Tin tức chung

Thời gian qua ống kính Lê Châu Đạo

Tôi gặp anh lần này tại nhà riêng. Mấy năm rồi nhưng anh vẫn giống như lần gặp đầu tiên; vui vẻ, vồn vã trò chuyện không ngừng. Giữa buổi chiều cuối thu có gió biển Tuy An thổi từng cơn mát lạnh, tôi nhận ra ở con người anh có chút gì rất thân mật, dễ gần như chính những tác phẩm của anh vậy. Anh chính là Lê Châu Đạo, một tay máy vừa mới phất lên trong làng ảnh Phú Yên và cả nước trong những năm gần đây.

Anh kể lại: ‘Trước đây gần 10 năm tôi còn là một tay nhà nông chuyên nghiệp, quanh năm chơi với cây lúa ruộng đồng, có khi nào nghĩ đến nghệ thuật đâu…’. Nhưng có lẽ cũng bắt nguồn từ sự chân chất của đồng quê cộng với tính chịu khó học hỏi và lòng đam mê mà anh đã bước chân vào con đường nghệ thuật.

Bức ảnh ‘Hoàng hôn cầu Ngân Sơn’ được chọn triển lãm ảnh xuân Phú Yên là một khởi điểm sáng, tạo điều kiện cho tay máy còn non trẻ này đến với bước đường thành công. Năm 1999, tác phẩm ‘Rạng đông đầm Ô Loan’ vào chung khảo 9 tỉnh miền Trung Tây nguyên tiếp tục thôi thúc anh không ngừng sáng tác. Riêng năm 2000, anh rinh về cho mình 6 giải, trong đó có một giải nhất ở tạp chí Ánh sáng đẹp, cũng trong năm này Lê Châu Đạo được kết nạp vào Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Yên. Từ đó về sau, hầu như năm nào tác giả gốc nhà nông này cũng được mùa bội thu về giải thưởng. Đáng mừng hơn nữa là năm 2004 tác phẩm ‘Về bến’ được nhận bằng danh dự VAFA tại triển lãm ảnh quốc tế. Tháng 12-2004 anh vinh dự được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, nâng số lượng thành viên ở tỉnh Phú Yên lên 3 người. Tiếp sau đó bức ảnh ‘Công việc thầm lặng’ được dự triển lãm tại Hồng Kông năm 2005 (YMCA), được nhận bằng danh dự FIAP. Sau đó liền 14 bức ảnh được dự triển lãm quốc tế do FIAP hỗ trợ. Tháng 5-2006, anh mang về chiếc Huy chương vàng FIAP đầu tiên trong cuộc thi Ảnh nghệ thuật Hồng Kông lần thứ 39 – E.A2006 do FIAP và PSA bảo trợ. Đó là bức ảnh ‘Một sớm trên sông’. Được biết ban tổ chức cuộc thi chỉ trao 1 Huy chương vàng FIAP, 1 Huy chương bạc của PSA và 6 bằng danh dự PSA. Cùng với giải thưởng lớn lao đó, trong năm này anh đạt 1 Huy chương cuộc thi ảnh ở Ma Cao lần 15, 1 Huy chương đồng Hồng Kông lần 14, 2 bằng danh dự Hàn Quốc và được tổ chức WOHO của Mỹ trao giải thưởng với thể loại ảnh màu. Năm 2007 anh có nhiều giải thưởng, song đáng chú ý nhất là đầu tháng 10 này, anh đạt huy chương vàng tại Singapore với tác phẩm ‘Thời gian số 4’. Trong cuộc thi ảnh màu lần 5 tổ chức tại Hồng Kông anh đạt huy chương bộ ảnh xuất sắc nhất cuộc thi dành cho người nước ngoài với 4 tác phẩm: Thời gian số 4, Thời gian số 2, Chiều về, Bước ngặt. Trước đó năm 2005 giải thưởng vinh dự này được trao cho tác giả người Australia gốc Việt Khưu Kiến Long, và năm 2006 trao cho một tác giả người Trung Quốc thì năm này lại thuộc về một tác giả người Việt Nam, đây là một thành công lớn trong quãng đời cầm máy của anh.

Ngoài số lượng giải thưởng đáng kể, Lê Châu Đạo còn góp mặt trong nhiều bộ sưu tập ảnh nổi tiếng trong và ngoài nước. Đến nay, anh đã là hội viên của Liên đoàn Nhiếp ảnh thế giới FIAP. Theo nhận xét của nhiều đồng nghiệp, hành trình ‘khởi nghiệp’ của anh vừa nhanh lại vừa chắc, chỉ trong một thời gian ngắn anh đã gây được tiếng vang lớn và khẳng định được vị trí cũng như phong cách cho riêng mình.

– Xin hỏi, cơ duyên nào đã đưa anh đến với ảnh nghệ thuật?

– Cách đây vừa tròn 10 năm, tôi được một người chị mua cho một cái máy ảnh hiệu Canon AE1 để chụp chơi. Mỗi lần đi rọi ảnh, tôi thấy ảnh của các anh em khác đẹp quá, tôi tò mò hỏi thăm và học ở họ nhiều điều. Thế là cái máy chụp chơi nhỏ nhỏ của tôi đã chuyển dần sang phương tiện kiếm sống. Lúc bấy giờ tôi cũng nghiện ảnh lắm nên phải đặt mua tờ tạp chí Ánh sáng đẹp để nhiền ngẫm, và lần đầu tiên tôi tham gia ảnh dự thi lại được giải nhất, từ đó tôi có đà và đến với ảnh nghệ thuật hết sức tình cờ.

– Từ một người ‘tay ngang’ rồi đến vời nghệ thuật tình cờ, vậy anh cho biết đâu là khó khăn trên con đường ‘tác nghiệp’ của mình?

– Tôi không được vào những nơi quan trọng để tiếp xúc với những đề tài công nghiệp vì không có ‘thẻ thông hành’ như những anh em làm ở cơ quan truyền thông khác, cho nên tôi phải tự động săn ảnh ở bên ngoài. Theo tôi đây là cái khó. Bên cạnh đó, chơi ảnh nghệ thuật đòi hỏi phải có thời gian và kinh tế, tôi thì thời gian là tỷ phú còn kinh tế thì… biết rồi đó, cười.

– Anh nghĩ gì về thành tích của mình, có dự định gì cho phía trước không?

– Tính đến nay tôi đã đạt được gần trọn 30 giải thưởng trong và ngoài nước, trong thời gian ngắn chưa đầy 10 năm như vậy tôi cũng cảm thấy tự hào về thành tích của mình, nhất là những khoảnh khắc tôi cảm nhận được và ghi vào ống kính. Tuy nhiên tôi còn phải học hỏi nhiều hơn nữa. Ước ao lớn nhất của tôi là làm sao từ nay đến năm 2010 tôi sẽ có một đợt triển lãm ảnh riêng tại tỉnh nhà nhưng không có kinh phí, tôi mong có một nhà tài trợ nào đó để tôi thực hiện nguyện vọng của mình vì mục đích nghệ thuật. Tôi vẫn tiếp tục sáng tác nhưng không lấy mục tiêu giải thưởng để làm đầu, tôi sáng tác là vì cái đẹp, vì lòng đam mê của mình.

– Như anh đã nói, cái khó trong nghề của anh là không được tiếp cận với những nơi có tính chất công sở, gần đây anh thường chơi với những người bạn ngoài tỉnh với mong muốn giao lưu học hỏi, vậy đề tài chủ yếu trong sáng tác của anh là gì?

– Tôi chỉ tập trung đề tài về đồng quê. Những bức ảnh được giải của tôi trước đây chủ yếu là cảnh về đất nước con người Phú Yên. Đó là hình khối triệu năm dưới gành Đá Đĩa, những cánh buồm no gió trên sông Đà Rằng, Cói Ô Loan, hay những buổi mai của ngư dân quê tôi… nhưng gần đây tôi cảm thấy đề tài ở quê mình không còn mới nữa, tôi phải lặn lội đến các tỉnh bạn như Ninh Thuận, Gia Lai… Và bộ ảnh tôi vừa được giải gần đây chính là kết quả của những lần đi sáng tác đó.

– Trong thời buổi kinh tế thị trường, người người tập trung làm kinh tế mà anh vẫn dành thời gian theo đuổi nghệ thuật, vậy ‘nghề’ của anh có ảnh hưởng gì đến kinh tế gia đình?

– Tôi đi riết bà xã cũng la. Với lại, nhờ ảnh nghệ thuật mà tôi cũng có chút tiếng thơm với láng giềng, từ đó tôi làm dịch vụ cũng được. Ngược lại, nhờ làm dịch vụ mà tôi có điều kiện để chơi ảnh nghệ thuật. Nói chung lấy ngắn nuôi dài ấy mà, rồi lâu lâu có người gọi đi chụp dịch vụ xa nhà tôi cũng không chối từ.

– Xin cảm ơn anh.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button