Tin tức chung

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng: Những bước đi quên tuổi tác

Ở tuổi 95, nghệ sĩ nhiếp ảnh NSNA Lê Vượng chưa một phút ngơi nghỉ, vẫn hào hứng trên những dặm dài, dọc ngang đất nước cùng các đồng nghiệp trẻ trong CLB Nhiếp ảnh Hồng Hà và CLB Nhiếp ảnh người cao tuổi. Trong những chuyến đi, Lê Vượng vẫn tiếp tục “cóp nhặt” để lại cho đời những “hoa thơm”, “mật ngọt” qua cách nhìn, cách cảm sâu lắng ở một con người từng trải mà vẫn hồn nhiên tươi rói, mới mẻ như ngày nào.

Sáng tác của NSNA Lê Vượng chủ yếu là mảng đề tài ngợi ca đất nước, con người Việt Nam. Trong hàng vạn âm bản có giá trị nghệ thuật, ông chỉ lọc lấy khoảng 200 tác phẩm tiêu biểu về văn hóa, dân tộc, lễ hội… để tuyển vào cuốn sách ảnh “Những khoảnh khắc” mà ông hằng mơ ước. Cuốn sách gồm hai phần: “Dặm dài đất nước” và “Những sắc màu dân tộc”.

Hà Nội xưa

NSNA Lê Vượng tâm sự: “Tôi sinh năm ngựa (Mậu Ngọ – 1918), rất thích đi đây đi đó”, nên “Dặm dài đất nước” là sở trường, là ước nguyện, là thú vui của ông. Ông đi khắp mọi nẻo đường, không biết mệt mỏi, quên cả tuổi già. Mới hôm nào gặp ông ở chòm Lũng Cú, trên cao nguyên đá Đồng Văn – mõm cực Bắc của Tổ quốc, giờ lại thấy ông lần bước trên đỉnh Hàm Rồng (Sa Pa). Bạn bè vừa chào ông đang say sưa ngắm nhìn “Hồ Gươm trong sương sớm”, đã thấy ông hướng ống kính vào cổng làng cổ Đường Lâm. Ông vừa cùng CLB Hồng Hà tìm góc độ cho những tấm ảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải, tháng sau đã gặp ông ở rừng đước, rừng tràm miền sông nước Cửu Long. NSNA Lê Vượng đến với duyên hải miền Trung của sông Hương, núi Ngự, của bến cá Sa Huỳnh, tháp Chàm Phan Rang, đồi cát Mũi Né rồi ngược lên Tây Nguyên với hồ Lăk, Tơ Nưng, với rừng cao su, cà phê, với xứ sở của voi đàn, của chim ch’rao gọi bạn. Ông còn theo tiếng gọi tâm linh, từ Thiền viện Trúc Lâm (Đà Lạt) vội vàng về với đất Phật Yên Tử… chụp những bức về đình, chùa, miếu mạo thật sắc nét.

Phố cổ

NSNA Lê Vượng là người lịch lãm, cởi mở, rất dễ gần, dễ mến. Những chuyến đi thâm nhập vào làng quê gợi niềm cảm hứng bất tận trong ông. Ông nói rằng, ở đấy ông nhìn thấy cội nguồn văn hóa Việt. Cuộc sống giản dị của làng quê, những nét văn hóa lễ hội, cái thuần phác, chân chất của làng cổ… là những chất men tạo dựng nên những tác phẩm của ông. Bởi vậy, ông khá thành công trong những bức chụp phong cảnh đất nước. Chúng có những đường nét và sự tương phản màu sắc rất nghệ thuật và đòi hỏi sự công phu.

Hà Nội xưa

Thời gian cứ trôi đi, đất nước bao đổi thay, nhưng những gì ông ghi được trong “Những sắc màu dân tộc” là bằng chứng về một nền văn hóa đa sắc tộc phong phú của Việt Nam. Nó vừa là dấu ấn tâm hồn, vừa là dấu ấn lịch sử văn hóa của các dân tộc thiểu số. Ảnh dân tộc của Lê Vượng luôn đa dạng, giàu chất tư liệu nhưng không quá sa đà vào các tiểu tiết mà tập trung vào nét đặc trưng, khái quát mở cho người xem một thế giới tạo hình đẹp. “Những sắc màu dân tộc” không đi vào từng dân tộc mà tập trung theo nhóm hệ ngôn ngữ: Tày, Nùng, La Hú, La Ha, Dao, Thái, Ê đê, M’Nông, Cơ Tu, Xê Đăng… Qua những chi tiết về trang phục, nhà ở, nhạc cụ, công cụ sản xuất mà NSNA Lê Vượng ghi lại có thể dễ dàng phân biệt được từng dân tộc qua nét đặc trưng.

 Nhà bia Văn Miếu

Đất nước con người qua ống kính của NSNA Lê Vượng rất thuần phác, tự nhiên, không gượng gạo, gò ép. Đó là những con người sống tại tâm, yêu cuộc sống thanh bình. Tác phẩm của ông không chuộng sự “ồn ào”, “góc cạnh” mà chủ yếu là sự khám phá. Ông cho rằng, sự khám phá nhỏ cũng là nét thẩm mỹ lớn.

Thành công của những tác phẩm trong cuốn sách ảnh “Những khoảnh khắc” không đơn giản là kỹ thuật mà bắt nguồn từ nhiều yếu tố: am tường, trải nghiệm, tư duy tình cảm nhạy bén. Vì thế, ảnh của Lê Vượng đã làm nhiều con tim rung động.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button