước nỗi đau này. Ấn tượng và sức căng của nó đã vượt qua mọi giới tuyến.

Tôi lấy ba ví dụ này để nói rẳng ảnh báo chí của chúng ta trong thời gian gần đây ít được rèn dũa, phương pháp tiếp cận vấn đề giản đơn, thiếu sức căng cà tiêu điểm trong từng bức ảnh. Chúng ta cần phải chú tâm bồi dưỡng, đào tạo chuyên ngành trong lĩnh vực này.

II.Về phóng sự ảnh

Trước hết phóng sự ảnh là trình bày nhưng sự kiện với những người chứng kiến trong cuộc sống, bối cảnh diễn biến và các mối quan hệ của nó. Người xem như được chứng kiến sự kiện. Phóng sự ảnh là bức tranh thực tế miêu tả hiện tượng, quá trình, kết quả, những con người hành động và phản ứng của họ trong hiện tượng, quá trình đó. Tính tự nhiên và chân thực là linh hồn của ảnh trong phóng sự ảnh phải tạo được niềm tin và tình cảm của độc giả đối với vấn đề của sự kiện nảy sinh.

Vì vậy mà vai trò con người trong phóng sự ảnh rất quan trọng. Con người trong ảnh không phải là hình ảnh mang tính hướng dẫn ghép lại đơn giản những nét của nhiều người mà ta cho là điển hình trong những tính cách đơn giản. Ta phải đưa ra con người trong sự giằng xé, nhằm làm rõ rệt cái mới trong suy nghĩ và thái độ của mình. Thể hiện sự phát triển của con người phải có sự phong phú về quan hệ như: Cá nhân và xã hội, gia đình và tập thể, hiện tượng và bản chất, nguyên nhân và kết quả… Mối quan hệ tương hỗ giữa nhân vật và xã hội là mối quan hệ có tác động qua lại. Nó khắc họa tính cách cá nhân qua những mối quan hệ đó trong sự kiện để hướng dẫn dư luận và bản chất của vấn đề diễn ra. Phóng sự ảnh là miêu tả quan hệ biện chứng giữa quá khứ, hiện tại nối tương lai, làm cho người xem như trực tiếp được sống trong sự vận động của nó. Muốn có một phóng sự về quan hệ xã hội phóng viên phải nắm vững những vấn đề và mẫu thuẫn tác động vào con người trong xã hội và cách giải quyết chúng. Đó là những vấn đề phải được giải quyết trong phóng sự.

Từ những yếu tố cơ bản nhất của phóng sự, chúng ta nhìn nhận lại những phóng sự ảnh của chúng ta hiện nay thì thấy rõ ràng rằng:

1.Phóng sự ảnh của chúng ta hầu như chỉ là những nhóm ảnh đơn giản, nhiều khi nó lại được biên tập như xeri ảnh mà không có sự am hiểu tính chất khác nhau của những thể loại này.

2.Phần nhiều phóng sự lại lầm lẫn với tường thuật sự kiện. Bởi lẽ trong phóng sự ảnh có những yếu tố của tường thuật, nhưng vai trò của con người trong sự kiện quan trọng hơn diễn biến của sự kiện như ở tường thuật.

3.Vai trò của con người và mối quan hệ biện chứng giữa con người và sự kiện không được chú ý đúng mức, vì vậy mà phóng sự ảnh của chúng ta không có tính thuyết phục và gây ấn tượng cao. Thí dụ phóng sự về một xí nghiệp thì chủ yếu là qui trình sản xuất của xí nghiệp đó mà thôi; phóng sự về một vụ thu hoạch thì chỉ thể hiện cái không khí của vụ thu hoạch đó mà ít chú ý tới vai trò của con người trong sự thành bại của một vụ lúa ở nông thôn… Tôi đưa ra một so sánh để thấy giá trị và vai trò của con người trong phóng sự ảnh như: Phóng sự ảnh “Tình yêu trong cảnh nghèo khổ” của Justin Maxon người Mỹ, đã được giải nhất trong cuộc thi ảnh báo chí quốc tế 2007. Đó là phóng sự ảnh cuộc sống, tình yêu của hai mẹ con chị Mùi và bé Phả ở khu vực quanh cầu Long Biên mà rất nhiều phóng viên đã biết về họ.

4.Tính chủ quan trong phóng sự của chúng ta còn rất hạn chế. Bởi lẽ bằng cách nhìn thông qua tác phẩm của mình đã thể hiện quan điểm của mình trong đó. Quan điểm của mình thông qua sự đánh giá trong tác phẩm sẽ góp phần không nhỏ giúp người xem suy nghĩ về mối quan hệ bên trong của sự kiện với những con người được miêu tả thông qua kết quả lao động của nó. Nhân tố chủ quan cũng cần thiết cho phóng sự, bởi lẽ người phóng viên thường nấp sau sự kiện, nhưng lại xuất hiện như một người chứng kiến, đánh giá sự kiện trên quan điểm của mình thông qua sự đánh giá và giải thích trong tác phẩm. Trên phóng sự người xem không chỉ tiếp xúc với phần thực tế khách quan do phóng sự miêu tả, mà còn tiếp xúc với quan điểm cá nhân của phóng viên. Điều này cũng thể hiện tính chính kiến của phóng viên ảnh còn yếu, tức là quan điểm chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp yếu, không dám chịu trách nhiệm với cai nhòn của cách thể hiện của riêng mình. Điều này làm cho các phóng sự của chúng ta về những chủ đề giống nhau, na ná như nhau nên nhàm chán và đơn điệu.

5.Ngoài ra một bố cục thích hợp nâng cao rất nhiều sức biểu cảm của bức ảnh. Người ta thường gọi bố cục là sự sắp xếp các yếu tố hình học riêng lẻ thành một bức ảnh, một nhóm ảnh theo một trật tự nhất định, nhằm giúp cho người đọc nhận thức được ngay nội dung của tác phẩm, đồng thời nâng cao sức tác động của toàn bộ tác phẩm đối với cảm xúc của người xem. Sự sắp xếp các bức ảnh dựa trên sự tổng hợp giữa bố cục đường nét và bố cục của ánh sáng. Đồng thời vai trò của những mảng khối trong ảnh là khônh thể bỏ qua. Bố cục của phóng sự ảnh giúp cho người ta hiểu rõ ý đồ của tác giả cũng như những vấn đề mấu chốt của sự kiện mà người phóng viên muốn đề cập tới. Điều này nói lên nhận thức của phóng viên về lĩnh vực này chưa đầy đủ, cũng như trình độ của biên tập viên ảnh chưa có chuyên môn để đáp ứng đòi hỏi của nó.

Cả nước chúng ta hiện nay có trên 800 ấn phẩm báo chí. Cuộc cạnh tranh phát triển là tất yếu, là lành mạng nhưng khá quyết liệt. Cuộc cạnh tranh có tính sống còn của một ấn phẩm đã tạo nên những chuyển động mạnh mẽ trong công nghệ thông tin. Vì vậy ảnh báo chí với sức mạnh của tính chân thật thông qua các phương tiện truyền tải cũng được nhận thức thích hợp. Nhất là trong thời đại lượng thông tin nhiều, thời gian ít làm vai trò cũng như giá trị của ảnh báo chí nổi trội hơn. Tuy nhiên, dường như sự phát triển công nghệ cao làm cho con người lười biếng hơn, nhiếp ảnh không ngoại lệ. Xu hướng ảnh dàn dựng, nặng về tạo hình ánh sáng, chạy theo hình thức thể hiện đang ra tăng. Ảnh mang tính khoảnh khắc, chân thực, có chiều sâu tư duy và cảm xúc ngày càng vắng bóng. Công nghệ ngày càng phát triển, khi tay nghề xử lý máy tính nâng cao thì sự dễ dãi trong nhiếp ảnh cũng gia tăng theo. Sự cẩn trọng, nhanh nhạy trong từng cú bấm máy ít được coi trọng.

Suốt một thời kỳ dài với vài thay đổi trong công nghệ nhiếp ảnh, đến hơn một thập niên gần đây là một giai đoạn tiến triển nhanh của kỹ thuật. Công việc của người cầm máy, cách truyền đạt ảnh, tất cả dường như được định nghĩa lại. Nhưng nói gì thì nói trong khái niệm của những người cầm máy, tiêu chí của nhiếp ảnh vẫn bám vào những yếu tố cơ bản, đó là tính chân thực. Chúng ta không được phép nói dối, chỉ có phương thức làm việc là thay đổi mà thôi.

Một bức ảnh luôn đòi hỏi phải có cái gì khác với một khuôn hình tự nhiên của máy. Kết quả mỗi lần bấm máy, bức ảnh được công bố phải truyền đi một lượng thông tin nhiều hơn cái mà nó mô tả và ghi nhận được. Ở đây, cảm xúc để tạo ra sự liên tưởng là chiếc cầu nối giữa cái hình thức bên ngoài và bản chất bên trong của sự kiện diễn ra trước ống kính. Trong nhiếp ảnh không nên dùng những sắc màu và những vật thể chết, không nên giam hãm hiện thực trong không gian hai chiều khuôn hình của chiếc máy trong tay. Yêu cầu ảnh phải thể hiện được những gì vượt ra khỏi khuôn hình của nó, thậm chí cả những ẩn ý mà nó chứa đựng trong mình. Mọi chi tiết ở trong ảnh đều phải có vai trò, vị trí của nó, đặc biệt là những chi tiết tạo cảm xúc và gây ấn tượng. Theo những nhà lý luận đó là điểm nhấn, giúp cho người xem hiểu được ý đồ của tác giả, giúp cho họ có khả năng liên tưởng thông qua vốn sống của mình và suy diễn tới những vấn đề khác nữa. Vấn đề đặt ra: Đâu là chủ thể của bức ảnh, và bức ảnh muốn đem lại cho bạn đọc cái gì? Nhiều người cầm máy đội khi mải miết dò tìm, nắm bắt khoảnh khắc mà quên mát chiều sâu, nội dung cần thể hiện. Trong phạm trù này người ta còn thấy tầm quan trọng của sự hài hòa những yếu tố tạo hình ảnh. Người cầm máy cần phát hiện và tìm kiếm những yếu tố không thể thiếu trong bối cảnh được lựa chọn, những yếu tố mang màu sắc cho cuộc sống có hồn của mỗi bức ảnh. Ở đây tâm hồn và sự nguyên mẫu được kết hợpp. Khả năng nắm bắt vấn đề, khả năng sử dụng những thủ pháp nghề nghiệp còn phải bàn luận nhiều, tôi chỉ xin đóng góp một vài ý kiến nhỏ mong sao sự phát triển của nhiếp ảnh báo chí nhà nước xứng tầm thời đại.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Back to top button