Đánh giá ảnh nghệ thuật: Đừng quá thiên lệch về hình thức
Có thể nói, cuộc thi ảnh nghệ thuật toàn quốc năm vừa qua, có nhiều những “kỷ lục” rất đáng ghi nhận như: Cuộc thi cấp quốc gia có số lượng tác giả gửi ảnh tham dự nhiều nhất từ trước tới nay, (lĩnh vực ảnh in). Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 6.839 tác phẩm (trong đó có 4.254 tác phẩm ảnh màu và 2.585 tác phẩm ảnh đen trắng) của 1.155 tác giả từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước gửi về tham dự. Điều đáng quý là cuộc thi “yên lặng” tới mức hầu như không có những bài viết, lời ra, ý vào phản ảnh về tính học thuật của các tác phẩm đoạt giải cũng như ảnh triển lãm. Phải chăng cuộc thi đã thành công rực rỡ, những người dự thi đã hài lòng với kết quả của Hội đồng giám khảo… Hay là đến lúc “nói nhiều cũng thế thôi”…
Theo dõi trên website của Hội NSNAVN thấy có một số ít tác giả có ý kiến, xin được trích một ý kiến nhỏ của tác giả Đoàn Văn Hồng như sau: Như tác phẩm “Dưới mưa” đoạt giải nhất nói lên điều gì với một ít người che ô với những giọt mưa của “photoshop” không phản ảnh nét đặc trưng nào ngoài là một tác phẩm được cái đẹp hình thức, chưa đại diện cho toàn quốc ..
Trước hết, đây là cuộc thi có chủ đề tự do, ca ngợi vẻ đẹp về thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Thì trong một cuộc thi ảnh nghệ thuật, không thể nào mong có được một tác phẩm mà đem lại được sự đại diện cho toàn quốc như bạn Đoàn Văn Hồng nghĩ đâu. Một cuộc thi ảnh nghệ thuật thành công là cuộc thi có nhiều những tác phẩm ảnh tốt về nội dung và hình thức đáp ứng tiêu chí, chủ đề cuộc thi, nhất là làm “tâm phục, khẩu phục” số đông người dự thi là khá rồi…
Trong bài viết này, tôi chỉ nêu ra ý kiến, mang tính cá nhân về hai tác phẩm. “Cùng vui” của tác giả Ngô thị Thu Ba (TP. HCM) Huy chương Đồng và “Vũ điệu trên mây” ảnh triển lãm của tác giả Nguyễn Văn Bình (Lào Cai) để cảm nhận, so sánh, liệu nghệ thuật có thể cân đo được không? và phải chăng, đây là tín hiệu hay là “gu” chấm ảnh của đa phần giám khảo Việt Nam hiện nay. Câu hỏi này mong được có những ý kiến của các nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh, các NSNA, nhất là những nhà quản lý về văn hóa, nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay, trong thời đại mà cả xã hội như đang bùng nổ về nhiếp ảnh.
Trong cuộc thi này, tác giả Ngô Thị Thu Ba đoạt hai Huy chương Đồng thể loại ảnh màu, đã làm bất ngờ nhiều người tham dự cuộc thi. Ở tác phẩm “Vươn tầm cao mới” của chị khá đẹp cả nội dung lẫn hình thức thể hiện, kỹ thuật phơi sáng ở tác phẩm này khá tốt, chứng tỏ người có trình độ về kỹ thuật nhiếp ảnh, hai vòm hầm Thủ Thiêm giống như hai con mắt khổng lồ đang nhìn, hướng tới tương lai, một công trình mang tính lịch sử, phía trên nổi lên một thành phố lung linh với những tòa cao ốc đang trên đà phát triển, một góc nhìn bình thường đến nỗi mà ai đi qua cũng có thể nhìn thấy, nhưng ít người quan tâm. Đúng là nghệ thuật quý ở chỗ giản đơn mà tinh luyện…
Trở lại hai tác phẩm như nói ở trên, về tên ảnh tuy khác nhau nhưng đều gần nhau ở nội dung, cảnh vui chơi, nhảy dây của trẻ em vùng cao miền núi phía Bắc. Tác phẩm “Cùng vui” của Ngô Thị Thu Ba được chụp vào thời điểm với ánh nắng tràn trề nên sắc màu ảnh rực rỡ hơn, nhờ những trang phục cổ truyền gần như mới toanh, làm người xem như mãn nhãn về sắc màu, nhân vật chính nhảy dây nhìn giống con chích bông, động tác cũng như gương mặt quay lại khá đẹp nhờ cú bấm máy khá hoàn hảo. Chỉ có điều người viết bài này có thắc mắc qua cảm nhận bằng thị giác và luật xa gần ở tác phẩm này là: tác giả dùng mấy “frame”, mấy khoảnh khắc để tạo nên tác phẩm như vậy (bầu trời kia thật hay ghép?). Để ý những bóng đổ các em, chỗ ngang, chỗ hơi chếch chéo hiện trên nền đất? Câu hỏi này chỉ người chụp mới có thể trả lời đúng sai.
Cùng vui – Ảnh: Ngô Thị Thu Ba
Còn tác phẩm “Vũ điệu trên mây” của tác giả Nguyễn Văn Bình (Lào Cai), đây là tác phẩm mới đoạt Huy chương Vàng tại LH ảnh khu vực miền núi phía Bắc trước đó, được số đông rất đồng tình. NSNA Vũ Nhật đã cảm động khi chấm, ông thốt lên: “Hãy nhìn kìa, cái khổ và sự thiếu thốn của trẻ em vùng cao khi mà chỉ chiếc dây thôi các em cũng phải nối lại để chơi”. Ở tác phẩm này, nhân vật nhảy dây cũng căng mình giống như chú nhện đang giăng tơ, càng nhìn kỹ, tính hợp lý hay nói như những Nhà lý luận phê bình nghệ thuật nhiếp ảnh: Tính triết lý như chuẩn mực từ tất cả các nhân vật trong ảnh. Bé gái cõng em phải chùm chăn lên cả đầu đứa em của mình vì trời lạnh, một nhân vật thì cong mình giữ chiếc dây, các gương mặt biểu lộ khá điển hình. Toàn bộ nhân vật trong ảnh nổi bật, hiện lên màn sương mù, hình và nền được bóc tách khá rõ.
Vũ điệu trên mây – Ảnh: Nguyễn Văn Bình
Biết rằng mọi thứ đem so sánh đều có thể khập khiễng, cuộc thi ảnh nghệ thuật chủ đề tự do, và nhất là phần mềm chỉnh sửa ảnh photoshop không có tội, thì không thể trách tác giả dự thi và càng không thể trách bất kỳ ai trong Hội đồng nghệ thuật vì họ đã được bảo vệ bởi thể lệ cuộc thi đưa ra. “Về kết quả việc thẩm định ảnh của hội đồng giám khảo là chung cuộc, không giải quyết mọi khiếu kiện” nên người chơi đồng tình, chấp nhận thì chơi, đó là lẽ đương nhiên. Gần đây, thấy nhiều giám khảo ngụy biện là nghệ thuật không phải toán học, không cộng trừ nhân chia, chuẩn mực đúng sai, nhưng thử hỏi, một trận bóng đá Word cup thế giới, với công nghệ số hiện đại như ngày nay, chỉ trong tích tắc các trọng tài cũng có thể nhìn lại kết quả đúng sai nhờ vào chiếc camera ghi lại, nhưng nhân loại vẫn không dùng, vì cho rằng không gì bằng yếu tố con người (trọng tài trên sân), hãy tôn trọng yếu tố con người. Nghệ thuật nhiếp ảnh cũng vậy thôi, hãy tôn trọng yếu tố con người, nhưng định hướng về tương lai nền nhiếp ảnh nghệ thuật cho một quốc gia, cách thẩm định ảnh nghệ thuật của chúng ta hiện nay như đang có vấn đề về đánh giá quá cao về hình thức và đây chính là yếu tố tiếp tay cho việc ảnh chắp ghép xảy ra khá phổ biến ở các cuộc thi ảnh hiện nay.
Liệu đặc trưng của khoảnh khắc nhiếp ảnh đã dần dần xa thực tế, giá trị nhân văn, nội dung của tác phẩm ảnh nghệ thuật đã bị tính hình thức “bóp chết”, vẫn biết rằng, nhiếp ảnh là nghệ thuật của con mắt nhìn, nên hình thức cực kỳ quan trọng, nhưng nếu chúng ta quá trú trọng đến hình thức, rất dễ rơi vào vũng lầy của chủ nghĩa hình thức…