NSNA Kim Mạnh và những khoảnh khắc bình dị về con người
Kim Mạnh bảo, anh tìm đến nhiếp ảnh bởi “chỉ có máy ảnh mới ghi lại hết được những khoảnh khắc của những chuyến đi trên các vùng miền, chỉ có máy ảnh mới ghi lại được vẻ đẹp của thiên nhiên và con người”.
Từng được khuyên “không nên chụp nữa”
Kim Mạnh vốn không phải là “dân nhà nghề” trong nhiếp ảnh. Chính sở thích đi nhiều, chính nhu cầu ghi lại những khoảnh khắc, cảm xúc, cảnh vật… trên đường đã bắc cầu dẫn anh đến với tình yêu chiếc máy ảnh.
Năm 1999, NSNA Kim Mạnh tham gia một khóa học ngắn ngày về nhiếp ảnh, chỉ để “chụp chơi”. Chiếc máy ảnh đầu tiên của anh là máy phim Praktica cùng ống kính normal 50mm. Tuy ống kính này bất tiện với nhiều góc nhìn, nhưng theo anh “hình ảnh với góc thật như mắt người phù hợp cho người mới học chụp. Có như vậy, tư duy về hình ảnh của mình mới được phát huy và sáng tạo hơn”.
Dần dà, “lên đời” với chiếc máy ảnh AF Nikon F801 và một ống kính zoom 35-105mm vào năm 2000, anh bắt đầu chuyển sự quan tâm từ cảnh vật sang chụp ảnh “sinh hoạt đời thường” và đi nhiều hơn. Nhưng có lẽ, kết quả không hề như mong đợi. Thậm chí, đã có lúc một người bạn rất thân của anh, cũng là một nghệ sĩ nhiếp ảnh có nói, “Kim Mạnh không nên đi chụp nữa, vì chụp không được, ảnh không hay, chụp tiếp có khi bán cả nhà!” Chụp ảnh, chơi ảnh tốn kém đã đành. Nhưng có lẽ, vì bạn không mảy may thấy chút “chất nghệ” nào trong những bức hình ấy… Nhưng không vì thế mà Kim Mạnh bỏ cuộc. Đơn giản vì anh chụp ảnh không để chứng minh điều gì, chỉ coi nó như thứ đồ chơi đòi hỏi kỹ năng và cảm xúc, thứ phương tiện đặc biệt để “kể” về những điều mình đã thấy cho người khác.
Năm 2000, anh đã có những bức ảnh treo triển lãm trong nước và quốc tế. Đến năm 2001, lần đâu tiên anh nhận được giải khuyến khích cho bức ảnh chụp chính người con của mình. Sự đam mê được “tiếp lửa” từ đó. Vì theo anh, “hình ảnh phải được chia sẻ với mọi người và cộng đồng để nhận được sự đồng cảm, điều đó tác động trở lại chính “tay máy” để người chụp phấn khích hơn, chăm chút hơn cho từng cú bấm máy”.
Những năm sau đó, chiếc máy chụp phim lầm lũi theo người nghệ sỹ “bướng bỉnh” này đến những vùng miền khác nhau của Tổ quốc. Anh đi nhiều, tâm huyết với những chuyến đi ấy, từ cực bắc với cột cờ Lũng Cú – Hà Giang, cực nam với Mũi Cà Mau, cực đông là đảo Trường Sa… Anh nói vui, còn đi đến hai điểm “cực” nữa là “cực sâu” – hầm mỏ khai thác than Mạo Khê và “cực cao” – đỉnh Phansipan, “nóc nhà Đông Dương”. Dự định sắp tới của anh là cực tây A Pa Chải và… bất cứ miền đất nào có cơ hội đặt chân.
Đến nay, NSNA Kim Mạnh đã sở hữu trên 50 giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế, điều này đã giúp anh khẳng định được tên tuổi của mình trong giới nghệ thuật nhiếp ảnh trong và ngoài nước, khi bước lên từ niềm đam mê của “kẻ nghiệp dư”.
“Tôi vẫn yêu máy phim hơn máy số”
Ấy là chia sẻ hồn nhiên của anh, dù sự du nhập rất nhanh của máy ảnh số đã khiến anh phải từ bỏ chụp máy phim. Anh kể, lúc đầu vẫn cố “đeo đuổi” chụp phim đến năm 2010, nhưng người chụp máy phim ít khiến việc tráng rửa khó khăn hơn, tráng 10 cuộn phim nhưng chỉ đạt được 20%. Dần dà, đành đổi sang “làm bạn” với máy ảnh số. “Có thể nói, về chất lượng hình ảnh thì khoảng cách chất lượng ảnh giữa máy phim và máy số gần như không còn. Máy số còn tiện ích hơn vì có thể xem ảnh trực tiếp, cho biết hình ảnh đã ổn hay chưa. Nhưng sự chờ đợi, mong ngóng hình ảnh nằm trong cuộn phim vẫn là cảm giác cho người ta “sướng”. Nên tôi vẫn “yêu” máy phim hơn máy số”, anh tâm sự.
Cũng từ giai đoạn này, anh gắn bó hơn với thể loại ảnh sinh hoạt đời thường. “Chụp ảnh đời thường dễ mà khó. Dễ vì là những điều mình bắt gặp hằng ngày ẩn chứa bao điều thú vị là chất liệu cho ảnh. Nhưng khó là mình có nhìn ra không, có “bắt” được không, có thể hiện trọn vẹn được không…”. Anh cũng cho biết, khi chụp những nhân vật hay, phải cố gắng làm sao để hòa đồng hoặc làm cách nào đó để họ thấy mình thân thuộc, chia sẻ như người quen, lúc đó nhân vật sẽ tự nhiên hơn và chân thực hơn trước ống kính. “Đôi lúc, cần dàn dựng và nhờ nhân vật đứng vào vị trí hay nguồn sáng mình sắp xếp để có bức hình chỉnh chu hơn nhưng phải sắp xếp như thật và hợp lý”.
Ống kính anh thường sử dụng trong việc chụp ảnh sinh hoạt đời thường là hai ống zoom gồm 35-105mm, 24-70mm sử dụng với máy ảnh Full-frame Nikon D3. Những ống kính này có dải zoom từ góc rộng đến trung bình và tele thích hợp với nhiều cỡ hình từ toàn cảnh đến chân dung, cận cảnh. Sở dĩ anh sử dụng ống kính này cũng bởi, “cuộc sống đời thường diễn ra rất nhanh, có những lúc chỉ là khoảnh khắc thoáng qua như một làn khói bay trên nóc nhà, do đó mình cần ống kính linh động để nắm bắt ngay hình ảnh ấy vì không có thời gian thay ra, lắp vào một ống kính khác có góc nhìn phù hợp”.
Kim Mạnh cũng chia sẻ, những hình ảnh của anh chưa bao giờ cắt ghép và can thiệp quá sâu bằng các phầm mềm chỉnh sửa: “Khi nói đến nhiếp ảnh là phải chân thực”. Bài toán của người chụp ảnh cũng là ở đó. Kinh nghiệm của anh là lựa chọn góc máy khác, nếu gặp những “chướng ngại vật” gây vướng trong hình, như các đường dây điện hay “rác hình” xung quanh. Có như vậy, khả năng tư duy của người cầm máy sẽ tốt hơn và không phụ thuộc quá nhiều vào các phầm mềm chỉnh sửa.
Bản thân cuộc sống là tự nhiên, bức ảnh muốn toát lên đúng tinh thần sống ấy, nên là một bức ảnh không chỉnh sửa. Thế nên, người đàn ông “bướng bỉnh” ấy vẫn tiếp tục hành trình của mình với chiếc máy ảnh và những cung đường, để tái hiện một thế giới thật như nó vốn thế.
* NSNA Kim Mạnh hiện là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, hội viên Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội… Tháng 5 vừa qua, Kim Mạnh đã tham gia triển lãm “Quê nhà” do Câu lạc bộ nhiếp ảnh Hồng Hà tổ chức. Số tiền bán ảnh từ triển lãm này được dành tặng cho các trẻ em của Hà Nội bị phơi nhiễm chất độc da cam – dioxin và những mảnh đời bất hạnh khác. Cũng trong tháng đó, các tác phẩm của NSNA Kim Mạnh cùng nhiều NSAN khác đã bán được 730 triệu bổ sung cho quỹ học bổng “Thắp sáng tương lai” tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. |