Tin tức chung

NSNA Nguyễn Á – Người vẽ cuộc đời bằng trái tim

PV: Anh mê nhiếp ảnh từ khi nào?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: Tôi làm nhiếp ảnh khoảng 20 năm, còn mê nó thì tôi cũng không biết từ khi nào, những khuôn hình đã thấm vào tâm trí tôi. Gia đình tôi, đa phần đều làm nghề giáo hoặc kiến trúc. Các anh chị em của tôi đều học tốt chỉ có tôi là học dốt nhất nhà. Từ nhỏ  tôi mê bóng ném, bóng đá, vào đội tuyển bóng ném của thành phố. Khoảng 22 tuổi thì vừa chơi thể thao vừa học làm ảnh. Cho đến một lúc nào đó tôi cắt hẳn thể thao chỉ chuyên tâm vào nhiếp ảnh. Lúc đó nhiếp ảnh là nghề cơm áo (cười), tôi sống chết với nghề cho đến giờ. Nhưng để làm nghề nhiếp ảnh mà sống được với nghề đến giờ này cũng không hề đơn giản chút nào. Tôi từng làm rất nhiều thứ chụp ảnh quảng cáo, ảnh cưới, chân dung, nghệ thuật, phóng viên ảnh… cho đến giờ vẫn vậy. Hơn hai mươi năm rồi, nghề của mình cũng thành một thương hiệu, nhiều người tìm đến tôi vì thế.

PV: Điều gì thôi thúc anh làm những triển lãm “Thanh niên tình nguyện” 2008, “Họ đã sống như thế” 2009 và đến nay là “Tâm và tài: Họ là ai”?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: (Cười) Có người bảo “Tôi bị trời đày, bắt phải làm”. Nhưng tôi làm bằng trái tim, và tôi nghĩ đó là điều quan trọng nhất, nếu không thì chắc không làm nổi đâu. Trong bộ ảnh Họ đã sống như thế là 90 nhân vật từ mọi miền đất nước. Lúc đầu,  tôi tìm đến họ, muốn chia sẻ một chút với họ bằng nghề nghiệp của mình. Rồi tôi nhận ra, trên khắp đất nước Việt Nam còn nhiều người khuyết tật giỏi lắm. Tôi muốn cho những người bình thường như chúng ta đến gần với họ hơn một chút để họ cảm thấy tự tin trong cuộc sống vì có nhiều người có cách cư xử không được tốt lắm với người khuyết tật. Tôi muốn vinh danh những người khuyết tật để họ cảm thấy họ yêu cuộc sống nhiều hơn. Đó là cách mà tôi  muốn làm bộ ảnh  Họ đã sống như thế, dùng nhiếp ảnh để tôn vinh họ.

Ngày đó, bộ ảnh cũng tạo được tiếng vang, tôi được nhiều trường mời đến giới thiệu về bộ ảnh và nói chuyện với các bạn trẻ. Để các bạn trẻ có thể nhìn vào đó sống tốt hơn, học giỏi hơn, ngoan hơn không xin tiền ba mẹ, không yêu sớm, và để thấy được mình may mắn hơn rất nhiều người để mình phải cố gắng. Giờ mình lành lặn tay chân mà mình còn tệ hơn những người khuyết tật thì thật tiếc quá.

Mỹ Tâm

PV: Gia đình anh nghĩ gì về những việc anh đang làm?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: Những gì tôi làm được khiến cho gia đình và ba mẹ vui lắm lắm luôn. Ngày nào ba tôi cũng ra xem triển lãm, ông cảm nhận được những việc mà con trai mình làm là như thế nào. Thấy những người tới xem trân trọng triển lãm của tôi, có lúc ông còn khóc nữa.

Mọi người trong nhà đều ủng hộ hết, nhưng cũng có  lúc họ thấy gian truân quá nên cũng can ngăn, nói tôi dừng lại. Nhưng tôi là người quyết đoán, mình nghĩ là làm chứ không chần chừ.

PV: Anh nghĩ gì về lối sống của những người trẻ hiện nay có thể nói là ích kỷ, ưa hưởng thụ nhiều quá, họ không quan tâm đến những giá trị của xã hội đang tồn tại?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: Các bạn trẻ sống hời hợt lắm, đó lại là động lực thôi thúc tôi tiếp tục làm bộ ảnh Tâm và Tài: Họ là ai? Lúc đầu tôi cũng hơi bi quan về các bạn trẻ. Rất may mắn, triển lãm lần này có rất nhiều các bạn trẻ tới xem. Các bạn tới xem và tâm sự “em xem 6 tiếng đồng hồ, coi chi tiết tỷ mỷ, ghi chép lại, em thấy đây là những gì hay nhất, tinh hoa nhất của một xã hội Việt Nam nằm ở đây. Qua cuộc triển lãm này, em nhìn lại bản thân em để em đi”. Nghe những điều đó mình cảm thấy sướng lắm, vui lắm.

Bùi Công Duy

PV: Khi nào anh thấy mệt mỏi với công việc này không?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: Có chứ. Nhiều lúc suy nghĩ và tự hỏi mình làm điều này để làm gì? Tại sao nó cực khổ như thế mà mình lại đi. Những chuyến đi đó tôi chỉ có một mình, trung bình một tháng ra Hà Nội ba lần, tự thuê một chiếc xe máy và chạy khắp thành phố để liên hệ nhân vật. Nhân vật ở xa cỡ nào mình cũng tìm tới, như vậy mới thể hiện hết cái thần thái của nhân vật, cảm xúc cao trào nhất… Những điều đó thể hiện đúng bản chất con người của tôi, không bó buộc, năng động. Người xem khi nhìn ảnh của mình có thể thấy được một xã hội đang phát triển rất nhiều, như một vòng xoáy. Từ hình họ có thể đánh giá con người của mình. Như một chiến binh ra trận và làm việc hết sức mình.

PV: Chia sẻ một chút về những khó khăn anh gặp phải trong quá trình anh làm Tâm và tài: Họ là ai?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: Tôi vui vì có thể thông qua nghề nghiệp của mình làm được những điều tương đối có ích cho xã hội. Nhìn nó đơn giản lắm vì mọi ngóc ngách trong cuộc đời đều được phác họa qua ống kính. Nhưng làm nó thì mới thấy nhiều gian truân lắm. Những người nổi tiếng họ đâu cần mình nói nhiều về họ. Nhưng chính cái không cần ấy mới thôi thúc tôi, là niềm tin để tôi có thể làm thành công Tâm và tài: Họ là ai? Có nhiều người tới dự triển lãm rồi, họ cũng không thể tưởng tượng được việc mà tôi đã làm. Họ đâu biết suốt mấy năm nay tôi đã chụp họ thế nào đâu, rồi bỗng dưng Nguyễn Á cho ra một bộ ảnh về 300 con người, 300 câu chuyện. Họ không thể tưởng tượng nổi việc tôi làm, khiến tôi thấy như vậy là đủ vui rồi. Vấn đề ở bộ ảnh này không phải là nhiếp ảnh nữa mà đi vào những giá trị xã hội của chúng ta, nó đang đi đúng hướng trong một thời đại nhiễu nhưỡng, các bạn trẻ sống rất hời hợt, những bộ ảnh  như thế ra đời tác động rất lớn đến người xem. Những giá trị đó tôi cho rằng có tiền cũng không thể nào mua được.

Phó An My

PV: Nhân nói đến chuyện tiền bạc, tôi tò mò không biết sao anh lại có nhiều tiền để bao nguyên một triển lãm như vậy?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á:Tôi sống bằng nghề nhiếp ảnh mười mấy năm, làm quảng cáo, chụp hình cưới, làm phóng viên ảnh… những cái đó giúp tôi sống được bằng nghề để dành được một ít và giờ thì xài nó. Tôi không thích dùng tiền của người khác dù có nhiều người ngỏ ý tài trợ này kia nhưng mình thích dùng tiền của mình hơn. Cảm giác ấy nó đã lắm, không diễn tả được.

PV: Có khi nào anh tò mò đi tìm hiểu vì sao bản thân lại làm những chuyện “chẳng giống ai” ấy không?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: Chuyện đó có gì là khác người đâu. Cách sống và cách đi của tôi ảnh hưởng rất nhiều từ người thầy, GS Trần Văn Khê. Thầy là một người mẫu mực, lúc nào cũng giúp đỡ mọi người không hề tính toán. Những điều đó nhập vô người mình từ lúc nào mình cũng không hay nữa. Quan trọng là tôi cũng thích như thế, mình quan niệm cứ sống đi, cứ cho đi và rồi mình sẽ được nhận lại rất nhiều. Phải có suy nghĩ không tính toán gì thì mình mới có thể làm được, nhiều người muốn làm như mình lắm nhưng không được. Phải có trái tim và cái tâm như thế nào rồi kỹ thuật nhiếp ảnh, thẩm mĩ, thiết kế, tư duy về báo chí mới nhìn nhận được hết vấn đề của nhân vật thì mới hoàn thành được một bộ ảnh. Quan trọng hơn cả là mình phải sống tốt thì tự nhiên mình sẽ làm được điều mình muốn. Khi đã làm rồi phải làm nghiêm túc, không được cẩu thả trong từng chi tiết.

GS Vũ Khiêu

PV: Khi chọn nhân vật, anh có xây dựng ra tiêu chí nào không hay tự mình chọn theo cảm tính?

Đa số nhân vật đều là do tôi tự tìm qua báo chí vì mình là người làm báo nhiều năm mà. Có khi các bạn trẻ không biết nhưng lên google tìm là thấy ngay thôi. Những nhân vật tôi làm trong Tâm và tài có thể  chưa đầy đủ nhưng không chọn nhầm đâu. Nên trong ba năm có thể mình không thể làm hết được nhưng tôi tâm niệm rằng quan trong mình đã làm đúng thì không ai trách mình nhưng làm bậy là có người “cứa cổ” mình ngay đấy (cười lớn). Câu chuyện của Tâm và tài là đem cả một nước Việt Nam ra nói chứ không phải chỉ một tổ dân phố. Đây là cảm nhận của riêng bản thân tôi, như tôi cũng đã chia sẻ trong ngày khai mạc triển lãm Tâm và tài “ Xin lỗi tất cả những người tài năng cống hiến khác mà chưa có mặt trong bộ ảnh lần này, nếu có dịp tôi sẽ làm trong tập 2 liền”. Tôi cũng đã nói thay cho những nhân vật của mình, bởi bản thân họ cũng đâu muốn có mặt trong bộ ảnh này, họ không muốn so sánh với ai cả.

PV: Anh dành thời gian như thế nào để hoàn thành mọi công việc của mình?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: Những ngày có khách thì tôi chụp, không có khách thì tôi đi.

Trịnh Xuân Thuận

PV: Những chuyến đi đột xuất, anh xử lý thế nào?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: Tôi đã từng rất nhiều lần dời, gọi điện cho họ xin hoãn, và họ cũng vui vẻ đồng ý vì chụp ảnh cưới họ thường chụp trước một, hai tháng. Đa số những người tới với tôi, họ biết về những gì tôi làm, họ mến mình vì những chuyện mình làm nên họ tới. Sự kiện chỉ có một lần nên mình phải cố gắng để đi, còn chuyện chụp hình mình có thể dời lại ngày khác.

PV: Anh có dự định khi nào anh sẽ dừng lại công việc này?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: Hiện tại tôi chưa có gia đình, đó cũng là một điều tạm gọi là may mắn trong công việc của mình (cười). Đó là chìa khóa mở để tôi có thể cống hiến chất xám của mình. Nếu lúc này hay trước đó lập gia đình thì điều đó chắc khó lắm. Người phụ nữ bên cạnh mình, có thể hiểu mình nhưng để lấy tiền nhà đi làm những chuyện như thế này thì khó lắm. Nếu mình đi làm mà lấy tiền từ nhà tài trợ lại là chuyện khác. Nhưng anh không thích thế. Tôi thích mọi người nhìn mình là một người rất mộc mạc, trung thực… Đi đâu mình có thể ngẩng cao đầu, tiền không có lúc này thì lúc khác có.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Back to top button