NSNA Hùng Cường: Nhiếp ảnh phải phục vụ cuộc sống
Hùng Cường làm bạn với chiếc máy ảnh từ rất lâu rồi, khi anh mới 19 tuổi và đang trong quân ngũ, nhưng lúc đó, chiếc máy ảnh với anh chỉ là công cụ làm việc của người lính. Kể cả sau này, khi đã xuất ngũ, anh cũng làm bạn với chiếc máy ảnh, nhưng đó là phương tiện kiếm sống: làm ảnh dịch vụ ở thị trấn Cồn, Hải Hậu, Nam Định. Mãi đến năm 1996, khi bước vào tuổi 36 – Hùng Cường mới bắt đầu đến với ảnh nghệ thuật. Và cũng kể từ đây, liên tục năm nào anh cũng giành được giải thưởng trong các cuộc thi ảnh từ cấp huyện, tỉnh, cho đến toàn quốc, rồi quốc tế, mà năm nhiều nhất có đến 5 giải thưởng.
Sinh ra và lớn lên tại miền biển Hải Hậu, Hùng Cường “tự nhiên” có được tố chất phóng khoáng của người dân biển, điều đó được anh thể hiện qua chính những tác phẩm của mình. Với anh, quê hương luôn là “chùm khế ngọt” để anh khai thác, khám phá và sáng tạo nghệ thuật: những tác phẩm giành giải thưởng của Hùng Cường khi mới đến với nhiếp ảnh nghệ thuật đều có nội dung gắn với quê nhà…
Không phụ thuộc vào tư tưởng cũng như khuynh hướng sáng tác nào… chỉ với niềm đam mê đường nét, ánh sáng, tự tư duy, tự vận động, Hùng Cường “thổi hồn” vào những tác phẩm của chính mình. Các tác phẩm của anh có được cái khoáng đạt của vùng quê miền biển và nét duyên dáng của thôn quê vùng đồng bằng sông Hồng. Dù yêu thích đề tài sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và lễ hội, nhưng anh cũng không bỏ qua khi bất chợt “bắt” được những hình ảnh đẹp của phong cảnh, cuộc sống đời thường. Nhiều bức ảnh của anh đã đọng lại trong trí nhớ của người yêu ảnh: Thức cho dân ngủ, Hội làng, Đi lễ chùa…
Hùng Cường tự nhận mình là người may mắn trong thi cử, nhưng nếu nhìn bảng thành tích mà anh giành được trong hơn 10 năm qua (mà có lẽ cũng ít người có được kết quả như anh) thì sẽ không ai tin rằng lần nào anh cũng gặp may mắn, mà phải nhờ vào sự đầu tư công sức, trí tuệ mới có được: sở hữu các giải nhất tại các cuộc thi ảnh từ cấp huyện cho đến tỉnh, rồi toàn quốc. Không những thế, Hùng Cường còn tự hào vì có được những giải thưởng cao mang tên “50 năm”: Cúp Bạc cuộc thi ảnh nhân kỷ niệm 50 năm Nhiếp ảnh Mianma (2000), Huy chương Vàng đồng hạng cuộc thi ảnh nhân kỷ niệm 50 năm Nhiếp ảnh Việt Nam (2003), Huy chương Vàng cuộc thi ảnh nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (2004).
Sau khi chuyển lên Hà Nội sinh sống, Hùng Cường lập Công ty riêng, công việc kinh doanh của anh cũng gắn liền với ngành ảnh. Do đặc thù nghề nghiệp, Hùng Cường là một người kỹ tính, nghiêm khắc đến mức khó tính: luôn đòi hỏi cao tính thẩm mỹ và khoa học với các sản phẩm do công ty mình sản xuất. Ngoài những lúc làm việc, anh trở thành một con người hoàn toàn khác: vui vẻ, hài hước, thích bông đùa, thích tụ tập bạn bè… Anh tâm sự: “Làm việc thì có những giờ nhất định, còn khi bàn luận về nhiếp ảnh, về nghệ thuật thì có khi cả ngày tôi cũng không thấy chán!”
Nhiều người nói, mải làm kinh tế, làm giám đốc, Hùng Cường “buông máy”. Với những người làm kinh doanh khác thì có thể đúng, còn với Hùng Cường không phải vậy! Hàng ngày, ngay từ công việc trong kinh doanh cũng tạo cho anh những ý tưởng sáng tạo nghệ thuật, chứ không chỉ lúc cầm máy đi sáng tác mới có. Và khi đã có được ý tưởng hay thì anh nung nấu, cố gắng bằng mọi cách thực hiện cho được mới thôi, cho dù có tốn nhiều thời gian, công sức. Anh cho biết, để có được một tác phẩm ưng ý, anh đã trở đi trở lại nhiều lần, chụp đi chụp lại nhiều lần, chẳng hạn như: “Kè chắn sóng biển”, “Những người đồng đội”, hay “Khát vọng sống”. Nhưng bù lại, những tác phẩm đó đều mang về cho Hùng Cường giải thưởng cao tại các cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế.
Bảng thành tích mà anh báo cáo hàng năm với Hội NSNAVN thêm một lần nữa khẳng định rằng, Hùng Cường vẫn còn đang rất hăng say sáng tạo, chứ làm sao mà “buông máy” được cơ chứ: vẫn có được những tác phẩm chọn treo tại các cuộc thi ảnh lớn như: toàn quốc, quốc tế cũng như được trao giải xuất sắc của Hội NSNAVN. Chỉ riêng năm 2007 này, Hùng Cường cũng có được 2 ảnh treo tại cuộc thi ảnh quốc tế VN ’07, rồi giải Ba cuộc thi ảnh chủ đề “Phật giáo và cuộc sống”, một cuộc triển lãm cá nhân tại Bungari, đồng thời bộ ảnh triển lãm này của anh cũng được Hội NSNAVN xét loại B đầu tư.
Với Hùng Cường, nhiếp ảnh phải phục vụ cuộc sống, chính vì vậy, cả trong sáng tạo lẫn trong kinh doanh, anh luôn có một tâm niệm: làm với tinh thần trách nhiệm của một người nghệ sĩ, một người công dân.
Niềm vui được mùa
Duyên xưa
Kè chắng sóng biển
Ngôi nhà vắng
Những người đồng đội