Thiết bị

9 điều cân nhắc khi mua ống kính

Chất lượng quang học

Chất lượng quang học trên ống kính là điều đầu tiên cần kiểm tra. Mặc dù hầu hết ống kính dành cho máy ảnh DSLR gần như có quang học tốt, nhưng một số ống kính của các nhà sản xuất bên thứ 3 chưa chắc đảm bảo về chất lượng.

Bạn hãy test thử ống kính với những nguồn sáng khác nhau, đặc biệt là ánh sáng mạnh và hình ảnh có tương phản cao, chú ý đến quang sai màu tại các đường viền trên ảnh, hiện tượng biến dạng, lóe sáng, màu sắc… So sánh chất lượng ống kính khi chuyển các chức năng, chế độ, độ phân giải và độ tương phản. So sánh chất lượng ảnh với những ống kính cùng phân khúc.

Tiêu cự ống kính

Chọn tiêu cự ống kính phù hợp với mục đích sử dụng

Chiều dài tiêu cự ống kính xác định góc nhìn. Trong đó, góc nhìn tương ứng với mắt người là tiêu cự 50mm, góc hẹp có độ phóng đại lớn là ống kính tele (>70mm) và góc nhìn bao quát toàn cảnh, độ phóng đại nhỏ là ống kính góc rộng (<35mm).

Như vậy, một ống kính 28mm sẽ cung cấp góc nhìn rộng, phù hợp sử dụng trong việc chụp ảnh phong cảnh, kiến trúc… Trong khi, ống kính 70mm thích hợp cho việc chụp ảnh chân dung, động vật và kéo cảnh từ xa lại gần. Vì thế, khi chọn mua ống kính bạn nên chọn tiêu cự phù hợp với thể loại ảnh thường chụp.

Độ mở ống kính

Độ mở tối đa của ống kính lớn, giúp sử dụng hiệu quả hơn

Độ mở ống kính hay khẩu độ có chỉ số mở lớn sẽ giúp bạn có thêm nhiều ánh sáng khi chụp trong nguồn sáng yếu. Hãy thử chụp và so sánh ống kính có độ mở tối đa f/2 và ống kính độ mở tối đa f/3.5, bạn sẽ thấy ống kính có độ mở lớn f/2 đảm bảo tốc độ chụp tốt hơn trong nguồn sáng yếu. Độ mở lớn còn tạo trường ảnh nông, cho phông nền mềm mịn, bokeh đẹp hơn giúp đối tượng chụp nổi bật hơn.

Nên chọn những ống kính có độ mở lớn và cố định như f/2.8, f/2, f/1.8… những ống kính này không bao giờ làm bạn thất vọng khi chụp với nguồn sáng yếu, không có flash và khi chụp ảnh chân dung cần xóa phông để tập trung vào nhân vật.

Lấy nét tự động AF và lấy nét tay Manual

Hầu hết ống kính cho máy ảnh DSLR ngày nay đều có 2 chế độ lấy nét tự động và lấy nét bằng tay. Bạn cần kiểm tra và đảm bảo tính năng tự động lấy nét của ống kính hoạt động tốt, khả năng bắt nét, điểm nét và vùng nét.

Cũng nên lưu ý đến khả năng hỗ trợ của ống kính với máy ảnh của bạn, vì một số ống kính của các nhà sẳn xuất thứ 3 không hỗ trợ lấy nét tự động mà chỉ cho phép lấy nét tay khi kết hợp cùng máy ảnh nhất định.

Ống kính một tiêu cự cố định hay ống kính Zoom

Cấu tạo bên trong ống kính zoom 17-55mm

Trong khi ống kính 1 tiêu cự chỉ cung cấp cho bạn 1 góc nhìn duy nhất thì ống kính zoom đa năng hơn, cho nhiều góc nhìn linh hoạt, có thể vừa sử dụng góc rộng và chuyển sang tele.

Tuy nhiên, ống kính zoom cấu tạo phức tạp với nhiều thấu kính nên trọng lượng nặng hơn, chất lượng quang học kém hơn do ánh sáng phải đi qua nhiều lớp và dễ xuất hiện quang sai so với ống kính 1 tiêu cự. Những ống kính 1 tiêu cự còn có lợi thế hơn về độ mở ống kính, cấu tạo quang học và chất lượng hình ảnh. Đặc điểm này giúp ống kính 1 tiêu cự phù hợp với những tình huống chụp ảnh trong nhà nơi có nguồn sáng yếu, chụp ảnh chân dung để có phông nền với bokeh mịn và chụp ảnh thể thao tốt hơn.

Nhưng không thể phủ nhận tính tiện ích của ống kính zoom, vì nhờ dải tiêu cự linh hoạt giúp ống kính này thuận tiện để mang theo bất kỳ đâu cho nhiều đối tượng sử dụng. Do vậy, chọn ống kính một tiêu cự cố định hay ống kính Zoom, hoàn toàn phụ thuộc vào thể loại nhiếp ảnh bạn theo đuổi.

Tính năng chống rung hình ảnh

Thiết bị chống rung bên trong ống kính Nikon

Nên chọn những ống kính tích hợp tính năng chống rung hình ảnh để bạn không “luyến tiếc” khi chụp ảnh với tốc độ chậm hay quay video cầm tay. Tính năng này sẽ giúp bạn hạn chế rung hình hiệu quả ngay cả với tốc độ màn trập thấp đến 3, 4-stop, những chuyển động nhẹ hay khi chụp với ống kính tele.

Nhưng không phải tính năng chống rung hình nào trên ống kính cũng có ký hiệu giống nhau. Tùy theo nhà sản xuất tính năng này có ký hiệu riêng, như ống kính Nikon ký hiệu là VR (Vibration Reduction), Canon là IS (Image Stabilisation) và trên ống kính Sony là OSS (Optical Steady Shot).

Ngoài ống kính hỗ trợ tính năng này, một số máy ảnh của Olympus, Sony và Pentax tích hợp tính năng chống rung ngay trong thân máy. Do đó, bạn không nhất thiết chọn ống kính chống rung cho những máy ảnh đã tích hợp tính năng này.

Ngàm ống kính

Chọn ống kính tương tích với ngàm máy ảnh

Ống kính và máy ảnh gắn kết với nhau thông qua ngàm khóa tương thích. Mỗi nhà sản xuất máy ảnh lại có một ngàm gắn cụ thể, như Nikon là F-mount, Canon là ngàm EF/EF-S, tất nhiên bạn không thể gắn ống kính của Canon cho máy ảnh Nikon vì chúng không “cùng khóa”. Vì vậy bạn hoàn toàn bị ràng buộc phạm vi ống kính của từng nhà sản xuất.

Tuy nhiên, nếu có điều kiện bạn có thể sắm thêm ngàm chuyển đổi ống kính để có thể sử dụng ống kính ưa thích trên máy ảnh của mình.

Định dạng máy ảnh

Chọn theo định dạng máy ảnh và ống kính

Trong máy ảnh kỹ thuật số, định dạng máy ảnh đề cập đến kích thước độ cảm biến hình ảnh. Với dòng máy ảnh DSLR có 2 dạng kích thước cảm biến, gồm cảm biến Full-frame cho khung hình đầy đủ có thước 35 mm (36 x 24 mm), còn cảm biến APS-C có kích thước xấp xỉ 25.1 x 16.7mm. Cảm biến APS-C khi lắp ống kính vào máy, tiêu cự sẽ nhân lên và thu hẹp tầm nhìn vì có trị số crop so với cảm biến full-frame từ 1.5 đến 2 (tùy theo kích thước cảm biến). Ví dụ, khi lắp ống kính Nikkor DX 16-85mm vào Nikon D300 thì tầm nhìn có được sẽ tương đương tiêu cự 24–127.5mm.

Trong khi đó, nếu lắp ống kính máy ảnh APS-C trên máy ảnh Full-frame thì hình ảnh bao đen 4 cạnh hình, do cảm biến trên máy định dạng lớn hơn. Do vậy, việc lựa chọn ống kính còn phụ thuộc vào định dạng ống kính và máy ảnh.

Những ống kính cho máy ảnh APS-C thường có trọng lượng nhẹ và rẻ hơn so với ống kính cho máy ảnh Full-frame.

Thương hiệu ống kính

Ống kính Nikkor là sản phẩm tốt nhất cho máy ảnh Nikon và ống kính Canon dành cho máy ảnh Canon EOS, bởi máy ảnh và ống kính cùng một hãng sản xuất luôn mang lại chất lượng hình ảnh tuyệt với và đạt hiệu suất cao nhất.

Ngoài những ngàm chuyển đổi ống kính, bạn cũng có thể chọn ống kính nhà sản xuất thứ 3. Ví dụ, Sigma và Tamron là 2 hãng sản xuất ống kính với các phiên bản cho máy ảnh Nikon, Canon và Sony… cung cấp chất lượng ảnh khá tốt. Đây cũng là giải pháp cho những người có ngân sách nhỏ và những ai mới bắt đầu làm quen với DSLR.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Back to top button