Ảnh nghệ thuật của Tào Hòa vẫn tỏa sáng
Tào Hòa là hội viên Hội NSNA Việt Nam, hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật (VHNT) Thanh Hóa, hội viên Hội VHNT Khánh Hòa; nguyên là phóng viên, biên tập viên phát thanh và truyền hình quân đội – Đài Tiếng nói Việt Nam. Ở Thanh Hóa, ông thuộc thế hệ nhiếp ảnh ‘lão làng’ như NSNA Nguyễn San, Văn An, cố NSNA Quốc Lập…
NSNA Tào Hòa quê ở làng Tào Trụ, xã Hoằng Lý, huyện Hoằng Hóa ven con sông Tuần Ngu, nơi bắt nguồn từ sông Mã chảy về đất Hoằng Hóa, vùng đất một thời nóng bỏng đạn bom.
Rời quân ngũ ở tuổi 47, ông mang theo căn bệnh sốt rét từng đeo bám ông những năm tháng trong chiến trường miền Nam cùng một loạt chứng bệnh: viêm gan mãn tính, rối loạn thần kinh tim; viêm sa dạ dày. Chân tay ông run rẩy không đi lại được. Ông nghĩ: cuộc đời có lẽ cũng là định mệnh. Tưởng số phận dừng lại, chỉ chờ phó thác cho định mệnh, nhưng vợ ông không chịu như thế, bà chấp nhận thử thách, bởi hạnh phúc của bà là ông đã được trở về. Bà trở thành nguồn động viên lớn nhất, chăm sóc chu đáo cho ông vượt lên số phận. Khó khăn dần cũng qua đi nhờ sự chăm sóc của bà, hai năm sau ông khỏe mạnh, bắt đầu dọn được vườn, trồng cây, rào dậu, chơi cảnh…
Biển sớm – Ảnh: Tào Hòa
Đường xứ lạng – Ảnh: Tào Hòa
Từ lòng đam mê nhiếp ảnh, được người thân động viên, người vợ hậu thuẫn, ông quyết định trở lại với nghề nhiếp ảnh, dùng nhiếp ảnh để khỏa lấp những khoảng trống của cuộc đời còn lại. Ông say sưa chụp ảnh, ảnh tặng bạn bè, người thân, ảnh để lưu lại những khoảnh khắc đẹp mà ông ghi được, phong cảnh miền quê thân yêu, chiều hoàng hôn nhìn về dòng sông Mã thơ mộng, lóng lánh với đủ sắc màu, bãi ngô, đồng lúa, những nét đẹp đến hoang dã. Thiên nhiên qua ống kính của ông thật đẹp đẽ và nên thơ. Ông có những ảnh phóng sự nóng hổi các sự kiện bão lụt, những vụ mùa bội thu ở quê nhà… Bằng sự lao động nghiêm túc cộng với niềm đam mê, ông đã khám phá nhiều bí quyết về nhiếp ảnh, thành công về kỹ thuật, in phóng, chụp ảnh. Ông tập trung nghiên cứu, cải tiến, tự tạo buồng phóng, máy in, phóng bằng ánh sáng trời (bởi cái thuở đó quê hương ông chưa có điện). Ông bắt đầu chụp ảnh chân dung, và theo ông, ảnh chân dung đẹp là ảnh phải có ‘hồn’, thủ pháp sử dụng ánh sáng, hắt sáng, cách cắt cúp ảnh, dùng nền, tất cả đều rất bài bản, kể cả khi chụp ảnh dịch vụ. Ông quan niệm mỗi một tấm ảnh chân dung là một tác phẩm nghệ thuật. Rồi danh tiếng ảnh Tào Hòa lan tỏa, những năm đó nhiều người biết đến ảnh Tào Hòa. Ảnh của ông xuất hiện đều đều trên các trang báo của tỉnh, của Trung ương, trên các tạp chí nhiếp ảnh; ảnh sáng, đẹp, ông có nhiều tác phẩm dự thi và đoạt giải.
Nguồn sáng – Ảnh: Tào Hòa
Biển lãng – Ảnh: Tào Hòa
Hồng hạc Singapore – Ảnh: Tào Hòa
Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, vợ chồng NSNA Tào Hòa di chuyển vào Nha Trang, Khánh Hòa sinh sống cùng người con trai cả, song thi thoảng ông vẫn về thăm quê hương và vẫn đều đặn sáng tác. Tuy ở xa, ông vẫn gửi ảnh về dự thi (vì ông vẫn là hội viên Hội VHNT Thanh Hóa), gửi ảnh đăng các báo trong tỉnh, ông coi đó là một sân chơi, ở đó có một chút lãng tử cùng phong cách nghề nghiệp.
Cách đây 3 năm, kỷ niệm sinh nhật 75 tuổi, NSNA Tào Hòa tổ chức triển lãm ảnh cá nhân ‘Những chặng đường đã qua’ tại Trung tâm triển lãm thành phố biển Nha Trang. Bộ ảnh gồm 75 tác phẩm kỷ niệm 75 tuổi đời đã đi qua, trong đó có nhiều tác phẩm được ông chụp từ quê hương Thanh Hóa. Rồi những nơi mà vợ chồng ông đã từng gắn bó, từng đi qua, từ Bến Nhà Rồng, Địa đạo Củ Chi đến tận núi rừng Tây Bắc, những danh thắng, những điểm du lịch nổi tiếng như Sa Pa, Hạ Long, Đồ Sơn đều có dấu chân của vợ chồng NSNA Tào Hòa. Ông bà đã đặt chân đến 10 nước trên thế giới, đã từng đến Vạn Lý Trường Thành, Tháp Effel của Pháp, Tòa thánh Vatican, đất nước của hoa anh đào…
Đam mê nghệ thuật, lao động nghệ thuật của NSNA Tào Hòa được đền đáp bằng nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, tiêu biểu là các tác phẩm ‘Phút đời thường’, giải nhất cuộc thi ảnh nghệ thuật Khánh Hòa 1994, ‘Sao tân binh’ giải nhì cuộc thi ảnh nghệ thuật Khánh Hòa 1999; ‘Vì Việt Nam tươi xanh’ giải ba Báo Lao động 2003; ‘Kỵ sĩ đồng quê’ giải khuyến khích cuộc thi ảnh Bắc miền Trung; ‘Hạnh phúc tuổi già’, giải A CCU-TOKYO Nhật Bản 1999; ngoài ra, ông còn có khá nhiều ảnh được dự triển lãm ở các nước Mỹ, Ý, Bỉ, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ…
Giờ đây, gia đình của NSNA Tào Hòa thực sự là một tổ ấm hạnh phúc. Ông luôn tự hào về người vợ, người trợ lý đắc lực, cũng là người mẫu để ông thử nghiệm trong lăng kính nhiếp ảnh. Bà là Nguyễn Thị Minh Quang, trước năm lấy ông (1956) bà là một cô y tá xinh đẹp, hoa khôi của cái làng Quan Nội, Hoằng Anh, Hoằng Hóa. Ông thường tâm sự với bạn bè, đồng nghiệp: ‘Với tôi, công bà Quang rất lớn, thầm lặng, chịu đựng mọi khó khăn để nuôi con, hình ảnh người vợ ngồi dưới ánh đèn dầu tháo tấm chăn len bộ đội đan áo lấy tiền nuôi con tưởng như mới hôm qua’. Ông nói vui: ‘Nếu tôi là vàng mười thứ thiệt thì bà ấy là vàng 11’. Ông bà có ba người con, tất cả đều thành đạt. Con trai đầu là Tào Anh Tuấn hiện là Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Khánh Hòa, con trai thứ Tào Ngọc Thanh là bác sĩ đa khoa đang sống ở nước bạn Ba Lan, con trai út Tào Ngọc Tú, nguyên là kỹ sư ngành tàu biểu Ba Lan, hiện làm Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Xuất nhập khẩu quốc tế tư nhân Tân Việt ở Ba Lan.
Ở cái tuổi gần bát tuần, NSNA Tào Hòa vẫn hoạt bát, xông xáo săn tìm cái đẹp, đam mê nhiếp ảnh như thuở nào. Người ta nói ‘Gừng càng già càng cay’ quả không sai. Những tác phẩm ảnh nghệ thuật của ông vẫn không ngừng tỏa sáng.
VAPA (Theo ĐĂNG VĂN – BÁO THANH HÓA)