NSNA Lê Hồng Linh và kỷ lục 300 giải thưởng quốc tế
Tôi đã đọc ở đâu đó một câu nói: “Người nghệ sĩ hứng từng giọt thời gian để lưu giữ trong tác phẩm của mình. Và khi đó tác phẩm đã vượt thoát khỏi không gian thời gian để tồn tại vĩnh viễn”. Tôi đã xem những bức ảnh đoạt giải thưởng quốc tế và trong nước của NSNA Lê Hồng Linh, trong số đó có nhiều ảnh được anh đặt tên “Thời gian số…”, những khoảnh khắc “Mẹ và con”, “Dáng quê”,”Lớp học vùng cao”, ”Ngày hè”, ”Hai thế hệ”, ”Sáng và Tối”, ”Tâm linh”… Nhiều nữa trong số những ảnh của anh, mà mỗi ảnh là một câu chuyện của nghệ thuật ánh sáng và câu chuyện cuộc đời, không bao giờ cũ…
Tác phẩm “Sương sớm” của Lê Hồng Linh
– Vì lẽ gì từ một kỹ sư cơ khí, giảng viên dạy kỹ thuật, anh lại có thú vui với nghệ thuật nhiếp ảnh, không những thề lại rất thành công?
– Lúc đầu tôi nghĩ đơn giản, đến với nghệ thuật để tìm sự mềm mại, thư giãn sau những giờ giảng dạy về kỹ thuật khô khan… Nhưng, trong vài năm gần đây tôi lại thấy lao động nghệ thuật là một công việc hết sức nghiêm túc nặng nhọc, và tôi đã tìm thấy sự tương hỗ giữa kỹ thuật và nghệ thuật. Vì vậy, không phải do “ăn may” mà phần lớn sự thành công của tôi đều có cơ sở!
– Anh đến với nghệ thuật nhiếp ảnh chưa phải lâu, 18 năm, so với rất nhiều NSNA VN thì anh thuộc lọai “trẻ”, nhưng thành tích thì khó có ai sánh được. Bí quyết nào đưa anh đến với những “chiến thắng” đó? Nếu không phải là bí mật nghề nghiệp.
– Thật tình tôi chẳng biết mình có bí quyết gì không. Nhưng tôi luôn tôn trọng và ngưỡng mộ mình, tôi bấm máy bằng những cảm xúc chân thành nhất chứ không vì giải thưởng, không chạy theo sự ra đề của ai cả. Tôi bước vào cuộc chơi thật thanh thản. Có những cuộc thi trên thế giới giải thưởng lên đến 100 ngàn đô nhưng tôi không tham dự và có cuộc không có đồng nào tôi vẫn cứ chơi.
– Năm 2001 anh đứng thứ 12/Top 25 trong bảng xếp hạng của PSA-Hội Nhiếp ảnh Mỹ về ảnh đen trắng, năm 2002 anh đứng hạng 6, năm 2003 hạng 4, …và 2005 anh đứng hạng nhất, đến nay ở VN chưa có ai vượt qua. Sở trường của anh là ảnh trắng đen? Do anh thích hay ảnh trắng đen có hấp lực, ma lực gì?
– Tôi chụp cả ảnh màu lẫn ảnh trắng đen và yêu cả hai. Nhưng khi tham dự các salon quốc tế, vì tốn kém nên tôi tập trung thi ảnh trắng đen là chính. Thỉnh thoảng cũng có đoạt nhiều giải ảnh màu. Tôi rất thích thể loại ảnh trắng đen vì nó dung dị, sáng và tối, trắng và đen như thái độ rõ ràng của nhà nhiếp ảnh đối với cuộc sống.
– Có người nhận xét ảnh của anh có cách tạo hình gần với hội họa cổ điển thời Phục hưng. Có khi nào anh “bắt chước” những bức danh họa để “dựng” ảnh của mình? Anh nghĩ sao nếu như những ảnh được giải thưởng cao của anh bị ai đó nhận xét không tốt, hoặc chê?
Tác phẩm mang tên “Ngóng mẹ”
Nếu có ai đó nhận xét như vậy tức là họ đánh giá cao về tôi? Từ lâu, tôi luôn biết mình là ai và tự khen chê mình là chính. Những gì ở bên ngoài không thuộc về tôi!
– Anh là “kỷ lục gia” các giải thưởng ảnh nghệ thuật quốc tế và VN, nhưng chưa thấy anh có một triển lãm cá nhân nào, hay in ấn sách ảnh, chỉ “đứng” chung với mọi người. Tại sao anh không đưa tác phẩm của mình ra công chúng để mọi người chiêm ngưỡng, thưởng thức và chia sẻ?
– Tuy có nhiều giải thưởng, nhưng tôi thấy ảnh của mình chưa đủ sức để ra mắt một triển lãm cá nhân hay in một sách ảnh. Trong vài tháng nữa, có thể tôi sẽ ra mắt một Galery ảnh nho nhỏ tại nhà riêng (848/1M Hậu Giang, P12, Q6, TP.HCM) để kỷ niệm giải thưởng thứ 300.
Tác phẩm “Thời gian 10
– Đối với một NSNA, điều anh cho là quan trọng nhất trong sáng tác, sáng tạo nghệ thuật là gì?
– Giữ gìn độ trong sáng của tâm hồn mình!
– Sau này ít thấy anh tham gia các cuộc thi ảnh VN, mà thường ở vai trò giám khảo. Có lý do gì ngòai công việc được phân công
– Năm 2003, 2005 tôi đoạt trên 50 giải quốc tế/năm. Nhưng đến khi xét giải xuất sắc của VAPA thì không được giải nào. Tôi có tác phẩm đoạt gần 30 giải quốc tế nhưng đi thi ở VN vẫn không được treo… Tôi thấy mình không có duyên với những cuộc thi ảnh trong nước. Nên từ lâu rồi tôi rất ít dự thi ảnh trong nước chứ không chỉ vì tôi ở trong Hội đồng nghệ thuật của Hội Nhiếp ảnh VN và Hội Nhiếp ảnh TP.HCM.
Tác phẩm “Cùng vui”
– Cá nhân anh nhận xét về nhiếp ảnh nghệ thuật VN hiện tại như thế nào? Dự đoán trong tương lai nó sẽ phát triển ra sao: Nhiều trường phái, nhiều xu hướng hay…? Bản thân anh có muốn mạo hiểm thể nghiệm một thể loại nào khác với anh bây giờ?
– Thế giới biết đến và đánh giá cao nhiếp ảnh nghệ thuật VN chủ yếu dựa vào thành quả các giải thưởng, huy chương mà các nhà nhiếp ảnh VN giành được tại các salon quốc tế. Ở đây, phải ghi nhận sự nổ lực cá nhân của các nhà nhiếp ảnh rất lớn. Mặt khác, ở trong nước thì nhiếp ảnh rầm rộ phát triển kiểu phong trào với nhiều “thử nghiệm” mới lạ…Theo tôi, tương lai của nhiếp ảnh VN sẽ phát triển mạnh, nâng cao chất lượng và đa dạng nếu chúng ta chú trọng làm tốt công tác đào tạo nhiếp ảnh ở các bậc Cao đẳng, Đại học, đẩy mạnh công tác học thuật chuyên môn và giao lưu quốc tế, tạo điều kiện cho những dự án nhiếp ảnh cá nhân phát triển…
Riêng tôi, vừa hoàn thiện, vừa làm mới chính mình!
“Tung chài”
– Gần đây trong giới NSNA VN và cả công luận “xôn xao” về ảnh nude. Riêng anh nghĩ về thể loại này như thế nào? Ủng hộ hay thờ ơ? Anh thử chụp nude bao giờ chưa?
Tôi không thấy gì là “xôn xao” cả. Tôi nghĩ rằng cần sớm có một hành lang pháp lý để những chuyện dễ “xôn xao” trở thành bình thường. Còn riêng tôi cũng đã vài lần chụp ảnh nude nhưng thể loại này không phải là sở trường của tôi.
– Khi kỷ niệm 20 năm đến với nghệ thuật nhiếp ảnh của anh, năm 2010, anh có đặt cho mình mục tiêu hay dự định gì không?
– Vâng, sẽ có một ấn phẩm nhiếp ảnh của tôi cho 20 năm nhìn lại…
Tác phẩm mang tên “Thời gian 7”
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ tấm ảnh đầu tiên NSNA Lê Hồng Linh đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi ảnh “Trẻ em và mối quan tâm của chúng ta”, năm 1991, bức “Hồn nhiên”. Kể từ đó, giải thưởng như cứ tìm đến anh, như năm 2002 anh đoạt tới 36 giải thưởng quốc tế, năm 2003 anh đoạt tới 50 giải, 2005 đoạt 51 giải… Trong bộ “sưu tập” của anh có trên 60 giải vàng của quốc tế. Và anh có 21 tác phẩm được trưng bày vĩnh viễn trong các bảo tàng, thư viện ảnh của Tây Ban Nha, Italia, Ấn Độ…