Lại nói về “Ý tưởng” – “Ảnh ý tưởng”
Từ điển chỉ giải nghĩa chung chung, còn Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm phát động cuộc thi mang tên “Ảnh ý tưởng” là đã đặt thành một thuật ngữ. Thuật ngữ đóng chốt một nghĩa hẹp mang tính chuyên môn, khoa học; việc này phải do Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm duy danh định nghĩa.
1. Trên thế giới, thể loại ảnh mang tên Ý tưởng/Ý niệm xuất hiện từ thập kỷ 30 của thế kỷ trước. Chừng bốn năm trường phái chơi loại ảnh này lóe lên trong khoảng một hai chục năm rồi lịm tắt. Tại sao lại lịm tắt? Bởi vì họ va đầu vào bức tường thành của lối chụp thật, lối chụp thật nhiều công lao hơn và khỏe như lực sĩ của mọi thời đại. Với lại trên công luận thế giới, giới chuyên nghiệp không mấy mặn mòi thể loại ảnh này. Có người nói thẳng đây là suy đồi lý tưởng của một thế hệ nghệ sĩ: đại chiến tranh đã làm họ mất đi niềm tin vào nhân loại, trốn tránh hiện thực tìm vào salon/phòng tối “sáng tạo” trong cái vỏ kỹ thuật, kỹ xảo.
Tuy nhiên các loại ảnh chơi bời ấy tuy lịm tắt cũng đã để lại những ảnh hưởng về sự khéo tay, về tạo cảm xúc trong nghệ thuật. Khi nhiếp ảnh được xã hội hóa rộng ở thời đại của chúng ta thì những dư chấn kia lan tỏa vào thú tiêu khiển nghiệp dư/tài tử phát triển như nấm mùa mưa.
Vừa qua, Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh đã tổ chức một cuộc hội thảo về “Ảnh ý tưởng”. Tại đây, nghệ sĩ Hoàng Trung Thủy đã dầy công nghiên cứu thuyết trình và minh họa về loại ảnh ý tưởng/ý niệm. Trong những ảnh phẩm minh họa, kể cả ảnh thực hành của anh, có bức ảnh được nhiều người ưng ý: Ảnh “Người bạn trung thành” về một con chó ngồi hóng ra biển, nơi có xác con tàu chìm, sóng biển cuộn dâng trong khi bầu trời giông bão vần vũ. Ảnh được ghép từ bốn năm files chụp thật. Người xem ưng ý vì cảm thông tình nghĩa con chó đối với người chủ (đã gặp tai nạn?) và khéo lắp ghép thành một cảnh… có lý! Ảnh phẩm này được PV – NSNA An Dung đăng tải trên báo Sài Gòn Giải Phóng, lập tức được các báo chuyên ngành dùng tiếp.
Nói “lắp ghép các files ảnh thành” là chưa thỏa đáng, bởi vì việc làm này có công sáng tạo của tác giả (lên ý tưởng, tìm tạo hình cho bố cục, sắc điệu, không gian gần xa, … và phù hợp với “đạo lý”). Nói cho đúng, đây là công việc dựng hình của nghệ sĩ.
2. Nhớ lại thuở bình minh của nhiếp ảnh cách nay 173 năm, nghề hội họa đã phải nhường bước bút pháp ghi thực để đi vào mô phỏng, ký ức.
Ngày nay, đến lượt ảnh ý tưởng/ý niệm đi theo mô phỏng, ký ức.
Nghiêm túc mà xem xét, ảnh ý tưởng/ý niệm có thể được suy tính để rồi chụp thật, trực tiếp ngay tại hiện trường, về nhà không phải sửa chữa gì nữa; như vậy vẫn đạt tới mục đích và giá trị cao siêu. Nhưng nhiều người lại nghĩ khác, cần làm việc ở hậu kỳ kia: cứ chụp thật đi, để rồi về nhà dựng hình, sắp đặt, chắp ghép, sửa chữa để có một tấm hình mới. Như vậy, năng lực sáng tạo không phải là cuộc sống thực, không phải là săn ảnh/chộp bắt “nghệ thuật của khoảnh khắc” mà là tài năng tái tạo chế biến mỹ cảm.
Nói thực tình, thể loại ảnh tái tạo này không bao giờ được công nhận trong bộ sử thi của dân tộc, ngoại trừ có thể có mặt trong lịch sử ngành nghề.
Tuy nhiên, trên đường hội nhập nghệ thuật thế giới, ảnh ý tưởng/ý niệm đã là một thực thể như bất cứ sự biến dạng nhiếp ảnh nào khác. Vậy thì, ai có thể trạng hợp tạng này thì chúng ta cứ khuyến khích “tự do sáng tạo”. Có điều phải thấy, số đông người sáng tạo hôm nay đã có một thế giới quan mới – vừa vui mình vừa ý thức trách nhiệm xã hội – hứng khởi hơn, năng động hơn, sẽ đạt tới những ý tưởng/ý niệm cao cả hơn người xưa.
3. Trong buổi thuyết trình của NS Hoàng Trung Thủy, vị cử tọa đặc biệt là Phó Cục Trưởng Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm cùng lắng nghe, tôi đã phát biểu ý kiến của mình: “Ở Việt Nam, đây là một thể loại ảnh tuy đã có nhưng còn lạ. Chỉ lưu ý quý vị, nghệ thuật nhiếp ảnh có ngôn ngữ và phương tiện tạo hình độc lập, xin đừng “tranh hóa” tác phẩm ảnh”.
Sắp tới, việc chấm Ảnh-ý-tưởng quy tụ tài năng của cả nước, mong sao Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm cùng Hội NSNA Việt Nam phải “trí tuệ” để tìm ra được chân giá trị của thời đại.