Rút kinh nghiệm từ Liên hoan ảnh Khu vực Đồng bằng Sông Hồng 2014
Bình tâm nhìn lại, đánh giá cho đúng, điều sai thì nên sửa, tiếp thu mặt tích cực là điều cần làm. Hội NSNAVN hơn ai hết, cần lắng nghe những sáng kiến hay, mang tính xây dựng từ nhiều phía, nhất là của hội viên các tỉnh.
Xin được nhắc lại, Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực đầu tiên là tại Đồng bằng sông Cửu Long năm 1986 do sáng kiến của cố NSNA Lâm Tấn Tài, khi đó là Phó Tổng thư ký Hội NSNAVN khoá III. Liên hoan đã đem lại nhiều thành công, các nghệ sĩ nhiếp ảnh như có thêm “chất men” trong sáng tác. Từ đó, liên hoan ảnh nghệ thuật các khu vực lan ra trên toàn quốc. Phong chào chụp ảnh nở rộ, đã lôi cuốn, thúc đẩy nghệ sĩ sáng tác hăng say, tăng nhanh về số lượng hội viên. Hội NSNAVN cũng đã phát hiện ở đây nhiều tay máy, nhân tố tài năng mới, nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao về nội dung, tư tưởng đọng lại trong tâm trí người xem mãi tận sau này. Ảnh nghệ thuật không chỉ là hình thức chơi ánh sáng, bố cục, mà chính nội dung tư tưởng ảnh mới làm cho tác phẩm sống mãi với thời gian.
Nhìn lại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng năm 2014 thấy còn nhiều điều phải rút kinh nghiệm về công tác giám khảo. Bằng chứng, vẫn có những bức ảnh dùng phần mềm chuyên dụng chỉnh sửa, cắt ghép phi thực tế, cả đến “nhân bản” người trong ảnh, mà giám khảo vẫn không nhận ra, nhiều tác phẩm chụp còn theo lối mòn thiếu tính phát hiện, tư duy còn nghèo nàn, dàn dựng lộ liễu vẫn được chọn để triển lãm, thậm chí đoạt giải cao …
Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng đang đến gần. Thiết nghĩ hội NSNA VN cần có những đánh giá, nhìn nhận lại những gì chưa tốt của cuộc liên hoan trước để tìm hướng đi mới, nhằm tạo sự bứt phá đem lại thành công cho kỳ liên hoan này. Đó cũng là điều mong chờ của nhiều tác giả trong khu vư vực.
Là một hội viên, xin được nêu ra đây một vài ý sáng kiến nhỏ, mong được hội NSNAVN tham khảo.
1. Hội đồng nghệ thuật cần có những chế tài với những giám khảo chọn sai, chấm sai nhất là với những ảnh đoạt giải. Có thể tước quyền làm giám khảo từ các cuộc thi sau.
2. Có thể lựa chọn, đưa những tác giả đoạt Huy chương Vàng năm trước, bổ sung vào Hội đồng Giám khảo khu vực năm sau. Đây cũng là hình thức bồi dưỡng giám khảo cho các cuộc thi sau này. Dẫu sao họ chính là những tay máy hiểu rõ hơn ai hết về công việc sáng tác, làm nên tác phẩm.
3. Hội đồng Giám khảo cần có những nhà lý luận phê bình, để giải đáp mọi thắc mắc với những tác giả, khi xảy ra những ý kiến chưa đồng quan điểm.
Có thể nói, sự lạc quan của các tác giả tham dự liên hoan là rất lớn. Họ hăng say sáng tác; họ mong đợi tới các cuộc thi, kỳ liên hoan để tham gia. Trong kỳ Liên hoan khu vực năm nay, người dự thi mong đợi có những thành viên giám khảo thực sự có trình độ, công tâm khi đánh giá tác phẩm ảnh của họ. Tôi tin rằng chỉ có như vậy các cuộc thi ảnh nói chung, các kỳ liên hoan ảnh nghệ thuật nói riêng mới thành công tốt đẹp.