Tin tức chung

Người chụp ảnh trên ngọn cây thông

Nơi nhiếp ảnh gia Nguyễn Thịnh chọn để chụp ảnh nằm ở vị trí khá cao, sau chánh điện của Thiền viện Trúc Lâm. Muốn đến đó phải qua ba cái cổng tam quan dựng trên triền đồi cách mặt hồ Tuyền Lâm phía dưới đến hơn 200m. Ở độ cao như vậy, sức gió khá mạnh lay ngả nghiêng ngọn thông cao vút mà ông Thịnh sắp trèo lên. Song ông chẳng ngại gì, cứ một mực bảo đảm mình sẽ an toàn. Cuối cùng bốn nhà sư đồng ý giúp ông dùng dây cột chặt bốn cái thang dựng đứng với chiều cao hơn 20 thước áp vào thân cây thông trên đồi. Ông Thịnh quấn ngang lưng sợi dây bảo hiểm bước từng bậc thang lần lên đến ‘đỉnh gió hú’ rồi đảo mắt nhìn quanh. Từ ngọn thông ấy, ông đã chụp một loạt ảnh ưng ý về cảnh quan tĩnh lặng và tôn nghiêm của Thiền viện Trúc Lâm.

Toàn cảnh Trúc Lâm Thiền viện từ trên đỉnh ngọn thông nhìn xuống Ảnh: Nguyễn Thịnh

Chúng tôi đến gặp ông trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm trên đường Nguyễn Thiện Thuật, Q.3,  Thành phố Hồ Chí Minh, để nghe ông thuật lại vì sao ông muốn chụp số ảnh đó. ‘Vì tôi đã chụp quang cảnh thành phố Đà Lạt ở nhiều góc độ và cảnh sắc ‘động’ vào dịp Festival hoa vừa rồi. Nhưng vẫn thấy thiếu thiếu điều gì. Từ đó tôi muốn chụp thêm một số ảnh nữa để đặc tả về một không gian Đà Lạt trong cảnh giới ‘tĩnh’ và tôi đã chọn Thiền viện Trúc Lâm để thể hiện’, ông thổ lộ. Rửa phim làm ảnh xong, ông Thịnh muốn tham gia trưng bày các bức ảnh ấy, để người nước ngoài thuộc 500 đoàn đại biểu trên thế giới sẽ đến Việt Nam dự Đại lễ Vesak 2008 tại Hà Nội vào giữa năm tới được nhìn thấy phần nào cảnh quan tôn nghiêm của Thiền viện Trúc Lâm do ông ‘chụp từ ngọn cây thông’ xuống.

Cũng ở một độ cao khác, ông Thịnh đã chụp thủ đô Hà Nội với các bức: Khu đô thị bên sông Hồng, hồ Trúc Bạch, cầu vượt Nam Chương Dương, đê sông Hồng, cầu Long Biên… Hết thảy 41 bức ảnh của Nguyễn Thịnh gom lại đã được UBND TP và Sở Văn hóa –Thông tin Hà Nội tổ chức trưng bày quanh hồ Hoàn Kiếm qua cuộc triển lãm chủ đề Hà Nội – bảo tồn và phát triển vào cuối mùa thu năm ngoái (tháng 9.2007).

Tại triển lãm trên, mỗi bức ảnh của ông được phóng lớn với kích thước 1,3 x 3,2 m và in trên tấm bạt hiflex xuyên sáng hai mặt, lồng vào hộp đèn nê-ông với công suất 40W mỗi bóng. Công nghệ này cho phép ảnh giữ nguyên màu sắc vào ban ngày lẫn ban đêm. Vì thế người Hà Nội dạo quanh hồ Hoàn Kiếm có thể xem ảnh chụp của ông trong cái rét mùa thu. Xem ảnh ông, nhà thơ – nhà báo Nguyễn Thụy Kha nhận xét: ‘Ảnh của Nguyễn Thịnh có một nét riêng không trộn lẫn được, bởi người ta có thể nhìn thấy trong ảnh của anh những đường nét của giai điệu, những lát cắt của tiết tấu. Chúng ‘hát’ lên nhiều cung bậc ‘vô thanh’ qua những hình ảnh thực!’.

Ông Thịnh đang leo lên ngọn thông bằng thang. Ảnh: Chu Đức

Tại sao Nguyễn Thụy Kha lại nhắc đến âm nhạc ở đây? Là vì trước khi say mê chụp ảnh, Nguyễn Thịnh đã mê âm nhạc, là nhạc sĩ viết bài Lên núi do NSƯT Mạnh Hưng hát và bản nhạc này khá phổ biến thời chiến tranh biên giới. Con đường đến với âm nhạc của Nguyễn Thịnh cũng khá bất ngờ. Theo ông kể, ông sinh năm 1933 tại Thái Bình, hồi kháng chiến chống Pháp đã sớm gia nhập quân đội và nghĩ mình sẽ đi theo ‘nghiệp’ nhà binh tới già. Nhưng rồi, ông nói:  ‘Một bữa kia có đoàn văn nghệ tuyên truyền miền duyên hải phía Bắc đến chỗ đơn vị tôi đang đóng quân biểu diễn để động viên bộ đội hăng hái chiến đấu.

Tới cuối buổi, anh em trong đơn vị bảo tôi lên hát một bài đáp lễ. Tôi liền bước ra hát to bài Chiến sĩ vô danh của nhạc sĩ Phạm Duy. Hát xong anh em vỗ tay rần rần. Ngay đêm ấy, ông trưởng đoàn văn nghệ có mặt trong buổi biểu diễn nghe tôi hát đã ‘chấm’ ngay giọng ca của tôi và đã trao đổi với vị chỉ huy để chuyển tôi từ anh bộ đội mới tập bắn súng trở thành ‘nghệ sĩ lang thang’ qua các vùng giải phóng của đoàn. Rồi thời gian đưa đẩy tôi về công tác tại Bộ Văn hóa – Thông tin và sau 1975 thì ‘cắm chốt’ tại văn phòng đại diện Bộ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Khi đó, tôi mới lập gia đình, cưới vợ người Sài Gòn là Thúy Hồng và ở luôn trong Nam tới nay’.

Chị Hồng, vợ ông là người sành nghệ thuật cắm hoa. Khi chúng tôi tìm đến nhà, ông đang chuẩn bị cho một chuyến đi bằng xe Honda ra Bắc với chị Hồng.

– Anh đang định đi đâu nữa?

– Đi chứ. Đi quanh năm mà!

– Đi quanh năm? Bằng xe gắn máy?

– Đúng! – Ông xác nhận – Nếu tính từ ngày về hưu vào năm 1993 đến nay thì 14 năm liên tục, năm nào tôi với Hồng cũng đèo nhau đi từ Nam ra Bắc và lại từ Bắc vào Nam để chụp ảnh những nơi mình đi qua.

Ở hoạt động này, ông cũng lại là mẫu người đặc biệt. Vì tuy đã 75 tuổi, song ông vẫn tiếp tục xông xáo đi khắp nơi bằng chiếc xe gắn máy mà ông gọi là con ‘bạch mã’ đường trường.

Bởi chiếc xe của ông sơn màu trắng và ông đã cưỡi nó ngày đi đêm nghỉ trong ít nhất 20 lần xuyên Việt từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Ông lên Sapa chụp tuyết rơi, xuống đèo Ngang để ‘bắt hồn’ những đám mây chiều bảng lãng, nhiều lần đứng bên bờ sông Hương để ghi vào máy ảnh những tà áo tím. Chúng tôi hỏi trên đường đi ông ăn đâu ngủ đâu.

Ông cười đáp: ‘Đụng đâu thấy thích thì dừng’. Nói rõ ra, hễ đến nơi nào có khách sạn, hai vợ chồng ngủ khách sạn, vào nhà người quen sợ phiền, nhiều lần dừng chân ở chỗ lạ hoắc, trời chạng vạng, họ xin ngủ lại ở trụ sở các ủy ban nhân dân huyện, xã. Giáp Tết Mậu Tý 2008 vừa rồi, đầu tháng chạp, ông đã tiếp tục cùng vợ mở cuộc hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, rồi trở về Thành phố Hồ Chí Minh để đi miền Tây săn ảnh về sinh hoạt Tết Nam Bộ – một tuyến chủ đề mới của ông. Ông nói, dù có nhiều bức mới, song các bức chụp trên ngọn thông của Thiền viện Trúc Lâm vẫn được xem là loạt ảnh hoành tráng và ‘lộng gió’ nhất trong năm!

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Back to top button