Tin tức chung

Trao đổi về tác phẩm “Học đánh chiêng”

Quả thật, khi nói đến Văn hóa Cồng chiêng là chúng ta đã chạm đến cả một chiều sâu văn hóa đồ sộ, phong phú đầy bản sắc… đồng hành với lịch sử hình thành, phát triển của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số cùng chung sống trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà UNESCO công nhận không gian văn hóa Cồng chiêng Tây nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu của nhân loại. Hiện nay, các nhà khoa học xã hội nhân văn, các nhà nghiên cứu văn hóa trong nước và thế giới đã và đang không ngừng tìm hiểu, sưu tầm nhằm có biện pháp bảo tồn và phát triển.Trong bài viết hạn hẹp này, tôi chỉ mong muốn làm rõ hơn một vài khía cạnh rất nhỏ trong đó, mà có thể chúng ta chưa hiểu rõ hoặc hiểu sai về nó.

Để khỏi suy diễn theo cảm tính, tôi đã tìm đến xin ý kiến của Nhà nghiên cứu – sưu tầm – chế tác nhạc cụ Tây nguyên: NSƯT Vũ Lân, hiện đang sinh sống và làm việc tại Đăk Lăk. Theo ông, nét đặc trưng trong diễn tấu ChingKnak của người Ê Đê trong đó duy nhất chiếc chiêng MĐu bao giờ cũng úp xuống, thậm chí người đánh chiêng còn dùng tấm mền kê bên dưới chiêng và bàn tay chặn sát núm chiêng, để âm thanh của chiêng ngắt tiếng, đục tiếng, với tiết tấu rất nhanh. Chiêng MĐu là chiếc chiêng cầm trịch, giữ nhịp cho toàn bộ các bài chiêng khi diễn tấu (xem ảnh minh họa).Chứ không phải như Nhà báo – NSNA Dương Thanh Xuân ở Phú Yên đã viết là: Người Tây nguyên không ai đem úp chiêng xuống mà đánh như thế! Đánh như thế chiêng chỉ có kêu ộp ộp, cạch cạch chứ không ngân dài và vang xa.!. Và đương nhiên là khi úp chiêng xuống nghệ nhân phải đánh thẳng hoặc chéo từ trên xuống… Không như ông Dương Thanh Xuân đã viết: Xem lại ở chỗ ông đã truyền nghề cho cháu sai phương pháp. Đánh chiêng phải đánh ngang chứ ai lại từ trên gõ xuống. Đánh như thế chỉ có đánh trống. Không ai đánh chiêng như thế.! (xem ảnh minh họa ta lại thấy khi đánh trống lại phải đánh ngang đấy!)

Xin thưa với Nhà báo – NSNA Dương Thanh Xuân rằng: người Ê Đê MDhur ở Phú Yên (nơi ông đang sinh sống và công tác), khi diễn tấu chiêng cũng úp chiếc MĐu xuống mà đánh như thế.

Thứ hai, ông Dương Thanh Xuân đã viết: Đi dự nhiều lễ hội cồng chiêng, người viết thường thấy các chàng trai đánh chiêng, còn các cô gái thì áo váy đẹp đẽ, chân tay nhịp nhàng lượn theo vòng xoang. Chưa thấy ở đâu, dân tộc nào các cô gái xách chiêng đánh cả. Xã hội và lễ hội đã “qui hoạch” như thế, việc truyền nghề đánh chiêng cho cháu gái trong bức ảnh này có điều gì đó không bình thường.

Thực tế, ở Tây nguyên có nhiều tộc người chỉ có nam giới đánh chiêng, nhưng cũng có những tộc người phụ nữ cũng tham gia diễn tấu chiêng. Đặc biệt là các nhóm người M Nông phía Nam khi diễn tấu bộ chiêng Chưng Bor. Cá biệt bộ Ching Jhô của người Ê Đê Bih lại chỉ dành riêng cho phụ nữ.

Để minh chứng cho việc một số tộc người Tây nguyên như M Nông, Ê Đê Bih phụ nữ cũng tham gia diễn tấu cồng chiêng, xin đăng kèm những bứa ảnh tư liệu tôi đã sưu tầm được.

Việc hướng dẫn cho thiếu nhi các dân tộc Tây Nguyên học diễn tấu chiêng trong nhiều năm qua, không thiếu những bé gái cũng ham mê nhạc cụ truyền thống này. Chúng ta không nên ngăn cản lòng yêu thích ấy của các em các cháu. Việc những lớp học đánh chiêng xuất hiện những bé gái là tín hiệu đáng mừng. Còn việc các bé gái ấy có tham gia diễn tấu cồng chiêng trong các lễ hội truyền thống lại là vấn đề khác.

Dù sao tôi cũng xin cám ơn Nhà báo – NSNA Dương Thanh Xuân ở Phú Yên đã tạo cho chúng ta có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về văn hóa bản địa nơi ta đang sinh sống. Làm cho chúng ta thấy phải có trách nhiệm hơn khi thể hiện tác phẩm ảnh nghệ thuật của mình (nhất là tác phẩm đó chạm đến lĩnh vực văn hóa). Và chúng ta cũng cần phải có trách nhiệm nhiều hơn nữa khi phê phán, đánh giá một tác phẩm.

Vấn đề còn lại ở đây là: Chúng ta phải luôn luôn trau dồi học hỏi thêm, hoàn thiện mình hơn, cố gắng hơn nữa để có được nhiều tác phẩm đẹp, chất lượng. Có vậy chúng ta sẽ hạnh phúc hơn với đam mê của mình.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button