NSNA Phạm Hùng Cường: Tình yêu nhiếp ảnh đã ăn vào máu thịt
Sức mạnh giúp “Chị em” vượt qua hàng ngàn tác phẩm để đoạt được tấm Huy chương Vàng nằm ở yếu tố nào, thưa nghệ sĩ?
– Trong một lần đi sáng tác ở một vùng nông thôn tỉnh Nam Định, tình cờ nhìn thấy hai chị em đang ngồi trước thềm một ngôi nhà tranh vách đất, cô em đang mếu máo, cô chị phải dỗ dành. Tôi nhanh chóng chụp lại khoảnh khắc đó. Nhìn cửa khóa, hỏi ra mới biết hai chị em đang chờ mẹ đi làm về. Tôi vô cùng xúc động, vì những hình ảnh tuổi thơ ào ạt ùa về. Có lẽ, “Chị em” cũng chạm được vào cảm xúc của Ban Giám khảo và phải như thế mới có cơ hội đoạt giải. Mặt khác, ảnh được chụp đen trắng không chỉ giúp gợi nhớ thời gian mà còn thể hiện tâm trạng nhân vật cô đọng, rõ nét nhất vì không bị cạnh tranh bởi những màu sắc xung quanh. Đến nay, “Chị em” đã được góp mặt tại các cuộc triển lãm ở hơn 20 quốc gia trên thế giới.
Từng đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá trong nước và quốc tế, ông nhận thấy sự khác biệt nào trong tiêu chí xét giải?
– Các cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế thường đánh giá cao ý tưởng, cảm xúc bất chợt, tính nhân văn. Bức “Chị em” và các tác phẩm của tôi từng đoạt giải quốc tế thường chỉ chụp một lần, trong một khoảnh khắc duy nhất. Phong cảnh, con người Việt Nam cũng lạ so với thế giới nên dễ gây được sự chú ý. Còn ở Việt Nam, theo đánh giá chủ quan của cá nhân tôi, ngoài những yêu cầu về tính nghệ thuật, nhân văn, còn đòi hỏi tính chính trị. Mỗi năm ở trong nước lại có ít cuộc thi nên rất khó đoạt giải.
Năm nay có nhiều niềm vui đến với ông khi nhận được cả tước hiệu danh giá nhất của Hội NSNA Việt Nam EVAPAG và tước hiệu NSNA Ưu tú EFIAP của FIAP?
– Tôi nghĩ đó là cả một quá trình. Quy chế phong tước hiệu của FIAP đòi hỏi người nghệ sĩ phải thường xuyên, liên tục, phấn đấu không ngừng. Người được phong tước hiệu này phải có trên 50 tác phẩm khác nhau được triển lãm và đoạt giải thưởng ở 20 quốc gia khác nhau trên thế giới; phải có ảnh tham gia trên 250 triển lãm ảnh quốc tế. Sau đó, phải làm một hồ sơ đầy đủ chứng minh những điều đó. Hội đồng xét phong tước hiệu của FIAP sẽ kiểm tra hồ sơ và phong tước hiệu.
Những “cuộc chơi” ảnh quốc tế tốn rất nhiều tiền, mà người tham gia không thể biết “đứa con” của mình có chiến thắng hay không. Vậy, động lực nào thôi thúc ông vác máy đi sáng tác và gửi ảnh dự thi quốc tế suốt mấy chục năm qua?
– Vì tình yêu nhiếp ảnh đã ăn vào máu thịt tôi. Sáng tác ảnh không chỉ là niềm đam mê mà còn ngăn chặn sự bào mòn tình yêu sáng tạo, yếu tố đặc biệt quan trọng của nhiếp ảnh gia. Và hình như tôi bị “nghiện” thi ảnh quốc tế. Vì qua mỗi cuộc chơi như vậy, dù đoạt giải hay không tôi đều cảm thấy hài lòng. Tại đây, tôi có thể thêm hiểu biết về đồng nghiệp, đất nước, con người đến từ nhiều quốc gia. Mặt khác, được tiếp cận với nghệ thuật nhiếp ảnh thế giới để biết mình đang ở mức nào. Quan trọng hơn, tôi đã đưa được hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới vì nếu đoạt giải, ảnh có thể được triển lãm ở nhiều quốc gia. Với những gì nhận được sau mỗi cuộc thi ảnh quốc tế, tôi cho rằng, số tiền phải trả mức phí tham gia từ 50 đến 70USD là quá rẻ. Cho nên, tôi sẽ tiếp tục sáng tác và đi thi cho đến khi nào không còn sức lực.
Xin cảm ơn ông!