Tin tức chung

Ngày xuân xem ảnh Trần Lam

Trong lời tự bạch, ông viết: “Thời gian trị bệnh và rong ruổi đi chụp ảnh, tôi được gặp gỡ nhiều bà con và bạn bè cũ, tiếp xúc nhiều người nghèo, chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn bất hạnh. Tôi rất cảm thông với họ và nhận thấy nên làm gì thiết thực để chia sẻ. Do vậy, tôi đã tích cực tham gia xây dựng bệnh viện Bình An và tổ chức Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang…”. Từ bước ngoặt này, với Trần Lam nhiếp ảnh là một cánh cửa của sự sống, đồng thời là bạn đồng hành của lòng nhân ái. Thật đẹp thay những việc làm phần nửa sau cuộc đời tưởng như thêm thắt cho vui ấy lại có kết quả đáng khích lệ. Ông được tuyên dương là Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới do việc bảo trợ cứu sống được hàng ngàn bệnh nhân nghèo nhờ các ca phẫu thuật tim, mắt và các bệnh hiểm nghèo khác miễn phí. Ông cũng là người vui sướng chứng kiến và chụp ảnh các bác sĩ làm việc hết lòng vì bệnh nhân, và niềm vui của người bệnh cùng gia đình họ khi thoát hiểm… Cuối năm 2014 ông lại cho ra mắt cuốn sách ảnh thứ hai về cảnh sắc, con người Việt Nam, và hình ảnh của một số nước trên thế giới, nơi ông có dịp tới thăm. (Cuốn sách ảnh đầu tiên của ông: Kiên Giang quê tôi, xuất bản năm 2002, NXB Văn hóa Thông tin).

Bìa cuốn sách ảnh của NSNA Trần Lam

Cuốn mới Sách ảnh Trần Lam dầy 192 trang, khổ 25 x 25 cm in mầu và đen trắng trên giấy Couche’, bìa cứng, do Nhà xuất bản Thông tấn cấp giấy phép, được trình bầy trang trọng theo phong cách cổ điển.

Mở đầu sách là bức ảnh mầu toàn cảnh pho tượng Bác Hồ trước trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, và ảnh đen trắng tượng bán thân chân dung Bác với dòng chữ ngắn gọn cho hai ảnh: Người của muôn đời – Bác Hồ Chí Minh. Sách còn có ảnh tượng Bác Hồ ở Tây Nguyên, Lăng Bác tại Hà Nội trong ánh điện lung linh ấm áp. Trần Lam chăm chút làm đẹp những bức ảnh đó để nói lên lòng biết ơn và tình cảm sâu nặng của mình, một đứa con Miềm Nam suốt đời kính thương Bác, làm theo lời Bác. Cũng trong mạch hứng khởi về niềm tự hào dân tộc, Trần Lam có ảnh Tổng chấn Hà Tiên Mạc Cửu, Lễ hội Nguyễn Trung Trực lần thứ 144, và bức chân dung độc đáo về Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Độc đáo vì ông chụp khác người. Thông thường chân dung phải rõ mặt, nhưng đằng này Trần Lam chụp phía sau gáy. Ảnh cho thấy mái tóc bạc phía sau, một nửa mắt kính bên trái, một phần gò má trái. Mái đầu bạc phơ ấy được bố cục ở góc phải, phía dưới khuôn hình nổi bật trên nền đỏ, phía trên xa xa trước gương mặt ấy là ngôi sao vàng. Mái đầu và ngôi sao trong khung trắng có hình chữ nhật như một lá cờ. Nền đỏ vượt khung tràn trang như vô tận. Mầu của sự sống, mầu của cách mạng mênh mông khắp nơi. Ảnh có cái tên khái quát: Đi suốt cuộc đời. Cuộc đời Võ Văn Kiệt và các chiến sĩ cách mạng thời ông đã chiến đấu cho nền độc lập dân tộc dưới lá cờ đỏ có ngôi sao vàng diệu kỳ đó. Đây là ảnh ghép thuộc loại hình nhiếp ảnh kỹ xảo, khuyến khích những ý tưởng sâu xa, những sáng tạo mới lạ. Và nhiều người tán thưởng bức ảnh này của Trần Lam.

Trần Lam nói, ông thích ảnh phong cảnh và thiên nhiên, trong cuốn sách này có hơn 3/4 là ảnh phong cảnh thiên nhiên. Nổi bật và hấp dẫn ngay từ đầu là cảnh sắc miền cực Nam Tổ quốc, nơi ông gắn bó nhiều năm sinh sống và công tác. Bãi biển Hòn Chồng, Hòn Phụ tử Kiên Lương, Dinh Cậu Phú Quốc, Chiều Hà Tiên v.v… là những bức ảnh đẹp, gợi cảm có dư vị đằm thắm và khoáng đạt của cửa ngõ biển cả mênh mông. Hòn Phụ tử trong ảnh của ông còn cả hai, sau đó đã sụt mất một. Thiên nhiên cũng biến đổi mất – còn ghê gớm! Thành thử những ảnh đó của ông chẳng những đẹp mà còn có giá trị tài liệu quí hiếm.

Không phải mất nhiều thời gian để nhận ra những ảnh có cái cảm và cái nhìn riêng của Trần Lam. Đó là những cảnh ông quen thuộc được chụp bất thần, không lệ thuộc vào hoàn cảnh hoặc phương tiện máy móc: Thư giãn, U Minh Thượng, Sương sớm U Minh, Mùa bông sậy Cà Mau, Thác Tranh Phú Quốc, Về rừng U Minh Hạ Cà Mau, Buổi sáng Dương Đông Phú Quốc, Nắng chiều v.v… Những bức ảnh ấy vừa chân chất tự nhiên, vừa dung dị sâu lắng.

Cái mầu tím nhạt của sương mờ trong ảnh Sương sớm U Minh, trong Thác Tranh Phú Quốc, Cái tĩnh lặng trong trẻo của của mây nước ở Buổi sáng Dương Đông Phú Quốc, ở dòng kênh và rừng đước trong ảnh Về rừng U Minh Hạ là những điểm lắng đọng trong tâm hồn Trần Lam. Chỉ có những người vật lộn, sống chết với mảnh đất ấy, từng nhiều lần nghẹn thở vì cái đẹp ngọt ngào quyến rũ của quê hương mới trỗi dậy trong lòng mình, trong mắt mình khoảnh khắc tuyệt diệu ấy. Nó là khoảnh khắc, đồng thời cũng là vĩnh viễn. Nắng Chiều chỉ là cảnh một con chim Hải âu xòe cánh trên mặt nước óng ánh như dát vàng, không địa danh, không ngày tháng, mà cảm như nó thuộc về vĩnh cửu. Lần bấm máy này, Trần Lam đã chạm tới cái đẹp vĩnh cửu của thiên nhiên, và níu giữ được nó trong tâm hồn mình, nằm gọn trong ống kính của mình.

Cùng với những thành công trong ảnh phong cảnh thiên nhiên, Trần Lam còn có mảng ảnh chân dung khá nổi trội. Ông Hai bám trụ, Bà Cả Sợi, Nhớ con, Anh hùng A Lưới, Pháp chủ Phổ tuệ khai bút chùa Hộ Quốc v.v… là ảnh những nhân vật được nhiều người biết đến qua báo chí. Điều đáng lưu ý là trong ảnh Trần Lam họ xuất hiện với những sắc thái riêng cùng những tâm trạng cá tính của từng người.

Nhớ con

Ông Hai bám trụ quấn chiếc khăn rằn trên đầu buông vạt khăn xuống vai trái. Đôi mắt và nét mặt kiên nghị, bộ râu trắng xóa dầy dặn ấm áp, nước da sáng bóng và mịn màng… Khuôn diện đó, tâm thế đó toát ra vẻ can trưòng, vững chắc, tự tin… Đấy là một con người có bản lĩnh, hào hiệp, thủy chung, đáng tin cậy.

Bà Cả Sợi là hiện thân của những bà mẹ Miền Nam bền bỉ chịu đựng hi sinh. Nét mặt bà, đôi mắt bà đượm buồn chất chứa nhiều tâm sự sâu xa. Đó là người mẹ phải kìm nén những mất mát trong cuộc đời.

Anh hùng A Lưới là người thiểu số Tây nguyên đôn hậu, chất phác, tác giả đã chớp được nụ cười rạng rỡ, đôi mắt tinh anh yêu đời. Người anh hùng của chúng ta tự hào trong trang phục quân đội. Nụ cười ấy, đôi mắt ấy cởi mở khiến người xem ảnh vui lây niềm vui của nhân vật.

Nhớ con là bức chân dung nặng trĩu tâm tư của người mẹ già sau chiến tranh. Cụ cao tuổi lắm rồi, nếp nhăn trên trán, trên mũi, trên cằm, trên các ngón tay chống cằm làm tăng thêm nếp nhăn của cái miệng móm mém khiến người xem liên tưởng đến vẻ xù xì của những gốc cây cổ thụ trong rừng sâu. Đăc biệt đôi mắt cụ nhắm lại đầy suy tư càng gợi lên tâm trạng của một con người dạn dĩ với năm tháng chìm nổi từ chiến tranh sang hòa bình…

Ảnh chân dung mà khiến người xem đọc được tâm trạng, nhận ra phẩm chất, tính cách của nhân vật… thì đấy là những ảnh có hồn. Trần Lam đã thấu hiểu nỗi lòng nhân vật mình chụp và đã thu được vào ống kính thần thái của nhân vật. Cũng hơi tiếc ông chưa dành nhiều công sức cho ảnh chân dung, lĩnh vực mà ông có thể đi xa hơn nữa. Cần nói thêm, những bức chân dung Ông Hai bám trụ, Bà Cả Sợi, Nhớ con… được in đen trắng có sức gợi cảm hơn những ảnh đó in mầu trong cuốn Kiên Giang quê tôi.

Ca phẫu thuật tim thứ 1000 của Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang

Trong cuốn sách này còn có mảng ảnh ông chụp cảnh sắc nước ngoài, chủ yếu là phong cảnh, kiến trúc khác lạ của châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Á … Ảnh chụp theo khuôn khổ du lịch, phần lớn bị hạn chế về thời gian, thời tiết, và góc chụp v.v… Nhưng người xem vẫn thấy một Trần Lam nghệ sĩ phóng khoáng khi chu du thiên hạ: Buổi trưa – Cape Tow –  Nam Phi, Áo vào thu, Thơ mộng – Praha – Tiệp Khắc, Nơi đào tạo nhân tài – Lomonosov – Nga, Kiến trúc chùa Nhật Bản… Đáng ngạc nhiên khi nhìn vào bức ảnh Cô gái Phù Tang – Tokyo. Đó là một ảnh chân dung lạ, xuất thần. Lại là cái nhìn từ phía sau! Búi tóc lịch sự gọn gàng kiểu truyền thống của phụ nữ Nhật, chuỗi hoa nhỏ cánh bướm buông lơi bên tai trái, cổ áo trễ xuống giữa sống vai lộ ra cái gáy tròn thon thả… Tất cả hiện trên nền đỏ sẫm của mầu đỏ chùa chiền. Nét văn hóa đặc sắc của người Nhật đã bừng sáng trong bức ảnh này.

Cuốn sách là món quà Trần Lam tặng Các Đại biểu và Hội viên dự Đại hội VIII Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Nó là tình cảm của ông ấm áp nắng gió phương Nam. Ngày xuân xem ảnh Trần Lam thấy vui và mừng cho ông và các nhà nhiếp ảnh cao tuổi đã xuất bản được những cuốn sách ảnh tâm huyết. Đó không đơn thuần là những kỷ niêm nghề nghiệp, những dấu ấn cuộc đời mà thực sự là những tác phẩm sáng giá đóng góp lớn cho nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam.

 

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Back to top button