Nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay – Đôi điều ghi nhận
Những năm gần đây, dư luận xã hội ta ghi nhận: Nhiếp ảnh Việt Nam khởi sắc có nhiều hoạt động bổ ích, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa nghệ thuật của đất nước và đã ghi thêm nhiều sự kiện đáng tự hào trên trang sử phát triển của ngành, ngày càng có vị trí trong nhiếp ảnh quốc tế trên tất cả các lĩnh vực hoạt động: báo chí, nghệ thuật, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật, thương mại, dịch vụ…
1. Về lĩnh vực trong nước
Đặc biệt là sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, sự ra đời của máy vi tính đã tạo đà cho đội ngũ nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam càng hoạt động mạnh mẽ và gắn bó chặt chẽ với nghệ thuật hơn. Họ có thể lập một thư viện ảnh trên mạng Internet, không phải lo đến việc phải sấy phim, đèn nóng chống ẩm…. bằng kỹ thuật đồ họa sắc xảo, họ có thể xử lý màu sắc, ghép hình từ bức ảnh này sang bức ảnh khác… sau đó gửi qua mạng giao lưu với bạn bè quốc tế hoặc ra ảnh to để tham dự triển lãm, ảnh nhỏ để minh họa cho báo chí… Bên cạnh các cuộc thi và triển lãm toàn quốc 2 năm 1 lần. Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam còn phối hợp với các ngành tổ chức các hoạt động nhiếp ảnh quy mô quốc gia hoặc thiết thực hơn nữa là tích cực phát động phong trào sáng tác ảnh nghệ thuật phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, chẳng hạn như : Cuộc thi ảnh chuyên đề ‘Ảnh đẹp Khu công chế xuất – Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh’ (khai mạc triển lãm 16/5/2007 với 600 ảnh) hay ‘Cửa Lò – Những khoảnh khắc đẹp’ (khai mạc 30/4/2007)… Để duy trì và nhằm phát hiện ra nhiều nhân tố mới trong làng nhiếp ảnh Việt Nam, từ nhiều năm nay ở khắp các nơi có mở trường, lớp dạy nhiếp ảnh cho các thế hệ trẻ. Ở cấp Hội Nhiếp ảnh trung ương có phối hợp với Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh, theo hệ chính khóa, liên tục đào tào 25 đến 30 sinh viên. Còn ở địa phương thì có Trường dạy nghề nghiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh, mở trung tâm đào tạo nhiếp ảnh từ (3/11/2001) đến nay, do Hội Nhiếp ảnh Hà Nội bảo trợ; ở Hội Nhiếp ảnh thành phố Hồ Chí Minh, mỗi tháng đều có khai giảng các lớp nhiếp ảnh cấp tốc…
Ngoài ra, ngày 29/5/2004, Hội Nhiếp ảnh Trung ương đã mở trại sáng tác ảnh nghệ thuật dành cho các nhà nhiếp ảnh chuyên và không chuyên 12 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây là trại sáng tác quy mô nhất từ trước đến nay, nhằm nhấn mạnh mục tiêu chính của đợt tập huấn này là tăng cường thông tin và nghiệp vụ cho các cá nhân sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động nghề ảnh…
2. Về lĩnh vực hội nhập quốc tế
Cùng với những nỗ lực nhằm phát triển phong trao nhiếp ảnh rộng khắp cả nước, từng bước xây dựng nền nhiếp ảnh đỉnh cao, Hội Nhiếp ảnh Trung ương thực sự trân trọng việc mở rộng giao lưu với bạn bè quốc tế là điểm ‘mấu chốt’ và tạo đà cho hội nhập quốc tế, giúp các nghệ sĩ của ta có thêm tầm nhìn, biết sâu rộng, từ đó có điều kiện thuận lợi để anh chị em gửi ảnh dự thi ở các nước như: Hồng Kông, Thuỵ Sỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Achentina, Ôxtrâylia, Philippin, Đức, Pháp, Malaixia, Mỹ La Tinh… Họ đêm về nhiều giải thưởng, huy chương, chứng tỏ chất lượng ảnh của ta có thể sánh vai với chất lượng ảnh của các nước bạn. Điều kiện thuận lợi cho sự hội nhập ‘nhanh và vững vàng’ của nền nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay là từ ngày Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN. Trong công cuộc hội nhập quốc tế, nhiếp ảnh còn mở rộng hợp tác Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (FIAP). Đặc biệt, nhân dịp Đại hội lần thứ 28 của FIAP, tổ chức tại Thành Đô (Trung Quốc) diễn ra từ ngày 4 đến ngày 11/9/2006. Ông Chu Chí Thành (Chủ tịch Hội NSNAVN) đã nhận Huy chương Vàng dành cho bộ ảnh đen, trắng của Việt Nam. Sự kiện này như một mốc son mới đánh dấu bước tiến và vị thế của nghệ thuật nhiếp ảnh nước ta trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những gì đáng ghi nhận, đáng tự hào ấy của nền nhiếp ảnh của ta hiện nay vẫn còn những hạn chế bất cập chưa có thuốc nào chữa được, đã làm hạn chế phần nào sự nhiệt tình hăng say lao động nghệ thuật nhiếp ảnh của giới cầm máy. Thứ nhất là về bản quyền tác giả ảnh, quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực ảnh, ở nước ta vẫn chưa có hiệu quả cao, nên ảnh của nhiều tác giả luôn luôn là mối dình dập của những kẻ ‘ăn cắp’ có thể qua mạng Internet hoặc bị chụp chộm… Thứ hai, là về chất lượng ảnh báo chí hiện nay so với mặt mạnh của ảnh nghệ thuật thì bị ‘lép vế quá’. Hầu hết phóng viên ở các báo chỉ lo viết bài, chứ coi nhẹ việc chụp ảnh. Việc chụp ảnh minh hoạ hay trang trí mặt báo, hầu hết là do các nghệ sĩ nhiếp ảnh chụp. Nguyên nhân vì đâu? Do khâu đào tạo từ khi còn là sinh viên báo chí? Hay do có học nhưng không có hành? Hoặc do sâu xa hơn là, mỗi bức ảnh được đăng tải trên mặt báo, tác giả chỉ nhận đựơc một khoản tiền nhuận ảnh tương đương với một phần ba so với tiền nhuận bút một bài báo viết? Hoặc do người ta đánh giá lao động của phóng viên nhiếp ảnh không bằng lao động ‘trí tuệ’ của phóng viên viết?… Còn mặt thứ ba nữa phải bàn là, tại sao cho đến nay ở nước ta chưa có đựơc một bảo tàng riêng cho nhiếp ảnh, để lưu trữ ảnh nghệ thuật quốc gia đạt tiêu chuẩn, những ảnh tư liệu báo chí quý giá của lịch sử để lại?
Trên đây là những điểm ghi nhận đáng tự hào và đáng lưu tâm của nhiếp ảnh hiện nay của nước ta. Thiết nghĩ, Đảng và Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến ngành nghệ thuật này, vì ‘ảnh’ là sự ghi chép sử bằng khoảnh khắc bấm máy, luôn luôn là vĩnh cửu, cho hôm nay và ngày mai, về những chiến thắng vẻ vang hai cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân ta, những cuộc đổi thay của đất nước ta trong quá trình xây dựng, phát triển và hội nhập. Nếu được như vậy, nhiếp ảnh của ta trong tương lai sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa.