Phát triển và nhận thức nhiếp ảnh trong thời kỳ hội nhập
Một hướng mở mới của nhiếp ảnh đương đại
Vai trò của văn hóa (văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần), đặc biệt là văn hóa nghe – nhìn có tác dụng gì đối với sự hình thành đời sống tâm lý của mỗi con người trong giai đoạn thống soái của khoa học kỹ thuật nửa thập niên đầu thế kỷ XXI?
Ông bà ta nói: “Trăm nghe không bằng một thấy” để khẳng định tầm mức quan trọng của yếu tố “thị giác”. Thế nhưng trong thực tế cuộc sống hiện đại, nhìn mà không nghe hoặc nghe mà không nhìn cũng dễ xảy ra những phiền toái – sai lệch khó lường! Chỉ khi nào mắt thấy – tai nghe mới khẳng định được tính xác thực của sự việc. Năm 2005, nữ hoạ sĩ – nhiếp ảnh người Pháp Sandrine Ilouquet đã trình diễn với số ít thân hữu ở Quỳnh Gallery – Thành phố Hồ Chí Minh – một hiệu ứng mới của nghệ thuật nhiếp ảnh, tạm gọi là trình diễn ảnh & nhạc (Photo – Music). Tiêu đề của triển lãm lấy từ câu cảm thán quen thuộc của người Việt Nam: “Trời ơi”. Tính từ này thường được thốt ra trong những tình huống ngoài tầm kiểm soát của tình cảm: rất thất vọng, mất tinh thần, ngạc nhiên hay quá vui mừng. Các bức ảnh được treo trên tường kèm theo các phim slide được chiếu trên khung vải và những âm thanh đủ loại ghi thực từ nguyên si đời sống liên tục được phát ra từ phần mềm theo một “tổng phổ” định sẵn đã tạo ra nhưng hiệu quả mới lạ so với những triển lãm ảnh truyền thống. Sự hoà điệu giữa ảnh và âm thanh được đan vào nhau chặt chẽ tựa như lời thoại trong phim là hiệu ứng tăng thêm sức mạnh nghệ thuật trong hình tượng: nhịp điệu cảm xúc được tạo nên qua những dao động giữa cảm giác bồn chồn và thoải mái, u sầu và lạc quan, và cứ thế được lặp đi lặp lại trong suốt buổi diễn, hơn thế nữa tác phẩm của cô còn là những giao tiếp của các cảm xúc giữa hai đối cực là cuộc sống và cái chết để cảnh cáo người xem về thói hoang phí thời gian trong một đời người. Hẳn còn nhiều điều phải đặt ra về loài hình triển lãm “thị giác – thính giác” này nhưng đó cũng là một trong nhiều hướng phát triển cách tân của nhiếp ảnh đương đại? Việc sử dụng thêm âm thanh lồng tiếng với ảnh có làm mất đi yếu tố “không lời” – vốn là một trong những đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ nhiếp ảnh? Liệu trong tương lai các nghệ sĩ chúng ta có thể ứng dụng để làm phong phú hơn cho hoạt động triển lãm ảnh? Mở thêm một hướng đi cho hoạt động nhiếp ảnh tương lai? Cập nhật, khai phá những phương pháp biểu cảm sáng tạo mới, đây là sự đòi hỏi rất cao đối với những người có tâm huyết với nghề. Hơn cả sự đòi hỏi, đó còn là sự “thách đố”. Tất nhiên, những nỗ lực tiếp thu cái mới ấy phải hướng tới mục đích cao cả: vì sự phát triển của một nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn nghệ của nhân dân.
Chọn tên chủ đề cho triển lãm ảnh và sách ảnh
Mới đây, tôi được tiếp xúc với một bậc đàn anh trong làng ảnh ngỏ ý băn khoăn cho việc chọn tên cho cuộc triển lãm ảnh cá nhân. Những cuộc triển lãm ảnh và trưng bày giới thiệu sách ảnh có vai trò rất quan trọng trong việc đưa các ấn phẩm đến với người xem cũng như có tác dụng xây dựng uy tín cho tác giả. Nếu trong quá khứ chỉ có một đến hai cuộc triển lãm ảnh mỗi năm thì ngày nay cơ hội quảng bá ảnh và tham quan đã mở ra rất nhiều bao gồm: triển lãm ảnh quốc tế, triển lãm ảnh đi kèm với hội thảo, những triển lãm ảnh đường phố, những triển lãm ảnh mini trong khách sạn, những triển lãm ảnh ăn theo những sự kiện quan trọng trong các ngành khác… Việc chọn tên chủ đề cho một cuộc triển lãm hay sách ảnh quả cũng làm đau đầu không ít tác giả bởi chọn một chủ đề cho triển lãm chính là làm giấy khai sinh cho đứa con tinh thần trước khi vào đời giao tiếp với cộng đồng xã hội. Đôi khi chỉ vì một cái tên được chọn thiếu cẩn trọng lại có ảnh hưởng không hay cho một triển lãm có chất lượng tốt. Việc chọn tên cho một triển lãm ảnh hay sách ảnh thường không mang tính khoa học. Hầu hết các tác giả chỉ chú tâm vào chất lượng ảnh triển lãm, việc đặt tên là công việc giải quyết sau cùng.
Từ thực tiễn thu nhập qua các triển lãm ảnh có thể tạm phân chia thành một trong các nhóm chủ đề sau:
– Lấy tên của chính tác giả: Đây là sự nhấn mạnh vào phong cách cá nhân, bày tỏ sự khẳng định vào uy tính nghề nghiệp thông qua quá trình phấn đấu lâu dài. Ví dụ như: Ảnh nghệ thuật Phạm Văn Mùi, Ảnh nghệ thuật Lê Thanh Đức… Cách chọn này đạt hiệu quả rất cao khi tác giả thực sự là một tên tuổi được trong giới và công chúng thừa nhận.
– Chọn tên theo vị trí địa lý: Vận dụng yếu tố địa lý cũng là một hướng chọn khẳng định giá trị uy tín cho triển lãm hay sách ảnh . “Việt Nam, xưa và nay” của cố nghệ sĩ Đỗ Huân, “Việt Nam, quê hương tôi” của nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đan,… là việc kết hợp xứng đáng giữa tên quốc gia và tài năng nghệ thuật. “Lai Xá – làng nghề nhiếp ảnh” của Hoàng Kim Đáng cũng là việc giới thiệu đối tượng miêu tả của ống kính trong phạm vi địa lý thu hẹp làm người xem xác định ngay được trọng tâm của sách ảnh. Nhưng sẽ thật đáng buồn nếu cái tên quốc gia lại được ghép chung với một tài năng chỉ ở mức vừa phải…!
– Dùng những từ triết lí: Cách chơi chữ có thể là sự lựa chọn của một số tác giả nhằm tạo ra những nét mới và dễ khơi gợi cảm xúc. “Những khoảnh khắc – Xuống biển, lên rừng” của Đồng Đức Thành (1995) là một cách đặt tên chủ đề triển lãm mặc dù trừu tượng nhưng hàm súc, dễ ghi nhớ.
– Dựa vào thi ca có sẵn: Chọn một câu thơ làm tiêu đề cho triển lãm ảnh hay sách ảnh nghệ thuật cũng là một phương án được nghĩ tới. Nhưng sau đó ít được chọn bởi thiếu sáng tạo.
Một số những tiêu chí khi đặt tên cho chủ đề triển lãm hay sách ảnh là:
– Tên chủ đề triển lãm hay sách ảnh phải dễ nhớ, dễ phát âm.
– Tên chủ đề cần giàu tính hình tượng, gợi cảm nơi người xem, đặc biệt là tạo điều kiện cho giới truyền thông dễ khai thác?
– Số lượng từ càng cô đọng, súc tích, càng kiệm từ càng tốt.
Tóm lại, việc đặt tên cho triển lãm hay tên sách ảnh cũng là một việc đòi hỏi phải suy nghĩ lâu dài và luôn là một đề tài bàn luận hứng thú. Việc dò tìm một cái tên phải được hình dung bằng mắt và cả bằng tai. Về khía cạnh bằng lời, ta thử hình dung chẳng hạn khi nghe qua điện thoại người tiếp nhận và cảm tưởng như thế nào? Việc hình dung bằng mắt chính là cách chọn phông chữ và cả màu sắc khi thiết kế sao cho nhã nhặn, tinh tế mà không sáo mòn! Nhưng cũng có một số thí nghiệm khoa học cho thấy một cái tên bắt não bộ phải làm việc rất căng thẳng mới nhớ và nhận biết ra được sẽ lại được lưu trữ vào bộ nhớ lâu hơn một cái tên thoạt nhiên rất dễ đọc và thuận tai. Đặt tên cho một triển lãm hay sách ảnh vẫn luôn là một đề tài bàn luận hứng thú!
Đặt tên cho ảnh nghệ thuật
Nếu không có sự cố ngoại lệ cái tên ấy sẽ vĩnh viễn gắn với ảnh theo quy trình khép kín: cuộc sống – tác giả – tác phẩm – người xem – cuộc sống. Từ những thực tế thu nhập qua các cuộc thi và triển lãm, xin được tạm tổng kết những lỗi nên tránh khi đặt tên cho ảnh như một tư liệu:
1. Tham khảo quá nhiều ý kiến: Thoạt nhiên cách làm này bắt nguồn từ tinh thần cầu tiến nhưng có một số điều “nhạy cảm” cần xét lại. Bởi cuối cùng bạn chỉ chọn ra một cái tên duy nhất nên dễ gây phật ý với những người đã nhiệt tình đóng góp mà không được sử dụng. Để tránh vấp phải chuyện tế nhị, chỉ nên tham khảo ý kiến của những người giỏi chuyên môn thật thân thiết, càng cô đọng càng tốt.
2. Sáo rỗng và khoa trương: Đây là trường hợp bức ảnh chỉ có kỹ thuật lẫn nội dung bình thường nhưng lại cố áp đặt vào một triết lí cao siêu. Việc này tựa như sính dùng chữ quá kêu đặt tên cho một sản phẩm chất lượng kém. Tên ảnh khoa trương, sáo rỗng dễ gây phản cảm cho người xem, đôi khi lại được hiểu là thiếu cẩn trọng.
3. Dài dòng và thiếu trọng tâm: một bức ảnh biểu cảm lập tức thì thu hút ngay sự chú ý không nhất thiết cần đến nhiều chữ minh hoạ – ngoại trừ ảnh báo chí cần chú thích hội đủ các thông tin cần thiết – tên ảnh quá dài khiến người xem mệt mỏi, ngại đọc bởi hình tượng mới là yếu tố quan trọng. Đọc tên ảnh quá dài còn cho thấy tác giả chưa lĩnh hội được tư tưởng chủ đề của hình tượng do chính tay mình chụp.
4. Trùng lặp và thiếu sinh khí: Dù vô tình hay cố ý, việc cầm nhầm cái tên đã thành danh của một bức ảnh đều gây ra sự nhàm chán làm giảm giá trị của ảnh…
Người xem cảm nhận được sự thiếu đầu tư trí tuệ của chủ nhân bức ảnh. Tựa như một thiếu nữ có nhan sắc đẹp nhưng khi xướng danh thì ai cũng phải ngẩn ngơ tiếc thầm vì tên quá nhạt không xứng với người!
5. Ảnh và tên chỉ là… một: Anh bạn chụp Hội An vào thời điểm ban đêm rồi đặt tên cho ảnh là: “Đêm phố cổ”!. Ở trường hợp này chữ “đêm” là thừa vì nhìn vào không gian hiện hữu ai cũng đã rõ. Một trong những nguyên tắc đặt tên ảnh khéo là không tìm cách diễn ra văn xuôi những gì người xem đã thấy. Cố gắng thoát khỏi nghĩa đen của ảnh bằng cách đọc vài tác phẩm văn học hay, vài bài thơ giàu cảm xúc… Có thể nhiều ý tưởng mới sẽ đến…
6. Đánh đố người xem: Đọc xong tên ảnh rồi nhìn vào hình tượng, suy nghĩ mãi vẫn chẳng thấy có mối quan hệ gần – xa nào! Người xem phải thốt lên: “Có sự nhầm lẫn nào chăng?” Kiểu như lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia… Bởi cùng lúc đặt tên cho nhiều ảnh. Đừng để rủi ro này xuất hiện, bởi sai một li có thể… đi một dặm.
7. Tối nghĩa và sai chính tả: Thật đáng tiếc khi điều này xảy ra, bởi tự thân tên ảnh trở thành tấm gương phản ánh phần nào thực chất bản thân tác giả. Nếu tự thấy vốn văn học còn kém thì phải cố gắng khắc phục – bởi nhà nhiếp ảnh không chỉ biết chụp giỏi mà còn biết bảo vệ ý kiến trước đồng nghiệp và trước khách hàng. Mỗi khi đặt bút viết hãy tra cứu từ điển cẩn thận, tránh viết sai ngữ pháp hay lỗi chính tả khi đánh dấu “hỏi – ngã”.
Xét cho cùng, đặt tên cho ảnh cũng chính là quá trình sáng tạo, góp phần cho sự thành công trọn vẹn của tác phẩm.
Tìm ngọc trong đá
Trước một rừng thông tin và ảnh như hiện nay. Có triển lãm có rất nhiều tác phẩm hay, có triển lãm có được vài tấm hay hoặc vài ý tưởng hay, không đều. Tất nhiên điều này tuỳ thuộc vào năng lực cảm thụ của mỗi người. Điều chắc chắn xem ảnh cũng là một cách để tổng hợp kiến thức. Người viết thử nêu ra đây ba tiêu điểm sau để xác được thế nào là một bức ảnh hay: 1. Có ý tưởng đặc sắc; 2. Có hình thức thể hiện độc đáo; 3. Có cách biểu đạt chặt chẽ.
Đặc biệt điều tôi quan tâm nhất ở các bức ảnh là thành phần thứ nhất: ý tưởng. Có thể chia ý tưởng trong ảnh làm bốn loại:
– Ý tưởng khơi gợi: giúp người xem nảy sinh những quan niệm mới hoặc giả thuyết mới từ hình tượng được nêu.
– Ý tưởng nhận thức: giúp người xem tự phân tích hay tổng hợp từ đó khái quát hoặc nhìn lại các khía cạnh của vấn đề.
– Ý tưởng phản biện: giúp người xem liên tưởng một cách biện chứng để hiểu được những giá trị ngược lại mà tác giả muốn đề cao.
– Ý tưởng thâm thuý: ẩn chứa chiều sâu giúp người xem đào xới các tầng nghĩa đen của ảnh mà suy ra nhiều lý lẽ cao siêu ví dụ như: cách hành xử hay lẽ sống ở đời.
Đi tìm ý tưởng trong ảnh chính là một quá trình tìm ngọc trong đá: ý tưởng không chỉ khơi gợi mà còn tổng hợp các cách suy nghĩ mở ra những chân trời thiện – mỹ đầy hứng thú. Tất nhiên điều này sẽ chẳng thú vị gì với những ai chuộng hình thức loè loẹt. Nó cũng không hứng thú với những ai thích đi tìm sự tươi mát hay sự ướt át trong ảnh. Con người từ một sinh thể trở thành con người xã hội, không phải lặp lại những gì loài người đã phải trải qua hành triệu năm về mặt xã hội ấy là nhờ giáo dục. Để rồi thế hệ sau đưa cái nền văn hoá đó lên những đỉnh cao hơn. Vì vậy, khi bàn đến văn hoá trong nghệ thuật – trong đó có nghệ thuật nhiếp ảnh – chính là nói đến “chiếc cầu” bắc nhịp, nối liền với nên văn minh nhân loại với thế hệ tương lai.