Tin tức chung

Trò chuyện đầu xuân với NSNA Hoàng An

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng An tên thật là Trần Văn An sinh năm 1971, ở thôn Trung Tín, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Hiện anh đang sinh hoạt tại Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Quảng Bình. Hội viên Hội Văn Học Nghệ Thuật Quảng Bình.

Tìm gặp được Hoàng An lúc này quả thật không dễ… Trong tiết trời se lạnh của những ngày giáp tết, Hoàng An tất bật bận rộn chạy sô chụp ảnh  dịch vụ đám cưới. Là chủ một hiệu ảnh ở thị trấn Lệ Ninh, Lệ Thủy ,Quảng Bình, công việc kinh doanh thường bận rộn vào dịp lễ tết. Gương mặt mộc, dáng người mập, trang phục giản dị tác phong nhanh nhẹn… là phong cách của anh. Khi biết tôi muốn tìm hiểu về hành trình hoạt động nhiếp ảnh nghệ thuật của anh, anh sẵn sàng giành nhiều thời gian trò chuyện với tôi.

Mở đầu câu chuyện tôi hỏi: “Hoàng An bén duyên với nghệ thuật nhiếp ảnh từ bao giờ ?”. Anh cười: “Dễ cũng đã hơn 10 năm rồi”. Trước ngày vào làng ảnh, anh đã từng là người lính. Năm 1989, tốt nghiệp phổ thông cấp 2-3 Lệ Ninh (nay là THPT Hoàng Hoa Thám). Năm 1990 Hoàng An lên đường nhập ngũ. Anh được biên chế vào trung đoàn 31, sư đoàn 309, quân đoàn 4 làm lính thông tin. Hết nghĩa vụ quân sự, cuối năm 1992 anh ra quân. Khi người lính trở về làng quê, biết bao trăn trở về sự chọn lựa nghề nghiệp để mưu sinh. Với trái tim của một chàng thanh niên giàu khát vọng lý tưởng, dễ rung động trước vẻ đẹp của quê hương đất nước, anh đã chọn nghề nhiếp ảnh như một định mệnh.  Người hướng Hoàng An vào nghề ảnh, không ai khác chính là Văn Báu – Hội viên Nhiếp ảnh Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình – bố vợ của anh.

Trong buổi ban đầu bỡ ngỡ bước vào nghề ảnh, Báo Quảng Bình là nơi đầu tiên đăng tải tác phẩm của anh. Năm 1999, lần đầu tiên có ảnh đăng báo Quảng Bình, cảm xúc trong anh không thể diễn tả bằng lời. Năm 2002, bức ảnh: “Dệt thép” của Hoàng An đã giành được giải Nhì Cuộc thi không có giải nhất đề tài “Quê Hương – Đất nước – Con người Quảng Bình” do Báo Quảng Bình tổ chức.  Đây được coi là cuộc “trình làng” đầy cảm xúc khi bắt tay vào sáng tác ảnh nghệ thuật. Kể từ đó là một cuộc hành trình bền bỉ, vượt qua biết bao gian khổ, học hỏi nhiều thầy giáo nhiều đồng nghiệp… để anh có được như hôm nay. Anh cho biết: “Tôi luôn biết ơn các thầy giáo, bạn bè đồng nghiệp đã giúp đỡ tôi trong suốt chặng đường gắn bó với nhiếp ảnh nghệ thuật. Tôi được học lớp nghiệp vụ sáng tác ảnh nghệ thuật đầu tiên do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức tại Nghệ An vào năm 2006. Trước đó vào năm 2003, tôi đã cùng nghệ sĩ nhiếp ảnh Thành Vương ra Vinh, vào Đà nẳng, Quảng Trị… học ảnh kỹ thuật số. Bên cạnh đó các nhà nhiếp ảnh giàu kinh nghiệm ở quê hương Quảng Bình và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã  giúp đỡ, cho một số tài liệu về nhiếp ảnh nghệ thuật. Nhờ vậy tôi say mê nhiếp ảnh”.

Theo số lượng thống kê chưa đầy đủ, từ khi bén duyên với nhiếp ảnh nghệ thuật đến nay Hoàng An đã có trên 100 tác phẩm  ảnh nghệ thuật được công bố, trong đó có hơn 20 giải thưởng. Đặc biệt từ 2006 đến nay, năm nào anh cũng có giải thưởng.

NSNA Hoàng An kể, trong những tác phẩm của mình,  tác phẩm: “Tung cánh” đưa đến cho anh nhiều ấn tượng khó quên. Trong một lần săn ảnh tại giải vô địch bơi lặn các nhóm tuổi trẻ toàn quốc do Quảng Bình đăng cai năm 2012, anh đã chớp được một khoảng khắc vận động viên đội mũ có ngôi sao vàng năm cánh và anh đặt tên tác phẩm là: “Tung cánh”. Đây được xem là dấu ấn đáng nhớ trong hành trình đến với nghệ thuật nhiếp ảnh của Hoàng An. Tác phẩm này đã nhận nhiều giải thưởng tại các kỳ triển lãm trong nước và quốc tế, đặc biệt tác phẩm này đã vượt qua hơn 7000 tác phẩm khác để cùng với 261 tác phẩm được chọn trưng bày triển lãm toàn Quốc lần thứ 26 năm 2012 do Bộ Văn hóa, thể thao & Du lịch  và Hội NSNA Việt Nam phối hợp tổ chức.

Trên con đường phấn đấu trở thành một nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hoàng An đã tạo được phong cách riêng với niềm say mê sáng tạo đáng ghi nhận ở một nghệ sĩ trẻ. Thuận lợi cho Hoàng An trên bước đường trải nghiệm với nhiếp ảnh nghệ thuật chính là vẻ đẹp tiềm ẩn của mãnh đất quê hương Quảng Bình. Trong những tác phẩm nhiếp ảnh phong cảnh anh muốn thể nghiệm hướng đi riêng.  Anh tự hào vì quê hương Quảng Bình có Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng; nhiều danh lam thắng cảnh như núi Thần Đinh, Đá Nhảy và biết bao vẽ đẹp khó nơi nào có được. Gần đây nhất qua ống kính Hoàng An đã thể nghiệm các tác phẩm về đề tài du lịch, thể thao, văn hóa và lễ hội khá thành công. Hoàng An quan niệm: “Để trở thành một nhiếp ảnh gia, trước hết phải có niềm đam mê bộ môn nghệ thuật này. Đây chính là động lực thôi thúc người cầm máy liên tục tìm tòi, khám phá và dấn thân… Trong khoảnh khắc bấm máy người nghệ sĩ có thể trình bày một quan điểm, một thái độ sống, cao hơn thế là một triết lý”…

Mùa xuân 2013 đang đến với nghệ sĩ Hoàng An với biết bao niềm vui và dự cảm mới. Qua cuộc trò chuyện đầu xuân tôi cảm nhận còn nhiều khát vọng sáng tạo ở người nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ Hoàng An. Hoàng An đang tự thấy tất cả những gì đã đạt được trong quá khứ chỉ là bước khởi đầu cho hành trang phía trước của đời anh. Ước mơ phía trước của người nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ Hoàng An còn nhiều lắm. Nhân dịp đầu xuân, chúc cho anh gặt hái được nhiều thành công trên bước đường cống hiến cho nghệ thuật nhiếp ảnh.

Một số tác phẩm của NSNA Hoàng An:

 
 
 
 
 
 
 

 

 

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button