Trần Vĩnh Nghĩa – tay săn ảnh tài hoa xứ biển
Ban đầu chỉ nghĩ đó là kế sinh nhai, nhưng rồi sau 8 năm vừa học, vừa bươn trải, anh mới ngộ ra những yếu tố để làm nên một nghiệp lớn. Trần Vĩnh Nghĩa quyết định trở về quê, nguyện sống chết với mảnh đất Bình Thuận tràn ngập nắng gió, sóng biển và… cát.
Sau khi về Phan Thiết, Trần Vĩnh Nghĩa lập một Câu lạc bộ Nhiếp ảnh, rồi cùng anh em lang thang khắp mọi nẻo đường để tìm ra những khoảnh khắc kỳ diệu nhất của cuộc sống. May sao, sau 6 năm miệt mài đi tìm, Trần Vĩnh Nghĩa đã có cái khoảnh khắc ấy. Đó là tia chớp lóe lên sau cái khoảnh khắc “Vui được mùa”. Sự truyền cảm mạnh của bức ảnh đã đưa Trần Vĩnh Nghĩa đến với giải Nhất của cuộc thi ảnh đầu tiên của Hội Văn nghệ tỉnh Bình Thuận năm 1994. Cũng trong năm đó, “Vui được mùa” được trao thêm giải thưởng của Hội Nhiếp ảnh Việt Nam.
Xuất phát là con nhà nông, Trần Vĩnh Nghĩa luôn đau đáu hướng tới những hình ảnh người lao động. Thành công của tác phẩm “Vui được mùa” là một sự khẳng định để anh tự tin đi tiếp con đường sáng tạo mà mình lựa chọn.
Một lần, Trần Vĩnh Nghĩa cùng một số đồng nghiệp đi săn ảnh ở những cánh đồng muối. Sau một ngày hun mình trong một “chảo lửa” cùng với các diêm dân, họ đã chụp được nhiều kiểu ảnh. Nhưng khi xem lại, ai nấy đều buồn vì tất cả các bức ảnh đều mô tả một cánh đồng muối na ná nhau, cùng một cái nắng, cái dáng người với những gánh muối; cùng ánh mắt sau vành nón và những giọt mồ hôi nhỏ xuống ruộng muối. Những bức ảnh chưa lột tả hết sự cơ cực và nỗi niềm thầm kín của các diêm dân. Trần Vĩnh Nghĩa nung nấu suốt ngày đêm về điều đó. Hình ảnh những vệt cào muối của người lao động như những sợi ánh sáng gợi mở trong anh một ý tưởng. Thì ra, trong nghề làm muối, việc cào muối, vun thành đống là nặng nhọc nhất và thể hiện sự nhẫn nại cũng như vẻ đẹp đắng đót nhất của các diêm dân.
Một đêm nọ, bất chợt những vệt cào muối ấy hiện lên trong giấc mơ của Trần Vĩnh Nghĩa. Chúng tạo thành những quầng trắng kết thành những cánh hoa biển thật kỳ ảo. Anh vùng dậy, khoác ba lô lên đường. Như trong cơn mộng du, anh đi về phía cánh đồng muối và chờ đợi những tia nắng đầu tiên.
Như có sự “mách bảo” từ bông hoa muối ấy mà anh lặn lội đi tìm và rồi cuối cùng thuê được một người lái cần cẩu đưa anh lên cao quan sát. Đợi cho cái nắng vừa độ chín, anh chỉnh máy chụp phim đen trắng cho hiện lên những vệt muối dài, đến khi chúng tạo thành những cánh hoa trắng; tất cả đều hướng về trung tâm ảnh là một diêm dân đang cào muối. Khi hình tượng đã sắp xếp đúng như ý tưởng nung nấu trong đầu Trần Vĩnh Nghĩa, tận dụng triệt để khoảnh khắc trời cho ấy, anh bấm máy.
Hàng chục cuộn phim đã hết, nhưng hình ảnh bông hoa muối với người nông dân hiện lên như một sự ám ảnh kỳ lạ. Trong đầu Trần Vĩnh Nghĩa bỗng vút lên một cái tên: “Biển kết hoa”. Phải rồi, đây sẽ là cái tên anh đặt cho chùm ảnh của mình. Anh hiểu rằng anh đã tìm ra một bông hoa lạ nhất của biển, đó là bông hoa muối trắng tinh – một vẻ đẹp trong trẻo của những giọt mồ hôi mà những người diêm dân đổ xuống, đổi lấy những hạt muối nghĩa tình cho nhân gian.
Trời chẳng phụ người, bức ảnh “Biển kết hoa” của Trần Vĩnh Nghĩa đã đoạt giải Nhất cuộc thi ảnh quốc tế lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam (năm 1996), với 997 tác giả cùng 4.042 tác phẩm tham gia. Với Huy chương vàng FIAP, ai cũng khẳng định đó chính là khoảnh khắc bay bổng nhất, đầy sáng tạo của nghệ sĩ nhiếp ảnh tài ba Trần Vĩnh Nghĩa.
Sau 15 năm thăng trầm kể từ ngày “Biển kết hoa”, Trần Vĩnh Nghĩa đã trở thành Phân hội trưởng Phân hội Nhiếp ảnh Bình Thuận, đã đoạt được danh hiệu Nghệ sĩ xuất sắc của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (E.FIAP) và của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (E.VAPA). Trong 15 năm ấy, anh có thêm nhiều tác phẩm ảnh đẹp khác như: “Vệt nắng chiều”, “Vui trong gió mới”, “Dáng biển”, “Trên đường về”, “Nốt nhạc tuổi thơ”… Tính tới nay, anh đã có tới 70 giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế.
Năm 2005, Trần Vĩnh Nghĩa được mời tham gia vai chính cho bộ phim “Sự nhọc nhằn của cát”. Anh đóng vai một người chụp ảnh trên quê hương mình, và cũng là người kể những câu chuyện chung quanh hạt cát. Bởi lẽ quê hương anh là thánh địa của cát cùng biển mặn. Nhân vật trong phim kể những sự nhọc nhằn của con người khi họ phải lao động trên cát và sống với cát ra sao. Nhân vật vừa kể chuyện vừa chụp ảnh. Những tác phẩm của anh hiện lên như khắc họa cho những thân phận và vẻ đẹp tuyệt vời của cát xuất hiện trên màn hình. Bộ phim đã được Huy chương Bạc tại Liên hoan phim Tài liệu Khoa học, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của diễn viên – nhiếp ảnh gia Trần Vĩnh Nghĩa.
Chuyện cũ Trần Vĩnh Nghĩa không muốn nhắc lại, nhưng đây quả thực là chuyện đáng nói: Năm 2011 vừa qua, anh trở lại với làng chài Phú Hải. Tại đây, anh tiếp tục những ngày tháng cặm cụi đi tìm ánh sáng của niềm vui và sự đấu tranh khốc liệt của người dân miền biển với bão tố phong ba. Bước sang tuổi “Ngũ thập tri thiên mệnh”, anh luôn mong ước được chia sẻ với mọi người. Lại những ngày đêm đây đó tiếp xúc với ngư dân. Rồi thật lạ lùng, vào một buổi sáng, khi những con thuyền đánh cá trở về, Trần Vĩnh Nghĩa có niềm vui như cá gặp nước vậy. Anh chạy ào xuống biển. Như có tâm linh mách bảo, anh chui qua tấm lưới mà những ngư dân đang gỡ cá còn mắc lại. Anh giật mình khi thấy một chùm ánh sáng màu đỏ rọi xuống như trời cho vậy. Cùng với đó là những nụ cười của các ngư dân, rồi những mắt lưới như bắt được những sắc mầu kỳ lạ của mặt trời làm say đắm lòng người. Anh chớp liên tục những khoảnh khắc kỳ lạ ấy như một kẻ ăn mày vớ được vàng. Bất ngờ anh bị tụt xuống một khoảnh cát lở dưới biển. Cái máy ảnh rơi tõm xuống nước. Anh vội vớt lên, may mà giữ được cuộn phim, còn hệ thống ống kính của máy coi như vứt bỏ vì nước biển.
Tính về tiền thì lỗ tới hàng chục triệu đồng; nhưng trời có mắt, trong cuộn phim đó có một tấm ảnh mang tên “Công việc thường ngày”. Tấm ảnh đã “đền bù” cho anh thỏa đáng khi nó giành được giải nhất trong cuộc thi ảnh quốc tế với chủ đề “Chúng ta có thể chấm dứt đói nghèo” do Công ty Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) kết hợp với Quỹ thuộc AFP của Pháp và Tổng Công ty OLYMPIUS tổ chức (năm 2010). Vượt qua 1.400 nghệ sĩ nhiếp ảnh dự thi với hơn 3.000 tác phẩm, Trần Vĩnh Nghĩa trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh người Việt duy nhất được mời sang Mỹ để nhận giải. Ở đây, ngoài chi phí ăn ở, đi lại, Ban Tổ chức cuộc thi ảnh đã trao tặng cho anh một máy ảnh OLYMPIUS, như một món quà bất ngờ “đền bù” cho chiếc máy ảnh đã bị hỏng khi anh đánh rơi xuống biển. Có một điều lý thú nữa mà anh rất muốn tâm sự với bạn bè: Đó là món quà thưởng được trao đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 50 của anh, trùng với tuổi thành lập của Hãng máy ảnh OLYMPIUS – nhà đồng tổ chức và tài trợ cho cuộc thi.