Tin tức chung

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh: Rành mạch và phóng khoáng

Nửa cuối những năm 1980, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật – nơi tôi công tác – ra “Sách lịch kiến thức phổ thông”. Đó là loại ấn phẩm định kỳ, ra hàng năm như mọi loại lịch khác. Nhưng khác với lịch chủ yếu cho những thông tin về ngày tháng, đây trước hết là sách, với nội dung bao hàm các sự kiện lớn sẽ diễn ra trong năm, các danh nhân được kỷ niệm, các vấn đề đặt ra cho năm tới v.v…

Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Võ An Ninh

Hồ Hoàn Kiếm đầu thập niên 80-thế kỷ XX. Ảnh: Võ An Ninh

Đương nhiên, sách cũng in những bức tranh, bức ảnh của thế giới và trong nước, để giới thiệu cái hay, cái lạ với độc giả và cái chính là để làm đẹp cho cuốn sách. Một trong những tác giả ảnh hàng đầu mà chúng tôi đặc biệt quan tâm là nhà nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh.

Còn nhớ lần kiến trúc sư Đoàn Đức Thành đưa chúng tôi đến ra mắt nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh. Anh Thành là dân kiến trúc, nhưng lại rất đam mê chụp ảnh. Anh từng theo học lớp nhiếp ảnh của cụ Võ và dễ hiểu là anh rất phục cụ.

Hồ Gươm xưa. Ảnh: Võ An Ninh

Nhà cụ ở phố Tuệ Tĩnh, số 36, một ngôi nhà Tây khá bề thế. Nghe đâu cụ mua bằng tiền bồi thường do một lần bị tai nạn ôtô. Một chiếc xe đi trái đường đã đâm phải cụ, khiến cụ bị thương ở chân đến thành tật. Tòa đã xử phạt chủ xe một mức tiền lớn, đủ để cụ mua ngôi nhà nói trên.

Anh Thành giới thiệu chúng tôi với cụ. Đến lượt tôi, anh nói đại ý, tôi là Nguyễn Huy Thắng, biên tập viên nhà xuất bản được giao biên tập sách lịch… Anh Thành đang định nói tiếp thì cụ đã nheo mắt hỏi, có phải anh là… Tôi nghĩ cụ đã đoán ra tôi là con của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mà cụ là người cùng giới văn nghệ sĩ, chắc có biết.

Đúng là cụ có biết, nhưng lại hỏi một cách gián tiếp, có phải tôi là cháu ông Nguyễn Huy Ý ở Đông Anh? Bác Ý là anh ruột bố tôi, công tác ở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Đông Anh. Thỉnh thoảng đi chụp ảnh ở huyện tôi, cụ vẫn hay được bác tôi tháp tùng. Tôi thấy thú vị về câu hỏi của cụ, vừa tự nhiên, vừa lịch lãm. Và trong thâm tâm tôi thật mừng cho bác tôi đã giúp được cụ ít nhiều trong những bức ảnh về quê nhà.

Với những mối quan hệ thuận lợi như thế, tôi may mắn được cụ tiếp nhận, cho phép chọn ảnh thoải mái. Chúng tôi bao giờ cũng chọn dư ảnh một chút, để dễ cho việc “tác nghiệp” sau này. Chọn xong, chúng tôi hẹn ngày quay lại, lần nào cũng được cụ chuẩn bị sẵn ảnh cho, chỉ việc lấy đem về. Sách ra, chúng tôi tính tiền những bức ảnh đăng, trả đầy đủ theo đúng quy định nhuận bút của nhà nước.

Lâu dần thành thân, chúng tôi được cụ cho xem những bức ảnh cụ chụp trước Cách mạng. Không phải các ảnh chụp nạn đói năm bốn lăm mà chúng tôi thi thoảng vẫn dùng cho những bài về thời Tiền khởi nghĩa, cũng không phải các ảnh chụp Sa Pa mờ sương dùng vào đâu cũng đẹp. Mà là những tấm ảnh chụp thiếu nữ.

Cụ Võ chụp thiếu nữ đẹp lắm. Đặc biệt loạt ảnh chụp các cô thôn nữ ở làng và các thiếu nữ tân thời bên Hồ Tây. Tôi còn nhớ một bức cụ chụp một cô thôn nữ ngả người bên đống rơm. Cô bận áo cánh, mặc yếm, vấn khăn, mặt đẹp như ngọc, cánh tay nõn nà và mắt thì nhìn thẳng vào người đang ngắm nhìn mình. Với một gã đàn ông đầu “băm” như tôi, bức ảnh quả là gợi cảm!

Tôi cũng rất thích một tấm ảnh khác cụ chụp các cô thiếu nữ Hà thành áo dài trắng, người dắt xe đạp, người khoác tay nhau đứng nhìn xa xăm bên Hồ Tây. Bức ảnh khiến tôi nhớ đến những trang nhật ký cha tôi tả các nữ sinh Trường Đồng Khánh mà ông khát khao hồi mới bắt đầu làm thư ký ở Sở Đoan (sở Thuế quan Hà Nội).

Tôi ngỏ ý nhờ cụ Võ phóng cho hai tấm ảnh ấy, tất nhiên với điều kiện cụ cho tôi được trả tiền. Cụ Võ đồng ý, nhưng chỉ lấy tiền giấy ảnh (bấy giờ khá đắt). Còn tiền “bản quyền” cũng như công làm “buồng tối”, cụ cho không tôi.

Sự việc cứ thế diễn ra cho đến một năm, cụ bảo, đại ý: Tôi nay già rồi, hôm nay còn thế chứ chẳng biết ngày mai thế nào. Các anh lấy ảnh thì cứ lấy, nhưng trả tiền luôn cho tôi. Coi như mua đứt. Sách ra, các anh không phải trả nhuận ảnh cho tôi nữa.

Chúng tôi nghĩ thế cũng phải và xin được hỏi cụ giá thế nào. Cụ cho một cái giá mà tôi nghĩ là hơi cao, nhưng suy cho cùng, với một tên tuổi như cụ Võ, thế cũng là thỏa đáng. Thời Tây, người ta bồi thường cho cụ còn cao đến đâu ấy chứ!

Tuy nhiên, do vượt quá mức quy định về đơn giá nên tôi xin phép cụ về báo cáo lại giám đốc. Cụ bảo nên như thế đi, cho thật thoải mái. Các anh mua cũng được mà không mua cũng được, đừng phải bận tâm. Chứ cái quy định của nhà nước, nó ngặt nghèo lắm.

Tôi về báo cáo giám đốc. Anh Nguyễn Mạnh Tuân, Giám đốc của tôi, gãi gãi tai một lúc rồi bảo: “Thôi thế cũng được. Với cụ Võ mà. Có gì mình sẽ nói với tài vụ”.

Sáng hôm sau, tôi trở lại nhà cụ Võ chọn ảnh. Lần này tôi có thận trọng hơn, không lấy bừa đi như mọi bận nữa, mà chỉ chọn những bức chắc chắn sẽ dùng. Chọn xong, tôi nói cụ viết cho một cái giấy biên nhận để về làm thanh toán.

Buổi chiều, tôi đang ngồi làm việc ở tầng ba ngôi nhà của cơ quan mới xây thì có tiếng ồn ào ở dưới nhà. Một lúc, cô kế toán hớt hải chạy lên tìm. Cô vừa thở vừa nói: “Cụ Võ, cụ Võ…”. Tôi hốt hoảng hỏi cụ Võ làm sao? Cô cố nén hơi, nói: “Cụ thắc mắc…”. “Thắc thắc cái gì?” – Tôi bắt đầu chột dạ. “Dạ, thắc mắc về tiền ảnh…”. Lúc này thì tôi lo thật sự rồi. Chả hay mình có làm gì sai, mình có điều gì thất thố với cụ? “Tốt nhất anh cứ xuống gặp cụ dưới tài vụ – Cô kế toán bảo – Cụ leo gác khó khăn lắm, đừng để cụ lên”.

Thú thực tôi có tái mặt trong lúc xuống cầu thang. Liệu có chuyện gì nhỉ? Tôi vào phòng tài vụ, thấy cụ đứng giữa phòng, tay dận dận cây ba toong, vẻ bức xúc. Thấy tôi, cụ phân trần: “Khổ cho tôi quá, tính thế nào cho các anh mà đắt những mười lần”.

Mãi rồi cụ mới giải thích được rằng, khi đếm ảnh xong, cụ nhân lên, nhưng lẫn cẫn thế nào thành ra tính giá gấp mười lần. “Khổ quá, không biết các anh nghĩ về tôi thế nào! Đây, tôi đã viết sẵn mấy chữ này, phòng không gặp được các anh thì để lại, để các anh hiểu cho tôi”.

Tôi đứng như trời trồng, quên cả nhận tờ giấy từ tay cụ. Sau giây phút ban đầu mừng vì mình không có lỗi gì, tôi sững sờ vì cử chỉ của cụ. Thoáng trong óc tôi phép tính chia mười. Trời ơi, sao cụ lại có thể lấy rẻ như thế được? Nhân mười thì có thể hơi cao (so với quy định của nhà nước thôi), nhưng nếu là chia mười, thật quá là cho không!

Tôi sẽ không kể tiếp chuyện sau đó diễn ra thế nào, rằng cụ còn mãi phân bua, rằng chúng tôi cố nài cụ cứ nhận như thế cho. Rằng cụ một mực không chịu, rằng chúng tôi v.v. và v.v. Tất cả  đều trở nên nhạt nhòa trước hình ảnh một cụ già mái tóc bạc phơ, miệng lập bà lập bập không nói nên lời do xúc động.

Đã hai chục năm có lẻ kể từ ngày ấy. Tôi tiếc là không còn giữ được tờ giấy phân trần của cụ. Tôi tiếc là đã để mất hai bức ảnh vô giá của cụ. Mấy lần chuyển đổi cơ quan, rồi lại chuyển nhà nữa khiến cho nhiều thứ bị thất tán, trong đó có thể có cả những kỷ vật của cụ Võ An Ninh. Dù sao, tôi cũng không thể biện minh cho mình về sự sơ suất không thể tha thứ này!

Nay ngồi ghi lại những dòng này, âu cũng mong được khuây khỏa chút nào…

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Back to top button